Trang chủ

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2025

PHO – TƯỢNG – MẸ TRONG BÀI THƠ “CHIỀU VỠ ÒA BIÊN CƯƠNG” (VĂN CÔNG HÙNG)

 Hôm nay, 12/7/2025 mà không đăng bài này thì bao giờ đăng. 

Ngày hôm nay của năm 1984, gần 1000 chiến sĩ đã hy sinh trên toàn mặt trận (con số có thể không chính xác, có thể nhiều hơn). Có những địa danh nghe đã khủng khiếp: “Đồi thịt băm” 772, “Lò vôi thế kỷ” 685, “Thung lũng gọi hồn”, "Cửa tử". Nhà cháu đã lên đài hương 468 thắp hương các liệt sĩ. Ngày hôm nay giỗ trận Vị Xuyên.

Bài thơ "Chiều vỡ òa biên cương" của nhà cháu, sau khi đăng trên Tạp chí Văn Nghệ quân đội đã được TS Trịnh Thu Tuyết có mấy nhời, sau đó đăng Vanvn, trang web của Hội Nhà Văn, hôm nay bà Tuyết cũng đăng trên trang mình, và nhà cháu xin cũng... 

-------------

 

PHO – TƯỢNG – MẸ TRONG BÀI THƠ

“CHIỀU VỠ ÒA BIÊN CƯƠNG” (VĂN CÔNG HÙNG)

Chiều vỡ oà biên cương

Mộc miên đã rụng đầy suối
viên đá cuội khô kịp lên rêu
trời xanh giăng ngang núi
rừng đã kịp non sau bom pháo tơi bời

Mẹ khóc
nén nhang cũng khóc
tóc bạc phơ lặng ngắt nắng chiều
con mẹ đấy, ngôi sao đỏ chói
im lìm tấm bia im lìm chân hương

Tiếng súng ấy đã vang nơi này
đá thành vôi đá tan như bụi mịn
những thân người trắng xóa
mắt đen, nòng súng đen

 

Mẹ đến tìm con
bốn mươi năm sau ngày đau thương ấy
vai gầy như hơi thở
con cười trong bia

Con mãi tuổi hai mươi
thương mẹ tảo tần
bông hoa nở trong chiều muộn
nghĩa trang gối đầu vào núi
vẫn đội hình hành quân

Có một cô gái khóc
chiều vỡ òa biên cương...

(Văn Công Hùng, Văn nghệ Quân đội, 2/6/2024)

 

Có ý kiến cho rằng “Giá trị của một bài thơ nằm ở số lượng những bức tranh được vẽ trong bài thơ đó” – tôi nghĩ đây chỉ là cách nói cực đoan để nhấn mạnh giá trị tạo hình đặc sắc của ngôn ngữ thơ chứ tất nhiên không nhằm phủ nhận những giá trị khác của thơ ca. Đó là ý nghĩ đầu tiên đến với tôi khi đọc “Chiều vỡ oà biên cương” của tác giả Văn Công Hùng, bài thơ viết về một người mẹ đến nghĩa trang liệt sĩ thăm mộ con, bài thơ buồn với quá nhiều hình ảnh đầy ám ảnh.

Bản thân nhan đề “chiều vỡ oà biên cương” đã là một hình ảnh bao trùm thấm lạnh cả bài thơ. Thực ra, “chiều” là một khái niệm của thời gian, mà thời gian thì trừu tượng, vô hình, vốn khó có thể coi là một “hình ảnh”! Chính nhờ những kết hợp từ đặc sắc mà người viết đã gợi ra cái “vỡ òa” nức nở, nghẹn ngào, đã khiến thời gian được hữu hình trong không gian lạnh lẽo, úa tàn, hiu quạnh của buổi chiều “biên cương”, một không gian có thể làm tan nát lòng người.

Khổ thơ đầu là trùng điệp những hình ảnh của thiên nhiên cây cỏ rừng biên cương, nơi người mẹ tới thăm mộ con. Nơi ấy, hoa “mộc miên đã rụng đầy suối/ viên đá cuội khô kịp lên rêu/ trời xanh giăng ngang núi/ rừng đã kịp non sau bom pháo tơi bờinhững hình ảnh bình dị nhưng trong bài thơ này, nó dội vào lòng mẹ, và cả người đọc chúng ta một nỗi đau nhức nhối bởi nghịch lí tàn khốc của chiến tranh: hoa đã nở và đã rụng, đá cuội đã khô và đã lên rêu, trời vẫn xanh như sự bất biến vĩnh hằng, và nhất là, khu rừng biên cương ngày nào trơ trụi, tơi bời vì bom rơi đạn nổ, nay cây lá đã non xanh tươi tốt! Những hình ảnh âm thầm gợi ra trong lòng người mẹ đau khổ câu hỏi chua xót: Tại sao thời gian vẫn trôi chảy, cuộc sống vẫn đổi thay, cây rừng vô tri cũng đã hồi sinh, tràn đầy sự sống, chỉ có con và những đồng đội của con lại vĩnh viễn không thể hồi sinh, những điều tàn khốc, đau đớn đã xảy ra vĩnh viễn không thể nào thay đổi?

Mọi sự không theo lẽ thường đều chứa đựng những nghịch lí, trái ngang, một hình ảnh luôn đưa tới cảm giác đau đớn bởi sự trái ngang trong bài thơ chính là hình ảnh người mẹ liệt sĩ tới thắp hương cho con trong nghĩa trang chiều biên cương. Ba câu đầu khổ 2 như chạm khắc pho tượng Mẹ, nhỏ bé, lặng phắc, thê lương giữa nghĩa trang mênh mông trắng xóa: “Mẹ khóc/ nén nhang cũng khóc/ tóc bạc phơ lặng ngắt nắng chiều”! Nước mắt lăn trên gò má răn reo của mẹ, tàn nhang rơi trong nắng chiều hiu hắt. Người ta thường quan niệm đốt nhang là để tạo sự kết nối huyền bí, thiêng liêng giữa hai cõi dương – âm, vậy có phải nước mắt mẹ đang rơi cùng sự thấu nhận đau đớn của con dưới ấy, hiện hữu theo những tàn nhang xám lụi, tơi tả trong gió, trong nắng chiều hôm? Trên pho tượng mẹ còn một sự hòa điệu buồn bã nữa khi mái tóc bạc phơ của mẹ cũng“lặng ngắt” trong sắc nắng chiều nhạt lạnh, xế chiều đời mẹ hòa trong xế chiều biên cương, buồn hơn nước mắt. Thực ra, nghĩa trang trống trải vùng biên cương có lẽ chẳng bao giờ lặng gió, vậy mà sao nhà thơ vẫn chỉ nhìn thấy mái tóc mẹ “lặng ngắt”, có phải đó là cách để hóa đá nỗi đau, tạo sự hòa điệu với cõi chết im lìm?

Khác rất nhiều với sự tráng lệ, bề thế của các tượng đài khắp mọi tỉnh thành, pho – tượng – mẹ trong “Chiều vỡ oà biên cương” nhỏ bé, đơn độc, và gầy guộc. Bởi đó là mẹ, thật trong đời, nén chặt nỗi đau giữa im lìm những nỗi đau của nghĩa trang chiều biên cương:Mẹ đến tìm con/ bốn mươi năm sau ngày đau thương ấy/ vai gầy như hơi thở/ con cười trong bia”! Nhiều người thấy thời gian chỉ là dòng chảy vô tri, không nên bày đặt những dấu mốc, ghi nhớ những ngày giờ. Tôi thì nghĩ thời gian đã không còn vô tri từ khi trái đất có con người. Như con số “bốn mươi năm” trong dòng thơ “bốn mươi năm sau ngày đau thương ấy”, mỗi lần nhẩm đếm là mỗi lần đau đớn, bởi đó là bốn mươi năm mẹ mất con và khóc con, bốn mươi năm mẹ sống mà không còn chờ đợi, khi nhìn lên ban thờ chỉ thấy hình con nhòa sau khói hương, thấy “ngôi sao đỏ chói” trong tấm bằng Tổ Quốc ghi công và trên bia mộ, thảy đều im lìm! Bốn mươi năm gánh cả cuộc đời trong tần tảo, bốn mươi năm héo hon, tàn tạ vì khóc con, hỏi sao pho – tượng – mẹ chẳng gầy guộc, mỏi mòn! So sánh “vai gầy như hơi thở” khiến người ta thấy như ngạt thở bởi sự mong manh, ngắn ngủi tới tội nghiệp trong quỹ đời còn lại của mẹ.

            Sẽ càng xót đau hơn trước những đối lập nhức buốt trong hình ảnh mẹ bên mộ con: Mẹ khóc/ nén nhang cũng khóc/ tóc bạc phơ lặng ngắt nắng chiều/ con mẹ đấy, ngôi sao đỏ chói/ im lìm tấm bia im lìm chân hương” - mẹ ngồi khóc con, còn con vẫn giữ nụ cười “mãi tuổi hai mươi”; đời mẹ héo hắt trong cuộc sống chảy trôi, đời con dừng lại ở cõi chết im lìm, những nghịch lí khắc hằn thêm ranh giới dữ dội giữa sống chết sinh tử khiến lớp đất mỏng thành xa cách ngàn trùng.

          Bao trùm bài thơ là hình ảnh nghĩa trang chiều biên cương. Khổ thơ thứ ba là bức tranh của những gam màu tang tócnhững thân người trắng xóa/ - mắt đen, nòng súng đen”. Khi mới đọc khổ này, tôi đã nghĩ đến những liên tưởng, những biểu tượng mang tính siêu thực từ tiềm thức mơ hồ. Tới khi hiểu về hoàn cảnh ra đời của bài thơ, xác định được vị trí của vùng“biên cương”, tôi mới biết hóa ra không hề có tượng trưng hay siêu thực hay hậu hiện đại gì cả, bốn câu thơ ấy là bức tranh hiện thực trần trụi, kinh hoàng, đau đớn của cuộc chiến kéo dài khoảng 1800 ngày tại Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Mặt trận Vị Xuyên chủ yếu là núi đá nên khi hứng chịu gần 2 triệu quả đạn đại bác trong 5 năm, đá vôi, đá tai mèo vỡ ra, tan thành bột, phủ màu trắng xóa hàng chục km như miệng các lò vôi nên quân mình gọi là nơi đây là "lò vôi thế kỷ". Đó là hiện thực của hai câu “Tiếng súng ấy đã vang nơi này/ đá thành vôi đá tan như bụi mịn”; còn những người lính trắng xóa từ đầu tới chân, chỉ thấy màu đen hun hút của nòng súng và đôi mắt thì hiện lên đau đớn trong hai câu thơ tả chân: “những thân người trắng xóa/ mắt đen, nòng súng đen”!

Có một hình ảnh dường như để làm mềm đi cái khô cứng nhức nhối của mọi điều hóa đá, đó là bông hoa nở trong chiều muộn”. Nhưng sao có thể dịu mềm trong cảm giác đối lập giữa sự bắt đầu của “hoa nở” với sự tàn lụi, kết thúc của “chiều muộn”, mà hầu hết những đối lập đều gợi liên tưởng tới nghịch lí phũ phàng của chiến tranh, đó là nghịch lí khi mẹ cứ phải sống tiếp trong khí quyến của nỗi nhớ thương, niềm đau đớn, cònCon mãi tuổi hai mươi” trong nghĩa trang biên cương! Và hình như nghịch lí còn xuất hiện chính ở cách văn chương, và đời nữa, tôn vinh những người lính“sống mãi tuổi hai mươi” khi người thân họ đau đớn khóc cho những cuộc đời vĩnh viễn dừng lại ở tuổi hai mươi – “dừng lại”, thay vì “sống mãi”!  

 Ám ảnh nhất với tôi vẫn là hình ảnh nghĩa trang gối đầu vào núi - vẫn đội hình hành quân”. Có thể sẽ có lời bình nhằm tôn vinh, cảm phục về những người lính kiên trung bất khuất như những nghĩa sĩ Cần Giuộc năm xưa “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia”. Còn tôi, chỉ muốn khóc khi nghĩ về những cuộc đời dừng lại ở tuổi hai mươi, những người lính vĩnh viễn sống và chết trong cuộc chiến tranh tàn khốc – các anh không bao giờ có thể trở lại với cuộc sống hòa bình, không bao giờ được hưởng thành quả mà các anh đã tạo dựng bằng tuổi hai mươi của mình.

Nghĩa trang không chỉ “im lìm tấm bia im lìm chân hương”, hai câu kết của bài thơ xuất hiện một cô gái khóc - chiều vỡ òa biên cương...”! Hình ảnh ngẫu nhiên về một người yêu, hoặc người vợ liệt sĩ đã bổ sung thêm nét bi thảm, đau đớn cho chiến tranh – người mẹ khóc con, cô gái khóc người yêu hoặc khóc chồng, những cuộc đời khác nhau cùng chung nhau nỗi đau mất người thân. Nỗi đau cộng hưởng, một lần nữa làm “chiều vỡ oà biên cương” – nỗi đau từ lòng người loang thấm vào thiên nhiên, vũ trụ, làm tan nát cả thời gian và không gian “chiều biên cương”! 

Quan sát hệ thống hình ảnh con người, thiên nhiên trời đất, nghĩa trang và những ngôi mộ trắng… trong bài thơ chiều vỡ oà biên cương”, thấy ngôn ngữ thơ quả thực đã vẽ được những nỗi đau, mà vẽ một cách thật tài tình! Và thấy thêm một điều: khi đến với văn chương, với thơ, đừng vội tìm kiếm những du dương, bởi nhiều khi, thơ “trắng xóa” những phận người!

TS Trịnh Thu Tuyết. Link gốc Ở ĐÂY


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét