Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

BÁO VÀ THƠ VÀ SÁCH...



Nó là thế này. Lâu nay thiên hạ nói thơ rẻ rúng quá, nào là thơ bán mớ, nào là mấy ông làm thơ là vì... không biết làm gì, nào là thơ như ngáo, hết "ngạo nghễ" lại "ngủ đi" vân vân. Thế nên tôi đã hết sức ngạc nhiên và hồi hộp theo dõi quá trình làm tập thơ "Biển bắt đầu từ sóng" của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.

          Ông Hạnh ở Đà Nẵng. Dân Đà Nẵng đã không nghiện thơ thì thôi, chứ đã bập vào là chết bỏ. Trước khi gặp ông Hạnh, tôi luôn đoan chắc rằng, về yêu thơ thì Quảng Bình là số một, Huế là số hai. Gặp ông Hạnh rồi, tôi lung lay.

          Bởi người Quảng Bình, Huế, hay các nơi khác nghiện thơ yêu thơ đa phần là... thơ mình. Gặp nhau sau vài câu chào hỏi bắt tay, vài ly rượu khởi chuyện là... đọc thơ. Ông Hạnh này, thơ mình thì tôi chưa tường, vì tiếp xúc ít, nhưng thơ người thì tôi nể. Tôi cũng có mấy chục năm làm việc với các bản thảo văn chương, trong đấy hai phần ba là thơ, nhưng nhìn thấy ông Hạnh xử lý thơ thiên hạ thì tôi nể, hết sức nể.

Có lẽ nhờ cái sự trọng thị thơ, ân cần tử tế với thơ, tinh tế tận tụy với thơ, mà gần chục năm này, dù không phải Đảng viên, ông Nguyễn Ngọc Hạnh được hai tờ báo ở Đà Nẵng là báo Đà Nẵng, cơ quan của thành ủy Đà Nẵng, và báo Công an Đà Nẵng, trực thuộc công an Đà Nẵng, mời giữ trang thơ cuối tuần cho họ. Việc mời một nhà thơ không Đảng viên mần việc ấy cho báo đảng và báo Công an đã oách, nhưng oách hơn là bác ấy toàn quyền chọn thơ, miễn là đừng phạm các điều cấm là: dở, nịnh, thô và chửi lung tung...

Lại nghĩ thương một số tờ tạp chí/ báo văn nghệ địa phương, chọn tác phẩm theo kiểu: bài này (thơ/ truyện) có viết gì cho tỉnh không, có chữ nào nhắc tới tỉnh không, có thì mới in. Luôn luôn chỉ đạo là tác phẩm phải ca ngợi, phải tuyên truyền cho tỉnh..., nó rất thô và không thuyết phục. Đây thơ trên báo Đà Nẵng mà thấy bóng dáng Đà Nẵng rất ít, thảng hoặc, và nó cũng rất... thơ, chứ không phải kiểu điểm danh, liệt kê cho có, hoặc ca ngợi sống sượng, kiểu tuyên truyền cổ động sống sít thua cả thơ ca hò vè...

Tôi in thơ tứ tung, nhưng khi được in trên hai tờ báo ấy, do anh Nguyễn Ngọc Hạnh chọn, vẫn thấy nó sang hẳn lên, cũng vẫn rưng rưng mấy ngày. Cái ô thơ ấy nó rộng rãi, nó trang trọng, nó in màu, nó có ảnh tác giả, có lời giới thiệu của Nguyễn Ngọc Hạnh, và thường là chùm 3 bài trở lên, nó hiện rõ chân dung tác giả từ chùm 3 bài ấy. Việc ấy nó phải từ hai phía. Một Ban biên tập có tầm, đánh giá đúng thơ, dành cho nó góc sang trọng, rộng rãi, thảnh thơi, in thơ như in báu vật, thì tự nhiên thơ nó oách lên, tác giả và bạn đọc sang theo, và tất nhiên là báo sang. Và cái anh nhận làm trang thơ ấy, nó bắt buộc, ngoài khả năng của mình, thì anh phải bộc lộ hết trách nhiệm, tài hoa, cảm xúc để mỗi tuần là một trang thơ khác, một niềm cảm hứng khác. Mỗi trang thơ như thế đều kèm sapo, món mà theo tôi nó đầy chất văn hóa. Giờ nhiều tờ làm rồi, chứ ngày xưa, tôi nhớ người đầu tiên làm là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo làm từ hồi tạp chí Cửa Việt, nhưng không phải ai cũng làm được, bởi để có cái sapo ấy anh phải đọc kỹ thơ, và tác giả, và những gì xung quanh đấy, phải có cách viết hoạt, dẫn dụ bạn đọc, tóm lại là, nhiều khi người ta chỉ đọc sapo chứ không đọc tác phẩm, hoặc đọc tác phẩm vì sapo. Và người viết sapo vì thế phải tài hoa...

Ông Hạnh đã giữ trang cho 2 tờ báo rất "khô" ấy, biến nó phải "ướt", phải là thơ thứ thiệt mới đăng. Ngoài chuyện quan hệ rộng, nó đòi hỏi người làm phải tận tụy, phải trân trọng thơ người khác, dù mình cũng là nhà thơ, dù văn mình vợ người. Thơ báo đảng với báo công an mà nó không thời vụ, không nhân dịp, không chào mừng, không tuyên truyền sống sượng, không nhân ngày này ngày kia, không địa phương hóa ngành nghề hóa..., mà nó là thơ, thế đã. Và khi nó in từng chùm thì tư thế thơ nó khác, nó xum xuê, nó hừng hực, nó rưng rưng, nó miên cảm, nó liên tầng, nó thỏa thuê...

Giờ ông tập hợp từ những chùm thơ trên báo ấy, chọn 108 tác giả, mỗi vị 4 bài, kèm một trang tiểu sử, ảnh và "tuyên ngôn thơ", in thành tập dày 510 trang khổ 16X24, nặng trịch, nhưng liếc qua là thấy nó đáng đọc. Thơ, tất nhiên. Nhưng nếu anh không thích thơ. Thì đọc tiểu sử tác giả. A thằng cha kia đọc nó lâu nay, giờ mới biết nó quê ở đấy, và nó kém mình 5 tuổi. Và nó đang làm/ từng làm việc này việc kia. À mà trông cái ảnh nó cũng duyên phết. Thế là cắm mũi vào đọc thôi. Tôi cũng tự hào là đọc nhiều, bạn thơ nhiều, nhưng vừa liếc qua, có những ông mới nghe tên chứ chưa đọc, có những bà đọc rồi, biết tên tuổi rồi, nhưng giờ mới... thấy mặt. Chết chết, xinh đến thế thảo nào mà... thơ hay. Lại có những người không nghĩ là họ mần thơ, thế nhưng họ cứ mần, và thơ hay, mần chi nhau. Thế tức là gì, là nó bất ngờ. Phàm là sách mà gây cho ta bất ngờ thì phải đọc thôi.

Nhớ có lần nhà thơ Vũ Quần Phương nói chuyện với chúng tôi ở một trại sáng tác, là ngày xưa trên đài Tiếng Nói Việt Nam có mục "tiếng thơ", nó là món ngon thượng thặng thời ấy. Ông cục trưởng giao thông Nguyễn Tạo (tôi nhớ không chính xác tên cái ông cũng rất nổi tiếng này) rất mê mục này dù thời chiến tranh rất nhiều việc. Chiều ấy ổng hỏi thư ký: Tối nay "Tiếng thơ" có gì? Dạ, Trần Thị Tuyết ngâm thơ Tố Hữu ạ. Thồi thế thì tao đi ngủ? Ơ sao thế ạ. Thì Trần Thị Tuyết mà ngâm thơ Tố Hữu đương nhiên là hay rồi, biết hay rồi thì tao ngủ mai làm sớm.

          Và tôi phát hiện một điều nữa, rất nhiều người thơ hay được chọn vào đây đã đành. Nhiều người nữa, lâu nay cứ nghĩ họ là nhà báo, nhà giáo, là này là kia thôi, làm thơ lớt chớt cho vui, ai dè vào tập này, đọc thấy thơ họ hay đến... đoan trang. Ví dụ như đây là thơ ông trưởng phòng thời sự VTV8 Hồ Thái: "Trong veo ấy hãy lăn đừng tiếc rẻ/ mặt đất tròn đâu dễ được đứng yên/ hãy cứ nghĩ mình như giọt lệ/ vòng nữa thôi sẽ đến môi cười". Hay đây là thơ ông Phạm Phát, tôi nghe nhiều đến ông ấy là nhà cách mạng năm nay 87 tuổi: "Một bát mì/ Một nén hương/ Một tôi đau điếng/ Chợt thấy đôi dép đặt cạnh quan tài/ Bưng mặt, nấc không thành tiếng"- Bài thơ này tưởng nhớ đại tá Khương Thế Hưng, con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng, và là nhân vật trong "Nhật ký Đặng Thùy Trâm". Đây là thơ ông nhà báo Nguyễn Đình Xê của báo Người Lao Động: "Dòng sông ấy mãi xanh trong ký ức/ Cánh chuồn bay chở nắng ngược lưng đồi/ Có đứa trẻ đứng trên bờ bến vực/ Bói cá ơi, mi bay tận đâu rồi?"...

          Các nhà thơ thành danh trong tập rất nhiều, những là Vương Trọng, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Thụy Kha, Ngô Minh, Nguyễn Trọng Tạo, Mai Văn Phấn, Đinh Thị Thu Vân, Thanh Thảo, Trần Quang Quý, Mai Thìn, Dương Kỳ Anh, Lữ Mai, Trần Tuấn, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trọng Hoàn, Hoàng Vũ Thuật, Thái Thăng Long, Nguyễn Việt Chiến, Thanh Quế, Phan Huyền Thư, Đinh Thị Như Thúy..., những cái tên làm nên sức nặng của tập thơ.

           Và những câu thơ vừa đầy thi ảnh, lại rưng rưng thế này rất nhiều: "Năm tháng hóa vào bức ảnh/ Nhấc trái tim mình lên khung/ Ký ức bàng hoàng ở lại/ Run từng chiếc đanh trên tường"- Đoàn Mạnh Phương, hoặc "Chẳng phải yêu đâu- là em đang cạn máu/ đang khát đến tận cùng, đang cháy đến tàn hơi/ đâu phải là yêu- em đốt đời em lần cuối/ phó thác tàn tro quanh quẩn dưới chân người"- Đinh Thị Thu Vân, nữa "Sông Thương/ từ thuở đồng trinh/ Khóc ai,/ đục cả nửa mình sông ơi..."- Nguyễn Phúc Lộc Thành, hoặc nữa: "Phố nồng nàn một chút hương khuya/ Em say Sơn Trà bằng men đêm qua ly rượu nhỏ/ Sông Hàn ơi tình vẫn ngời xanh như thể.../ Lối cũ em về/ Đẫm nước mắt gọi tên- Huỳnh Thúy Kiều...

          Thông tin từ nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là, ông bỏ ra 60 triệu tiền túi để in tập thơ này. Và hiện nay, sách đã bán gần hết sau khi đã gửi EMS cho tất cả các tác giả có mặt (Gửi EMS đắt hơn gửi thường rất nhiều, nhất là tập thơ này lại vừa to vừa dày. Nhưng sợ mất, vả nữa cũng muốn sách nhanh đến tác giả nên anh quyết... chi bạo). In thơ thời này là cuộc chơi dũng cảm, bởi rất nhiều người đã... ôm đầu máu, nợ đầm đìa. Nhưng ông Hạnh không ngán, bởi nó là tâm huyết suốt đời của thi nhân xứ Quảng này. Ông vừa nhắn nửa đùa nửa thật: Có khi phải nối bản đấy, sách hết rồi.

          Thơ mà nối bản được, ơn giời, đến thời thi ca lên ngôi chăng?


                                                                                  


4 nhận xét:

Quế Sơn nói...

+Mỗi lần đặt hàng, một giọng nữ ở 22 Điếu Ngư, phố cổ Hà Nội, cửa hiệu chuyên bán trà Bắc chuẩn, lại ngân lên đủ các cung bậc âm sắc. Có lúc tôi bủn rủn cả chân tay, nhe mê mệt, quên việc đối thoại. Nhặt nhạnh những câu nói của cô gái ấy, đem sắp xếp lại, sẽ có ngay một văn bản văn học mà không cần chỉnh sửa. Đúng là xứ nghìn năm văn vật. Kho từ vựng vô cùng phong phú.
+Người Quảng Nam thì vốn từ rât nghèo. Ngữ điệu khá thô vụng. Nói như Hồ Trung Tú, trong "Có 500 năm như thế", một công trình nghiên cứu lịch sử khá công phu về Quảng Nam, thì, giọng Quảng Nam là giọng của người Chăm nói tiếng Việt. Kiểm lại, xuyên suốt, y chang. Nhưng, kỳ lạ, nhiều người Quảng Nam yêu văn học và giỏi sáng tác văn học.
+Một người Quảng Nam như anh Nguyễn Ngọc Hạnh mà nghĩ được, ví von được, viết được 'Phơi mưa lên chiều' thì đến thi sĩ đồng hương với anh, Cụ Bùi Giáng (Hoan hô chiến sĩ Phạm Tuân/ Đang đi dưới đất bỗng tưng lên trời) cũng phải vỗ tay thán phục.
+Tuy nhiên, ý này của Anh Hạnh rất hay nhưng không thực thà:"Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê bóng núi cứ chập chờn.
+Và cái này nữa:"Ai gõ mạn thuyền trên sông vắng/ Mà mái chèo CẰN CỰA đến xa xăm". Có thể trong quá trình sáng tác văn học, sáng tạo từ ngữ để bổ sung vào kho từ vựng tiếng Việt, nhưng từ ngữ sáng tạo ấy nó phải khoa học, phải tài hoa, thoạt thấy, thoạt nghe thì mọi người đều bị hút và chấp nhận ngay. Dân gian nè:"Em xinh cái nón cũng xinh/ Em giòn cái TỈN TÌN TIN cũng giòn", hoặc, Anh Văn Công Hùng, cái "KHỔNG KHỒNG KHÔNG"...Dù Anh Hạnh có tranh biện, hùng biện thế nào về ý nghĩa của CẰN CỰA thì tôi cũng xin Anh nhận khiếm khuyết để ít ra cũng xứng đáng là một quần chúng trí thức được đảng CS họ tin và cậy Anh giúp một tay việc Báo, việc Thơ và việc Sách.

Văn Công Hùng nói...

Hihu sẽ chuyển ngay cái cm của bác tới ông Hạnh. Nhưng giá kể, lúc nào đây, bác bật mí tí "cuộc đời và sự nghiệp" của bác tí nhể, giới văn chương hay gọi thân phận á. Lộ thân phận chứ không "hé lộ" như trên báo chí ạ, hihi.
Nhưng mà bác đọc kỹ thật, cái gì cũng kỹ. Và tri thức thì kinh hoàng. Bái phục bác, và mong được nghe bác... lộ. Email của em: vanconghungbvh@gmail.com.
Trân trọng bác.

Quế Sơn nói...

Anh Hùng ơi! Tôi quí Anh vì Anh vừa có được khối lượng kiến thức không nhỏ, vừa có thiên phú và tình yêu văn học. Mà, khối kiến thức ấy của Anh, đang ở trạng thái "động". Hàm ý của "động" ở đây là chúng đang được trao chuyển qua nhiều diễn đàn, nhiều phương tiện, nhiều phương pháp mà Anh đang sở hữu. Vùi hiểu biết đúng đắn dưới ba tấc đất để lớp trẻ của chúng ta hẫng hụt, hoặc để chúng những tưởng đã đủ đầy bởi pho sách bìa nhũ vàng, dày cộm, chi chít chữ nghĩa vô dụng thì lỗi của lớp có chữ hôm nay rất lớn, không trọn kiếp làm người. Tôi đang sống ở nông thôn. May mắn, con cái chúng tạo cho bố mẹ cuộc sống đủ đầy tuổi già. Anh Hùng và bạn đọc khen tôi có tí chữ. Không phải đâu. Tôi tầm thường lắm. Những chiến hữu của tôi, nào Mẫm, nào Đằng, nào Cơ, nào Xuân, nào Chênh, nào Điềm, nào Thôn, nào Khế...anh em chỉ dạy cho tôi đấy. Và, suy nghĩ, tình cảm của tôi về những năm tháng lăn lộn trên khắp các đường phố đô thị miền Nam để đòi hòa bình, thống nhất, đến phút này, chưa hề suy suyển. Có điều, chế độ này anh chị em chúng tôi góp một phần nhỏ máu xương xây nên, nhưng khi được dựng lên rồi, nó coi anh chị em chúng tôi như...cỏ rác và tự tung tự tác làm xằng, làm bậy, làm ác. Dần dà,khuyên bảo không chịu nghe, trong anh chị em, đứa chém bằng lưỡi(dao), đứa chém bằng sống, tôi sợ nó chết trong lúc này thì hỗn loạn, dân chúng điêu đứng, đảo biển thằng Tàu nó bỏ túi, và thằng đấm đang rập rình để thay thằng cú vừa bị hạ bệ, tôi đành chém bằng...cán gỗ!
Một chút về cái mà Anh gọi là ẩn số để Anh Hùng chia sẻ tâm trạng hiện nay của mình trong cái chung của đất nước. Mình ghét nhất là nói láo, léo lận âm mưu và núp lùm. Anh chị em chúng tôi, mình đã hóa đồng, da đã thành sắt trước bạo quyền những non 50 năm trước. Nên nguyên tắc "kính nhi viễn chi"phải được thiết lập ở nhà đương quyền, thì, không muốn công khai tên thật, sự lựa chọn không hề có ý nghĩa sợ sệt. Chính xác, gọn: Chúng sợ lũ tôi chứ lũ tôi chưa bao giờ xanh, tái. Thân ái!

Văn Công Hùng nói...

Dạ, kính bác, một thế hệ dấn thân.