Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

QUA THÁNG NGÀY HỎI SÔNG ƠI CÓ NHỚ...



          Không nhớ là năm nào nữa, lâu lắm rồi, cái thời còn bao cấp ấy, một lần ghé Nha Trang, hẹn mấy anh em ngồi với nhau. Hồi ấy ngồi vui lắm. Là cứ hẹn thế còn... tiền đâu mà ngồi thì không biết. Có lần hẹn rồi thấy ông họa sĩ Văn Vết xuất hiện, ông bảo cứ kêu đồ đi. Đồ tức là chai rượu nút lá chuối và ít khô cá biển. Rồi ông xách cái túi đi. Mấy người bảo, yên tâm rồi, thế là có tiền rồi. Một lúc ông về xòe ra nắm tiền thật. Thì ra là ông đi... đánh độ bóng bàn. Ông này đánh bóng bàn rất siêu. Siêu hơn là cái vợt của ông, mặt mút mặt gai. Cái mặt gai ông lại bóc xung quanh đi chỉ còn gỗ, phần gai để lại ch lớn hơn đồng xu một chút. Đang đánh bình thường, ông xoay mặt vợt, cóc một cái là bên kia mất phương hướng, hoặc đỡ vổng lên để ông tiu, hoặc đỡ bóng ra ngoài...

          Thì trong một lần mấy anh em văn nghệ ngồi với nhau như thế thì ông nhà thơ Trần Chấn Uy chở tới một ông già khá hom hem và luộm thuộm nữa. Nghĩ chắc người nhà ông Uy ngoài quê mới vào, ổng chở tới chơi luôn. Nhưng khi vào, ổng mới trịnh trọng giới thiệu: "Nhạc sĩ Tố Hải, Đăk Rông mùa xuân về".

          Chỉ thế là đủ, tôi quấn lấy ông suốt buổi, vì cái bài này hầu như ngày nào tôi cũng nghe, không trên Radio thì trong các cuộc nhậu, các cuộc họp và cả... đám cưới. Ông thì lại cũng thích tôi khi nghe tôi giới thiệu từ Pleiku xuống, và biết chút chút chuyện Tây Nguyên.

          Tất nhiên là ông hát, hát cái bài ai cũng có thể hát được nhưng hát hay được là rất khó ấy. "Chim kơtia bay tới/ nghiêng cánh chào Đăk Rông/ Pơ lang khoe sắc thắm/ gió đưa hương đôi bờ... Tây Nguyên ta uống nước một nguồn nước cách mạng... Đăk Rông ơi, Tây Nguyên ơi/ Tôi hát cho dòng sông Đăk Rông mãi chảy xiết/ Tôi hát cho nhà rông đêm ngày luôn đỏ lửa, cho tiếng đàn ngân vang, vang điệu cùng dòng suối..."  cả bàn vỗ tay theo rầm rập.

          Ông hát rất hay. Tôi chơi và quen với nhiều nhạc sĩ, nhưng nhạc sĩ hát hay được rất ít. Ông hát cuồn cuộn như sông, nhưng cũng bảng lảng như K'tia, thiết tha như mùa xuân đậu vai áo cô gái Trường Sơn và cũng sâu lắng như tình yêu cách mạng...

          Và sau này tôi cũng từng được ngồi ở bờ sông Đắk Rông ấy.

          Một ngày mất điện ở Đông Hà, mấy anh em báo chí văn chương Quảng Trị chở tôi chạy một hơi lên bờ sông ấy, ngồi ngay trên bờ, một cái quán lá, nép vào bụi tre. Chúng tôi cũng hát vang bài hát Đăk Rông mùa xuân về.

          Ông Tố Hải kể, ông ấp ủ bài hát lâu lắm, từ Mậu Thân 1968, nhưng phải đến đầu năm 1975, khi đang ở... Hà Nội, nghe tin Quảng Trị giải phóng thì ông mới bật ra hoàn chỉnh bài hát, và nó nổi danh từ bấy tới giờ. Nhiều bài hát có những số phận kỳ lạ, từng rất nổi tiếng, rồi chìm lỉm đi đâu đấy. Bài này, cho tới giờ, đi dự đám cưới, tôi vẫn thấy nhiều người hát, dù nó đòi hỏi giọng hát phải mang tính chuyên nghiệp cao, tóm lại là khó hát.

          Và ông Tố Hải cũng bảo, nó không chỉ là Đăk Rông Quảng Trị. Mà nó là các con sông Tây Nguyên. Cho nên, giai điệu, hình ảnh trong bài hát là Tây Nguyên, một Tây Nguyên rất đặc trưng và dễ nhận biết. Một Tây Nguyên khiến rất nhiều người chưa từng biết Tây Nguyên vẫn có thể hình dung ra mồn một. Giai điệu Tây Nguyên và hình ảnh lại càng Tây Nguyên, với những nhà rông, lửa, chim ktia, cây k'nia... và vấn đề là, nó hết sức nhuần nhuyễn, gắn kết với nhạc chứ không như các bài hát địa phương ca khác, liệt kê địa danh, sản vật vào cho nó ra địa phương nhưng cứ lổn nhổn như... răng khểnh cả hàm. Có thể kể thêm trường hợp bài hát "Em là hoa Pơ Lang" của nhạc sĩ Đức Minh. Theo chỗ tôi được biết, khi sáng tác bài hát này, nhạc sĩ Đức Minh chưa từng tới Tây Nguyên.

          Nhưng đây là tôi đang viết về những dòng sông Tây Nguyên kia, nên bỏ qua câu chuyện cũng rất hay về bài hát "Em là hoa Pơ Lang" mà tôi trực tiếp được nghe nhạc sĩ kể. Tây Nguyên có những dòng sông nổi tiếng như hệ thống Sê San, sông Ba, Krông Nô, Krông Na vân vân, có những con sông như một bài thơ viền quanh đô thị như sông Đăk Bla với thành phố Kon Tum, sông này có một đặc trưng rất lạ nữa là, nếu như các con sông Việt Nam khác đều chảy xuôi, từ Bắc vào Nam, từ Tây xuống Đông, thì nó lại chảy ngược, từ Tây Nguyên chảy ngược Trường Sơn. Con sông này dài 139 km, bắt nguồn từ chân núi Ngọk Linh ở huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum, xuôi theo hướng Tây – Đông, khi đến huyện Kon Rẫy, sông lại ngoặt về hướng Bắc – Nam và đến thành phố Kon Tum thì nó lại ngoặt hướng Đông – Tây. Con sông Ba cũng chảy ngược khi nó vòng qua thị xã An Khê, Gia Lai, uốn lượn để qua thị xã Ayun Pa, rồi mới chịu xuống Tuy Hòa để nhập vào sông Đà Rằng.

          Thì chuyện con sông Pô Kô với người lái đò "huyền thoại" A Sanh không lạ à?

          Tôi là một trong những nhà báo đầu tiên "phát hiện" ra ông A Sanh, bởi khi chúng tôi gặp, ông tên là... Puih San kia.

Trên dòng sông Pô Kô qua đất Ia Grai của tỉnh Gia Lai thời ấy có ba bến đò, hồi ấy gọi là phà, là phà 6 phà 8 và phà 10. Phà 6 và 10 đã chìm theo thủy điện Sê San rồi, giờ chỉ còn phà 8. Người Jrai vùng này có nghề đẽo thuyền độc mộc từ cây rừng, bơi lặn rất giỏi và đánh cá cũng cừ. Tiểu đội chèo thuyền độc mộc đưa bộ đội sang sông, phục vụ quân đội được tuyển từ những chàng trai người Jrai ưu tú nhất, Puih San là một trong những chàng trai ưu tú ấy…

Khi tôi đến lần đầu thì thấy con sông Pô Kô qua đoạn này rất nhỏ, nước xanh biếc, lững lờ chảy. Cố hình dung những ngày bom đạn, những đêm đưa bộ đội qua sông của tiểu đội thanh niên Jrai với những lúc dòng sông hung dữ cuộn lên, đục ngầu màu đỏ của bụi ba zan và cả máu mà rất khó. Nói chuyện qua sự phiên dịch của chị Cải, người đàn bà đã đi qua chiến tranh, nói tiếng Jrai như người Jrai dù chị là người Kinh thứ thiệt, chúng tôi biết Puih San và tiểu đội của ông đã có 3000 đêm không ngủ để đưa bộ đội và vũ khí các loại qua sông. Ba nghìn đêm, các chàng trai Jrai này đã bảo đảm giao thông thông suốt, đưa hàng ngàn bộ đội qua sông, hàng vạn tấn vũ khí vào chiến trường, và cũng như thế, các thương binh trở ra…

Đêm ấy, thương binh về nhiều. Hai bộ đội cáng một thương binh. Con thuyền độc mộc của ông đã có gần mười cái võng xuống, tức là đã gần ba chục con người, trong khi thuyền ông chở hết cỡ cũng chỉ không quá mười lăm người. Ai cũng vội sang sông nên không ai chịu xuống chờ chuyến sau. Đã có to tiếng xảy ra. Ông lên bờ ngồi khóc vì bất lực, nhưng rồi thương binh vẫn về, máy bay thì quần đảo. Thế là ông tặc lưỡi. Ra đến giữa sông, một loạt bom phía thượng nguồn. Hơi bom khiến thuyền lật. Tối mò mò. La hét thất thanh một hồi rồi tất cả im lặng, im đến rợn người. Tối đen, bóng tối như có thể thò tay bốc được từng mảng. Tay ông vẫn cầm mái chèo. Sức ông chỉ mấy sải là đã tới bờ. Một số bộ đội khỏe mạnh cũng bơi được, nhưng thương binh phần lớn là chìm hết. Tối quá, không thể thấy ai để cứu. Im lặng. Im lặng đến rợn người. Như chưa từng có ai qua sông. Như chưa từng có trận bom trước đó…

Ông bỏ lên bờ, thề không bao giờ bước chân xuống nước nữa.

Đại tá Lâm Huế, là người Huế nhưng suốt thời quân ngũ cho đến giờ ông gắn bó với Tây Nguyên, khi ấy là trung đoàn trưởng, giờ về hưu và vẫn ở tại thành phố Pleiku, kể rằng: “Thời đó bom đạn ác liệt vô cùng vì địch biết đây là cửa khẩu huyết mạch của chiến trường Tây nguyên và Lào. Chúng vãi bom đạn như mưa, không kể ngày đêm. Thế mà kỳ lạ, dưới những cơn mưa bom đạn ấy, hàng ngàn quân vẫn lần lượt qua sông, dưới tay chèo Puih San”... Rơ Chăm Lim, một trong những tiểu đội trưởng tiểu đội lái đò trên dòng sông pô Kô năm nào, sau này sống ở xã Ia Khai huyện Ia Grai thì kể: “Để đưa bộ đội qua sông an toàn phải bố trí đến ba tiểu đội, ngoài tiểu đội chèo đò còn có một tiểu đội phụ trách phòng không đề phòng máy bay Mỹ thả bom, rồi một tiểu đội bảo vệ ở phía bờ bên kia đề phòng địch từ phía Campuchia tràn sang”…

Chuyến đi ấy khi về tôi đã viết về ông, viết về những gì tôi được nghe, đã thấy, và cả bằng cảm xúc của một kẻ hậu sinh lần đầu đến cái nơi tưởng như sẽ không bao giờ được tới. Viết bằng tất cả sự chân thành với một sự ngưỡng mộ thánh thiện. Bài đầu tiên đăng trên tạp chí Văn Nghệ Gia Lai. Hồi ấy công trình nhà máy thủy điện Ia Ly đang hồi xây dựng tấp nập, lúc cao điểm nhất có đến 25 ngàn công nhân và kỹ sư làm việc trên công trường. Công ty Sông Đà 8 có một ông giám đốc rất hay đọc báo. Một hôm ông đọc bài của tôi trên tạp chí, rồi trong giao ban cả công ty, ông đưa bài này ra đọc cho tất cả công nhân nghe, thảo luận, học tập, noi gương… và cuối cùng thì… quyên góp. Ngoài phần của công ty, của công đoàn, đoàn thanh niên công ty, thì cán bộ công nhân viên công ty đều đóng góp từ tiền túi của mình… Lúc này Puih San đang rất nghèo, sự chi viện của công ty Sông Đà 8 rất đúng lúc. Sau đấy nữa thì nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân giúp đỡ ông, làm được cái nhà và sắm vật dụng tạm đủ.

Có một chi tiết là, khi viết bài hát “Người lái đò trên sông pô Kô”, cả nhạc sĩ Cầm Phong và nhà thơ nhà báo Mai Trang đều chưa ai biết… A Sanh. Mà thời ấy, khi bài hát đã nổi tiếng thì bộ đội ai qua sông cũng đều gọi những người lính lái đò là A Sanh, cứ A Sanh ơi cho qua sông với là một con đò lao vút sang đón người…

A Sanh trở thành tên gọi chung cho những người lái đò chở bộ đội và vũ khí qua sông, con sông Pô Kô chảy ven biên giới Việt Nam Cam Pu Chia kéo dài từ Kon Tum xuống Gia Lai như thế.

Bài hát ấy hay lắm, bây giờ vẫn còn nhiều người hát. Trên xe của tôi cũng có bài hát này, và mỗi khi nghe tôi vẫn nổi da gà. Giai điệu da diết mà bâng khuâng, nng thắm và sâu lắng nhưng lại cũng rất hào hùng cứa vào lòng người chứ không thấy không khí chiến tranh đâu cả. Nó được liệt vào nhóm bài hát "Những bài ca đi cùng năm tháng".

Tôi từng có phát hiện thú vị, ấy là các ca khúc Việt Nam viết về những nhân vật cụ thể, thường là khi người ấy đã mất (trừ lãnh tụ), như Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Kim Đồng, Nguyễn Bá Ngọc, Chị Sáu vân vân, nhưng ở Gia Lai lại ngược lại, ấy là ngay khi còn sống, có tới ba ông, 2 ông chưa phải là anh hùng, nhưng đã là nhân vật của các bài hát, và bài nào cũng nổi tiếng, sống lâu, được nhiều người yêu thích và hát,  ấy là ông Núp, ông Bùi Ngọc Đủ và ông A Sanh này.

Sau khi được báo chí "phát hiện" A Sanh chính là trung úy Puih San, ông được phong anh hùng lực lượng vũ trang, và một năm sau thì ông mất.

Còn đến mấy con sông nữa, nhưng biết làm sao, chuyện thì nhiều mà diện tích báo có hạn.

Những con sông vẫn muôn đời thao thiết chảy. Và nó chứa trong mình biết bao ký ức, có cái đã lộ, có cái mãi mãi bí ẩn. Và chính những bí ẩn ấy, nó làm cho những con sông trở nên huyền hoặc hơn. Sông ở Tây Nguyên đã góp cho cuộc đời những câu chuyện đẹp, và những tác phẩm nghệ thuật hay, không chỉ âm nhạc, mà còn cả các thể loại khác, có điều kiện chúng tôi sẽ xin trở lại...
(Báo Nhân dân chủ nhật ạ. Số phát hành hôm nay, 16/4/2020).

Ông Puih San áo thun đen quần sọoc thứ 3 từ phải qua. Thứ 2 cũng phải qua là... nhà cháu, đầy tóc, đầu ngẩng cao kiêu hãnh, hihi. Đứng đầu tiên là nhà báo Khuê Việt Trường. Người phụ nữ duy nhất trong ảnh là chị Thúy Cải, một cán bộ dân vận rất giỏi, rất thông thạo phong tục Jrai và tiếng Jrai. Chị là người phiên dịch cho chúng tôi nói chuyện với ông Puih San. Giờ chị đã mất. Xin cám ơn tất cả những gì chị đã làm cho Tây Nguyên. Ảnh nhà báo Lê Bá Dương

Đẫy trang nhé

                                                          




7 nhận xét:

Hà Tùng Sơn nói...

Bài hay, cái title càng hay hơn. Ông đã có công làm mềm hóa ND.

Hà Tùng Sơn nói...

Hỡi Pô Cô ơi !
Dòng sông mênh mông
Đôi bờ cây xanh biếc nước chảy xiết sâu thẳm
Qua tháng ngày hỏi sông ơi có biết
Anh lái đò tên gọi A Sanh A Sanh

Hôi ở lính đại đội tôi có ông hay hát bài này. Nghe thchs lắm, ông làm tôi nhớ thời đi lính.

Văn Công Hùng nói...

Cám ơn cụ Hà Tùng Sơn ạ, hihi

Quế Sơn nói...

Bóng người. Bóng cây. Bóng núi. Nhưng ít ai nghĩ đến bóng làng. Nhà thơ Trần Chấn Uy, đài PTTH Khánh Hòa, đã chọn 'BÓNG LÀNG' đặt tên cho một tập thơ của cậu ấy vừa xuất bản năm rồi. Mình cũng có được một tập không tốn tiền mua. Trẻ. Sung. Có cách viết lạ, đầy ắp tứ hay. Buồn vì hò vè, diễn ca quá nhiều trên face book hằng ngày nhưng cũng rất vui, tin yêu vào lớp trẻ như Chấn Uy.

Văn Công Hùng nói...

Ahuhu báo cáo cụ là Trần Chấn Uy không trẻ nữa ạ, về hưu rồi thì trẻ gì nữa ạ...

Quế Sơn nói...

Xin lỗi Anh VCH. Gặp, cùng đàm đạo, làm việc trên lĩnh vực khác, không dính gì đến văn học nghệ thuật. Cậu ấy chừng 56-57. Sơ ngộ nên không hỏi tuổi tác làm gì. Giữa một rừng khộp, à quên, rừng già, Chấn Uy hiện ra trẻ trung. Ấn tượng mãi nên nói thế. Hình như cậu ấy có cái số cuối điện thoại rất ư là...phong thủy, 2345 thì phải.

Văn Công Hùng nói...

Chính xác ạ, hihi, cụ thêm một lần tài, tài thặc, tiên sư anh... Tào Tháo.