Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

NHỮNG CON ĐƯỜNG TÂY NGUYÊN, NHÀ VĂN VÀ KÝ ỨC



              Tôi ở Tây Nguyên tới nay cũng được 39 năm, một năm nữa là tròn 40 năm, nếu theo nhẽ thì là sẽ... tổ chức kỷ niệm vì nó là năm chẵn. Nhớ cái ngày cuối năm 1981 ấy, với một ba lô, ba lô đúng nghĩa, có cái chiếu đơn gập phía trên nữa, trong túi ngực là cái quyết định phân công công tác của trường Đại học Tổng hợp Huế, và đi, chưa có cả bằng tốt nghiệp nữa, vì hồi ấy, phải 2 năm sau khi ra trường, mang giấy chứng nhận của cơ quan công tác về mới được nhận bằng.

          Lý do để chọn Tây Nguyên cũng hết sức đơn giản: Bốn thằng chơi với nhau, muốn mãi mãi chơi với nhau, kể cả sẽ lấy vợ cùng một ngày, là thề với nhau thế, nên mở bản đồ ra, chọn một tỉnh nào vừa đủ xa để họ nhận một lúc cả bốn đứa, nhưng lại cũng không xa Huế quá, để mỗi năm vài lần về Huế... đập phá, tức là lên đấy đi làm có tiền, mang về Huế tiêu cho bõ những ngày sinh viên đói khát.

          Cuối cùng thì, mỗi tôi đeo ba lô lên nhận việc.

          Thực ra thì khi biết ba đứa kia bỏ cuộc, tôi cũng vẫn có thể làm như chúng. Thời ấy, cán bộ tốt nghiệp đại học hiếm, cái trường chúng tôi học là trường đầu tiên ở miền Trung Tây Nguyên dạy khoa học cơ bản, và chúng tôi là khóa 1, đâu chả có chỗ. Nhưng cái tính tự ái của một anh trai hoi cộng với giấc mơ khám phá, thì cứ đi cho biết, 3 năm là về thôi mà.

          Mưa trắng trời Huế tiễn tôi đi.

          Từ bấy đến nay, hàng vạn lần tôi ngang dọc những con đường Tây Nguyên. từ đường lớn tới đường làng, từ những con đường lấy Pleiku, thành phố tôi ở, làm tâm, đến các con đường ở các tỉnh khác.

          Nhiều người mới chỉ hình dung lờ mờ chứ chưa hiểu rõ những con đường Tây Nguyên nó chạy ra làm sao. Ngay tôi, cái hồi đeo ba lô ngồi xe đò 3 chặng hết 3 ngày để lên Pleiku cũng chả hiểu Tây Nguyên nó là thế nào. Nhìn ngược lên phía tay phải, cứ thấy xanh rì nhấp nhô mây trắng. Nghĩ, trên ấy người ta sống, đi lại thế nào.

          Từ Quy Nhơn ngồi trên chiếc xe đò Desoto thịnh hành thời ấy, ngược đường 19 qua đèo An Khê rồi đèo Mang Yang, đi tới đâu thấy núi mở ra tới đấy, rừng mở ra tới đấy, và mây trắng cũng rẽ ra tới đấy...

          Giờ thì tôi đã là một tay lái cừ khôi, một mình một xe rong ruổi, ra Bắc, vào Nam, xuống đồng bằng. Và mới phát hiện ra nhiều điều thú vị. Ví dụ như từ Pleiku có các con đường ra Bắc, vào Nam đều là đường 14, giờ là đường Hồ Chí Minh, chạy song song với đường 1. Có đường 19 nối từ Quy Nhơn tới tận biên giới Campuchia, như một nhát cắt ngang Trường Sơn Tây Nguyên tạo thành vạch nối thần kỳ giữa biển và rừng.

          Và những con đường ấy đều gắn với... văn chương.

          Từ Pleiku, theo đường 14, giờ là con đường rất hiện đại, rất đẹp, có thu phí, xuôi Nam, tới thị trấn Chư Sê của tỉnh Gia Lai, sẽ có một nhánh rẽ xuống đồng bằng Tuy Hòa. Đấy là đường 25, nhưng một thời nó mang tên đường 7, một con đường vô cùng nổi tiếng năm 1975, là con đường mà toàn bộ binh lính ở Kon Tum, Pleiku, cả Đắk Lăk đã "tháo chạy tán loạn", và quân đoàn 3 Quân đội Nhân Dân Việt Nam đã chọn để chặn, để nó trở thành con đường máu. Giờ không muốn nhắc lại chuyện máu đổ, nhưng thời ấy, nó là như thế. Những bi kịch của cuộc tháo chạy và trận đánh kinh hoàng ấy giờ vẫn còn, ấy là những đứa con của những gia đình di tản bị lạc trong những ngôi làng người Jrai ven đường 7, giờ vẫn còn thấp thoảng đâu đấy. Vẫn còn những gia đình đi tìm con, mà chương trình "Như không hề có cuộc chia ly" của nhà báo Thu Uyên dạo nào còn giữ rất nhiều hồ sơ.

          Con đường này, trận chặn đường lịch sử này, từng có 2 cuốn sách nổi tiếng của 2 người lính.

          Cuốn thứ nhất là "Cuộc tháo chạy tán loạn" của một viên tình báo Mỹ, tên là Frank Sneep. Và cuốn thứ 2, của một sĩ quan quân đoàn 3, nhà văn Khuất Quang Thụy, "Trong cơn gió lốc".

Bây giờ thì con đường 7 kinh hoàng ngày xưa được gọi tên mới là đường 25, nó bắt đầu từ ngã ba Mỹ Thạch (thị trấn Chư Sê- nơi chỉ vài năm nữa sẽ là một thị xã xinh đẹp, hiện đại), rẽ đường 14, xuôi qua Phú Thiện, Phú Bổn (Ayun Pa), Krông Pa, xuống Củng Sơn, Sơn Hòa rồi nhập vào đồng bằng Tuy Hòa. Đấy là con đường êm ả, rợp bóng cây, chủ yếu là cao su và cà phê, xuyên qua mấy đô thị, rồi làng tiếp làng, miên man ngút mắt màu xanh, thắc thỏm hoa gạo, lâng lâng tiếng chiêng và chênh chao những cánh cò trắng phau như những túm bông được trời rắc xuống để làm êm ả những ngút ngàn xanh, những mênh mang bạc và miên man gió. Con đường phẳng lỳ rợp nắng chạy giữa mênh mông cánh đồng Ayun hạ với 13.500 ha lúa nước, một kỳ tích của công trình thủy lợi này khi nó biến cả một vùng cao nguyên khô khát thành đồng bằng trù phú, xuôi về đồng bằng Tuy Hoà mát rượi nước và màu xanh ngút ngàn của lúa với rất nhiều dã quỳ miên man vàng trong cái thắc thỏm cứ sợ màu vàng kia bỗng nhiên trôi mất, và pơ lang nữa, những cây pơ lang cô lẻ nhưng rừng rực lửa bên đường khiến bánh xe cứ tần ngần chậm lại...

Mê mải hai bên đường rẫy xen lẫn ruộng. Những thửa ruộng đẹp như tranh vẽ, thấp thoáng đồng bằng, thấp thoáng Sa Pa, những uốn lượn thảo nguyên tạo nên những nét kỷ hà vui mắt. Rừng nguyên sinh không còn, tất nhiên, nhưng nó đã từng có, đã từng hiện diện nơi đây. Cái chuyện những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn biến mất cũng là một... kỳ tích, nhưng là kỳ tích buồn, kỳ tích phải chấp nhận như một thực tế và nó chảy qua lịch sử như một áng mây rất mỏng vương qua bầu trời ngày nắng yếu. Có những con người, những cái tên hết sức cụ thể, nhưng khi cần tìm, cần nhắc, thì có vẻ như, lịch sử lại... nương nhẹ. Lãng đãng mây, vi vu gió, khoáng đạt tầm mắt và cái chân thì cứ muốn nhao ra cỏ, muốn lang thang trên cái mênh mang của thảo nguyên ngằn ngặt xanh mà hít mà thở mà vươn vai mà lững thững với gió với nắng với ngút ngát thảo nguyên. Thích nhất là bên đường, thi thoảng gặp một cây pơ lang cô lẻ, bừng bừng đỏ trong nắng, từng bông hoa như những giọt lửa bung lên trời xanh nỗi khao khát của những dồn nén hội hè. Những tháng mùa khô cuối năm thì vàng bung dã quỳ. Mùa nào thức nấy, chưa kể đoạn đèo Chư Sê, chỉ lá cũng đã muôn màu... Đây là khoảng thời gian đẹp nhất ở Tây Nguyên khi mà trời thì lồng lộng xanh, cây thì nôn nao biếc, nắng hổn hển vàng và gió cứ tãi ra, mài mình vào những taman trập trùng dã quỳ cuối mùa khô khấc đang ủ mầm cho những dâng hiến hết mình mùa tới. Cái dáng dã quỳ cuối mùa có vẻ đẹp riêng, nó không viên mãn tràn đầy mà chứa nỗi khát khao hao khuyết, nó rưng rưng nỗi đồng cảm xa xót tiếc nuối nhưng lại cũng rất tự tin trong cái thế ngẩng cao ngạo nghễ và thách thức?...

Mỗi khi qua con đường này, trong tôi lại cứ hiện lên cảnh hàng chục vạn con người cùng với xe cộ đồ đạc dồn ứ lại, hốt hoảng cùng cực, tuyệt vọng cùng cực, hoang mang cùng cực... trong tầm súng, tầm pháo. Và những cánh rừng, từng nguyên sinh, từng xanh, từng bí ẩn, dù bây giờ, con đường cũng vẫn uốn lượn giữa làng mạc ruộng đồng...

Hồi nhà văn Thế Vũ còn làm thư ký tòa soạn Tạp chí Văn Nghệ Nha Trang, trong một lần tôi đưa ông từ Pleiku lên Kon Tum, qua cái nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh, đột nhiên ông bảo: Nơi này ngày xưa mình đã từng ở.

Tôi đã hết sức ngạc nhiên, hỏi lại thì ông kể: Hồi ấy ông là lính "Lao công đào binh", bị điều lên đây. Và thời gian lên đây, ông đã viết "Ngày mới đến Pleiku". Tôi mới à lên và hiểu.

Trong số các nhà văn tôi quen ở khu vực miền Trung Tây Nguyên này, té ra có đến 2 ông nhà văn từng là Lao công đào binh, là ông Thế Vũ này và ông Nguyễn Hoàng Thu. Ông Thế Vũ đã mất khi đang là phó tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên. Có thể những di chứng chiến tranh, với thân phận là người dưới đáy nhất của cuộc chiến ấy, đã quật đổ ông. Ông Nguyễn Hoàng Thu cũng từng là phóng viên báo Thanh Niên, giờ đang ở Buôn Ma Thuột.

Lao công đào binh là những người lính đào ngũ, bị bắt lại, bị đẩy ra tuyến đầu, không được trang bị vũ khí nhưng phải phục vụ chiến tranh, tức là luôn ở chốn hòn tên mũi đạn, là bia chắn đạn, làm tất cả nhưng không được cầm súng.

Ông Thế Vũ là tác giả của các tác phẩm "Những vòng hoa ngụy tín", "Ngày mới đến Pleiku", "Người tù ngoan ngoãn", "Mưa trên lầu bát giác", "Công trường cát bỏng"..., ông Nguyễn Hoàng Thu thì nổi tiếng với "Người bắt ruồi", sau này có "Con đường đêm", "Đi qua bóng tối", "Krông Ana không đổi dòng".

Lấy Pleiku nơi tôi đang ngồi viết bài này làm trục, thì phía Bắc là nhà văn Thế Vũ có mặt, phía Nam là Nguyễn Hoàng Thu, chếch xuống đông một tí là Khuất Quang Thụy, là tôi nói những nhà văn có liên quan đến biến cố chiến tranh ấy, chứ bây giờ thì nhiều lắm.

Chưa hết, cực Bắc Tây Nguyên đang sừng sững một "Rừng xà nu", và xuôi đông là "Đất nước đứng lên".

Tất cả đều liên quan đến đường 14, 19 và đường 7, tức đường 25.

Có một chuyện vui mà cách đây mấy năm vẫn còn, có khi giờ vẫn đang còn, ấy là rất nhiều giáo viên dạy văn, hàng ngày dạy tác phẩm "rừng xà nu" lại không biết cây xà nu là cây gì? Cái lần tôi lên Đăk Glây làm phim với đoàn báo Mực tím cho cái mục "từ tác phẩm tới đời sống" thì có mấy cô giáo ở ngay Gia Lai và Kon Tum nhắn tôi: anh chụp ảnh cây xà nu cho bọn em làm giáo cụ trực quan dạy học. Tôi bảo: Nhà các em đang ở dưới tán Xà nu đấy thôi. Thời ấy thành phố Pleiku và Kon Tum còn đầy thông, đến mức có thi nhân có hẳn tập thơ "Khoảng trời lá thông", nhưng các cô giáo suốt ngày tựa lưng vào thông mà lim dim mơ mộng lại không biết nó là... xà nu.

Hai nhân vật trong hai tác phẩm văn chương nổi tiếng là cụ Mết và Núp cũng rất lạ. Ấy là các ông nổi tiếng trong văn chương và cả ngoài đời. Nổi tiếng tới mức khi các ông đang sống, nhiều người đinh ninh các ông đã là... liệt sĩ.

          Chúng tôi đã tìm về được làng Xô Man xưa của cụ Mết. Theo anh Đinh Như Rươn, con trai cả của cụ Mết, thì là làng Xô Man cũ có thể tên thật là Xã Đoàn thuộc Tu Dốp ở cách làng bây giờ đến 70 cây số, và hình như nó đã lẫn đâu đó vào rừng già mà nghe đâu ngay cả khi còn sống thì cụ Mết cũng chưa bao giờ trở lại được nơi ấy kể từ sau năm 1975. Nguyên do là người Tây Nguyên bình thường đã thường xuyên du canh du cư, thay đổi nơi ở và nơi canh tác, thế mà lại còn chiến tranh, giặc giã, còn bao yếu tố khách quan chủ quan khác xảy ra trong gần một thế kỷ biến động kia. Làng mới Xô Man bây giờ mà chúng tôi vào lần này, ở cách thị trấn huyện 30 cây số, nhưng đường đi rất khó, chúng tôi phải xuống xe đi bộ khá xa, có tên là làng Xốp Nghét, xã Xốp, ở đấy còn ba người con của người vợ thứ 2 của cụ Mết, có cháu dâu và cả chắt nội ngoại. Họ sống khá chật vật... Anh Rươn con trai cả cụ Mết nguyên là giám đốc trung tâm y tế huyện, có vợ làm cùng cơ quan là người Thái Bình, cưới nhau từ hồi ngoài Bắc rồi đưa nhau về quê chồng, sinh được ba con trai đều đã có gia đình riêng...

Cụ Mết tên thật là Đinh Môn. Mất năm 2000. Từ thời chiến tranh, ông nổi tiếng đến mức Pháp đã từng mời về giao chức và phong hàm thiếu tướng nhưng ông không về. Ít người biết rằng ông không biết chữ, là trung đội trưởng tuyên truyền vũ trang khi được Pháp mời về phong thiếu tướng. Sau này làm chủ tịch Mặt trận Huyện, ông chỉ biết mỗi một chữ Mết khi ký vào văn bản, còn tất cả ông chỉ truyền đạt bằng... nói. Có nhiều dị bản về việc tại sao ông không được phong anh hùng từ thời cùng với ông Núp dù ông là người tham gia bộ đội trước, có uy tín hơn, và thực sự là người trực tiếp giết được giặc Pháp chứ không chỉ "bắn Pháp chảy máu" như ông Núp. Khi tôi gặp thì anh Rươn, con trai ông cho biết, tỉnh Kon Tum đang làm hồ sơ đề nghị nhà nước phong anh hùng cho ông. Năm 2012, mười hai năm sau khi mất, ông chính thức được truy phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thôi, muộn còn hơn không, mong rằng ông cũng không lấy thế làm vì, cũng như ông đã sống một cuộc đời bình dị và lặng lẽ cho đến khi Giàng gọi dù nhắc đến tên ông, gần như con dân nước Việt ai cũng phải biết bởi sự chắp cánh của nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc)...

Còn ông Núp, có lẽ ở Việt Nam không ai không biết ông bởi cái tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" một thời nó "phổ cập" mọi cấp học. Tác giả "Rừng xà nu" cũng chính là tác giả "Đất nước đứng lên". Làng ông Núp, là cái làng Kông Hoa trong tiểu thuyết ấy, chính là làng S'tơ ngoài đời, nó cách đường 19 chưa đến chục cây. Lịch sử chiến tranh Việt Nam còn phải nhắc đến chiến thắng GM 100. Trận ấy ở ngay dốc Đăk Pơ. Và té ra là, tác giả của "Đất nước đứng lên" trước khi quen ông Núp thì đã đến đây để điều nghiên trận địa này rồi.

Hồi làm di tích chiến thắng Đăk Pơ, tôi đã tham gia viết cái bia, có đoạn như thế này: "Chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ và góp phần quan trọng vào việc ký kết hiệp định Giơ Ne Vơ, chiến thắng Đak Pơ là một trang vàng trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

          Nơi đây, ngày 24 tháng 6 năm 1954, trung đoàn 96 (E96) Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với bộ đội địa phương, dân quân du kích và dân công hỏa tuyến, với quân số ít hơn ba lần đã đánh tan binh đoàn 100 (GM 100) tinh nhuệ bậc nhất của quân đội Pháp thời ấy vừa được điều từ chiến trường Triều Tiên về với sự hộ tống của tiểu đoàn khinh quân 520.

          Với chiến thắng Đak Pơ, quân ta đã bẻ gãy xương sống chiến dịch Atland, tiêu hao 1.100 địch, có 500 chết tại chỗ, 600 bị thương. Bắt sống 800 binh lính, trong đó có quan năm Barroux, chỉ huy GM100. Tịch thu 375 xe cơ giới, có 229 xe còn nguyên vẹn, 1 xe tăng, 18 đại bác 105 li...

          Trung đoàn 96 có 147 đồng chí hy sinh, hiện đang được vinh danh và thờ tại đền tưởng niệm này, 80 đồng chí bị thương.

          Không chỉ 147 liệt sĩ của trung đoàn 96, nơi đây còn nhiều liệt sĩ của bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân.

          Và nhiều người vô danh khác.".

          Giờ trên đường 19, xe xuống xe lên, khi qua khu di tích này hay dừng lại thắp hương ở di tích Đăk Pơ.

 Lịch sử đi qua, nhưng ký ức còn ở lại...

Và có cả văn chương.

(Báo Văn Nghệ số 14)




Nhà văn Thế Vũ, thứ 3 phải sang. Nhà cháu đầu hàng ạ.

Nhà văn Nguyên Ngọc và bà Ch'rơ vợ ông Núp tại làng Kông Hoa, nhà cháu chụp.

đại ca Nguyễn Hoàng Thu 

                                                              


6 nhận xét:

Quế Sơn nói...

+Trước nhất, đoán mò Anh Hùng là người ở vị trí nào trong ảnh. Phải theo phương pháp loại trừ mới 'mò' được. Hàng sau, 02 người này phải loại ngay. Một nữ và một nam để tóc dài. Kiểu đầu, kiểu tóc VCH, có thích, cũng không thể để dài được. Hàng trước 04 người, người ngồi thứ 3 và 4 từ phải sang, những năm 1981 mà đã sắm được đồng hồ đeo tay tự động, quá giàu; giai cấp này cần "phải đào tận gốc, trốc tận rễ", không thể là VCH, con nhà nòi CM. Kết luận: VCH là người số 1, phải sang, ấm lưng cạnh Anh Nguyên Ngọc đang hơi bị lạnh sườn! Đùa cho vui chứ dái tai, trán, cằm, mắt... vẫn còn nguyên xi.
Giờ chỉ tiếc VCH hơi đậm người. Khổ qua ăn nhiều vào. Toàn thân cây chó đẻ uống nhiều vào. Vương Bảo là thứ thuốc phải dùng hằng ngày cho đời nó rổng rồng rông.
+Vòng vo chút: Địa danh Đà Nẵng là biến âm từ Dak nan( Nước Lớn ) của người Champa.
Đà Lạt là biến âm từ Đa Lạch (Đất của người Lạch- một bộ phận của dân tộc thiểu số Cơ Ho Lâm Đồng. Người Lạch, trân trọng, người Lạch Sơn, họ gọi cây Thông là cây N'ho. Người Việt gọi biến âm thành cây Ngo. Thành phố Đà Lạt, ai ai cũng biết cũng rõ cây thông là cây ngo.
+Anh Nguyên Ngọc hư cấu làng Xốp Nghét thành Xô Man thì tốt. Nhưng Anh Nguyên Ngọc gọi cây Thông, cây Ngo, cây Loong rúh, thành cây Xà Nu là Anh bị nhầm. Xin lỗi Anh. Anh nhầm chỗ này này: Khi cây loong rúh (cây ngo) của người Giẻ Triêng già cỗi, nhựa của nó khô đi. Thứ nhựa quí ấy được gọi là xi nu. Xi nu là dầu thắp đèn, là quà biếu, là sính phẩm trong hôn lễ. Xi nu là nhựa cây. Xi nu mà gọi là xà nu thì không đúng lắm Anh ạ. Nhưng trong chiến tranh, ngôn ngữ dân tộc thiểu số của người kinh còn hạn chế, chuyện xi nu ra xà nu cũng là chuyện bình thường. Bao nhiêu người đọc, người học, người truyền thụ tác phẩm Rừng Xà Nu của Anh họ lớ ngớ về cây xà nu là điều cũng dễ hiểu, dễ thương. Góp lời thế, Anh đừng buồn nghen. Thương, kính Anh-một đời lận đận.

Văn Công Hùng nói...

Ahuhu nhưng nhà cháu bên phải nhà văn Nguyên Ngọc đấy ạ. Cái đồng hồ đeo hoành tráng là hồi môn bố vợ tặng, 1 chỉ đấy ạ.
Về cây Xà nu, ổng có quyền phịa ra thế để giờ nhiều cô giáo khổ hihi. Nhà cháu cũng đã có bài riêng về cây xà nu, có giải thích cái tên của nó ạ.

Quế Sơn nói...

Xem TV, chuyện ông P., do không hiểu thuật ngữ hành chính "giãn cách xã hội" nên biến thành "cách ly xã hội". Bực, buồn nhưng bỏ qua. Nay xem lại, ông P. thòng thêm từ TOÀN, cách ly toàn xã hội. Điều này chứng tỏ ông không biết tí tì ti về thuật ngữ này. Ông đã hiểu và dùng "xã hội" như một danh từ!!! Không biết phải nói gì đây. Ơi, đất nước tôi...

Văn Công Hùng nói...

Hihi nhà cháu cũng vừa có bài viết về việc này ạ.

Nguyễn Giai Do nói...

Giản cách xã hội để phòng, chống dịch khỏi lây lan ra cộng đồng ; cách li xã hội vì có hành vi nguy hiểm cho xã hội phải ko Bác hè ?

Văn Công Hùng nói...

Vầng, chính xác ạ. Có điều nó là giãn ạ, hihi. Chính xác hơn nữa là cách lý khỏi xã hội nếu đấy là một người, một nhóm người.