Thứ Ba, 11 tháng 2, 2020

TẾT THANH BÌNH



          Năm nay tất niên thanh bình hẳn.

          Ngõ phố nơi tôi ở mấy chục năm nay, năm nào cũng làm cái lễ tất niên tập thể, sau đấy thì các nhà mới tự làm ở nhà mình. Các gia đình đóng góp có, ai có điều kiện hơn bao thêm cũng có, là dịp để cư dân khu phố ngồi lại với nhau, chia sẻ chuyện trò... để hiểu nhau, để thông cảm. Tất nhiên cũng có cái lễ cúng nho nhỏ, xướng tên tất cả mọi nhà, rồi thắp hương, rồi vào mâm.

          Như mọi năm, năm nay có một anh chàng trong xóm có điều kiện hơn xung phong ủng hộ phần nước. Tức là bia hoặc rượu, rồi nước ngọt, nước suối. Có tất cả 6 mâm, anh tính toán rồi cho chở về... 10 thùng bia, 2 thùng nước ngọt, 2 thùng nước suối.

          Kết quả, nước ngọt và nước suối hết, bia thừa... 9 thùng. Rất nhiều người không uống tí bia nào vì "sáng mai còn phải lái xe", số không liên quan cũng uống rất ít. Thì anh chàng ủng hộ nước kia bảo, mọi năm em tính mỗi mâm một thùng bia, có mâm hai thùng nên em sơ cua bốn thùng, giờ thừa mênh mông thế này chả lẽ trả lại.

          Không chỉ khu phố tôi, hầu như ở đâu cũng thế. Những tiếng hô dô dô ít hẳn, cảnh những người mặt đỏ kè chạy xe ngoài đường không còn nữa. Tác động của nghị định 100 đấy.

          29 tết tôi lái xe về nhà mẹ vợ chúc tết, mấy anh em trưa ngồi với nhau, thông thường cũng phải dăm ba ly, rồi ngủ một giấc, rồi lại lái xe về. Nhưng hôm ấy, do tôi không uống nên mấy ông em vợ cũng thôi luôn, "chiều thế nào chả có việc phải chạy ra đường", chúng bảo thế, và ăn cơm, và cũng vẫn vui phết.

          Nói thật, tôi là người uống được, nhưng cũng hãi nhất cái cảnh tết đi từng nhà chúc tết, nhà nào cũng phải "làm nghĩa vụ" một ly. Không uống thì bảo không thật lòng, không hết mình, làm gia chủ xui xẻo, mà uống thì, mỗi nhà một loại rượu, uống xong lại ra đường đến nhà khác, hết sức nguy hiểm. Chưa nói tai nạn giao thông, mà chỉ nói việc nạp nhiều loại rượu vào người như thế, hết sức nhức đầu, và mệt.

          Khi tôi viết những dòng này là trưa 30 tết, nhà tôi vừa cúng xong. Tất nhiên theo phong tục, trên mâm cúng vẫn phải có bia rượu. Và vẫn phải rót rượu ra ly để cúng. Chiều 30 nhà tôi thường có một cuộc ngồi. Ấy là bạn bè tôi, những người thật thân, có thể ngồi im không nói gì cả tiếng đồng hồ mà vẫn hiểu nhau, tụ lại nhà tôi. Giữa cái xô bồ đến đặc quánh của buổi chiều 30, giữa cái tất bật của vợ con, hàng xóm, giữa cái ầm ầm náo nhiệt ngoài phố, thì trong này, chúng tôi ngồi với nhau, người ít thì ghé 30 phút, người nhiều thì vài tiếng. Uống với nhau ly rượu ngon nhất (theo quan điểm và cách hiểu của tôi), ăn những món ăn hết sức quê kiểng do tôi trực tiếp nấu. Sau khi tiễn các bạn về thì tôi mở máy... khai bút. Và đa phần những bài thơ tôi làm trong cuộc khai bút ấy đều... đọc được.

          Năm nay, thói quen ấy có vẻ sẽ không thành.

          Đơn giản là vì cái món 100 ấy.

          Bình thường thì ai có xe gì thì cưỡi đến, rồi về. Tết, còn bao việc. Thường ngồi một chút là chạy. Mà giờ đã có tí cồn thì không thể chạy. Mà kêu tắc xi vòng vèo thì... hại ví.

          Thôi thì nghỉ vậy. Và chắc là việc khai bút không vì thế mà không trơn tru.

          Một bác sĩ nói với tôi: Cái nghị định 100 ấy, nó không chỉ hạn chế tai nạn giao thông đâu, nó còn khiến gan người Việt Nam ổn định hơn. Bác không biết, chứ em trong ngành, nhẩm tính, gan đàn ông Việt Nam đa phần chỉ dùng để đối phó với rượu, mà nó còn bao việc phải làm nữa chứ đâu chỉ đối phó với rượu. Giờ tôi mới hiểu ra, tại sao đa phần các ông chồng Việt Nam sợ vợ. Bởi, gan chỉ lo đối phó với rượu, thì còn tí gan nào nữa mà dám so gan với... vợ.

          Nên dẫu là một gã đàn ông biết và thích rượu, có ô tô để lái, tôi vẫn ủng hộ nghị định 100, chí ít là để cho gan còn dùng để... thi gan với vợ.




                                                                        

2 nhận xét:

dutruong nói...

Mơi Bác Hùng tham gia Diễn Đàn Thơ

Unknown nói...

Đọc xong, mới biết bác biết nấu ăn ngoài cái tài làm thơ. Người đàn ông thế kỉ 21 á.