Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

NHỚ NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT Ở TRƯỜNG SA


Trong đời, chúng ta có thể đi được khắp thế giới, thậm chí lên giời, nếu như ta có... tiền. Nhưng có nơi, có tiền chưa chắc chúng ta đã tới được, ấy là Trường Sa.

Tôi đã may mắn có một chuyến đi nhớ đời, tới Trường Sa, dẫu không hết tất cả các đảo, nhưng những gì tôi đã thấy, đã gặp, đã cảm nhận, đã chứng kiến, thì tới giờ, gần 10 năm sau chuyến đi ấy, vẫn mồn một trong tôi, mỗi khi nhớ lại vẫn trào dâng xúc động.


Xúc động nhất là, những giọt nước mắt trên biển, những giọt nước mắt khâm phục, xót thương, những giọt nước mắt của gặp gỡ, chia tay, của trùng phùng, li biệt.

Chưa nhổ neo, mới ngay cầu cảng thôi, những cảnh chia tay bịn rịn đã khiến những người mau nước mắt phải quay đi quệt. Là những ông bố, sĩ quan trẻ, sạm nắng gió, mặt cương nghị, nhưng trước cái vươn đòi bế của đứa con bé tí đã rưng rưng, bởi họ biết, có thể tới khi con biết chạy, nói sõi rồi mới có thể gặp lại. Là nước mắt của những người vợ trẻ, mới cưới vội trong đợt phép, của người yêu hứa hẹn thế rồi... đợi...

Tàu nhổ neo và được thông báo là 6 giờ sáng  ngày 10 tháng 5/ 2013 sẽ thả hoa tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh ở đảo Gạc Ma. Gần như cả tàu mấy trăm con người nín thở hồi hộp chờ giây phút ấy.

Tàu neo ở vùng biển sát đảo Cô Lin, bằng mắt thường nhìn rất rõ, và cũng không cách xa đảo Gạc Ma bao nhiêu. Nơi đây 30 năm trước, 64 chiến sĩ Hải Quân của ta đã bị Trung quốc sát hại. Họ phần lớn là chiến sĩ công binh, trong tay chỉ có dụng cụ lao động, một số ít có súng bộ binh (tiểu liên), bên kia là tàu chiến đấu với pháo và các vũ khí hiện đại khác. Phải mấy năm sau, khi cái clip “vòng tròn bất tử” được ai đó (nghe nói là một sĩ quan Trung Quốc) tung lên mạng thì mọi người mới tường sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam và tội ác hèn hạ của binh lính Trung Quốc. Một quân nhân được đào tạo cơ bản không bao giờ đối xử ác với tù binh hoặc với quân nhân đối phương khi họ không có vũ khí, khi họ ít hơn… ở đây, bằng sự áp đảo cả quân số và vũ khí, quân nhân Trung Quốc đã thẳng tay xả đạn vào quân nhân Việt Nam, đối xử rất thô bạo khi họ bị bắt…

          Tôi đã nhiều lần đi cùng với các cựu chiến binh vào các nghĩa trang liệt sĩ, có lần trên xe đang tếu táo thế, nói đủ thứ chuyện trên rừng dưới bể, cười ngặt nghẽo, nhưng khi đến nghĩa trang, vì đã quá giờ, không tìm được quản trang nên cả đoàn leo rào vào. Khi một bác vừa thắp xong hương, kêu lên: đồng đội ơi, không ai bảo ai, cả đoàn cùng bật khóc. Khóc rất to, như chưa bao giờ được khóc. Khóc như một sự dồn nén, tủi hổ, sự thương xót nén vào tận cùng sự căm phẫn…

          Hôm ấy khi cái giọng Thanh Hóa lại là lính Hải Quân từ trẻ, vốn dĩ thường ngày đã khá to của thiếu tướng Bùi Sĩ Trinh, phó chủ nhiệm chính trị quân chủng Hải Quân bỗng như nghẹn lại khi đọc lời tưởng niệm, rất nhiều đôi vai đã rung lên, nhiều tiếng sụt sịt, nhiều bàn tay đưa lên chùi nước mắt. Tôi cố nén nhưng rồi nước mắt cứ chảy ra, lăn dài trên má, nhìn xung quanh thấy ai cũng thế nên… đỡ ngượng. Nhưng ấn tượng nhất là cô phóng viên Nguyễn Ngân của VTV. Cô bé này đứng ngay phía sau tôi, tức là sẽ là 1 trong 3 người một hàng đứng viếng, tôi đứng giữa, Ngân và 1 sinh viên nữ nữa 2 bên. Thắp hương và khấn, thấy Ngân khấn khá lâu, sau đó thì… ra một góc boong tàu và khóc, khóc rất dữ dội và lâu. Khóc như khóc chính người thân của mình vừa mất đột ngột. Nhiều người khóc, kể cả tôi, nhưng khóc như Ngân chỉ có 1. Cả người rung lên, co rúm lại. Có lẽ nhiều người thấy cảnh này dù Ngân cố tình đứng nép vào một góc, có mấy cái thùng che chắn. Ai cũng tôn trọng nên để kệ cho cô bé khóc. Tôi kín đáo bấm mấy kiểu ảnh từ xa...

          Hôm làm lễ tưởng niệm và thả hoa ở nhà giàn DK1 lại một trận mưa nước mắt nữa.

          Để có hệ thống nhà giàn vững chãi hôm nay, hàng chục cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, có những sự hy sinh nghe kể lại rất đau xót, nhưng cũng rất anh hùng, quả cảm, xả thân vì đồng đội, vì Tổ quốc…

          Đến đảo Nam Yết, đảo Trường Sa… nơi có các nấm mồ của các liệt sĩ, lại nước mắt lăn dài khi thắp hương.

          Có rất nhiều kiểu hy sinh ở thời bình, những người lính Trường Sa hôm nay, đóng quân ngoài đảo, vừa huấn luyện chiến đấu, vừa xây dựng đảo. Và rất nhiều chiến sĩ trẻ hy sinh khi huấn luyện, xây dựng, hoặc đơn giản chỉ vì những bệnh thông thường nhưng ngoài đảo chưa xử lý được, dù thi thoảng ta có nghe tin máy bay trực thăng ra đảo chở các chiến sĩ bị thương, bị bệnh về đất liền cấp cứu.

          Hôm ở đảo Nam Yết, chúng tôi đã lặng người đi khi thắp hương cho mấy ngôi mộ chiến sĩ rất trẻ mới mất. Những người lính đã mãi mãi nằm lại nơi đầu sóng ngọn gió này, mãi mãi. Để lại phía đất liền tít tắp kia quê hương, mẹ già, vợ trẻ hoặc người yêu. Có người còn chưa kịp có người yêu, ra đi với trái tim, đôi môi và vòng tay trinh trắng. Hỏi ai mà không cầm được nước mắt. Rất nhiều người đã khóc khi thắp hương. Không chỉ khách, hôm ấy chúng tôi đi khá đông sinh viên tiêu biểu của các trường đại học, các nhà báo, mà ngay những người lính xông pha dạn dày trận mạc như thiếu tướng Bùi Sĩ Trinh và các sĩ quan, cũng không ngăn được xúc động. Ngay hôm ấy tôi đã viết một đoạn thơ ở nơi này, sau đấy thành một chương trong trường ca "Trường Sa":  "ở Nam Yết có 4 ngôi mộ của những người lính trẻ/ sinh chín mốt chín hai/ có ai đã biết thế nào là thịt da con gái/ ai đã tim đập chân run/ ai đã từng thức đêm để nhớ…/  hình như chưa ai.../ họ ngã xuống trong một ngày rất trong/ họ ra đi trong một đêm rất mỏng/ hai mươi tuổi/ dừng trên mộ chí/ sức trai dài rộng/ hai mươi tuổi mẹ vẫn chờ cơm/ hai mươi tuổi vẫn vụng về bé bỏng/ ngày về tan trong khói hương…"...

Một sĩ quan nói với tôi khi thấy tôi tư lự nhìn ra biển: Bác yên tâm, chúng em sẵn sàng chơi tới cùng khi cần, nhìn thế chứ không dễ gì lọt được vào đảo của chúng em đâu.

          Đảo của chúng em. Đảo đã là nhà rồi. Và không ai không yêu nhà mình cả. Có những người lính như thế này giữ nhà, chúng ta hoàn toàn yên tâm. Nhưng cũng mong, đừng phải khóc nữa, hoặc có, sẽ là những giọt nước mắt của niềm vui, của tin yêu, hy vọng, của sự tử tế, bao dung và nhân bản...

          Nước mắt, nó không chỉ là nước mắt. Nó là kết tinh của muối mặn đại dương, của hồn Việt 4 ngàn năm, của tinh thần và ý chí dân tộc, của tất cả tinh hoa đất nước này... thành sức mạnh, thành truyền thống và thành nhân nghĩa.






1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài viết chân thật và cảm động Cảm ơn tác giả.........