Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

NGHĨ VỤN TỪ SINGAPORE



           Không nghĩ là mình lại được quay trở lại Singapore lần 2.

           Đất nước bé như cái kẹo, đi một lúc là hết, tất cả mọi thứ đều thua Việt Nam, từ dân số, diện tích, tài nguyên, chiều dài chiều rộng..., trừ sự... phát triển. Lần trước tôi đã đến Singapore và Malaisia nhưng thời gian ở Mã nhiều hơn, vì nó còn có cái để mà đi mà ngắm, chứ Sin, cứ nhà tiếp nhà thế, hầm tiếp hầm thế, đâu cũng giống nhau, nhìn người đến mỏi mắt, nhìn giá trong siêu thị thì... thất kinh, nằm ở khách sạn thì vô lý mà ra ngoài đường thì... mệt... nên rất chán.

           Ấy là nghĩ thế trước khi bay, và bay về rồi thì lại... nghĩ khác.

           Nó bắt đầu từ cái sân bay.

           Đất nước nhỏ thế, từ một cái làng chài chung với Malaisia, tách ra rồi vừa lấn biển vừa có thêm một số đảo hoang, trở thành một đất nước hùng mạnh như bây giờ. Singapore làm sân bay không phải để phục vụ mình, không phải để mình bay, mà bắt cả thế giới phải bay qua đây để mình làm cái việc rất đơn giản, gọn nhẹ là... thu tiền. Hiện sân bay Changi của Sigapore (Singapore Changi International Airport) thuộc loại lớn và hiện đại nhất thế giới, đạt đẳng cấp 5 sao. Nó đã có 4 nhà ga cực lớn và hiện vẫn đang làm tiếp nhà ga thứ 5, nghe nói sẽ hoàn thành trong nay mai. Làm ra tấm ra món, vừa thực dụng vừa lãng mạn, chứ không như ta, mần sân bay, cảng biển cũng cát cứ, làm cho oai là chủ yếu chứ hiệu quả kinh tế và cả các mặt khác tính sau, thế nên cứ nhắm mắt làm tờ trình xin mở sân bay, cảng biển dù cách nhau chỉ mấy chục cây số, và không cần biết có khách hay không, có hàng hay không?

           Tài nguyên gần như bằng không, trừ nắng, gió và cát, nước biển. Thực ra thì cát cũng ít, vì người ta đã tận dụng để lấn biển chứ chả mênh mông như ở ta, nhưng giờ, cả thế giới mang hàng hóa đến giao cho Singapore... phân phối lại. Singapore thành thiên đường mua sắm là vì thế. Có những thứ từ Nam Phi (kim cương), từ Đức (vòng từ tính)... đến đây mua thì mới bảo đảm hàng xịn, có bảo hành. Sang đây mới biết, một số người Việt cứ cuối tuần là bay sang Sin mua sắm.

           Tôi đi và thấy... xót. Nhiều thứ Việt Nam hơn hẳn, nhưng số khách du lịch gặp trên phố, trong tàu điện cả ngầm và nổi, là người Việt nhiều lắm. Cũng đi mới biết, dân Việt ta đi du lịch chả thua một xứ giàu sang nào. Sang Ấn Độ, tận Nepal cũng gặp những cửa hàng nói tiếng Việt như phố cổ Hà Nội. Đài Loan cũng kinh, nhan nhản người Việt và người nói tiếng Việt phục vụ các cửa hàng chuyên cho người Việt. Singapore, Mã Lai thì lại càng không kể, nhan nhản cửa hàng toàn người Việt “chăm sóc” người Việt. Nó chứng tỏ một điều là người Việt tụ về đây rất nhiều, chứ chả ai lại lập ra những cửa hàng như thế chỉ để phục vụ dăm người mỗi ngày.

           Người Sin thắp đèn không chỉ cho sáng mà còn cho đẹp, cho mọi người chứ không chỉ cho mình. Tôi tha thẩn lang thang ở các khu phố có nhiều tòa cao ốc văn phòng, thấy ban đêm nhân viên về hết nhưng đèn phía ngoài vẫn sáng, tạo chung một thành phố ánh sáng. Ở ta đa phần ánh sáng công cộng do một cơ quan quản lý, còn các công sở của ai thì người nấy lo, khi về thì bao giờ cũng phải tắt hết điện để tiết kiệm, để giảm chi phí cho cơ quan mình, vậy nên khu phố nào nhiều tòa nhà công sở thì về đêm thường tối om, chỉ có đèn đường và đèn bảo vệ sáng.

           Thế nên khách du lịch cả thế giới phải đổ về đây, dù những thứ mà mọi người nườm nượp vào thăm nó chả xi nhê gì so với Việt Nam. Như quả đồi bằng cái bát úp có tên là faber mount, thấp hơn cả cái tòa cao ốc bên cạnh, mở con đường thật đẹp, cố tình tạo hiểm trở như có mấy khúc cua ngoặt (cũng có thể là họ tránh một cái cây nhưng cũng tạo cảm giác lắm), có mấy chỗ chênh vênh... để trên ấy cái kính viễn vọng, vài cửa hàng bán kem, thế mà nườm nượp hàng vạn người mỗi ngày kéo lên. Xe chở khách dài thượt cứ nối đuôi nhau ghé lại, thả khách rồi vội vàng rời đi nhường xe sau, nhộn nhịp và tấp nập như chuẩn bị vào thăm một cái gì bí hiểm nghiêm trọng lắm. Lên xong xuống, mặt mũi vửa hả hê vừa thấp thỏm như tiếc nuối lại như... bị lừa. Thế mà cứ ngày này tháng khác họ thu tiền và người nộp thì hết sức sung sướng.

           Đi và rồi cứ nghĩ, cái gì đã tạo nên sự khác biệt kỳ lạ ấy. Hầu như bên Sin không thấy ảnh lãnh tụ treo búa xua, kể cả ở những nơi rất oách như cái bảo tàng sáp. Tôi có nhiều người bạn làm bảo tàng, quanh năm đi... xin tiền về để sưu tầm rồi trưng bày, lâu lâu khai mạc cái gì là sức giấy mời la liệt, 2 lực lượng được “ưu tiên” nhất là học sinh và bộ đội. Phải mời họ dự khai mạc cho nó... có người. Và nói thật, đa phần khai mạc xong là... xong, rất ít người vào. Cái bảo tàng sáp Singapore ấy, nó trình bày lại toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của nước này. Ơ kìa, thế mà nó lại kinh doanh được. Đố anh nào vào mà không mua vé, mà vé lại rất đắt. Họ làm giỏi tới nỗi, rất đông người vào đấy (người Việt cũng nhiều) không biết tiếng Anh, thế mà xem cái clip mấy chục phút xong vỗ tay như xem... Mỹ Tâm hát. Sau đấy là đi khắp bảo tàng, chỗ nào cũng ồ à dù toàn tiếng Anh. Trong bảo tàng ấy, hiện lên sống động một đất nước Singapore từ hết sức lạc hậu nghèo đói để thành như bây giờ, và ai cũng biết, công lao hết sức to lớn ấy trước hết là của ông Lý Quang Diệu. Thế mà trong cái bảo tàng khổng lồ kia, tịnh không thấy một cái ảnh của ông. Mà ông đã không có thì những người khác chắc chắn cũng không. Không đủ khả năng tiếng Anh để nghe, đọc hết xem người ta có nhắc đến ông không, nhưng ảnh và phim thì tuyệt nhiên không. Vậy mà tiếp xúc với dân thì họ nói về ông vô cùng trìu mến. Họ nhắc ông và gắn ông với chính phủ. Việc này chính phủ không cho làm, chúng tôi không làm, việc này chính phủ yêu cầu làm, chúng tôi phải làm vì chúng tôi là công dân Singapore. Hết sức đơn giản và mạch lạc. Thế nên mới thấy ý thức tự giác, ý thức công dân cực cao ở đây.

           Sự cảm hóa mạnh đến mức, hôm tôi đi xem nhạc nước ở tiền sảnh của khu Lavegas, hoàn toàn tự động, đúng giờ là tự động bật lên, tự động hoạt động, đến hết thì thôi, chả có ai đứng ra chào hỏi thưa gửi, cũng chả có ai thay mặt ban tổ chức xuất hiện... nhưng khi kết thúc, người xem vỗ tay rào rào. Rất đông người Việt Nam ở đấy. Mới nhớ trong nước, diễn xong diễn viên ra cúi gập người chào, rất ít người vỗ tay chào lại vì họ bận... đứng lên ra về. Cứ sắp hết là người ta đồng loạt đứng lên, rào rào tiếng ghế. Nó như là... đặc sản rồi. Nhưng sang đây thì khác hoàn toàn. Hết sức lịch sự, hết sức văn hóa. Tuy thế không phải không có những thói quen vẫn... xuất ngoại. Hôm tôi ăn trưa ở một nhà hàng, phía sau là một bàn mấy chục chị phụ nữ Việt. Ăn không có thức uống cồn mà nước ngọt thôi, thế mà các chị vẫn theo thói quen, giơ ly nước lên cụng và hô... Zô. Thú thật là tôi đã hết sức xấu hổ, đến mức lúc ấy nếu bị buộc khai quốc tịch, có khi tôi phải đau đớn mà nói dối như một số người đã từng.

           Chúng ta đang phát triển du lịch, coi du lịch là mũi nhọn, là nền kinh tế không khói, là cỗ máy thu tiền, nhưng quả là, người Việt ta hiện tại nhăm nhăm kiếm tiền trong nước rồi... ra nước ngoài tiêu rất nhiều. Hay ta chỉ chú ý đến những đối tượng xài đô la mà cố ý bỏ rơi số dùng tiền Việt, để cho rất nhiều người Việt lại phải đổi tiền mình ra ngoại tệ và đi du hí ở nước ngoài.

           Khen nhiều nước ngoài thì quả là có gì đấy không phải lắm, lại sẽ mang tiếng là đi được tí về chê hoắng lên, như kiểu có anh Việt về quê thấy con chó hỏi con gì, chưa kịp nghe trả lời thì nó xồ lên, thế là co cẳng hét ầm: Cứu cứu, chó cắn tôi.

           Thì đây, tôi đã phát hiện ra mấy điểm để... chê. 

           Ấy là dù đô thị cực kỳ xanh và đẹp, bất cứ tí tẹo đất thừa nào cũng đều được phủ bằng hoa và cây. Các cửa sổ, các ban công nhà cao tầng cũng thế. Nhưng, các nhà cao tầng hiện đại ấy, từ các cửa sổ, vẫn có quần áo... thò ra. Tôi đã reo lên khi tóm được chi tiết này và say sưa chụp ảnh. Có thế chứ, chả nhẽ “ông” lại chả có tí khuyết điểm nào. Đang hớn hở thế thì ông đồng nghiệp thủng thẳng một câu: Biết đâu khu này toàn người... Tàu ở? Khổ thân tôi, cụt hứng phát hiện dù vẫn hí hửng chụp ảnh.

           Nước hiếm nên họ tái chế nước để dùng, và có thể dùng nước trực tiếp từ vòi công cộng. Cái vòi rửa tay tự động trong nhà vệ sinh rất khó dùng, phải nhấn mạnh nước mới ra, và lượng nước ra rất ít so với thông thường. Ấy là họ tiết kiệm nước. Cũng như thế, hầu hết các toilet khách sạn không có vòi xịt, có lẽ lại tại thứ nước ấy không tái tạo được. Nhưng dẫu lý do gì đi nữa thì đấy cũng vẫn là điểm... thua Việt Nam, tôi lại hớn hở lần nữa vì phát hiện của mình, chưa kể khách sạn không có dép đi trong nhà, không có kem bót đánh răng, khách sạn Việt Nam thậm chí có cả kim chỉ, phục vụ tận răng.

           Điều ghét nhất nữa là internet. Tất cả phải quy ra tiền chứ không free như ở tất cả các khách sạn ở ta. Ta không chỉ khách sạn, nhà hàng, quán cà phê mà cả nhiều khu vực công cộng cũng đã free wifi, chưa kể có những thành phố như Đà Nẵng, Hội An đã phủ sóng toàn thành phố. Ông nào mà nghiện thuốc thì còn thấy mình bị... hạ cấp nữa. Có những toilet cấm 2 loại là người hút thuốc và... chó. Tức là 2 đối tượng này có khu vực riêng, ngang bằng nhau. Ở Việt Nam thì dễ có “chiến tranh” vì sự kỳ thị này, nhưng ở đây, răm rắp chấp hành. Có những cô nhân viên văn phòng xinh lắm, đa phần nhân viên văn phòng Singapore da trắng, dáng rất đẹp, chân dài thẳng tắp, váy công sở ôm khít... thi thoảng lại phải chạy ra ngoài... hút thuốc. Hình như bên này, nữ nghiện thuốc khá nhiều, bởi cái hình ảnh mấy cô nhân viên xinh đẹp tụm với nhau trước cái thùng rác to oạch được ẩn ở một chỗ nào đấy, rít lấy rít để những hơi thuốc để vào làm việc tiếp, khá nhiều...

           Cứ vừa đi vừa miên man nghĩ thế nên... chả mua gì. Lần đầu tiên thực hiện được như thế. Thứ nhất là đi với con gái, nó đưa tiền bảo thôi con cứ cầm, cần mua gì thì ba mua con trả tiền, mà chả thấy cần gì. Hơn nữa, mấy lần trước đi, lần nào trước khi đi cũng bụng bảo dạ, và hứa với người nhà nữa: Sẽ không mua gì, cần mua gì về nhà mua, vừa rẻ vừa tiện, nhưng rồi vẫn cứ khuân cả đống về, và, đa phần là... để đấy, chả dùng đến. Lần này, không mua gì nên về thanh thản, nhất là lại tìm được mấy điểm yếu để... chê.


                                                               
          
          



3 nhận xét:

ba nguyen nói...

Khen nước giàu thì khen mãi chẳng hết,cũng như ta vào nhà giàu ở nông thôn ấy,ơ chỗ này sao nó mát thế mà chả thấy có cái quạt nào.Thì ra cái chỗ này nó hút gió từ một dãy tường.Cái hố xí nó cũng thật thơm(Đít bà đầm thơm).Rồi v..v..v khen hoài.Ông Lý thì cũng là tài,nhưng nếu nước Xinh nằm chẳng ở cái ngõ mà cả xóm cả làng phải đi qua,không có cái ao sâu nhất nhì đông nam á
thì có là ông Lý cũng chỉ cắp cái ô mà thôi.Ấy là góp vui cho nó có tý phản biện.Chứ An Nam(Đại Ngu)ta quả là bẩn từ đầu xuống khố.Mà cũng như bóng đá,dân tây,tàu, lúc nào nó cũng hơn ta một cái đầu gọi là đẳng cấp mai mãi,anh VCH có đông ý không?

Vũ Xuân Tửu nói...

Đọc bài này, mạn phép Nhà thơ VCH rút ra 1 điều thu hoạch: khi không có nạn sùng bái cá nhân thì đất nước phát triển...

dung.geo nói...

Điều này là không ai có thể phủ nhận nhưng không dám nói ra anh ạ.