Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

VỀ LẠI VŨNG TÀU



Lê Huy Mậu là nhân vật ở Vũng Tàu hay bị… săn đuổi. Ngoài việc ông đang là chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật ở đây thì ông còn là tác giả phần lời của ca khúc “Khúc hát sông quê” do ông Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc rất nhiều người biết và thích. Thế thì ông bị săn đuổi, bị… nhắm là đương nhiên. Mà ông lại xuề xòa, cái xuề xòa của người vừa là quê xứ Nghệ, vừa là của người tuổi đã… cao, nên nhiều khi vợ ông, một bà bác sĩ thú y cũng viết văn, vừa dặn xong thì ông đã quên ngay. Câu mà bà hay dặn nhất là, già rồi, ai nói gì, rủ gì thì cố phản kháng lại cái, chống lại cái, gọi nôm na là… phản biện. Ví dụ họ gọi mời anh Mậu ơi chiều nay mời anh giao lưu với bọn em tí, trong đoàn có mấy em chân rất dài, hát khúc hát sông quê rất hay, rất nức nở, rất mong được gặp anh, thì phải biết phản biện là, anh đang ở… Hà Nội, hoặc ít nhất anh đang ốm, anh đang họp. Đằng này, nghe chưa hết câu đã Dồi dồi dồi… Và rồi nếu có điện thoại phát, bất cứ lúc nào, là ông dồi dồi dồi thật.
---------------


                        
Dễ đến cả chục năm tôi mới quay lại Vũng Tàu. Đây là thành phố có thể nói là sạch nhất nước. Những bờ kè ven biển láng tưng, lát đá đen có thể ngả lưng ngay không cần lau. Những dải phân cách trưng những chậu cây bạc triệu rất đẹp mà… không mất. Nước ta có mấy cái nhà sáng tác của Bộ Văn Hóa gồm Đại Lải, Tam Đảo, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu và Đà Lạt. Các nhà sáng tác này trực thuộc khu sáng tác. Nơi này phân cho mỗi hội từ trung ương tới địa phương mỗi đợt đưa quân đến sáng tác 15 người trong vòng 15 ngày. Thú thật là lâu lắm tôi không đi, lần này tự nhiên lại nổi máu đi, thế là… Vũng Tàu. Và cũng nói thật là rất thương các quan chức văn nghệ ở những nơi có các nhà sáng tác đứng chân. Ấy là đoàn nào đến sáng tác thì cũng… ghé thăm hội, rồi mời giao lưu giao thớt các loại, thì toàn các ông lãnh đạo và vài người nổi tiếng ở đấy gánh. Ít nhất là một tháng có 2 đoàn tới sáng tác, sức voi cũng chả lại.

Lê Huy Mậu là nhân vật ở Vũng Tàu hay bị… săn đuổi. Ngoài việc ông đang là chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật ở đây thì ông còn là tác giả phần lời của ca khúc “Khúc hát sông quê” do ông Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc rất nhiều người biết và thích. Thế thì ông bị săn đuổi, bị… nhắm là đương nhiên. Mà ông lại xuề xòa, cái xuề xòa của người vừa là quê xứ Nghệ, vừa là của người tuổi đã… cao, nên nhiều khi vợ ông, một bà bác sĩ thú y cũng viết văn, vừa dặn xong thì ông đã quên ngay. Câu mà bà hay dặn nhất là, già rồi, ai nói gì, rủ gì thì cố phản kháng lại cái, chống lại cái, gọi nôm na là… phản biện. Ví dụ họ gọi mời anh Mậu ơi chiều nay mời anh giao lưu với bọn em tí, trong đoàn có mấy em chân rất dài, hát khúc hát sông quê rất hay, rất nức nở, rất mong được gặp anh, thì phải biết phản biện là, anh đang ở… Hà Nội, hoặc ít nhất anh đang ốm, anh đang họp. Đằng này, nghe chưa hết câu đã Dồi dồi dồi… Và rồi nếu có điện thoại phát, bất cứ lúc nào, là ông dồi dồi dồi thật.

Đảm bảo nếu gặp lần đầu tiên không ai dám, dù là có khả năng tưởng tượng giỏi nhất, nghĩ rằng Lê Huy Mậu là nhà thơ. Ông béo tốt một cách nghi ngại, béo đến mức người ta sẽ nghĩ sai về phẩm chất nhà thơ, chất phác một cách đáng ngờ, và thật thà, rất thật thà đến mức ta phải nghĩ rằng trên đời này không bao giờ còn có sự léo lận gian trá đểu cáng phi nhân khi nhìn ông... nhắm mắt đọc thơ. Khổ thay những điều ấy lại hiện hết ra bên ngoài nên rốt cuộc, không cần cất lời thì người ta nhìn ngay ra một ông nông dân Nghệ An Lê Huy Mậu, dẫu ông sống ở Vũng Tàu mấy chục năm nay, trước đấy là lính đồ bản chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên.

Một lần tôi rủ Lê Huy Mậu và nhà thơ Lê Quang Sinh cùng về Thanh Hóa, thăm lại nơi mà hơn bốn mươi năm trước tôi đã từ đấy ra đi. Bạn bè cũ tôi khi nghe tôi báo tin sẽ về thì rất mừng, đổ hết về Hậu Lộc tề tựu đợi tôi. Nhưng đến khi gặp, tôi giới thiệu Lê Huy Mậu là tác giả lời của bài "Khúc hát sông quê" đi cùng thì ngay lập tức Mậu mới là chủ nhân của cuộc đón tiếp chứ không phải tôi. Gần như 100 phần trăm đám bạn tôi rút điện thoại ra, và lập tức từ đấy "Quá nửa đời phiêu bạt, con lại về úp mặt vào sông quê, ơi con sông dịu dàng như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bề mưa nguồn"... réo rắt cất lên, cả mấy chục cái điện thoại cùng hát một bài một lúc với rất nhiều ca sĩ, từ Anh Thơ đến Thu Hiền, từ Minh Phương đến Phương Thảo, có mấy đứa còn tự hát rồi ghi âm lưu vào đấy. Có cô bạn ngày xưa xinh nhất lớp, giờ già ơi là già, khều tôi ra nói nhỏ: Tao nghi lắm, trông cái ông xấu trai hiền khô thế kia mà viết được những câu hay thế à, tao ru cháu nội toàn bằng bài ấy đấy. Cứ đến câu "Một dòng trong xanh chảy mãi đến vô cùng" là nó ngủ. Muốn chắc chắn tao tua thêm vòng nữa là cu cậu say hơn chó con. Nó lôi trong lưng quần ra cái điện thoại "của con trai nó thải nó cho" hí hoáy một tí thì cũng ọt ẹt "Con cá dưới sông cây trồng trên bãi, lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm" và đấy là giọng nó hát, nó thu vào đấy để khi nào mệt không Lai vờ sâu được thì nó mở ra ru cháu…

Tôi đang tự thấy may mắn vì lần này về Vũng Tàu thì ông Mậu đang đi Hà Nội, đi thật chứ không phải đi như… lời vợ dặn, thì sáng nay ông điện thoại: Chú chờ đấy, mai anh về sớm. Thôi rồi, xong.

Thực ra người tôi rất muốn gặp lần này tại Vũng Tàu là nhà báo nhà thơ Lưu Trọng Phú kia. Ông này người Quảng Bình, là cháu nhà thơ Lưu Trọng Lư. Về Vũng Tàu mới thấy, đa phần là dân tứ xứ về đây, đồng nghiệp làm văn làm báo tôi quen toàn nghe giọng Bắc hoặc trọ trẹ xứ Trung. Ông Phú thời còn sống, làm trưởng ban cuối tuần báo Bà Rịa Vũng Tàu, có 2 điểm khiến tôi nhớ mãi. Một là ông hát bài “Khúc hát sông quê” rất hay. Nhớ có lần tôi và ông Mậu về quê tôi, huyện Phong Điền Thừa Thiên Huế, ông bí thư huyện yêu quý tôi biết có “bác Mậu” về bèn mời giao lưu. Khổ, chả ai hát được “khúc hát sông quê” dù ai cũng thích, thế là tôi mở điện thoại, gọi Lưu Trọng Phú, nói bác hát vào đây em mở loa cho mọi người nghe. Cú “Li Vờ” điện thoại ấy khiến tôi mất gần trăm ngàn tiền cước. Ông Phú hát bài này giọng Opera cộng minh cộng hưởng rất chuẩn, và nghe rất nồng nàn, khi say lại càng nồng nàn. Và hai là, ông rất ham bạn. Có bạn đến Vũng Tàu là ông phi tới bất kể lúc ấy sớm hay muộn, mưa hay nắng, còn tỉnh hay đã say nhòe. Khi mất, đột tử trên một chuyến xe đêm, ông cũng đang trên đường phi đi thăm bạn. May, trước đấy ông đã kịp ra tập thơ thứ 2 của đời mình. Đến Vũng Tàu vắng ông Phú, như thiếu một cái gì?

Bù lại, tôi gặp được một quái nhân.

Hồi mới mua xe ô tô, tôi mày mò tự cop cho mình mấy USB nhạc để nghe khi lái đường dài. Nguyên tắc là những bài mình thích, xen kẽ nhiều phong cách, nhiều giọng, nhiều kiểu khác nhau, để, một là thưởng thức đa dạng, và 2, quan trọng hơn, chống buồn ngủ khi chạy đường dài. Nên bên cạnh Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Phú Quang, Ngô Thụy Miên... có rất nhiều nhạc cách mạng, nhạc thiếu nhi một thuở, kiểu đùng đùng đùng đoàng đoàng đoàng đoàng anh cứ đi...

Một hôm thấy một giọng nam rất lạ hát Trịnh. Ngẩn người, hình như đây là giọng nam hay nhất hát Trịnh cho đến giờ. Đệm ghi ta mộc rất hay. Tò mò xem thì thấy là Toàn Nguyễn. Thì cóp vào. 10 bài. Chả biết là ai, nghe suốt mấy năm nay trên xe.

Đến một hôm thấy ông bạn nhà báo Lê Thanh Phong post lên facebook cái ảnh ông ấy ngồi với ông Toàn này ở một sân khấu nhỏ, mới tò mò vào hỏi thì biết ông Toàn này ở Vũng Tàu. À biết rồi, hôm nào có điều kiện vào thì ghé nghe ông ấy hát.

Và ngay đêm đầu tiên khi đến Vũng Tàu, tôi đã tắc xi đến phòng trà Toàn Nguyễn nghe ông hát.

Ông này quê Nam Định nhưng sống Hải Phòng từ nhỏ, chả học hành gì cả, nhưng khoản hát thì tuyệt vời, tự đệm ghi ta. Ngoài hát hay thì hát rất khỏe. Hôm tôi đến là ông vừa đi hát ở đâu về ấy, thế mà vẫn ôm đàn live 2 tiếng luôn, cả cái phòng trà có nhõn 5 khách là tụi tôi và ông này. À có cô vợ, trẻ hơn chồng… 30 tuổi và 2 thằng con trai lít nhít. Nghe nói là ông này có đến mấy tập kia, cô này chả biết có phải là cuối cùng không, ông Toàn nói ngay trước mặt vợ thế “khổ lắm kia, em hát xong các cô ấy cứ mời thì biết làm sao?”. Tôi bảo tôi mà hát hay bằng nửa ông có khi tôi cũng được như ông. Cô vợ hiện tại này học nhạc viện âm nhạc ra và... mê rồi theo ổng. Ông này đàn bà không mê mới lạ. Hát hay nói cũng... hay, dẫu tướng ngũ đoản. 10h đêm tôi về thì lão mới chỉ cái mâm cơm úp lồng bàn: Em về, vợ để cơm, chưa kịp ăn thì các anh tới.

Trịnh rất khó hát, mà khó thì lại tức là… dễ hát, bởi ai hát cũng được. Nhưng cho nó ra Trịnh thì không mấy người. Tôi với tư cách một người mê Trịnh, thấy là, ở Việt Nam hiện tại, giọng nam chưa ai qua Toàn Nguyễn khi hát Trịnh. Và cái đánh giá ngẫu hứng thiên về cảm xúc của tôi được nhiều người đồng ý, bởi họ nhận ra Trịnh ở đấy, Trịnh và đời, và những da diết, có nỗi đau trong ấy.

Về Vũng Tàu đúng lúc bão đang vào, dẫu ở đây không phải là trọng tâm bão nhưng nhìn ra biển sầm sì vắng ngắt thấy cũng… buồn. Những lần trước về còn nhà văn Xuân Sách, ông là thế hệ trên, nhưng quý ai cũng chịu chơi hết mình, chan hòa như bằng vai phải lứa chứ không quan cách. Tôi đã nhiều lần được hầu rượu ông, cái ông nhà văn xứ Thanh nhỏ con hiền lành nhưng thông minh ranh mãnh tôi được đọc từ nhỏ. Ấy là cuốn “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”, chính vì cuốn này mà tôi cứ đinh ninh ông là người… Bắc Ninh. Ông khà khà bảo: Thanh Hóa mới kinh chứ? Tôi gặp ông lần đầu tiên từ năm 1987, thời hội Văn học Nghệ thuật đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo do ông làm chủ tịch đang còn đóng ở cái biệt thự rất đẹp của đại sứ Liên Xô Saplin. Hồi ấy nghèo, ông bảo anh chị em văn phòng đi chợ mua đồ về nấu cơm tại cơ quan chiêu đãi tôi. Tối ngủ trong phòng làm việc, trải chiếu xuống nền nhà nằm la liệt. Vui nhất là, mỗi chiều thứ 7, cán bộ nhân viên văn phòng hội ôm chiếu đứng ở cửa cơ quan mời khách vào thuê ngủ. Ông chiêu đãi chúng tôi ngủ ở cái chỗ cơ quan ông cho khách thuê ngủ. Hồi ấy Vũng Tàu như chia ra hai thế giới. Thế giới của dầu khí với lương rất cao, ra chợ không cần trả giá, và thế giới cán bộ và dân thường, tìm mọi cách để sống, mà cái việc cứ chiều thứ 7 cả cơ quan lại dọn dẹp đồ đạc để đón khách Sài Gòn xuống “Cấp” nghỉ là một cách. Hôm qua chiều tôi, nhà văn Trần Đức Tiến, cũng từng là chủ tịch hội VHNT thời sau Xuân Sách, lấy xe máy chở tôi qua chỗ ngày xưa là trụ sở mà ông Xuân Sách cho nấu cơm đãi tôi ấy. Giờ tất nhiên, nó là một cái nhà hàng hay khách sạn gì đấy, vẫn rất đẹp. Và tôi vẫn nhận ra nó khi sắp tới, bởi những cái bậc đá hun hút lên ngôi biệt thự dựa vào núi. Ông mất, Vũng Tàu như cũng khuyết một góc, ít nhất là với anh em văn chương.

Giờ cái khoảng cách ấy có vẻ không hiện diện rõ rệt như ngày xưa dù thu nhập của dân dầu khí vẫn ngất ngưởng. Nhà văn Trần Đức Tiến về hưu rồi, nhưng có khách, ông không chịu ngồi cà phê vỉa hè, mà chở vào cà phê highlands, bảo uống ở đấy yên tâm vì nó… sạch, chỉ có điều không “yên tâm” là nó đắt gấp 3 cà phê ở ngoài. Hôm  qua ông cũng chở tôi vào đấy, nhìn Vũng Tàu trôi qua cửa kính, thấy bình an chi lạ…





3 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

VCH dạo này viết càng cuốn hút. Tôi nhớ lại Vũng Tàu, đến thăm nhà bác Mậu. Bác Mậu gái tặng tập truyện. Vừa rồi bác Mậu gửi tặng tập thơ văn xuôi. Đọc bài này càng thêm nhớ biển VT.. .

Văn Công Hùng nói...

Cám ơn bác Vũ Xuâhn Tửu luôn đọc em rất kỹ và còm cũng rất kỹ...

TNC nói...

Bác nhiều kỷ niệm với Vũng Tàu nhỉ. Em đến VT đôi ba lần, lần nào cũng say nên không cảm nhận được nhiều.