Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

CHUYỆN VUI BÚT DANH




           Bút danh là dành cho giới cầm bút, tất nhiên thế, giống như bí danh là dành cho các bác hoạt động bí mật thời xưa, như ba tôi một thời khai trong lý lịch: Tên khai sinh: Văn Đình Th, bí danh: Lai. Mà ba tôi thời hoạt động bí mật chỉ là nhân viên quèn, các bác lãnh đạo phải hàng chục bí danh là thế. Giờ có... phây búc, thì có nick name, đủ thứ nick name từ kỳ quái tới bí ẩn, tới hoang mang tới rùng rợn, từ hoạt kê tới bi phẫn... đến nỗi ông chủ phây là Mark Zuckerberg vừa phải làm một việc chẳng đặng đừng là... kiểm duyệt nick. Tất cả các nick ẩn danh đều bị... triệu tập, bằng cách phải trưng giấy tờ chứng nhận đấy là tên thật của mình, không thì a lê hấp, khóa phây.

           Trở lại chuyện bút danh của giới cầm bút, cũng thiên hình vạn trạng lắm, cũng đầy yếu tố hỉ nộ ái ố mà nếu tìm hiểu cũng vui phết.

           Ngày sách vừa rồi, tỉnh Gia Lai mời nhà văn Sương Nguyệt Minh vào giao lưu với bạn đọc. Ông này nổi tiếng, nhiều người biết rất rõ “thân thế sự nghiệp”, tuy thế không phải là có người đọc ông nhưng chưa biết ông là ai, nhất là cái “giống” gì mà viết về sex có những đoạn “hết sảy” thế. Tôi bảo, yên tâm, một chân dài miên man, một dáng chuẩn không thể chuẩn hơn, một tính cách dịu dàng thảo mai, lúc cần hài thì bi và lúc bi thì hài... đại loại thế.

           Thế rồi gã xuất hiện. Chân dài miên man thật. Có lẽ trong giới nhà văn Việt Nam, nếu hỏi chân ai dài nhất, chắc chắn nhiều người trả lời ngay: Sương Nguyệt Minh. Nếu hỏi vòng 2 ai chuẩn nhất, cũng Sương Nguyệt Minh luôn, có điều gã là... đàn ông, một đàn ông ngàn phần ngàn, không phảng phất vương vấn gì với cái tên hết sức yểu điệu trùng với họ và đệm của gái yêu cụ đồ Chiểu, tổng biên tập báo đầu tiên của nước ta, bà Sương Nguyệt Anh. Đến mức, ngay cái tên Anh và Minh thì cũng có đến 2 chữ cái giống nhau là N và H, thế nên một số người nhầm cũng là điều dễ hiểu.

           Có nhiều nguyên nhân phát sinh bút danh, có khi là cả sự tính toán công phu, tỉ mẩn, theo ngày theo giờ, theo tướng số theo tử vi, nhưng có khi lại chỉ là ngẫu nhiên.

           Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn, vợ ông là nhà văn Vũ Minh Nguyệt và con trai ông tên là Nguyễn Ngọc Minh. Thời mới viết, ông lấy bút danh là Sơn Nguyệt Minh. Tên chồng, tên vợ, tên con bện vào nhau, vừa nhã vừa thánh thiện vừa đầy đủ ý nghĩa, như bài hát các cháu học sinh bé bây giờ hay hát “Một gia đình nhỏ một hạnh phúc to”. Đùng phát, anh mo rát, tức là anh sửa bản in chứ không phải “anh đánh máy” như bây giờ một vài người hay đổ vạ, sửa siếc thế nào mà cái tác phẩm đầu tiên của ông nhà văn khi in ra không sai một lỗi ở nội dung, nhưng lại mắc một lỗi, chả biết may mắn hay bất hạnh, ở chính tên tác giả, ấy là, thay vì Sơn thì nó lại biến thành Sương. Và tên ông chết từ đấy, đến nỗi giờ ai kêu anh Sơn ơi có khi ông không quay lại vì nghĩ nó là... đứa nào chứ không phải mình?...

           Cũng như thế nhà văn quê gốc Hải Phòng nhưng gắn bó với Tây Nguyên, trở thành một trong những nhà văn viết hay nhất về Tây Nguyên Trung Trung Đỉnh cũng có tên thật là Phạm Trung Đỉnh, thế rồi, bản thảo gửi từ Tây Nguyên về tòa soạn, chả hiểu loay hoay thế nào mà lại thành Trung Trung Đỉnh và nó cũng chết luôn với ông từ xưa tới nay, đến nỗi, trong văn bản hành chính, khi ông ký Phạm Trung Đỉnh mọi người cứ ớ ra không biết là ai. Trường hợp này hay xảy ra khi các tác giả có sách in ở Nhà xuất bản Hội Nhà Văn do nhà văn Trung Trung Đỉnh làm giám đốc kiêm tổng biên tập, thấy ở trang xi nhê ghi: Chịu trách nhiệm xuất bản Phạm Trung Đỉnh. Một số bác càu nhàu, thích ông Đỉnh (Trung Trung) thì lấy giấy phép ở đấy, giờ lại ông Đỉnh nào lạ hoắc chịu trách nhiệm xuất bản, mất cả sang.

           Khi tôi làm biên tập ở một tạp chí văn chương đã rất... thô bạo can thiệp vào một số bút danh của các tác giả trẻ, khiến họ giờ cứ... cám ơn tôi miết. Xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân, thời mới viết tôi cũng tìm cho mình một bút danh thật kêu. Rồi một hôm trời thương, tác phẩm được in, nhuận bút gửi về bằng đường bưu điện, cầm chứng minh nhân dân ra nhận không được. Tên một đằng phiếu gửi một nẻo làm sao mà nhận. Phải về cơ quan hoặc phường xin chứng nhận đóng dấu. Lại cũng chả dễ dàng gì, ông phải chứng minh ông là cái người có tên trong giấy mời lĩnh tiền kia đi. Ông là cái gã vừa hầm hố vừa xấu xí thế kia sao lại có thể có cái tên Mộng Hương kia. Chứng minh gần chết mới xin được con triện chứng minh Mộng Hương là mình, hớn hở mang ra bưu điện thì... tiền đã chuyển lại về nơi gửi.

           Thế là khi đọc tác phẩm của các tác giả trẻ, tôi khuyên luôn chuyện bút danh. Rằng tại sao phải lấy bút danh khi bố mẹ đẻ ra mình đã chọn cho mình một cái tên rất là công phu kỹ lưỡng và đầy ý nghĩa. Khi in tác phẩm ra, bố mẹ đọc cũng chả biết là của mình chứ đừng nói tới bạn bè hàng xóm, có phí không, rồi tôi mang chuyện nhận tiền nhuận bút ra dọa vân vân các kiểu, nên một số bút danh như Bút chì, Sói Hoang, Chu Lê, Thụy Lê, trở lại tên thật của mình... Có điều bây giờ cái lý do để nhận nhuận bút nó lỗi thời rồi, vì phần lớn các tòa soạn chuyển khoản.

           Nói thế thôi chứ bút danh nhiều sự rất lợi, chả thế mà giới nghệ sĩ rất hay lấy nghệ danh, một dạng gần của bút danh, dù nói thật, nhiều cái nghệ danh giờ đọc cứ sái quai hàm, cứ như đang nhắc đến một ông bà tây nào đó.

           Hôm rồi tôi đi thực tế với một đoàn nhà văn mười mấy người, duy nhất trong ấy có một người mang bút danh, là Nồng Nàn Phố. Đây là nhà thơ nữ rất nổi tiếng trên văn đàn, nhất là từ khi bài thơ “ngủ đi anh em phải dậy lấy chồng” của chị xuất hiện trên mạng. Hình như rất ít người trong đoàn biết tên thật của cô nhà thơ này, cứ gọi Nồng Nàn Phố ơi Nồng Nàn Phố ời, ban đều kể, nó cũng hơn bất lợi vì tên dài mà lại không suôn, như gọi Nguyễn Một ơi, Võ Đắc Danh ơi, Đỗ Tiến Thụy ơi, Tạ Duy Anh ơi, Nguyễn Thế Hùng ơi, Nguyễn Đình Tú ơi, Phong Điệp ơi... có vẻ nó dễ hơn Nồng Nàn Phố ơi, nhưng té ra, chỉ một ngày, cái tên Nồng Nàn Phố lại trở nên dễ gọi, dễ nhớ dễ... nồng nàn hơn tên của mấy gã nhà văn to cao đen hôi kia. Bằng chứng là có người đã tỉ mẩn thống kê thì thấy tên Nồng Nàn Phố được gọi lên với tần suất gấp mấy chục lần các tên nhà văn đàn ông kia, sự đắm đuối thiên về hướng êm ái trong ngữ điệu, sự dịu dàng thiên về hướng cảm xúc khi ngân lên, sự lịch lãm thiên về hướng văn minh giao tiếp... đều tăng theo cấp số nhân khi các văn nhân nam gọi nhau. Vậy thì hà cớ gì lại cấm các nhà văn, nhất là nhà văn nữ trẻ trung xinh đẹp thông minh, chọn bút danh cho mình.

           Cũng có khi việc chọn bút danh là bất khả kháng, ấy là khi các nhà văn viết báo. Nếu ai đọc báo Lao Động một thời và giờ là báo Thanh Niên sẽ gặp cái tên nhà báo Trần Đăng. Ông là cây phóng sự khá nổi tiếng, nhưng đồng thời là nhà thơ. Cái tên khai sinh của ông là Phạm Đương là ông chỉ dùng khi in thơ, còn khi viết báo thì ông lấy là Trần Đăng. Ông Phạm Đương ở cùng địa phương với nhà thơ Thanh Thảo, và ông Thanh Thảo cũng là nhà báo lừng danh, nhưng như ông Phạm Đương tiết lộ thì Thanh Thảo không bao giờ dùng bút danh, kể cả khi ông viết cái tin “con ruồi” trên báo. Phạm Đương bảo, đơn giản chỉ vì ký nhiều bút danh dễ... lộn nhuận bút.

           Có một cái luật bất thành văn là trong cuộc sống, khi gọi tên các nhà văn, người ta thường gọi cả họ và tên chứ không chỉ gọi tên không như thông thường, cũng chả hiểu sao lại như thế, tất nhiên cũng có ngoại lệ. Nhà thơ Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng, ông lấy bút danh Thu Bồn là để nhớ con sông quê ông, bạn bè và bạn đọc khi gọi ông đều gọi đủ là Thu Bồn, trừ một người, ấy là vợ ông. Chị Lý Bạch Huệ, vợ sau của Thu Bồn, tôi để ý chỉ toàn gọi anh Bồn ơi anh Bồn ời, hoặc anh Bồn em thế này anh Bồn em thế kia.

           Chuyện bút danh nhiều khi cũng do oái oăm, ví như nhà văn Vũ Bão tên thật là Phạm Thế Hệ. Thời mới viết ông thấy cái tên Phạm Thế Hệ nó không... cách mạng lắm, trong khi mọi người thì đầy các bút danh kêu và rực lửa, thế là ông lấy bút danh là Vũ Bão, rất là khí thế, rất là tiến công nhé. Sau này ở Hải Phòng có một kiến trúc sư tên thật là Vũ Bão cũng viết văn, và cũng rất nổi tiếng, nhưng vì có ông anh lớn tuổi hơn, viết trước mình lấy bút danh là Vũ Bão rồi, thế là ông này phải lấy bút danh từ chính cái tên mình lộn lại là Bão Vũ. Nhà văn Bão Vũ từng là ủy viên hội đồng văn xuôi hội nhà Văn Việt Nam.

           Vừa rồi Việt Nam ta có một nhà văn, rất nổi tiếng, lại đoạt giải thưởng Slam thơ do Pháp tổ chức tại Hà Nội. Người đoạt giải nhất sẽ được sang Pháp “tỉ thí” với các nhà vô địch Slam thơ các nước khác trên toàn thế giới. Nhà văn đoạt giải Slam thơ Việt Nam ấy là Y Ban, người rất nổi tiếng với các tác phẩm như “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”, “I’am đàn bà”, “Đàn bà xấu thì không có quà” vân vân. Nhưng tên thật của chị lại là Phạm Thị Xuân Ban, một cái tên rất thuần Việt. Chị học sinh học và dạy môn sinh học tại đại học Y Thái Bình. Khi gửi truyện ngắn đầu tiên của mình cho báo, một biên tập viên khuyên, Phạm Thị Xuân Ban thì... thường quá, lấy một cái tên gì không đụng hàng đi. Nghĩ mãi nghĩ mãi rồi à một tiếng, Ban trường Y thì lấy là Y Ban thôi. Và tôi, lần đọc “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” đầu tiên đã thốt lên: Cô này người dân tộc mà viết văn hay kinh hoàng. Cũng như thế, nhà văn Ma Văn Kháng đã khiến hàng vạn độc giả tưởng ông họ Ma người dân tộc Tày Nùng chi đó thật. Đã có lần có báo đăng tin ông tộc trưởng họ Ma viết thư cho ông Kháng nói về họ của mình, và rất hân hoan thông báo là họ ta rất vinh dự tự hào vì có chú là nhà văn nổi tiếng làm rạng danh dòng họ. Nhưng thực tế ông họ Đinh, Đinh Trọng Đoàn, và là người Hà Nội gốc. Xong văn ông trong những cuốn viết về vùng biên giới phía Bắc, cả cái dáng người ông, thêm cái họ Ma, không nhầm mới lạ.

           Chuyện bút danh nhà văn là chuyện... muôn đời. Có những bút danh trái ngược hẳn với người như Tú Mỡ té ra lại là người rất gầy. Bút Tre thì lại toàn dùng bút máy, vì ông làm đến chức trưởng ty, chả có trưởng ty nào lại viết bằng bút tre cả. Ông ký đồ Gàn thì lại khôn đến sỏi sạn. Nhưng nghe nói ông ký Nguyễn Duy Nhất chỉ để chứng minh mình tên Nguyễn Một, còn ông ký Tú Hói thì nghe đâu chính xác ông thuộc diện “rửa mặt thì lâu gội đầu thì chóng”...

           Tác giả bài viết này, cũng có... dăm bút danh, có bút danh ghi hẳn hoi vào thẻ, để phòng khi gặp những trường hợp... khó xử, ví như một số báo được chọn in cả báo và thơ. Nhưng càng ngày càng ít dùng bút danh, cứ tên thật của mình mà phô, kể cả... tin con ruồi.

           Xin kết bài viết bằng đôi câu đối vui về bút danh, nghe nói xuất xứ từ Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, nơi một thời có rất nhiều các văn nhân xứ Nghệ, mảnh đất sinh ra rất nhiều ông đồ, làm việc: “Xuân Diệu Xuân Sanh xuân... tóc đỏ/ Tú Xương Tú Mỡ tú... lơ khơ”...
                                                                         

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hehehe... hay và dí dỏm lắm ca ca

Đặng Quang

Vũ Xuân Tửu nói...

Cách đây hơn chục năm, tôi đi trại sáng tác Đại Lải của Quân đội với chủ đề rất oách: "Trại sáng tác văn học chủ đề Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng". Tôi tò mò hỏi nhà phê bình lý luận Nguyễn Hòa, Sương Nguyệt Minh là ai, ông hay bà? Anh Hòa mới trả lời như thế, như thế... Mãi sau mới biết nhau. Bút danh nhiều nhà văn, nhà thơ rất hay, rất gợi. Riêng tôi chẳng có bút danh gì, đành lấy tên thật cho xong.