Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

BI HÀI VIỆC CẤP PHÉP CA KHÚC




           Tôi tin là không chỉ gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà cụ thể là chị Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ, mà rất đông người Việt đã hết sức kinh ngạc khi đánh đùng một phát nhận được thông tin: Bài hát “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ tài hoa bậc nhất Việt Nam chưa được cấp phép biểu diễn, tức là chưa được hát.

           Sự việc lộ ra khi trường đại học Y khoa Huế và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dự định tổ chức một đêm “Nối vòng tay lớn” mang tính chất nội bộ tại đại học Y. Khi xin phép bên sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế mới té ra rằng, bài hát này (cùng mấy bài hát nổi tiếng nữa), chưa được cấp phép biểu diễn, giờ muốn biểu diễn phải xin phép.

           Kinh ngạc hết sức. Bởi bài hát này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ôm đàn hát cùng rất nhiều người Sài Gòn vào cái buổi trưa lịch sử 30/4/1975 tại đài phát thanh Sài Gòn. Rồi sau đó, bằng sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ của mình, nó đã có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm nước Việt, ra nước ngoài rất nhiều lần nữa. Có thể nói không một ai là con dân Việt mà không biết bài này, mà không từng một lần đứng lên vỗ tay hát theo bài này. Và tôi cũng chứng kiến rất nhiều các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước cũng đứng cùng nhân dân hát bài này, ở nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có lẽ chỉ sau Quốc ca, sau Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng là đến bài này về số lượng người hát, người thuộc.

           Thế mà té ra nó lại chưa được cấp phép biểu diễn. Vậy thì phải có một trong hai phía sai, phía cấp phép và phía biểu diễn. Người biểu diễn (hát) sai là bởi đã hát bài hát chưa được cấp phép. Và như thế tức là hàng mấy chục triệu người dân Việt đã sai, cả các đồng chí lãnh đạo từng hát cũng sai. Và trong trường hợp này thì dù phía quản lý là đúng thì họ cũng đã... sai khi mà thấy mọi người hát bài hát chưa được cấp phép nhưng đã không ngăn chặn kịp thời, để “phát tán” một bài hát trong danh mục, chắc không phải cấm, nhưng chưa được cấp phép, lọt ra ngoài một cách hồn nhiên và rộn rã đến thế. Tôi nghiêng về phía thứ 2 sai, ấy là cơ quan quản lý. Đành rằng có một cái nghị định là những bài hát trước 1975 muốn được phổ biến thì phải có người làm hồ sơ xin phép và được cơ quan quản lý chấp thuận thì mới được biểu diễn. Nhưng rõ ràng để vin vào cái nghị định này rồi nổ bùng ra cái sự kiện “Nối vòng tay lớn” không được diễn vì chưa được cấp phép, thì cơ quan quản lý đã hài hước hóa những vấn đề nghiêm túc.

           Nhẽ ra với những bài hát “có nội dung tốt” như lời công nhận của ông cục trưởng, (dù lời nhận xét này rất... bề trên, nó chứng tỏ tại sao người ta đòi cấm vĩnh viễn 5 bài hát trước đó khiến dư luận dậy sóng, và giờ là việc “Nối vòng tay lớn” “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”, “Ca dao mẹ” và “Đêm thấy ta là thác đổ”), thì cơ quan quản lý không những không nên ngồi chờ mà phải chủ động tìm cách phổ biến ra công chúng càng sâu rộng càng tốt. Đằng này, hoàn toàn ngược lại. Nó khiến người ta phải nghĩ đến một cách làm việc cửa quyền, cứng nhắc và vô cảm. Nếu đọc hết những gì nhân dân đã viết, phát biểu, comment trên báo chí và mạng xã hội mấy ngày qua, thì tôi tin, cơ quan quản lý đã có hành xử khác ngay khi vụ cấm 5 bài hát trước 75 vẫn còn hôi hổi. Nhưng họ vẫn nguyên tắc một cách lạnh lùng, soi vào danh sách cho phép, và thấy rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới có 70 bài hát được cấp phép, không có những bài hát định hát trong đêm ở Đại học Y Huế, và thế thì phải... xin, trong khi những bài này, như đã nói, đã được hát hết nước hết cái ở khắp mọi nơi, từ quán vỉa hè đến hội trường sang trọng bậc nhất.

           Bản thân tôi cũng có kỷ niệm với việc có phép không phép với bài hát “Còn chút gì để nhớ” của nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Vũ Hữu Định. Cho đến giờ thì đây vẫn đang là bài hát hay nhất về Pleiku, và nó cũng đã được hát khắp hang cùng ngõ hẻm. Tôi, chàng sinh viên Huế ra trường năm 1981 cũng vì yêu bái hát này với những “Em Pleiku má đỏ môi hồng” mà xung phong lên Gia Lai công tác. Nhưng lên đến nơi mới phát hiện là bài hát này vẫn đang phải hát... trộm. Nhiều lần ra sân Pleiku xem bóng đá, tôi thủ cái băng cát xét có bài hát này xui ban tổ chức sân mở lúc giải lao cho dân nghe nhưng ai cũng... sợ. Rồi có lần công ty điện ảnh Gia Lai làm một băng nhạc về Gia Lai, tôi cũng cố công cài bài hát này vào nhưng không thành. Cho đến khi Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku mời tôi làm giúp họ một cuốn sách về Pleiku, tôi bàn với chủ tịch thành phố: Ta sẽ đăng trọn vẹn bài thơ và ca khúc này trong tập sách. Ông chủ tịch là tiến sĩ kiến trúc đồng ý, và lần đầu tiên cả bài thơ và ca khúc “Còn chút gì để nhớ” hiện diện đầy đủ trong sách “Quà của phố” rất đẹp, và quan trọng là, chả thấy ai... có ý kiến gì. Cho đến giờ tôi cũng không biết là cái bài hát rất hay về Pleiku này đã được cấp phép biểu diễn chưa, chứ hồi tôi làm cuốn sách là chưa.

Hòa hợp là xu hướng không thể đảo ngược, bởi một thế hệ đã sinh ra, lớn lên từ sau 1975 và đang làm chủ đất nước hôm nay. Rất nhiều gia đình người Việt chúng ta có chung hoàn cảnh là có người của cả 2 phía. Các bà mẹ đã làm việc này rất tốt là ôm tất cả những đứa con vào lòng, rất nhiều bàn thờ có 2 sắc áo trong khung ảnh. Văn học nghệ thuật cũng không nên đứng ngoài xu hướng ấy.

Và thực ra, nếu bài hát không hay, chưa nói nhạc, ca từ nhệch nhạc, không hợp, thì cũng chả ai hát, còn có người hát thì tất nhiên là nó phải có lý.

Tôi thấy các bài hát trong diện cấm hoặc chưa được cấp phép còn tử tế hơn nhiều ca khúc nhạc trẻ bây giờ. Nếu cấm thì đừng chia giai đoạn, mà nói thẳng, cấm nó vì nó tuyên truyền bạo lực, tuyên truyền cổ xúy cái xấu, cái ác... chẳng hạn. 

Chắc chắn việc làm vô lý này sẽ phải bỏ, bởi cái lý do nó không khớp với thực tế nữa, và rõ ràng là nó bị phản đối rất nhiều mấy hôm nay, tức là nó phi lý, phi thực tế. Nó biểu hiện một lối làm việc hết sức xa rời thực tế, lối làm việc đút chân gầm bàn, ngồi phòng lạnh chờ duyệt chứ không bám vào đời, phát hiện vấn đề là tháo gỡ ngay. Nó chưa xứng với “chính phủ kiến tạo” như mong muốn của thủ tướng.

Và, tôi lấy làm lạ là cái việc vô lý, bị phản đối như thế mà sao bộ trưởng bộ VHTTDL chưa lên tiếng. Theo tôi cách làm giờ cũng phải thay đổi, ấy là không cấm thì tức là được hát chứ không phải xin. Tất nhiên khi hát thì phải làm các thủ tục trong quy định như bản quyền chẳng hạn...

Post kèm lọ loa kèn tháng 4 cho nó tươi...

                                                             

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

đề nghị bộ văn hóa xử lý tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã hát, in ấn , ghi âm, bán các bản ghi âm, lưu truyền trên mạng bài hát này vì chưa được nhà nước cho phép, xử lí cả cố nhạc sĩ TRỊNH CÔNG SƠN vì đã qua mặt ủy ban quân quản, hát trên đài phát thanh Sài Gòn vào chiều ngày 30/4/1975, rồi từ đó tự ý truyền bài hát đi khắp nơi

Vũ Xuân Tửu nói...

Tôi thiển nghĩ chuyện này có mùi chính trị, chứ không đơn thuần là sai lời gốc. Chính vì thế mới khó nói ra, nên cứ phải quanh co. Tội nghiệp quá chừng.