Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

NHỮNG BÁO ĐỘNG VĂN HÓA…





Không hiểu từ đâu, cái tin ngày thần tài mà mua vàng thì sẽ mua may bán đắt cả năm, sẽ tấn tài tấn lộc cả năm… rộ lên, thế là ngày thần tài năm rồi, cả nước lên cơn... mua vàng. Nhìn hình ảnh người dân xếp hàng dằng dặc hàng mấy tiếng đồng hồ dưới mưa lạnh để mua vàng mà thấy vừa ái ngại vừa nể phục. Lục lại tài liệu thì thấy hình như cái ông thần tài này chả liên quan mấy đến nước ta. Nó là sự tích bên Tàu, và các ông chủ vàng ở Việt Nam đã rất khéo léo Việt hóa nó để thu lợi khổng lồ trong ngày này. Người ta tính cứ mua một cây vàng, tiền vừa đi vàng vừa lên tay đã lỗ ngay mấy trăm ngàn đến cả triệu bạc một lượng. Thế mà người ta vẫn hăm hở đi, có người xếp hàng từ 4 giờ sáng, chen lấn xô đẩy, cãi vã, cả chửi nhau nữa…

Các lễ hội liên tiếp được mở ra ở những ngày đầu xuân này, lễ hội nào cũng công phu, cũng được chuẩn bị chu đáo. Nhưng đến lúc vào cuộc thì… vỡ trận. Như hội cướp phết, tưởng là khoanh vùng được ai dè tóe loe ra, đuổi nhau vượt ra ngoài dây giới hạn, xuống cả ao bùn để giành phết. Hay như hội Lim, văn hóa thế, đẹp thế, nhưng thiên hạ đang truyền nhau cái clip, ngoài việc ngửa nón xin tiền thì một cô gái liền chị xinh đẹp “lên đồng” ngay trên thuyền.

Rồi phóng sinh. Hàng tấn cá được đổ xuống sông Hồng gọi là phóng sinh. Đúng nghĩa của phóng sinh là giúp những con vật bị nguy cấp để chúng trở lại với tự nhiên, chứ không phải rình bắt những con vật đang tự do rồi nhốt chúng lại, bán cho người có nhu cầu… tốt, để họ thả chúng ra để được gọi là làm việc thiện với chúng, rồi lại có người bắt chúng, bán lại, rồi cứ thế là cái vòng phóng sinh luẩn quẩn…

Tâm lý đám đông, bầy đàn chưa bao giờ lại bộc lộ rõ như bây giờ. Và từ cái đám đông ấy, sự hung hãn lên ngôi. Khi hung hãn, vai trò cá nhân có vẻ mất đi trong một số trường hợp, nó trở thành a dua, thành những đám đông vô thức

Ấy là những vụ đánh nhau và đánh người rất vô cớ, chưa kể những vụ giết người man rợ như thời trung cổ, giết người mà không mảy may run sợ, mà lạnh băng cảm xúc khi bị công an bắt, giết cả người vừa ân ái với mình, thậm chí cả mẹ mình, chị mình… Đọc tin hàng ngày trên các báo mà hoang mang, mà thấy không thể tin.

Cái tốt lan tỏa nhưng chưa đủ, hình như những tấm gương lớn, những điển hình có tính chất làm gương, dẫn dụ, thu phục ngày càng ít đi dù chúng ta cũng đã cố nhân nó lên. Nhưng những cái tốt từng được nhân nhiều khi nó trở thành… buồn cười, như tài xế tắc xi nhặt đồ để quên của khách, cảnh sát giúp người qua đường, viên chức tận tụy với dân… những cái tốt ấy nó là đương nhiên, là trách nhiệm, là bổn phận, nhưng giờ nếu chúng ta không khen thưởng nó lại trở thành… bất thường. Một giám đốc sở giao thông vận tải tôi quen mới đây nhờ tôi tư vấn, rằng các tham mưu đề nghị anh khen thưởng cho một tài xế tắc xi đã trả lại đồ để quên cho khách. Anh bảo đấy là việc làm hiển nhiên mà, mình khen có buồn cười quá không? Có tạo tiền lệ là điều kiện để làm việc tốt không? Tôi bảo, tôi không ủng hộ những khen thưởng cho những việc có tính chất đương nhiên như thế, nhưng lâu nay nhiều nơi làm rồi, nhiều người làm rồi, như là việc bình thường, việc đương nhiên rồi, giờ ông không làm có khi nó lại trở thành bất thường, rồi sau này nó không trả lại lại thành lỗi của ông đấy. Thế là cái lễ khen thưởng ấy vẫn diễn ra với sự có mặt (bắt buộc) của báo chí… 

Ở một cuộc gặp mặt Văn nghệ sĩ, trí thức và báo chí nhân dịp đầu xuân hàng năm ở tỉnh nọ, các ý kiến phần lớn là đấu tranh quyền lợi cho mình, cho giới mình, có những ý kiến rất vụn vặt… mà không thấy ý kiến nào lớn cho quốc kế dân sinh. Trong khi lẽ ra, đấy là dịp để các trí thức, những người có chuyên môn sâu phản ánh những vấn đề mà họ hiểu biết, hiến kế và tham gia vào những vấn đề lớn hơn “cái tôi” của mình, những “cám ơn sự quan tâm”, và mong được quan tâm hơn nữa như kinh phí trụ sở xe cộ biên chế vân vân...

Và cũng rất lạ là, trí thức Việt Nam ta tính phản biện rất ít, trong khi tính phục tùng và a dua lại rất cao. Cũng đi chùa, xem thầy xem bói, cũng khát khao quyền lực, cũng tin ở vận may giời cho… Tôi đã chứng kiến rất nhiều các bác học thức đầy mình, vào chùa cũng rút tiền… nhét vào miệng phật, cứ chỗ nào có tượng là lạy, là nhét tiền vào. Tiền rắc khắp nơi khắp chốn. Chỗ nào có chân hương là lạy lấy lạy để xì xụp rì rầm “bày tỏ” ước vọng. Nó phản ánh một sự lệch lạc về nhận thức, một chủ nghĩa cá nhân bất chấp lẽ phải, đạo lý, tri thức, chỉ biết mình, thiếu khoan dung. Như một mảnh chăn, nếu người này đắp thì người kia lạnh. Đã từng có thời kỳ nhường cơm sẻ áo, mà nay, sự tranh giành trở nên quyết liệt, một mất một còn vì những cái danh hão, hoặc nếu là vật chất thì từ rất ít cho đến tiền tỉ…

Có lẽ điều đáng báo động nhất hiện nay là những lỗ hổng văn hóa. Chúng ta đã bằng mọi giá để phát triển kinh tế, để làm giàu, bất chấp hậu quả. Văn hóa bị xuống cấp và lạc hướng, nên con người luôn thấy bất an, luôn giành giật quyền lợi cho mình như ngày mai sẽ không còn nữa... Và những dẫn chứng thì tươi rói ngay trong tết đấy.

Lại chuẩn bị hàng loạt ngày” nữa, mà vừa qua đây là Valentine, rồi đến mùng 8 tháng 3… Có vẻ như sự hào nhoáng ngày càng tăng, nhưng rồi, dư ba của nó là gì, cái gì còn lại, cái gì tan theo bèo bọt. Sau tất cả những hoạt động mang yếu tố văn hóa ấy, con người nhận lại được gì???


2 nhận xét:

Unknown nói...

Không hiểu chữ lên đồng tác giả cho vào ngoặc kép có dụng ý gì?

Văn Công Hùng nói...

Dạ vì điệu múa của chị ấy có thể không phải hầu đồng, và cũng có thể chị ấy không phải lên đồng mà đang làm một việc gì đấy. Đấy là một cách cẩn thận ạ.