Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

THÁNG CỦ MẬT



                   
Dân ta hay dùng cụm từ tháng củ mật để chỉ tháng chạp, tức tháng 12 âm lịch. Nghĩa đen của củ mật là củ (kiểm) soát - cẩn mật. Tức là từ ngày xưa, tháng này hay xảy ra trộm cắp. Cả năm làm ăn nhăm nhăm dồn cho cái tết, trộm cũng nhăm nhăm... nhòm vào, khoắng một mẻ, trộm thì no mà chủ nhà thì méo. Thông thường là ngày xưa, bọn trộm hay khoét ngạch chui vào nhà, vì nhà là nhà đất. Những nhà giàu chống trộm bằng cách lấy gai bồ kết ngâm nước tiểu rắc lên tường và xung quanh nhà. Dẫm phải món này thì chỉ sâu Quảng rồi chết. Ngày xưa gọi sâu quảng nhưng tôi đồ chừng nó là cái món uốn ván (Tê Ta nốt) bây giờ. Tháng củ mật kéo đến tận đêm 30 tết. Nhiều nhà bắc bếp nấu bánh chưng ngoài vườn, ngủ quên, trộm vào bê đi cả nồi, mở mắt ra thì... hết tết.

Và té ra cái cụm từ “tháng củ mật” không chỉ có với ngày xưa, mà giờ vẫn ứng. Sát tết, các lực lượng an ninh được tăng cường để trực 100%, và ai cũng nhắc nhau cửa nẻo để phòng tháng củ mật, nhưng dẫu cẩn thận mấy không phải lúc nào cũng ứng nghiệm. Chả ai nắm tay được cả ngày, và cứ nghe tháng củ mật, tưởng nó tù mù tận đâu đấy, ai dè, nó vận vào mình.

Tôi vừa nếm trái đắng của “tháng củ mật” một cách đau đớn và tức tưởi.

Là chạy về Quy Nhơn thăm con gái. Lái xe nên thích mặc quần Jean cho thoáng, nhưng như thế thì thường phải lấy ví và điện thoại ra khỏi túi quần, vì túi quần Jean thường chật, bỏ vào cái hộc ngay chỗ cần số.

Đến lúc vào, thì chỉ cầm theo điện thoại, ví để lại. 

Và sáng ra, kính xe bị đập, cái ví với toàn bộ giấy tờ như bằng lái xe, thẻ nhà báo, ATM, Chứng minh nhân dân... và toàn bộ nhuận bút báo tết (khoảng 10 tờ, đang giữ chưa “nộp” vợ) đi theo... tháng củ mật.

Đến công an báo mất, các đồng chí động viên bằng cách bảo: Tháng củ mật chú ơi, Quy Nhơn chưa bao giờ bị thế này, thế mà riêng tháng củ mật này bọn cháu đang xử lý đến mấy vụ. Thủ đoạn giống nhau, nhưng thủ phạm thì vẫn... mù tăm. 

Đọc báo thì thấy, té ra tháng củ mật vẫn lan tràn ở cả nước. Nhẹ thì con gà ở nông thôn, nặng thì cả cái ô tô đang đỗ được “thần” củ mật “mượn” chạy veo véo...

Tiền mất thì cũng có xót, nhưng cái nặng hơn là giấy tờ, người bình thường đi làm lại cho đủ giấy tờ cũng coi như một cú thử thách lòng kiên nhẫn và thời gian nữa. Biết thế nên các ông trộm có bài thứ 2, đưa giấy tờ cho ai đó, và người này kêu khổ chủ cho chuộc. Thà bỏ ra ít tiền chuộc còn hơn mất công mất sức đi làm lại là tâm lý chung của nhiều người mất trộm bây giờ...

Chả biết trên thế giới có nước nào có “tháng củ mật” không, nhưng quả là ở Việt Nam, điều này khiến những người tử tế xấu hổ. Khi nhắc nhau tháng củ mật phải cẩn thận, hoặc tắc lưỡi, tháng củ mật mà, là chúng ta đã thỏa hiệp với cái xấu, điều không được phép xảy ra ở xã hội văn minh, xã hội tử tế. Không thể chống lại cái xấu cái ác bằng cách bảo nhau, nhắc nhau, hẹn nhau: Tháng củ mật đấy, hãy cẩn thận. Và khi đã cố hết sức cẩn thận rồi, mà nó vẫn xảy ra, thì chúng ta, những người dân tử tế ấy, phải làm sao?


3 nhận xét:

Unknown nói...

Đời xưa thế nào, đời nay vẫn thế. Tự mình phải bảo vệ tài sản của mình thôi bác ah. Công an phường nào chẳng có văn bản hướng dẫn và yêu cầu người dân phải sử dụng khoá này, khoá nọ an toàn hơn rồi thì cam đoan khoá cổng khoá ngõ, khoá xe máy, khoá tum...Đôi khi đi đường bị cướp giật đến báo còn phải viết tường trình, nếu không may bị cướp nơi giáp ranh giữa hai phường thì còn được hướng dẫn sang phường khác báo. Công an sống vì thành tích mà, hi hi

Thằng Củ Mật nói...

Chia buồn với Bác, nhưng của đi thay cho bệnh vào, có tiền riêng hay nghĩ và tiêu không thuần khiết. Bữa sau đưa cho chị được tiếng ngoan , không mang tiếng hư đốn Bác nhé.

Thằng Củ Mật nói...

Chia buồn với Bác, nhưng của đi thay cho bệnh vào, có tiền riêng hay nghĩ và tiêu không thuần khiết. Bữa sau đưa cho chị được tiếng ngoan , không mang tiếng hư đốn Bác nhé.