Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

VỀ NHỮNG CÁI CHẾT CHƯA LÝ GIẢI ĐƯỢC Ở GIA LAI

Chiều chạng vạng, những đống lửa được đốt lên. Lần đầu tiên tôi thấy người tự tử nên cũng... hãi, đứng ngoài ngó vào thôi. Thấy người ta hạ anh này xuống, đặt nằm đấy rồi... đi đập heo làm thịt, đổ nước vào các ghè rượu, lấy chiêng ra đánh...

          Ám ảnh cái chết tự tử cách đây gần 40 năm.

          Hồi ấy là đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trong một chuyến đi điền dã cùng đoàn của giáo sư Tô Ngọc Thanh về xã Nam, huyện An Khê (hồi ấy đang là huyện), tỉnh Gia Lai Kon Tum tôi tận mắt chứng kiến một cái chết do tự tử của một người đàn ông Bahnar.

          Hôm ấy làng săn được một con nai. Theo nguyên tắc, sẽ chia đều cho từng nhà, khách là chúng tôi cũng có phần. Công việc làm thịt rồi chia hoàn tất, mọi nhà đang đỏ lửa để thưởng thức món nai tươi kia thì nghe rất nhiều tiếng hú, tiếng hét, tiếng bước chân chạy rần rật. Chúng tôi cũng chạy theo. Hồi này fulro rất nhiều nên đoàn có anh du kích đi theo bảo vệ, anh này cũng xách súng chạy. Đến một cái nhà ở rìa làng, gần bờ suối, nơi mọi người đang tụ tập ở đấy thì tôi chứng kiến... một người đàn ông treo cổ. Chiều chạng vạng, những đống lửa được đốt lên. Lần đầu tiên tôi thấy người tự tử nên cũng... hãi, đứng ngoài ngó vào thôi. Thấy người ta hạ anh này xuống, đặt nằm đấy rồi... đi đập heo làm thịt, đổ nước vào các ghè rượu, lấy chiêng ra đánh...

          Lần hồi chắp nối thì hôm sau mới rõ là, thì ra khi anh này cầm phần thịt của mình về, cảm thấy nó ít hơn của những nhà khác, nghĩ là làng khinh mình (nhà anh này ở rìa làng, có vẻ nghèo hơn các nhà khác, hình như là dân ngụ cư), lầm lì một lúc rồi thì... xách dây ra treo cổ. Hồi ấy tôi nghĩ, thì ra người Tây Nguyên rất trọng lẽ công bằng, sự sòng phẳng, kiểu như người Kinh có câu “đánh nhau chia gạo chào nhau ăn cơm” ấy. Và cứ ám ảnh mãi về cái chết lần đầu mình thấy ấy. Nhưng sau này, đến giai đoạn bây giờ, thì nạn tự tử trong những người dân bản địa ở Gia Lai trở thành một hiện tượng liên tiếp xảy ra, thì mới biết hình như, có một điều gì đấy chưa lý giải được, phía sau những cái chết bằng cách tự tử kia...

          Chính quyền vào cuộc quyết liệt nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

          Vài năm nay, trong các cuộc họp cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở Gia Lai, trong các báo cáo đều thường xuyên có đề cập đến nạn tự tử trong dân.

          Tôi đọc trên một báo cáo thì thấy nạn tự tử ngày càng tăng cao ở tỉnh Gia Lai, không kể lứa tuổi, không phân biệt giới tính, và có xu hướng nhiều hơn ở người Bahnar (Gia Lai có 2 dân tộc bản địa chính là Jrai và Bahnar). Cái người đàn ông mà tôi kể trên kia cũng là người Bahnar. Tại Gia Lai, theo thống kê thì Kông Chro là huyện có nhiều người dân tộc thiểu số tự tử nhất trong tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 693 vụ tự tử, làm chết 119 người. Trong đó, năm 2010 xảy ra 56 vụ, làm chết 15 người; năm 2014 xảy ra 124 vụ, chết 32 người. Riêng năm 2016 (tính đến ngày 19-5-2016) đã xảy ra 34 vụ, chết 3 người. Thị trấn Kông Chro và các xã Đak Kơ Ning, Đak Pơ Pho, Đak Pling, An Trung… là những địa phương có người dân tộc thiểu số tự tử nhiều nhất. Phần lớn những người tự tử là thanh niên và trung niên, những lao động chính trong gia đình. “Lý do tự tử rất đơn giản như vợ chồng giận nhau, quan hệ tình cảm bị cấm cản, con đòi tiền mua xe máy không được, mẹ con bất đồng quan điểm với nhau, anh em mâu thuẫn với nhau, sống không có tiếng nói chung, bị la rầy nhiều lần, bị xúc phạm dẫn đến mặc cảm, xấu hổ, tự ti”-Đại tá Lê Hoài Nam-Trưởng Công an huyện Kông Chro, cho một tờ báo biết.

          Tỉnh ủy Gia Lai đã phải có những động thái rất quyết liệt vào cuộc, ngăn chặn, vận động, tuyên truyền, ban dân vận, ban tuyên giáo tỉnh ủy có hẳn những chuyên đề về nạn tự tử, các đoàn công tác về từng làng từng xã từng huyện tìm hiểu, phân tích rồi báo cáo... nhưng rồi cũng... không tìm ra nguyên nhân, bởi họ tự tử không theo quy luật gì hết, những điều rất nhỏ nhặt cũng khiến họ có thể tự tử, và nó tập trung nhiều ở người Bahnar, tất nhiên là người Jrai cũng có, nhưng ít hơn. Những người am hiểu bảo, người Tây Nguyên rất trầm, ít biểu hiện thái độ, có gì là để trong bụng, và rồi cuối cùng chọn cách tự tử. Và về mặt nào đấy, phong tục từ xa xưa, chết chưa phải là hết, mà là sang sống ở một cõi tạm, phải đến khi làm lễ bỏ mả thì mới là chết chính thức, mới sang thế giới A Tâu (người chết). Trong thời gian ở “cõi tạm” ấy, hàng ngày người nhà vẫn mang cơm nước ra bón cho người chết, và người chết được chia của như người sống. Và thời gian “cõi tạm” kéo dài đến ba bốn năm, thậm chí là chục năm, tùy điều kiện từng nhà. Có khi nào vì họ coi cái chết nhẹ nhõm thế nên họ hay chọn cách tự tử không, một anh bạn am hiểu Tây Nguyên đặt vấn đề? Và quả thực thì đến các đám ma của người Tây Nguyên ít thấy họ khóc lóc vật vã đau đớn như người Kinh, nó lặn hết vào lòng, họ mổ heo, uống rượu và đánh chiêng chia tay người chết... buồn quá, họ lấy dao cứa vào da, hoặc lấy cây củi đang cháy dụi vào ngực... biểu hiện sự thương tiếc...

          Đến cái chết mới nhất đang xôn xao dư luận.

          Hơn chục ngày nay, cái tin em học sinh người Jrai tự tử chết vì không có áo mới mặc đi học rúng động dư luận xã hội, từ báo chính thống đến báo công dân, rất nhiều bình luận, rất nhiều chỉ trích, rất nhiều phỏng đoán... các loại các kiểu... khiến chúng tôi, những người ở cách nhà cháu chừng... 20 ki lô mét cũng thấy hoang mang.

          Không thể ngồi im, tôi và đồng nghiệp Đoàn Minh Phụng, nguyên Tổng biên tập báo Gia Lai, một người cũng rất am hiểu về đời sống người Tây nguyên, rủ nhau xuống làng Breng 3, xã Ia Der, huyện Ia Grai thăm gia đình cháu, viếng cháu, mang tiền của mấy người bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh, và của chúng tôi, giúp gia đình cháu.

Trong giấy khai sinh tên cháu là Sôn, Ksor Sôn, nhưng những người am hiểu thì cho rằng, người Tây Nguyên rất ít dùng chữ Ô, có thể tên em cha mẹ đặt là Sol, nhưng khi làm giấy khai sinh, cán bộ ủy ban xã đã ghi thành Sôn và rồi em mang cái tên ấy cho đến khi từ giã cõi đời.

Phải nói ngay điều này, Ia Grai là huyện giáp thành phố Pleiku, và xã Ia Der lại là xã đầu tiên của huyện liền địa giới với thành phố, thanh niên ở đây có thể tối tối lên thành phố Pleiku uống cà phê rồi về, nên, so với các huyện khác, các xã khác, thì đây không phải là nơi quá khó khăn, nếu không muốn nói là khá giả hơn các địa phương khác nhiều.

          Chúng tôi ghé vào Ủy ban xã, gặp ngay Ksor Si, cán bộ tư pháp, nhưng lại là anh rể của Ksor Sôn. Si lấy chị họ của Sôn. Và một may mắn nữa, cách đây hơn tháng chúng tôi đã gặp Si khi anh dùng xe máy “diễn” chở một thí sinh hoa hậu báo Tiền Phong để quay phim khi cô này về xã anh để làm từ thiện. Vì thế, câu chuyện rất thân thiện ngay khi anh bước lên xe chúng tôi. Cũng nói thêm, Si là người rất hiện đại và “cái gì cũng biết” chứ không như vài người khác. Khi nói tới tên một cái làng ngày xưa nhiều tệ nạn, anh gọi ngay đấy là khu sung sướng của Pleiku khiến tôi bật cười, bảo anh liệu hồn nhé.

          Thì ra không phải là Sôn không có áo đi học, Si bảo thế. Rồi khi gặp thì bố mẹ Sôn cũng nói thế. Gia đình đã đặt may quần áo cho em, hơn ba trăm ngàn cả áo và quần, nhưng chưa kịp lấy, thợ may hứa vài ngày nữa xong, chắc chắn có để khai giảng, và em biết là em đã có quần áo chứ không phải là vì bộ quần áo mà em tự tử. Cũng như thế, không phải anh trai của Si “cũng tự tử” cách đấy hơn năm như một vài tờ báo thông tin, mà đấy là một người bà con xa, và tự tử ở làng Kép, thuộc thành phố Pleiku, cái làng mà Si nói là khu sung sướng ấy. Cách nhà Sôn cũng phải hai chục cây số.

          Gia cảnh nhà Sôn có khó khăn nhưng không phải là quá khó như những nhà khác chúng tôi đã từng đến. Bố em là B’sot, người Bahnar, hồi nhỏ “nghịch” thuốc súng, bị cháy và bỏng, cử động có khó khăn, nhưng vẫn lao động được, và quan trọng là, vẫn lấy vợ, một người phụ nữ Jrai tên là Ksor H’thoaih, theo tôi là khá xinh, giờ 3 con rồi mà vẫn rất mặn mà. Khi chúng tôi vào, cả 2 vợ chồng B’Sot và Ksor H’thoaih đang ngồi cùng vợ chồng đứa con gái lớn. Cô này mới lấy chồng và đang mang bầu. Tất nhiên là rất buồn, có vài người hàng xóm cũng đang ở đấy. Bàn thờ em nghi ngút hương (thực ra phong tục người Tây Nguyên không lập bàn thờ kiểu này, đây là ảnh hưởng từ người Kinh). Trong ảnh thờ, cậu bé Ksor Sôn rất đẹp trai và có vẻ lớn hơn tuổi, trông rất chững chạc. Chúng tôi thắp hương cho cháu, trao cho gia đình 2 triệu đồng của người bạn đồng nghiệp từ Thành phố Hồ Chí Minh nhờ chuyển và mấy trăm tiền của chúng tôi viếng cháu. Bố mẹ xúc động cám ơn, rất bịn rịn khi chúng tôi về.

          Với một gia đình Jrai bình thường thì nhà cháu không đến nỗi. Có sân xi măng, nhà tôn nhưng có vườn cà phê. Cà phê ở đây khá tốt. Ksor Si bảo nhà cậu ấy cũng có mấy sào cà phê, vợ ở nhà làm rẫy, nuôi con, cậu làm ủy ban xã kiêm... MC cho các sự kiện như đám cưới, hội họp... thu nhập thêm chút đỉnh...

          Lúc ngồi trên xe vào nhà Sôn, khi Ksor Si nói Ksor Sôn có ½ dòng máu Bannar (cha), tự nhiên cả tôi và nhà báo Đoàn Minh Phụng cùng à lên.  Lý do: đang có một “hội chứng” người Bahnar tự tử mà không thể lý giải được như tôi đã trình bày ở trên. Nói chuyện với bố mẹ Sôn, với Si, với chị gái Sôn... chúng tôi đều nhận được thông tin rằng là không phải do cái áo 120 nghìn như báo chí đưa thời gian qua, không phải do quá nghèo như  suy diễn (bởi như đã nói, có xuống làng thì mới thấy vẫn còn nhiều nhà nghèo hơn, tất nhiên so với những người Kinh ở thành phố, những facebookker có điều kiện khác thì nhà em vẫn quá nghèo), không bế tắc vì em này hoàn toàn không có biểu hiện ấy, theo như bố mẹ, anh chị và cả thầy cô giáo nhận xét... Cũng như thế, các vụ tự tử của nhiều người Tây Nguyên bản địa ở Gia Lai như dẫn phía trên cũng đều... chưa tìm ra nguyên nhân, chưa đúc kết được quy luật.

          Nhưng dù sao thì em cũng đã mất, quá đau xót, không chỉ cho bố mẹ em, mà cho bất cứ ai biết chuyện. Khi chúng tôi ghé vào ủy ban xã, các cán bộ ủy ban đều bày tỏ sự tiếc nuối và buồn, và cũng... không biết nguyên nhân. Nghe nói xã đã họp nhiều cuộc để bàn về việc này.

          Thôi hãy yên nghỉ nhé Ksor Sôn. Nếu biết cái chết của em gây xôn xao xã hội thế, bị suy diễn nhiều thế, có khi em lại... không dại dột thế....
                                                                  

         



         


1 nhận xét:

Nặc danh nói...

lảm nhảm lấy nhuận bút