Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

CHUYỆN... BÒ HE HE...




          Tôi phải thú nhận là hồi nhỏ gia đình không nuôi bò, nhưng chơi với rất nhiều bạn chăn bò. Ấy là hồi gia đình tôi theo nhà máy sơ tán về Hậu Lộc, Thanh Hóa. Anh em tôi mê cưỡi bò đến mức, có hôm lén xúc trộm thìa đường gói vào giấy báo ra cho mấy đứa đi chăn bò để nó cho cưỡi. Năm nào đó, em tôi được mẹ may cho bộ Pi Gia Ma màu xanh da trời, nó cưỡi bò về toàn bộ quần áo vàng ạch màu lông bò và hôi nồng nặc mùi bò, mà xà phòng thời ấy hiếm như mì chính. Mẹ nọc cổ ra oánh cho mấy roi. Sau nó rút kinh nghiệm, mỗi khi cưỡi bò thì chỉ mặc quần đùi đen, thậm chí... nỏ mặc gì luôn.

          Cũng mấy lần bị bò đá, hoặc đang trên mình nó, nó nhảy cẫng lên, rơi oạch xuống, có bận lịm đến mấy phút mới tỉnh. Nhớ nhất là những đêm mùa đông, xin mãi mẹ mới cho đến nhà bạn học và ngủ lại. Học xong là ôm cái chiếu leo lên nóc chuồng bò. Trên ấy chất đầy rơm, cái chiếu dùng để đắp lên trên, thế là xong. Đêm dậy nghe bò đái tồ tồ mới biết bò đái nhiều hơn người, và mới hiểu thế nào là “dai như bò đái”. Hồi ấy người ta nuôi cả lợn và bò chung chuồng, thậm chí người cũng có thể ị luôn trong ấy, ngồi trên cái chấn song cửa tuôn xuống, ông lợn đón ăn ngay, hoặc không thì bò giẫm nát cùng với phân và nước đái nó và của lợn. Thế mà được ngủ trên ấy khoái thế không biết?

          Kiến thức về bò chỉ đến thế, ở trọ nhà dân, mỗi nhà có một con bò, những đứa trẻ con trong nhà thay nhau đi chăn, cứ dong ra bãi cỏ, thả đấy, chúng nhập đàn với nhau rồi gặm cỏ, trẻ con thì túm lại chơi trận giả hoặc bày trò nấu nướng ăn uống xì xụp. Hôm nay thả, mai thả, ngày kia thả... mà hôm nào cũng thấy những con bò nhẫn nại liếm cỏ liên tục, chả biết có cỏ không vì ngày nào cũng liếm, hết con này đến con kia thì cỏ làm sao mọc kịp? Thi thoảng bò đẻ thì chủ nhà có món nhau bò xào rau muống, thế nào gia đình khách trọ cũng được biếu một đĩa. Có hôm thằng Mạnh đang chăn bò thì con bò nhà nó đẻ, con bê cứ đứng lên lại ngã oạch xuống, dúi dụi thế, nó sợ, bèn xốc con bê lên vai vác về, bò mẹ lẽo đẽo theo sau.

          Sau này chơi lan. Nghe đồn và dọa là loại hoa quý tộc này rất sạch, không được tưới phân hữu cơ, bất cứ là phân con gì. Nhưng lại có một anh bạn bảo, ông cứ nghe tôi, mỗi giò lan ông gác cho nó một cục phân bò khô, chả có gì tốt bằng đâu. Tôi áp dụng và kết quả nhà tôi luôn có lan nở cực đẹp và lâu, dù công chăm chỉ bằng ½ người khác. Mà để kiếm được loại phân bò khô nguyên cục ở thành phố hoàn toàn không dễ. Nó phải được khô tự nhiên trên đá hoặc đường nhựa... Ở đỉnh đèo Chư Sê có những trại bò hàng ngàn con, của người dân lập ra, mua bò cỏ về vỗ rồi bán. Bò nuôi dễ như nuôi... bò, sáng mở cửa chuồng lùa đi ăn, tối lùa về, đóng chốt rồi mắc võng ngủ cạnh chuồng bò canh luôn. Hồi lở mồm long móng nghe nói thất thu hàng trăm triệu. Lại có đận nghe nói ông bầu Đức nhập bò nước ngoài về, đi tàu thủy về cảng Quy Nhơn, rồi có những cái xe chuyên dụng chuyên chở bò xuống đón chúng lên, nuôi hàng vạn con ở vùng An Khê, K’bang, Kon Chro... thấy báo chí kêu phân bò chảy ra sông, đến hồ chứa nước của nhà máy nước cũng bị ô nhiễm, đầy phân bò. Chợt nhớ điển tích Hercules trong thần thoại Hy Lạp đã rửa sạch các chuồng ngựa của vị vua Augeas chỉ trong một ngày bằng cách nắn 2 dòng sông cho nó chảy thẳng vào đống phân lưu cữu ấy ...

          Vừa rồi tôi đã lạc vào một vùng bò thứ thiệt.

          Khởi nguồn từ việc thấy trên mạng dân tình tự sướng quá nhiều với hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn, Nghệ An. Mỗi ngày có hàng ngàn người tìm về đấy để thưởng hoa, có lúc tắc đường trầm trọng, nhất là những ngày cuối tuần. Nghĩ quái, chả lẽ hướng dương lại mọc như tam giác mạch ở Hà Giang, mà lâu nay có nghe Nghệ An có hoa hướng dương đâu, nó là loại hoa nhập mà. Tò mò tra thì mới biết là, tập đoàn TH True Milk trồng hoa hướng dương để... nuôi bò, làm thức ăn cho bò. Dân tình thấy hàng mấy chục héc ta hướng dương nở hoa quá đẹp thì đổ xô về thưởng hoa, có ngày tắc cả đường...

          Thế thì cũng ăn theo phong trào, làm một chuyến vậy.

          Và đến đây thì cái sự hiểu biết về nuôi bò thủ công của tôi từ xưa đến nay đổ sụp.


          Tại đây người ta đang nuôi tới 45 nghìn con bò, có 22 nghìn con đang cho sữa. Cách nuôi thì cực kỳ không như tôi tưởng. Có con một ngày được xơi đến 16 món ăn, đến nỗi ông chánh văn phòng phụ trách ở đấy phải bảo: tôi nói đùa với vợ là bà nấu cho tôi bữa ba bốn món là nhiều rồi và có dở cũng phải ăn, đây 16 món và dở là nó không ăn. Toàn bộ thức ăn cho bò ở đây đều được ủ chua lên men, một số loại cỏ phải nhập từ nước ngoài về. Hướng dương là một trong những loại được sử dụng làm thức ăn cho bò ở đây. Bò ăn cây hướng dương sẽ cho sữa có mùi thơm. Khi hoa cúi xuống có màu đen thì cắt về ủ yếm khí với mật mía, dùng xe đè lên, úp bạt, chừng 4 tuần thì dậy men và nó sẽ tự diệt các loại vi khuẩn. Cả mấy chục héc ta hướng dương bạt ngàn thế nhưng nếu cho bò ăn thì chỉ đủ cho... hai ngày. Ở đây mỗi ngày người ta phải sản xuất một nghìn tấn thức ăn, toàn là ủ chua chứ hoàn toàn không ăn trực tiếp. Té ra ủ chua nó có 3 cái lợi sau: Một là thức ăn đã hoàn toàn được diệt khuẩn. Hai là bò dễ tiêu hóa, và ba, dễ dự trữ thức ăn. Mỗi nhóm bò có chế độ ăn riêng, phối trộn riêng theo công thức riêng được lập trình bằng phần mềm, thậm chí là từng giờ một theo nhóm. Giữa bạt ngàn chuồng bò như thế, các xe ô tô sau khi nhận lệnh sẽ chở thức ăn đến từng khu, nhưng nếu lái xe chạy nhầm đến khu khác thì hệ thống sẽ tự động không cho xe đổ thức ăn xuống, phải tìm đúng chuồng mới đổ được. 

          Một việc cũng từng nan giải là ô nhiễm. 45 nghìn con bò mà xả ra mỗi ngày thì sẽ có một lượng chất thải kinh khủng, chả khác gì cái chuồng ngựa của vua Augeas xưa. Thấy ông bầu Đức từng tuyên bố mỗi ngày bán được hàng tỉ tiền phân bò thế mà dân vùng ấy vẫn chịu ô nhiễm trầm trọng. Ở đây giờ có hẳn một nhà máy xử lý chất thải cực kỳ hiện đại. Phân bò sau khi xử lý một nửa dùng để bón trở lại các vườn cỏ làm thức ăn cho bò và trang trại rau sạch... một nửa được trộn với bã mía và mùn cưa rải lại vào chuồng để bò không bị thối móng. Một ngày 3 lần có hệ thống máy xới nền chuồng và hệ thống quạt rất lớn làm mát quạt khô. Cả 45 nghìn con bò này đều được gắn chip và được theo dõi từng phút một từ một công ty ở... Ixraen. Ôi bò của tôi, những con bò cỏ tự do thênh thang trên đồng nghe được thông tin này chắc... khóc thét.

          Nghe kể có một cô công nhân bị ông giám đốc người Ixraen đuổi việc ngay tắp lự chỉ vì lấy một cái... nhau bò. Đã bảo dân ta nuôi bò cỏ, ngày bò đẻ là ngày cả nhà sẽ được xơi một bữa tươi với món nhau bò xào. Ở đây cấm tiệt. Tưởng là vì gì, té ra rất đơn giản: nếu mà lúc bò đẻ anh chú ý để lấy nhau thì sẽ lơ đãng sự chăm sóc đến bê sơ sinh. Mà mỗi tháng có tới 4000 con bò đẻ, tức là mỗi ngày có chừng hơn 130 cái nhau bò được hủy. Tôi hay chú ý đến những thân phận cụ thể nên dò đến tận nguồn cơn là cuối cùng thì cái cô công nhân kia có bị đuổi việc không. Ông chánh văn phòng bảo, thấy cô ấy ngồi khóc, ông phải vào nói khó với vị giám đốc kia, rằng là phong tục ở Việt Nam, nếu được ăn một cái nhau bò thì sẽ rất hên, cô này chỉ phạm một lần thôi, biết lỗi rồi, ông tha cho. Rồi thì cũng phải năm tao bảy tiết cái ông hắc xì dầu người Ixraen kia mới... tha. Tất nhiên sau đận ấy thì tất cả cạch đến già, cái món khoái khẩu và là thức ăn bổ dưỡng với người Việt ấy răm rắp được hủy. Bò sữa nếu không được vắt sữa sẽ bị viêm vú dẫu có chíp cảnh báo bò bị viêm vú trước 4 ngày, vì thế, dẫu là đêm 30 thì công nhân vắt sữa vẫn phải làm việc. Trước khi các mẹ bò được vắt sữa chúng được thư giãn bằng tắm, phun sương, nghe nhạc, mát xa... rồi lần lượt từng con tự giác bước vào chuồng lim dim đứng đợi. Khâu vắt sữa cũng rất kỳ khu để bảo đảm vô trùng. Từ lúc úp núm vắt sữa đến lúc ra sữa, mỗi con bò chỉ được lau bằng một khăn. Thậm chí cái số sữa dư trong ống hút đã lọt khí khi mở ra cũng bị đổ bỏ.

          Hiện hàng ngày có hàng chục đoàn với hàng trăm người vào tham quan trang trại, nhưng tập đoàn không làm dịch vụ tham quan, bởi nếu làm dịch vụ thì lúc vắt sữa sẽ có nhiều người xem, làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Ngay chúng tôi cũng chỉ được đứng ở rất xa, trong dãy hành lang che kính để... xem bò chứ không được lại gần, bởi lúc ấy bò phải hoàn toàn được thư giãn, yên tĩnh, đắm chìm vào... âm nhạc. Càng đắm chìm vào âm nhạc thì chất lượng sữa càng cao. (Sao nó không chịu nghe... thơ nhỉ, có ông nhà thơ thắc mắc thế?).  


          Cô hàng xóm nhà tôi ở Pleiku quê Nghĩa Đàn nghe tôi đi Nghĩa Đàn về kể chuyện bò và hoa hướng dương, bảo quê em xưa nghèo lắm, toàn đi làm đá đỏ, có được ít cam thì nó lại bị mang tên là cam Vinh, rồi sau này cam Trung Quốc đổ vào thì thương hiệu cam Vinh cũng... chết hẳn. Thế mà giờ nhé, trang trại này có tới 1.400 cán bộ công nhân viên, trong đó có 1000 người là dân sở tại. Có nhà có tới 5 người cùng là công nhân trang trại. Lương là một phạm trù... bí mật, không ai biết của ai, nhưng được biết, rất nhiều người ở đây đi làm ăn ở các nơi, làm công nhân ở các khu công nghiệp hẳn hoi, giờ đang lần lượt đổ về xin vào làm công nhân trang trại. Và qua tiếp xúc, thấy tất cả mọi người ở đây đều yêu công việc mình làm, một việc không dễ có với các công ty xí nghiệp khác...

          Để phục vụ cho trang trại bò này, không chỉ có mỗi việc là... nuôi bò. Vậy nên dân Nghĩa Đàn đang giàu lên từ chính vùng đất từng nghèo phía Tây Nghệ An là điều ai cũng nhận thấy, chả cứ chúng tôi vừa từ đấy về, mà cái cô hàng xóm nhà tôi chưa cần về cũng vẫn hình dung ra...
         
                                                       


         

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Sướng như ...bò Nghĩa Đàn.

Công Hiếu nói...

Bò thẩm thức âm nhạc hơn... tru.

ehonguyen nói...

Bố đang quảng cáo cho TH true milk. Bao nhiêu vậy?

Unknown nói...

Nha van lai pr roi

Nặc danh nói...

Ăn hoa hướng dương sữa mới thơm , vậy hai ngày ăn hết sau thì bò lấy đâu hoa ăn nữa , nhập về hả bác VCH . Nếu ko có ăn nữa thì sữa lại ko thơm ??

Nguyễn Văn Nhạn nói...

Sao Bác Hùng lại đi viết những Bài tào lao như thế này.

Nặc danh nói...

Thế nào mà đến nay vẫn chưa mở cổng cho xe đi qua đường Trần Hưng Đạo vậy anh VCH? Chúng em mơ ước sao được ngồi trên xe con để đi qua đây. Ơ TP Vinh quê em, khi ngồi trên ô tô đi ngang qua nhìn Bác Hồ thấy lòng chúng em vui lắm

Nặc danh nói...

Thế nào mà đến nay vẫn chưa mở cổng cho xe đi qua đường Trần Hưng Đạo vậy anh VCH? Chúng em mơ ước sao được ngồi trên xe con để đi qua đây. Ơ TP Vinh quê em, khi ngồi trên ô tô đi ngang qua nhìn Bác Hồ thấy lòng chúng em vui lắm. Ngồi trên ô tô đi chầm chậm bật iphon ra quay cảnh xung quanh quá tuyệt luôn.