Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

THÀNH PHỐ ĐÃ TỪNG THÔNG...



Nhà tôi ở một con đường ngày xưa rợp cây cổ thụ đã giao tán, cây bên này đường xòe ra bên kia và ngược lại. Tan học, từng đoàn áo dài trắng nhấp nhô trên cái nền xanh lỗ đỗ nắng vàng đẹp đến mê hồn. Giờ phẳng lì con đường có dải phân cách cứng với vỉa hè bê tông chẳng còn chỗ cho cây. Nữ sinh đi học trùm kín mít từ đầu đến chân, trông như những cái chăn di động, mười người như một. Mới nhìn tưởng như mình đang ở xứ sa mạc, dù về khí hậu thì Pleiku vẫn mát hơn các thành phố đồng bằng vì nó cao hơn, gần giời hơn...
------------------

          Không nhiều thành phố trên nước ta có nhiều thông cổ thụ.

          Thành phố Pleiku được giời cho một địa thế tuyệt vời để thông cổ thụ xứng là cổ thụ.

          Đã từng thông giăng kín phố và kín gió, đã từng cả những khoảng trời thông, đã từng thông là đặc trưng Pleiku.


          Pleiku trong ký ức của tôi luôn là những con dốc trập trùng ẩn hiện trong những hàng thông già hư ảo bởi sương mù. Sương như tấm voan khoác hờ trên cổ một cô gái ngái ngủ giữa chiều đông. Dốc như cánh võng bung biêng nhấp nhô trong mắt lữ hành. Và thông, cổ tích mà non tơ mà thánh thiện trong trường tồn như giấc mơ của tạo hoá gửi xuống cuộc đời này để minh chứng cho sự bất tử của thiên nhiên trong tiến trình hoà nhập với con người, với phố núi Pleiku. Chớp mắt trong phù du, tôi còn gặp từng thảm bướm vàng yên bình trong vòng quay của bánh xe đạp, những tà áo dài phất vào chiều làm xốn xang bao trái tim nhạy cảm của tuổi đương trai, những tiếng guốc cập kênh ngõ nhỏ, mùi dạ hương ngan ngát trên đường Trần Hưng Đạo hoà trong tiếng cười lảnh lót phía Nguyễn Du. Đấy là sự hoà sắc vĩ đại của thiên nhiên gửi tặng mà con người được tiếp nhận và giữ gìn...

          Bây giờ thành phố đang hiện đại dần lên.

          Những con dốc đang bằng đi. Thông cũng đi đâu hết.  Nắng chói chang lấy đâu ra sương mù. Và những toà nhà hiện đại mọc lên nguy nga, những con đường mở rộng, đèn điện, phố xá tưng bừng, tiện nghi và hiện đại. 

          Từng có một thời thành phố Plei Ku đầy thông. 

          Nếu chịu khó quan sát kỹ, thì trong từng cây thông cổ thụ, nó có những đối xứng rất kỳ lạ. Ấy là cái vẻ mốc meo xù xì vững chãi to lớn của gốc của rễ đối xứng với cái mơn mởn xanh đến non tơ, cái nhỏ nhoi đến yếu ớt của cành của lá. Thông mươn mướt xanh. Thông trầm mặc gió. Và thông hát những khúc ca của riêng mình, thông che chở cho bao mối tình non tơ thánh thiện....

          Bây giờ thì thông trở thành của hiếm.


2 ảnh này chụp trước cửa nhà mình

          Thành phố chơ vơ với trứng cá, với bằng lăng, với bàng, mà gió mà bụi mà chang chang nắng. Thông trở thành sản vật của một thời. Ấy thế nên có một thi sĩ đã thốt lên cái câu "Thành phố một thời thông", và thi sĩ khác thì lấy hẳn tên tập thơ của mình là “Khoảng trời lá thông” để mà hoài niệm, mà tiếc nuối... và cũng chỉ đến thế mà thôi. Biết đến bao giờ hàng nghìn cây thông cổ thụ mới lại trầm tư toả bóng xuống thành phố này như một đặc sản riêng của Pleiku. Thành phố được xây dựng to lớn hơn, đàng hoàng hơn, hiện đại hơn là điều không thể phủ nhận. Song  vì thế mà nhiều người đã lại càng phải thở dài khi nhớ tới có một thời chưa xa, thành phố đầy thông...

          Chiều nay, chợt gặp một dáng thông trầm tư trên đường Quang Trung, lại nhớ một thời chưa xa, thông nhiều như cổ tích.

          Một thời nhiều thông và một thời người ta đã... chặt rất nhiều thông. Chả cứ Pleiku, mà nhiều thành phố, thị xã ở Cao Nguyên này cũng thế. Ngay Đà Lạt được mệnh danh là thành phố ngàn thông mà giờ thông cũng hao hụt rất nhiều. Có hàng ngàn lý do để những cây thông cổ thụ, găm vào ký ức bao thế hệ, giờ trở thành ký ức thật.

          Sau thời chặt thông để trồng bàng, trứng cá, ở Pleiku người ta phát hiện ra sai lầm nên lại tổ chức trồng thông lại. Lần này người ta trồng thông di thực, chừng 10 đến 15 năm tuổi, với ý định cho nó nhanh thành thông trưởng thành, nhanh có bóng mát. Nhiều tỉ đồng bỏ ra để thực hiện đề án này (cũng như đã rất nhiều tỉ đổ ra để chặt thông, để trồng trứng cá, bàng và nhiều loại cây tạp nham khác). Nhưng rồi một thời gian người ta lại phát hiện thông di thực không có rễ cọc, hay nói chính xác là rễ cọc bị chặt khi bứng cây vì nó rất dài. Và nếu không có rễ cọc, mà lại trồng ở phố thì loại thông này chỉ phát triển rễ chùm, và như thế thì rất nguy hiểm, chỉ một cơn bão nhẹ là sẽ đổ hàng loạt. Thế là lại... chặt để trồng thông non và các loại cây khác. Từ thông non đến thông cổ thụ là hàng trăm năm và hơn thế.

          Nhà tôi ở một con đường ngày xưa rợp cây cổ thụ đã giao tán, cây bên này đường xòe ra bên kia và ngược lại. Tan học, từng đoàn áo dài trắng nhấp nhô trên cái nền xanh lỗ đỗ nắng vàng đẹp đến mê hồn. Giờ phẳng lì con đường có dải phân cách cứng với vỉa hè bê tông chẳng còn chỗ cho cây. Nữ sinh đi học trùm kín mít từ đầu đến chân, trông như những cái chăn di động, mười người như một. Mới nhìn tưởng như mình đang ở xứ sa mạc, dù về khí hậu thì Pleiku vẫn mát hơn các thành phố đồng bằng vì nó cao hơn, gần giời hơn...

          Gần đây chính quyền Pleiku đã mời 2 công ty tư vấn xây dựng, một của Pháp và một của Hội Kiến trúc sư để điều chỉnh quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với dự định biến đây thành thành phố sức khỏe. Và muốn thế thì lại càng cần đến cây xanh, đến thông...

          Thì đành ngồi gõ những dòng này mà tiếc những tán thông cổ thụ từng trập trùng xanh có những đám mây là đà như rắc tuyết trên thảm xanh ngờm ngợp ấy, những con đường dốc từng cập kênh tiếng guốc và cả những buổi sáng sương mù lãng đãng trên vai trên tóc...

          Tiếc để mà không bao giờ phải tiếc nữa...

          Và chuyện chặt cây xanh không chỉ có ở một thành phố, như Pleiku.
      
Khúc đường này đẹp nhất thành phố, thông mới được trồng lại chừng dăm năm nay
                                                 
Thông ngày xưa

 

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đã bảo cách mạng là cách...cái mạng mà lị. Văn như...công hùng mà cũng chưa ngộ ra sao?

Unknown nói...

Cách đây 10 năm. Tui có đi đường 14. Qua Daksong, qua Ban mê, qua Eahleo. Tui thấy thông bạt ngàn, lãng mạn lắm! Trụi lũi rồi sao? Có còn ko bác Hùng?

Nặc danh nói...

anh VCh khỏi no. Bọn họ còn phá và phá tiếp nữa....cơ mà. Rừng sạch; thông sạch và....và...

Unknown nói...

Mọi thứ đều có sự thay đổi theo thời gian, sự tươi trẻ đổi mới cho những thứ già đi tạo nên cảnh quan hoàn toàn mới. Bài viết rất hay và ý nghĩa. Cảm ơn admin đã chia sẻ tin bài này.
------------------------------------
Đầu thu xem VTV3 HD và hơn 68 kênh miễn phí thuê bao

Liên hệ: 0909 480 368 – 08 7303 1368

Chuyên bán: Đầu thu DVB T2 chính hãng.
Xem tổng thể tại: Đầu thu kỹ thuật số