Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

NGÀY KHAI GIẢNG CỦA AI



Ngay truyền thông báo chí, nhất là truyền hình, thì cũng chỉ đi theo lãnh đạo để đưa tin. Trường nào có lãnh đạo về phát biểu khai giảng, chỉ đạo, căn dặn, đánh trống... thì dồn dập xuất hiện hình ảnh trên báo chí, tv, trường nào không có lãnh đạo thì cũng không có xuất... ti vi. Mà các cháu rất nhạy cảm, nó chả biết ông nào về, nhưng thấy trường được “lên” tivi thì oách hơn trường không được “lên”...
---------------------



          Trong cuộc làm việc với Bộ Giáo dục Đào tạo sáng 12 tháng 8 vừa qua, phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã dứt khoát chỉ đạo: Không bắt học sinh phải chờ đợi trong lễ khai giảng, phát biểu ngắn gọn, dành thời gian cho thầy và trò hoạt động...

          Xem ra công việc đã có vẻ nghiêm trọng rồi.

          Mà rõ là nghiêm trọng thật.

Ảnh lấy trên mạng
          Lâu nay, không biết từ thời nào, việc khai giảng có vẻ như là dành cho... lãnh đạo. Từ trước ngày khai giảng cả tháng, thầy trò đã phải tập đủ thứ, văn nghệ chào mừng, nghi thức đội, tặng hoa, xếp hàng hoan hô, vẫy hoa... và đối tượng để phục vụ đều nhằm vào lãnh đạo.

          Rồi đến ngày khai giảng thì thầy trò, nhất là trò, kể cả các cháu cấp 1, phải đi từ sớm, mặc nắng mặc mưa, xếp hàng và... chờ.

          Lãnh đạo đến, đi giữa hai hàng các cháu như những ông vua. Rồi những màn kính thưa vô cùng dài dòng, đứng lên ngồi xuống vỗ tay như máy, lên đọc bài phát biểu (viết sẵn, dùng để đọc nhiều nơi), nhiều ông đọc rất dài, các cháu đứng dưới hoàn toàn không hiểu ông đọc gì, nói gì. Thậm chí ông là ai các cháu cũng chả biết. Tôi đã kiểm tra và thấy rằng, thậm chí các cháu học sinh cấp 3 cũng rất nhiều cháu không biết ông lãnh đạo đang “đọc bài phát biểu” trên bục là ai?

          Thường thì lãnh đạo ít mà trường được phân công đến dự đông nên xảy ra hoạt cảnh là... chờ. Điện thoại liên tục để... dò xét sếp đến đâu rồi. Các cháu đứng mãi thì mỏi, ngồi xuống đợi. Khi nghe xe lãnh đạo sắp tới, các thầy cô ra hiệu lệnh thế là à ào đứng dậy. Có nơi còn bị “báo động giả” đứng lên ngồi xuống đến mấy lần...

          Tóm lại là, lâu nay chúng ta đã biến cái ngày khai giảng, hay ngày “toàn dân đưa trẻ đến trường” thành ngày học trò đón lãnh đạo đến thăm trường. Nó vô cùng hình thức, mệt mỏi và cả tốn kém.

          Chủ thể chính của lễ khai giảng là các cháu học sinh lại bị biến thành những người phục vụ, căng cứng và thờ ơ, các cháu chỉ mong nhanh xong lễ để vào lớp, khỏi nắng, khỏi mưa, khỏi phải nghe những điều các cháu không hiểu, hoặc đã nghe quá nhiều lần...

          Ngay truyền thông báo chí, nhất là truyền hình, thì cũng chỉ đi theo lãnh đạo để đưa tin. Trường nào có lãnh đạo về phát biểu khai giảng, chỉ đạo, căn dặn, đánh trống... thì dồn dập xuất hiện hình ảnh trên báo chí, tv, trường nào không có lãnh đạo thì cũng không có xuất... ti vi. Mà các cháu rất nhạy cảm, nó chả biết ông nào về, nhưng thấy trường được “lên” tivi thì oách hơn trường không được “lên”.

Ảnh lấy trên mạng
          Còn nhiều hệ lụy của cái kiểu khai giảng trống giong cờ mở để... đón lãnh đạo và nghe diễn văn nữa, khiến cho cái ngày lẽ ra là rất vui trong đời học trò, nhất là những cháu đầu cấp, đặc biệt là lớp 1, trở nên khiên cưỡng, nặng nề...

          Năm nay, với chỉ đạo rất kịp thời của phó thủ tướng, hy vọng ngành giáo dục sẽ có cách để tổ chức ngày khai giảng thân thiện và phù hợp nhất với từng trường, từng lứa tuổi. Lãnh đạo đến là rất tốt, là hoàn toàn đúng, nhưng hãy là những nhân vật phụ, làm tôn các chủ thể của lễ là các cháu học sinh lên, để các cháu có một khai giảng nhớ đời, để mà trong ký ức non tơ của mình các cháu xác nhận: đúng là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, đúng là ngày khai giảng...

          Và như thế thì rõ ràng, ngày khai giảng là của Trò và Thầy...
                                                                 
 

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chí lý. Rât mong Bộ, Sở có văn bản hướng dẫn. Rất cần 1 tiết khai giảng nhẹ nhàng thôi.

Nặc danh nói...

Chí lý. Rât mong Bộ, Sở có văn bản hướng dẫn. Rất cần 1 tiết khai giảng nhẹ nhàng thôi.

Nặc danh nói...

Ngày khai giảng năm học mới thiêng liêng lắm,lễ khai giảng xong học một hai tiết mở đầu thầy trò náo nức... Đừng bắt các cháu học trước một hai tuần rồi mới khai giảng như kiểu các giải đá bóng. Trăm ngàn lạy các ông bộ GD vô cảm ơi, chính phủ ơi...

Nặc danh nói...

Nếu có thể, hãy giải tán BGD đi. Yêu cầu các ông chuyên ngồi phòng máy lạnh đó đi dạy thực tế 3 năm: một năm ở miền núi, một năm ở đồng bằng, một năm ở thành phố rồi cho các ông ấy về bộ bàn chuyện chương trình GD. Đừng để trẻ con chúng ta hiện nay thành bầy chuột Bạch của những cái đầu hoang tưởng.