Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

GIA LAI CÀ KÊ... 16



Phở là thứ xa xỉ chỉ đợi đến chủ nhật mới dám đi cải thiện 1 tô, thường là Ngọc Sơn hoặc phở 48 ở đường Trần Hưng Đạo. Mà muốn có phở ăn thì trước đó, thứ 6 hoặc thứ 7, cầm sổ y bạ sang bệnh viện cũng đang trên đường Trần Hưng Đạo, khám 91, tức là được cấp thuốc hoàn toàn. Cứ khai đại một bệnh gì đó, và bao giờ cũng được cấp 20 viên Tetrcilin, 20 viên Xuyên tâm liên (một loại thuốc nam dược chữa… bách bệnh). Xuyên Tâm liên thì bị vất ngay, còn Tetracilin thì đi thẳng lên chợ. Nó sẽ là tô phở và ly cà phê Kim Liên- lúc ấy đang ở đường Hùng Vương sáng chủ nhật…
-------------



         




          Tôi lên Pleiku năm 1981 sau khi tốt nghiệp khoa Văn đại học Tổng hợp Huế bằng một cái đơn gửi trưởng ty Văn hóa Thông tin Gia Lai Kon Tum hỏi về thể thức xung phong lên công tác như thế nào. Hồi ấy Pleiku có lẽ không khác bao nhiêu so với những gì mà nhà thơ Vũ Hữu Định đã tả trước đó vài chục năm. Lúc ấy tôi hoàn chưa biết Pleiku ở đâu, nhưng bài hát “còn chút gì để nhớ” thì luôn luôn được tôi đắm đuối nghe và lẩm nhẩm. Và nó chính là tác nhân quan trọng để gã trai sinh viên Văn khoa là tôi hùng dũng xung phong lên công tác tại đây, dù hồi tôi tốt nghiệp đại học, người ta phân công công tác theo nguyện vọng, muốn về đâu là được đấy, mà nhà tôi thì ở Huế.



          Đẹp và buồn. Đẹp nao lòng nhưng cũng buồn thăm thẳm. Lên đúng cuối tháng 11 nên đang mùa khô và lạnh và bụi mù mịt. Chiều nào tôi cũng lững thững đi bộ trên 3 con đường đẹp nhất thị xã tạo thành tam giác: Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung. Đường Lê Lợi thấp hẳn một bậc so với Trần Hưng Đạo và rất nhiều thông cổ thụ. Hồi ấy ngoài cán bộ công chức thì dân Pleiku còn rất nghèo, chủ yếu bà con đi làm rẫy, những cái xe đạp cũ kỹ trên chở đồ làm rẫy như dao, cuốc, bao bố… trông những chủ của chiếc xe cũng lam lũ như thế, đỏ quạch đất Ba zan. Tất cả các hè đường đều được tận dụng cuốc lên trồng rau lang cho lợn và su su cho người. Đang giữa thành phố ngập áo dài, lên Pleiku gặp toàn cảnh lam lũ nên rất nhớ. Cán bộ thời ấy cũng rất luộm thuộm, dép lê áo bỏ ngoài quần và cũng suốt ngày bàn đến… chuyện ăn vì đói quá. Phở là thứ xa xỉ chỉ đợi đến chủ nhật mới dám đi cải thiện 1 tô, thường là Ngọc Sơn hoặc phở 48 ở đường Trần Hưng Đạo. Mà muốn có phở ăn thì trước đó, thứ 6 hoặc thứ 7, cầm sổ y bạ sang bệnh viện cũng đang trên đường Trần Hưng Đạo, khám 91, tức là được cấp thuốc hoàn toàn. Cứ khai đại một bệnh gì đó, và bao giờ cũng được cấp 20 viên Tetrcilin, 20 viên Xuyên tâm liên (một loại thuốc nam dược chữa… bách bệnh). Xuyên Tâm liên thì bị vất ngay, còn Tetracilin thì đi thẳng lên chợ. Nó sẽ là tô phở và ly cà phê Kim Liên- lúc ấy đang ở đường Hùng Vương sáng chủ nhật…



          Một chiều cũng đang đói dài như thế, tôi lên cơ quan anh bạn trên đường Hai Bà Trưng (hồi ấy phần lớn cán bộ ở ngay tại cơ quan, như tôi thì ở luôn trong phòng làm việc), 2 thằng hái su su luộc chấm muối. Xong tôi lững thững về. Và chính trên con đường Trần Hưng Đạo hồi ấy đang rợp bóng cây xanh, cây cổ thụ xòe tán đến nửa đường nên từ đầu đường ở Hoa Lư nhìn về cuối đường ngã ba Bưu điện, con đường như một cái ống màu xanh, đẹp vô cùng, tôi bắt gặp một tà áo dài trắng.



          Lạ, một sự lạ.



          Bởi ngay ở Huế, xứ sở của áo dài, các mệ các chị gánh hàng đi bán cũng mặc áo dài, mà người ta đã phải sửa áo dài thành áo cụt để mặc, thế mà ở ngay thị xã bé nhỏ Pleiku này, lại có một cô gái mặc áo dài trắng phơ phất đi trong chiều như thế. Và lại còn tiếng guốc. Cô này đi guốc, chắc là guốc gỗ vì tiếng lanh canh khá to. Khỏi phải nói tôi đã bàng hoàng đến thế nào. Một gã trai mơ mộng thích cái đẹp cổ kính như tôi thấy cảnh ấy không bàng hoàng mới lạ.



          Và tôi đã quay ngoắt lại, lặng lẽ đi theo cái áo dài trắng ấy suốt con đường Trần Hưng Đạo, qua Quang Trung thì “áo dài” vào nhà thờ Thăng Thiên.



          Té ra “áo dài” đi lễ nhà thờ. Và chủ của áo dài là một người phụ nữ trung niên như tuổi tôi hồi ấy gọi bằng cô xưng cháu là vừa. Mái tóc kẹp rồi buông nửa lưng, đôi mắt buồn buồn, dáng người thanh mảnh, bước đi khoan thai chậm rãi… khiến tôi như người… chết đứng. Và ngay lập tức một câu thơ bật ra: Tà áo trắng vương trong chiều cao nguyên.



          Tối ấy, dưới ánh ngọn đèn tròn đỏ quạch vì thiếu công suất, tôi làm một hơi xong bài thơ “Gặp Huế trên Cao nguyên”:

Tà áo trắng vương trong chiều Cao Nguyên
tiếng "dạ" láy trầm như cồng. Ngực thở
con dốc đổ cồn cào nỗi nhớ
dáng Huế trong em. Phố núi sau mưa


Tóc em xanh trời Huế bốn mùa
cao nguyên gió. Nón em nghiêng  đón gió
áo thì trắng mà ba zan thì đỏ
mắt học trò háo hức gặp dòng Hương

Ai hát trong chiều điệu lý mười thương
phố núi chao bồng bềnh nốt nhạc
chẳng có cánh cò nào mà mắt nhìn bát ngát
dải mây hồng vương rối tóc thông

Như con đò lặng lẽ sang sông
em cần mẫn tháng ngày trên bục giảng
em là người lái đò thầm lặng
dòng sông cuộn phong ba

Ai đã đi giữa chiều Huế thướt tha
sẽ thấy em đẹp hơn nhiều trong chiều phố núi
tóc em bay ngược cơn gió thổi
anh ngược thời gian về với tuổi thơ mình

Anh gặp em chiều phố núi bình yên
gặp lại mình hai mươi năm về trước
cho anh làm mùa hè rạo rực
áo trắng bay. Phượng nở. Trời chiều...


          Bài thơ này như thế là đã có đời sống hơn ba mươi năm rồi. Tôi nhớ hồi ấy khá nhiều người thuộc và chép vào sổ tay. Một bác sĩ  có vợ là giáo viên người Huế kể anh chính là người chép bài thơ cho vợ. Nhạc sĩ Lô Thanh, giảng viên trường Quốc gia âm nhạc Huế đã phổ bài này, về Huế thấy có người hát, nhưng phương tiện phổ biến hồi ấy nó chưa như bây giờ nên ít người biết, rồi giờ nó cũng chìm nổi ở đâu đấy.



          Cái thời khó khăn ấy, Pleiku đã đẹp như cổ tích…

                                                                   VĂN CÔNG HÙNG

         

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

bài này đọc giong huế,tuyệt hay...

Unknown nói...

Bác đề em đợi Gia Lai cà kê hơi lâu?! Thích...

Nặc danh nói...

Văn công hùng làm nhớ thời trai vô tư sống vô tư cống hiến trên đất Tây ngu yên