Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

CÀ KÊ MÙNG MỘT TẾT




          Sáng sớm một cú điện thoại từ cộng hòa Séc gọi về. Một ông nhà báo người Việt quốc tịch Séc gọi vừa để chúc tết vừa để san sẻ nỗi nhớ quê. Hỏi ông bên ấy người Việt có tết nhất gì không, ông xuýt xoa, vẫn phải đi làm chứ tết nhất gì, bây giờ đang là nửa đêm, tôi căn ở Việt Nam là rạng sáng để gọi về gặp ông cho đỡ nhớ tết. Một lát sau thì cô em gái từ Maxcova gọi bằng Zalo, rất rõ, rõ hơn ông Séc gọi trực tiếp, và cũng rõ hơn cả người trong nước gọi Zalo cho nhau. Lại cũng vẫn là nỗi nhớ nhà nhớ tết, nhưng ở con gái nó tỉ mỉ và cụ thể hơn. Và cũng khác ông Séc, cộng đồng người Việt ở Nga tổ chức đón tết khá xôm, nhưng, không ở đâu bằng nhà mình, quê mình… cô em kết luận thế trong khi giọng đã chùng xuống, nghe ngàn ngạt như có vẻ nhuốm nước mắt…

          Thì ra là không khí tết, môi trường, không gian tết mới là quan trọng, chứ bây giờ dưa hành bánh chưng giò chả cho đến hương hoa không còn là của hiếm ở bất cứ nơi nào có người Việt nữa. Chả thế mà ngay ở trong nước, cứ giáp tết là người lại ùn ùn đổ về quê, trả thành phố lại cho… thanh bình, vắng lặng. Và chính nông thôn bây giờ lại hóa phố. Những người dân quê đổ xô lên thành phố kiếm sống, giờ về quê ăn tết, mang phong cách phố, lối sống phố… về quê, khiến quê náo nhiệt như phố. Ít nhất thì quê cũng có các quán ăn sáng, quán cà phê, quán karoke, quán nhậu… phục vụ những công dân thành phố gốc quê này. Những đồng tiền chật vật kiếm ở thành phố, giờ mang về quê tiêu, nó giúp cho thôn quê có một bộ mặt mới, một không khí mới, sức sống mới… nhưng cũng không loại trừ sẽ có ngày những nét quê bay hết, còn lại là sự lai căng dị hợm.


          Nhớ năm nào đó, phục vụ cho một bài tết về nông thôn, tôi đã lộn lên lộn xuống rất nhiều vòng ở ngay quê tôi tìm một… cây rơm để chụp ảnh. Tìm mãi cả làng còn đúng một cây rơm, gọi là đống rơm thì đúng hơn, bởi cây rơm phải được đánh rất công phu rất đẹp. Có những cây rơm lưu cữu năm này sang năm khác mà vẫn không hỏng. Biết bao nhiêu lứa đôi đã lấy cây rơm làm nơi… hò hẹn. Bao nhiêu mùa đông đã ấm áp lên từ những cây rơm ấy. Giờ, đường làng nhựa hoặc xi măng thẳng băng, bếp ga bếp từ sáng choang, cây rơm đang lùi vào ký ức.


          Làng quê phát triển, thay đổi là một tất yếu không thể khác. Nhưng 2 cú điện thoại sáng nay lại khiến tôi vẩn vơ nghĩ, rằng nếu như không còn những nơi neo giữ ký ức như quê, thì chúng ta còn lại gì?

          Sài Gòn giờ này đang vô cùng vắng (và chắc chắn Hà Nội với các thành phố phố khác cũng thế). Trong khi ở quê, cũng giờ này, đang vô cùng tấp nập, sôi động. Tết là dịp để hoán đổi không khí chăng? Là một cách để điều tiết sinh hoạt chăng? Làng Thế Chi Tây Thừa Thiên Huế quê tôi giờ này mọi người đang nô nức xem và tham gia thi đu. Những cú nhún bay bổng như khát vọng của con người mãi mãi muốn bay lên…


          Thì, sáng mùng một tết nó đánh thức trong mỗi người một góc quê. Để vì nó mà người ta sống, người ta phấn đấu, người ta trở về. Vắng quê, con người mất nhiều thứ lắm…
                                                                  

1 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Tôi nhớ những cây rơm ở làng quê đội mũ nồi.
Chả là, trước khi đánh đống rơm, người ta chôn một cây cột tre làm cốt, xung quanh rải đều từng lớp rơm khô. Khi lên tới đỉnh cột, người ta úp một cái nồi đất lên, để chống nước mưa thấm theo cột mà làm mục ruột cây rơm.
Những bài viết của VCH thời gian qua, gợi cho mình nhiều kỷ niệm, trân trọng cám ơn. Nhân dịp năm mới Ất Mùi, chúc nhà thơ dồi dào sức khỏe.
Vũ Xuân Tửu