Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

VĨNH BIỆT NGƯỜI ĐẶC CÔNG HUYỀN THOẠI...


Hàng xóm nhà tôi hơn chục năm nay, ông là một người hiền lành, rất hiền lành. Chăm chỉ, rất chăm chỉ. Tốt, cực tốt. Năm nay vừa tròn 92 tuổi. Sáng nay các con ông đã đưa ông từ bệnh viện về sau hơn nửa tháng nằm viện, chắc chỉ ít phút nữa ông sẽ ra đi. Từ nhà ông về tôi ngồi ngay vào bàn, để rồi lại sang với ông...

Sở dĩ tôi phải dành riêng entry này cho ông không phải chỉ là vì ông là hàng xóm nhà tôi, không phải vì ông tốt, chăm chỉ, không phải vì ông là lão thành cách mạng, đảng viên 70 năm tuổi đảng... mà bởi ông chính là người lính đặc công huyền thoại, đã từng từ khu V sang tận Lào giải cứu Hoàng thân Xuphanuvong. Ở với ông mãi, đến một ngày cách đây 5, 6 năm tôi mới biết chuyện ấy, và tôi đã viết về ông, về chuyện ấy, rồi gửi cho nhà thơ Hồng Thanh Quang, khi ấy đang làm tờ An ninh thế giới cuối tháng đình đám. HTQ đã in trọn 1 trang, sau đấy thì ông được mời ra gặp tướng Giáp, được gia đình hoàng thân Xuphanuvong gửi thư và quà thăm hỏi...

Post lại bài này để tưởng nhớ ông, người lính đặc công anh hùng mà thầm lặng. Lại nhớ chuyện cái ông vừa bị thu hồi danh hiệu anh hùng...

VỀ NGƯỜI ĐẶC CÔNG ĐÃ THAM GIA GIẢI CỨU HOÀNG THÂN XUPHANUVÔNG



          Tôi lẩn mẩn đọc thêm các tài liệu có trong tay và phát hiện một việc không ngờ vô cùng thú vị là: cái ông già 85 tuổi đã nghễnh ngãng phải đeo máy trợ thính, mắt yếu lắm rồi, ở ngay sát nhà tôi trong một con hẻm trên đường Lê Lợi, thành phố Pleiku, rất hăng hái làm công tác mặt trận khối phố, luôn nhớ nhắc nhở mọi người trong khu phố treo cờ, dọn vệ sinh, đóng tiền nghĩa vụ hoặc ủng hộ, xây dựng gia đình tổ xóm văn hoá... lúc rỗi lại lọ mọ lên quán nước đầu đường ngồi đầu gối quá tai đánh cờ giải trí với các cụ đồng niên hoặc vong niên lại chính là ông Nguyễn Ngôn trong tài liệu kia...

 
          Tìm mãi, giờ trên tay tôi là bản photo tờ báo Quân Đội Nhân Dân năm 1960, hồi còn in typô bằng chữ chì sắp bằng tay. Ở góc trang 1 có một tin nối sang trang 4: Hoàng thân Xu Pha Nu vông cùng các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt đã thoát khỏi trại giam Viên Chăn. Bài báo dẫn nguồn "tin nước ngoài" cho biết đêm 23 rạng ngày 24 tháng 5 năm 1960, Hoàng thân Xu Pha Nu Vông cùng 14 lãnh tụ và cán bộ cao cấp của Neo Lào Hắc Xạt bị giam giữ một cách trái phép từ tháng 7 năm 1959 đã trốn thoát khỏi trại giam Phôn Khiêng, Viên Chăn. Có 9 lính gác cũng đã mang vũ khí đi theo. Lúc này Hoàng thân Xu Pha Nu Vông đang là thủ tướng chính phủ kháng chiến, chủ tịch BCH trung ương Neo Lào Hắc Xạt, nghị sĩ quốc hội tỉnh Viên Chăn, bộ trưởng bộ Kế hoạch xây dựng trong chính phủ liên hiệp. Cùng với ông là các đồng chí cũng nổi tiếng khác như: Phu Mi Vông Vi Chít, Nu Hắc Phum Xa Vẳn, Xi Xa Nạ Xi Xan, Si Thôn Com Ma Đăng, Khăm Thai Bu Tha, Phun Xi Pa Sớt... 

          Thời kỳ ấy, chính phủ hoà hợp dân tộc Lào lần đầu tiên được thành lập do hoàng thân Suvana Phu Ma làm thủ tướng. Tiếp đó là cuộc tổng tuyển cử bổ sung ngày 4/ 5/ 1958 đã diễn ra với thắng lợi vang dội của Neo Lào Hắc Xạt chiếm 13/ 21 ghế trong quốc hội Vương quốc Lào. Nhưng bọn phản động phái hữu và quan thầy của chúng đã tổ chức lật lọng, xé bỏ hiệp nghị đã ký kết. Ngày 22/ 7/ 1958 chúng lật đổ chính phủ Phu Ma, đưa Phủi Sa Na Ni Kon, đầu sỏ phái hữu phản động lên làm thủ tướng, đình chỉ hoạt động của quốc hội, đóng cửa toà báo Neo Lào Hắc Xạt, bao vây và tước vũ khí 2 tiểu đoàn vũ trang Pa Thét Lào (sau này tiểu đoàn 2 đã anh dũng phá vòng vây ở cánh đồng Chum, trở về được căn cứ và trở thành lực lượng nòng cốt của phong trào chuyển hướng), mở chiến dịch càn quét khủng bố các tổ chức, cơ sở của mặt trận Neo Lào Hắc Xạt ở khắp đất nước Lào. Ngày 26/ 7/ 1959, Phủi Sa Na Ni Kon ra lệnh tống giam đồng chí Xu Pha Nu Vông và các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt (Đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản, tổng bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào, đồng chí Khăm Tày Si Phăn Đon và một vài đồng chí trung ương uỷ viên khác thoát cuộc vây bắt này) vào một trại giam đặc biệt ngay trong doanh trại của bộ tổng tư lệnh quân đội phái hữu đóng tại đồi Phôn Khiêng do đại tá Lăm Ngân, chỉ huy trưởng lực lượng hiến binh trực tiếp canh giữ vô cùng chỉn chu và cẩn thận. Âm mưu của chúng là sẽ đưa Hoàng thân Xu Pha Nu Vông và các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt ra toà án binh xử với những án tử hình chờ sẵn... 

          Trong tình hình nước sôi lửa bỏng ấy, một kế hoạch giải thoát các đồng chí lãnh đạo Neo Lào Hắc Xạt được vạch ra do chính đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản, tổng bí thư ban chấp hành trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào phê duyệt. Theo đó, một nhóm 9 chiến sĩ cả tình báo, cơ yếu báo vụ, trinh sát, phiên dịch và đặc công Việt Nam được phái sang Lào giúp bạn thực hiện kế hoạch. Nhóm do đồng chí Phan Dĩnh làm tổ trưởng tổ công tác, nhưng người chỉ huy trên đường đi là ông Trần Văn quý (nguyên là bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Trung Lào, tên Lào là Bun Coong, sau hiệp nghị Giơnevơ tập kết về nước, là cán bộ cục nghiên cứu, sau này tiếp tục hoạt động tại Viên Chăn), phó là ông Ngôn, còn ông Dĩnh đã sang Lào trước, nên thực chất đoàn chỉ còn 8 người, 4 của tổng cục 2 và 4 là đặc công khu 5, hầu hết đã từng hoạt động ở Lào. Ông Dĩnh nguyên là Việt Kiều có tên Lào là Khăm Sỉng, lớn lên ở Viên Chăn, đã từng học trường trung học Pvie, bộ đội tình nguyện Việt Nam, nguyên là uỷ viên ban cán sự đảng bộ tỉnh Viên Chăn, hoạt động giúp nước bạn Lào liên tục 37 năm, sau này là đại tá tổng cục 2 bộ quốc phòng, hiện nay về hưu ở Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Ngôn phụ trách nhóm đặc công khu năm 4 người có nhiệm vụ là "quả đấm thép" trong việc giải cứu... 

          Tôi lẩn mẩn đọc thêm các tài liệu có trong tay và phát hiện một việc không ngờ vô cùng thú vị là: cái ông già 85 tuổi đã nghễnh ngãng phải đeo máy trợ thính, mắt yếu lắm rồi, ở ngay sát nhà tôi trong một con hẻm trên đường Lê Lợi, thành phố Pleiku, rất hăng hái làm công tác mặt trận khối phố, luôn nhớ nhắc nhở mọi người trong khu phố treo cờ, dọn vệ sinh, đóng tiền nghĩa vụ hoặc ủng hộ, xây dựng gia đình tổ xóm văn hoá... lúc rỗi lại lọ mọ lên quán nước đầu đường ngồi đầu gối quá tai đánh cờ giải trí với các cụ đồng niên hoặc vong niên lại chính là ông Nguyễn Ngôn trong tài liệu kia, ngày xưa là một chiến sĩ khét tiếng của đặc công khu năm, đã từng chỉ huy phân đội đặc công tập kích vào thị xã A Tô Pơ tháng 1/1954 và Pak Sòn (Lào) tháng 4/1954... đã từng là chính trị viên trường trinh sát của cục nghiên cứu bộ tổng tham mưu, là tình báo chiến trường khu 5 thời chống Mỹ... Chưa kịp bày tỏ nỗi hân hoan lẫn ngạc nhiên về người hàng xóm được cả khu phố kính trọng thì ông sang nhà tôi nhờ... thắt giùm chiếc cà vạt. Té ra ngày mai ông ra Hà Nội chúc thọ đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân sinh nhật người anh cả của lực lượng vũ trang Việt Nam, người trực tiếp gặp gỡ giao nhiệm vụ cho nhóm công tác đặc biệt trước khi lên đường mà giờ chỉ còn 3 người còn sống. Trong nhóm đặc công khu năm 4 người do ông chỉ huy giờ cũng chỉ còn mình ông. (Ông Ngôn tha thiết nhờ tôi là đăng tên tất cả nhóm công tác đặc biệt 9 người ngày ấy để nếu in báo, may ra gia đình các chiến sĩ biết được. Danh sách cụ thể như sau: 3 người còn sống: đại tá Phan Dĩnh, hiện ở Hà Nội. Đại uý Nguyễn Ngôn hiện ở thành phố Pleiku. Đại uý Nguyễn Văn Vinh, 82 tuổi hiện ở Hồng Lạc, Hải Dương. 6 người đã hy sinh, không phải trong cuộc giải cứu mà sau này, gồm: Trương Văn Quý (cán bộ cục nghiên cứu, bộ TTM, quê Nghệ An), Trần Văn Khiết (cơ yếu,Thừa Thiên Huế), Kiều Sơn Đen (Đặc công, Quảng Nam), Nguyễn Văn Du (đặc công, Quảng Nam), Nguyễn Lầu (đặc công, Phú Yên), Trần Văn Điển (phiên dịch, Hà Nội). Hôm ấy vào chúc thọ có rất nhiều đoàn cao cấp đều phải đăng ký qua văn phòng, riêng 3 ông trong nhóm đặc biệt được đại tướng trực tiếp viết giấy hẹn trước. Gần nửa thế kỷ trôi qua, đại tướng vẫn nhớ rõ công việc của nhóm ngày ấy... Và cũng vì đây là công việc đặc biệt nên một thời gian dài nó được giữ kín, chính đại tướng Võ Nguyên Giáp hẹn các ông: sống để dạ, chết mang theo, rồi lâu quá cũng nhiều người quên. Nhưng bây giờ thì nó trở thành niềm tự hào không chỉ của các ông, mà còn của quân đội Việt Nam, của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Lào... Chính các bạn Lào sau này cũng nói: Nếu không có cuộc giải cứu lịch sử ngày ấy thì chưa biết tình hình phong trào cách mạng Lào sẽ như thế nào?.. 

          Ông Ngôn quê thôn Hải Môn, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Nhập ngũ từ tháng 8 năm 1945, là một trong những chiến sĩ đặc công đầu tiên của khu 5. Để phối hợp chiến trường Điện Biên Phủ, ông được lệnh dẫn một nhóm chiến sĩ đặc công khu năm sang Lào "chia lửa" và các ông đã đánh một trận để đời, chưa có tiền lệ trong cách đánh đặc công thời ấy. Đấy là giữa ban ngày ban mặt, 4 chiến sĩ đặc công Việt Nam lạ nước lạ cái đã tấn công tiêu diệt gần năm chục lính Pháp và nguỵ Lào ngay trong sào huyệt của chúng khi chúng đang họp. Sau đấy đánh tập kích vào sân bay A Tô Pơ cũng thắng lợi. Tất cả đợt này, ông chỉ huy phân đội ở Lào gần 4 tháng, đánh 11 trận độc lập và một trận phối hợp với bộ binh, giết và làm bị thương trên 600 địch, có 40 sĩ quan Pháp và nguỵ Lào. Toàn đội được tặng thưởng huân chương quân công hạng 3. Đấy chính là lý do để năm 1959, khi ông đang học tại trường quân chính quân khu 4 thì được lệnh rút về thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Ban đầu ông cự nự cấp trên: Tôi chưa được học hành gì nhiều, ước ao ra miền Bắc để được học. Hãy để tôi học xong rồi vào Nam guýnh tiếp, vội gì. Nhưng cấp trên giải thích đây là nhiệm vụ đặc biệt giúp bạn, mà ông đã quen đánh bên Lào ban ngày rồi nên cấp trên tin tưởng ông, vì công việc này cũng cần đánh ban ngày. Thế thì ông nhận lời ngay, thu dọn tư trang về phòng chính trị Quân khu 4. Cấp trên cho phép ông chọn 3 người nữa. Ông xin về đơn vị làm công tác tư tưởng anh em. Sau đó ông chọn các chiến sĩ đặc công: Kiều Sơn Đen, người giỏi đánh cả dưới nước lẫn trên bờ, có thể bơi cả ngày trên sông Hồng. Nguyễn Lầu, Nguyễn Văn Du. Tổng cục 2 điều cho nhóm các ông đồng chí Trần Văn Điển làm phiên dịch. Như thế chính thức nhóm đặc công của ông có 5 người. Cả nhóm ra Hà Nội gặp đồng chí Trần Hiệu, lúc bấy giờ là cục trưởng và đồng chí Vũ Thắng, trưởng phòng huấn luyện. Hai đồng chí yêu cầu nhóm đặc công thực tập đột nhập ngay vào cơ quan bộ Tổng và phải để 1 vật làm tin ngay trên bàn làm việc của đồng chí trưởng phòng tình báo chiến dịch. Cuộc đột nhập này có thông báo trước cho lính gác và cả cán bộ chiến sĩ trong cơ quan xem, và được quy định thời gian là từ 21 giờ đến 4 giờ sáng. Ông Ngôn nghiên cứu địa hình và quyết định chia làm 2 mũi. Một mũi 3 người đột nhập vào phía có đèn sáng nhất, nhiều lính gác nhất, dễ bị lộ nhất và nhờ thế mà... vào an toàn. Còn mình ông mặc quân phục đàng hoàng đi vào cổng chính khi có một chiếc xe chở ông tư lệnh quân khu 4 qua cổng. Lính gác thì tưởng ông là người trên xe xuống, còn người trên xe lại tưởng ông là... lính gác. Sau đó ông lẩn vào một gốc cây thay đồ và tiềm nhập. Sau khi đặt lên bàn tờ giấy ghi 3 chữ Kiều Sơn Đen, ông thổi còi, ai đứng đâu ở đấy chờ cấp trên đến kiểm tra. Tất nhiên là quá đạt yêu cầu. Bao nhiêu người gác được báo trước. Rất nhiều người xem nữa, thế mà vẫn vào được. Sau đấy cả nhóm ra thực hành ở một cái ao thước thợ ở khu Đống Đa, cũng biểu diễn trước rất đông người. Rồi ra sông Hồng. Tất cả đều đạt yêu cầu. Trước bao nhiêu cặp mắt chuyên nghiệp theo dõi, đội của ông vẫn không bị phát hiện, bình yên vô sự. Trong khi chờ đợi ngày giờ xuất phát, nhóm của ông được nghỉ ngơi an dưỡng. Tháng 5 năm 1959, toàn đội được đại tướng gọi vào giao nhiệm vụ. Đại tướng yêu cầu: Việc đầu tiên là phải tuyệt đối bí mật. Không được mang theo giấy tờ tài liệu. Bởi nếu lộ thì các thế lực phương tây sẽ lu loa can thiệp ngay. Việc nữa là mọi công việc đều do trung ương Đảng bạn quyết định. Đưa hay không đưa ra, đưa như thế nào,... tuỳ tình hình cụ thể, ta phải phục tùng bạn. 

          Nhóm đặc công (hợp với các cán bộ tổng cục 2 nữa là 8 người) được đưa vào Nghệ An rồi bắt đầu sang Lào. Vừa đi vừa xây dựng cơ sở, vừa cắt đường, vừa lo hậu cần ăn uống và bảo mật... vô cùng vất vả. Tròn một tháng bảy ngày thì đến thành phố Viên Chăn. Đến nơi, gặp các đồng chí Lào và tình báo của ta do đồng chí Phan Dĩnh phụ trách thì nhận được lệnh của đại tướng: Ta không trực tiếp đưa Hoàng thân và các lãnh tụ Lào ra, mà huấn luyện cho các bạn Lào tự làm, nhóm đặc công chỉ hỗ trợ và nghi binh. Thế là các ông chọn được tám người Lào để huấn luyện, trong đó có 4 người các ông vận động làm cơ sở dẫn đường trong 37 ngày thâm nhập từ Việt Nam vào Lào. Những người này đã làm bè bằng luồng để chở nhóm công tác đặc biệt đi. Cũng làm sa bàn rồi thực địa. Căng dây rừng thay kẽm gai. Khó nhất là học tiềm nhập dưới ánh điện, vì ở trong rừng tất nhiên là không có điện. Thế là các ông xin phép được vào đồn địch để tập trực tiếp, lộ đâu đánh đó. Thực tập như thế liên tục 2 đêm, nghỉ hai đêm, đêm thứ 5 tổng duyệt. 4 chiến sĩ đặc công Việt Nam kèm 8 bạn Lào đột nhập vào đồn, rồi vào thành phố Viên Chăn, vừa tập vừa quan sát dò đường để sau này rút. Thành công. Đồng chí UVBCT, quyền bí thư thành phố Viên Chăn yêu cầu đặc công Việt Nam đánh thực mấy cái đồn trong đêm giải thoát Hoàng Thân để làm mấy việc: Làm cho dân chúng tin tưởng là phong trào cách mạng vẫn còn, lực lượng vũ trang vẫn còn. Và như thế là địch sẽ hoang mang. Thu hút lực lượng địch để bộ phận đưa Hoàng thân rút ra an toàn. Tất nhiên lúc này tình báo ta (nhóm đồng chí Phan Dĩnh) và cơ sở Lào đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc giải thoát, các đồng chí lãnh tụ Lào trong trại giam cũng đã được báo trước, mọi kế hoạch đã khớp đến từng chi tiết. Một số lính gác trở thành người của ta. Tối 23 tháng 5 năm 1960 ấy, sau khi tên đại tá Lăm Ngân trực tiếp đến kiểm tra lần cuối xong thì mọi người lập tức thay đổi trang phục thành lính gác, cùng 9 lính gác thật đã được giác ngộ và 4 bạn Lào đã được huấn luyện chia làm ba toán "đi tuần" dưới ánh đèn pha sáng rực, điềm nhiên ra khỏi cổng, căn thẳng hướng tây bắc rút. Lúc này là 0h30 ngày 25 tháng 5. Còn 4 chiến sĩ đặc công Việt Nam cùng 4 bạn Lào còn lại thì rút về hướng đông, vừa rút vừa chiến đấu nghi binh để thu hút địch. Phải đến 6 giờ sáng hôm sau khi đổi gác chúng mới biết tù nhân đã trốn thoát và hè nhau đuổi về hướng đông, hướng có súng nổ. Đoàn lãnh tụ Lào đi về hướng Tây bắc để tới Sầm Nưa cũng có một chút trục trặc nên phải ngủ một đêm trong rừng ngoài dự kiến. Nhưng rồi cuối cùng cũng đã về đến căn cứ an toàn. Còn nhóm ông Ngôn thì vừa đi vừa khiêu khích đánh địch, chỉ không đầy 10 ngày đã về đến Việt Nam. Số 8 chiến sĩ Lào được các ông huấn luyện sau này đều trở thành sĩ quan cao cấp trong quân đội Lào. Riêng ông Ngôn, hết cuộc chiến tranh, ông về hưu vẫn với quân hàm đại uý. Ông nói với tôi: đi sao về vậy. Tức ngày ông sang Lào đã là trung uý. Nhưng sau chuyến đi ấy, ông trở ra bắc về tổng cục 2 rồi lại được điều về quân khu năm chiến đấu thì ông đã là đại uý. Cứ đánh nhau liên miên thế, ai có thì giờ đâu mà nghĩ đến quân hàm. Hoà bình khi ông hỏi tổng cục thì được hướng dẫn về quân khu làm thủ tục, về quân khu thì lại bảo ông là quân tổng cục. Rồi ông về hưu vẫn là đại uý, nhưng ông bảo, ông vẫn còn may mắn hơn rất nhiều 6 anh em đã mất kia, không biết gì là hoà bình, là độc lập tự do và hạnh phúc như họ hằng mong ước và hứa hẹn với nhau trong những ngày tháng gian nan mong manh sự sống cái chết thuở ấy. Mà chuyện quân hàm, ông cũng chỉ hỏi có một lần rồi thôi. Giờ ông sống cạnh nhà tôi cùng vợ, con gái và hai cháu ngoại. Cô con gái may lặt vặt, lương hưu của ông trang trải nuôi hai ông bà già và hai đứa cháu ngoại ăn học. Chúng đều rất ngoan và học giỏi. Từ hôm ra Hà Nội chúc thọ đại tướng về, thấy ông có vẻ rất vui và khoẻ hẳn lên, cái chứng hen kinh niên gặp mấy cơn heo may cuối thu vừa rồi mà không thấy chúng trở lại. Ông phóng to cái ảnh nhóm công tác đặc biệt chụp năm 1960 treo trong nhà. Trong nhóm ấy, giờ còn mỗi mình ông... Thời ấy, trong ảnh, cả năm ông còn trẻ lắm, và đẹp trai nữa...
                                                                                                          V. C. H.


3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cảm ơn nhà thơ VCH, cảm ơn bác Ngôn-những người lính Cụ Hồ chân chính đã viết nên những "giáo án" về sự tử tế và lòng tự trọng.

Unknown nói...

Đọc bài anh Hùng viết tôi thấy tình người ấm áp, thơ anh nhiều hoài niệm, nhưng có cái cần chửi thì anh chửi không mạnh! he he... đọc Cu Vinh khoai lang tôi khoái giọng chửi như hát hay...

Bùi Công Tự nói...

VCH đừng cười ,đọc bài này của anh cũng như nhiều bài viêt về nnhwngx con người có danh mà thực đã bị vô danh ,tôi thường rơm rớm nước mắt .Thôi cũng còn có cái để an ủi ,đó là NHÂN DÂN TA .