Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

KHÔNG CÓ AI SỢ VỢ CẢ



Tôi thì chỉ có một ước ao giản dị: Trên đất nước thân yêu của chúng ta, không còn một ai sợ vợ cả? Mới thốt ra câu này, gã bạn phun cả ngụm bia ra không kịp bịt miệng: Ông mơ à?...
---------------






Thú thật, ai nghĩ thế nào thì nghĩ, nói thế nào thì nói, tôi vẫn nghĩ và đã từng phát biểu, ở Việt Nam bây giờ không có chuyện bất bình đẳng nam nữ, hoặc nếu có, thì nó là ở phía nam, bởi có một thực tế phũ phàng không thể không thấy, dù thấy là rất đau lòng, ấy là đàn ông Việt Nam rất… nể vợ. Tôi nói nể, bởi nếu nói sợ sẽ có các… bà vợ vùng lên cãi ngay: ai cho phép sợ mà sợ.

Tất nhiên chuyện bạo hành ở nơi này nơi khác vẫn có, nó cũng như tệ nạn ấy thôi, phải chấp nhận nó như một phần của đời sống, rất cá biệt và cũng rất đặc biệt. Mà đã đặc biệt là không phổ biến, là bị lên án, bị xử ngay. Ngược lại cũng không phải không có các bà vợ bạo hành đàn ông một cách dã man, còn cằn nhằn ca cẩm nhăn nhó cấm đoán… thì nó là… chuyện thường rồi. Ví dụ như chị gì đấy, nửa đêm bổ cho chồng mấy nhát cuốc, chết tốt, xong ngủ tiếp, mai tính.

Ở Việt Nam bây giờ, tôi thấy, phụ nữ gần như không thua kém nam điều gì, nam làm gì nữ cũng làm việc ấy, chưa kể, phụ nữ nhiều nơi nhiều chỗ còn khiến đàn ông chạy hụt hơi.

Nó khác xa cái thời phong kiến mà tôi hay nghe bà tôi, mẹ tôi kể. Thời ấy các ông chồng, ông bố là thượng đế trong nhà, vợ chỉ là cái xương sườn thứ 7 đúng nghĩa…

Mọi việc cứ đều đều như thế, cuộc sống cứ êm đềm thế, cho đến một ngày, giới mày râu, rồi xã hội, các đoàn thể, nhất là hội phụ nữ, ồn lên chuyện ngày 8 tháng 3 rồi ngày 20 tháng 10. Có ngày ấy, chị em có vẻ như được quan tâm, được âu yếm, được nâng niu ve vuốt, nhưng, phải nói thật, thấy nó cứ gượng gạo thế nào ấy, cứ như là diễn, như là không phải thật lòng, như là đòi để được, và người ta mới thấy, té ra, phụ nữ lâu nay không được đối xử công bằng, nên cần có ngày này để công bằng. Trời ạ, một năm có vài ngày mà đòi công bằng được thì té ra công bằng dễ lắm sao? Phải thấy điều này, ấy là chúng ta càng ưu tiên cho chị em thì lại càng chứng tỏ chúng ta đang bất bình đẳng, thế chằng hóa ra phụ nữ Việt Nam thua kém phụ nữ thế giới à? Không, cương quyết không. Chúng ta chỉ mới chưa có nguyên thủ là nữ thôi (trong lịch sử đã từng có), còn mọi thứ khác chúng ta đều có, không thua kém gì, trừ việc cứ dành ra mấy ngày để… kỷ niệm.

Ngay một số chị em có vẻ cũng thấy như cái sự có ngày này cũng chả thực chất gì, cũng chỉ như phong trào lễ lạt đang ngày càng nhiều trên đất nước ta thôi. Tôi trích ngay ý kiến của một số chị em viết trong ngày hôm nay, 19/10/2014, trên facebook, về ngày 20/10:

Một nữ Tổng biên tập comment cho tôi: “Có lẽ phụ nữ Việt Nam nghĩ rằng mình đáng thương hại quá cho nên mới đẻ ra một ngày để an ủi? Và khi nghĩ rằng nên ưu tiên cho phụ nữ tức là đã không coi phụ nữ bình đẳng rồi. Nếu lão VCH nói: thôi, ưu tiên con R.M là giống cái nên không chấp nó, là tui tức lộn ruột luôn”.

Một cô giáo tên là Trương Thị Yến ở Phan Rang viết: “Cả ngày cứ phập phồng, không biết năm nay trường có bắt đi tọa đàm 20/10 không. Liên tiếp hai ngày mất dạy ở trường nên không biết trường có thông báo gì mới không. Đắn đo mãi, gọi điện cho một cô trong tổ ''Em ơi, trường có thông báo đi tọa đàm chi không em. ''Dạ, năm nay không tọa đàm cô à ''... Hi hi thoát nạn, đỡ đau cái lưng...và đỡ chán… sao năm nay công đoàn dễ thương thế không biết. Năm nào cũng vậy, ngồi vừa mệt, vừa đói bụng, chỉ uống nước đóng chai, mà có cô vừa dạy xong 5 tiết buổi chiều, phải ở lại để tọa đàm”...

          Và đây là nhà báo Xuân Dung ở thành phố Hồ Chí Minh: “sợ nhất ngày 83. lại phải nghe bài ca Hai Bà Trưng và phụ nữ VN quật cường, còn ngày 20.10 thì phải nghe kể lể thành tích”.

          Còn đây là một nhà giáo nam: “Bình đẳng giới không có nghĩa là khuyến khích phụ nữ làm việc y như nam giới, như kiểu "từ ngày anh đi việc đồng em giỏi giang", hay "bàn tay em phá đá mở đường, gian khó phải lùi nhường em tiến bước", v.v và vươn vươn. Nó nên là khuyến khích phụ nữ có quyền tự do làm những điều mình muốn mà không bị ràng buộc bởi những định kiến, giống như nam giới. Thích yêu thì nói yêu, thích xách ba lô thì xách, không ai được quyền bam. Phụ nữ không nên coi ngày 20/10 là ngày đòi quà, và hãy đòi quà quanh năm, mọi lúc có thể, vì họ đáng được như thế. Khi mà tư tưởng coi thường phụ nữ vẫn còn, nếp nghĩ "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" vẫn còn, thì mấy món quà nhỏ vào nhõn một cái ngày gọi là ngày Phụ nữ Việt Nam có ý nghĩa gì?”.

          Tôi thì chỉ có một ước ao giản dị: Trên đất nước thân yêu của chúng ta, không còn một ai sợ vợ cả? Mới thốt ra câu này, gã bạn phun cả ngụm bia ra không kịp bịt miệng: Ông mơ à?


                                                                 

         

5 nhận xét:

Nặc danh nói...

Vợ bé trẻ hơn,hay làm nũng hơn nên phải sợ vợ bé hơn vợ cả là đúng rồi!

Nặc danh nói...

sắp đại hội các cấp rồi. Mình đi họp thấy bàn rau ráu cấp ủy này, thường vụ kia phải bao nhiêu % tỷ lệ nữ. Từng thấy nhiều chuyện cơ cấu % cán bộ nữ mà ứa nước mắt. Ai có thể tin 1 cô học lớp 7 mà có bằng đại học, chân dài mông tròn, huyện ủy viên, làm trưởng phòng giáo dục. Một em viết 10 chữ 5 chữ phạm lỗi chính tả mà làm chủ tịch "mặt chận" huyện. Nhiều em nữa được cơ cấu nhờ...vốn tự có. Ui ui, xin lỗi chị em được cơ cấu nhờ xinh và thông minh.

Nacdanh nói...

Nhân ngày phụ nữ VN đề nghị chị em và cả anh em nữa phải làm sao cho nhan sắc chị em mình có thể sánh vai với nhan sắc phụ nữ năm châu. Năm nào cũng có mấy cuộc thi hoa hậu nhưng chưa thấy có hoa hậu nào được gọi là "sạch nước cản". Cho nên phần lớn anh em ta sợ vợ "nói riêng" và sợ chị em "nói chung" là vì sợ nhan sắc là chính.

Vũ Xuân Tửu nói...

Sao không bầu người tài ra giúp dân trị nước, lại cứ chọn giai cấp, rồi tỷ lệ thành phần này nọ, để dẫn tới hậu quả kìm hãm sự phát triển xã hội. Thảo nào sinh viên HK chẳng biểu tình.
Vũ Xuân Tửu

Nặc danh nói...

Vợ cả bao dung ,nhiều anh sợ vợ thứ