Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

TRUNG QUỐC ĐÃ XUYÊN TẠC VU KHỐNG NHƯ THẾ NÀO

Bài này mà xuất hiện cách đây vài tháng thì... toi, và ngay nếu không phải nó xuất hiện trên trang báo điện tử của chính phủ thì nhà cháu cũng chả dám cop. Giá mà cách đây mấy năm, đừng rón rén gọi là "tàu lạ" mà cứ cho dân và quân đấu tranh quyết liệt với Tàu thế này chưa chắc nó đã dám "hạ đặt" cái của nợ của nó xuống biển của ta. Khổ thân, hồi nhỏ mẹ mình hay nói "lúc no dồn khi đói góp" là cũng có thể vận vào truyền thông bây giờ...

-------------


(Chinhphu.vn) – Kêu gọi xây dựng lòng tin tại châu Á, nhưng Trung Quốc đã không chỉ xuyên tạc, vu khống cho Việt Nam về nhiều vấn đề liên quan đến biển đảo, trong đó có Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, mà còn “nói một đằng, làm một nẻo” trên Biển Đông.


Trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế ngày 21/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền và thềm lục địa Việt Nam, bất chấp thiện chí hòa bình, đối thoại của Việt Nam, Trung Quốc đã không chỉ ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, mà còn “liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói”.

Nhìn lại tình hình trong những ngày qua, cộng đồng quốc tế đều thấy rõ Trung Quốc đã “vu khống và đổ lỗi” cho Việt Nam như thế nào, ít nhất là ở những điểm sau đây.

Thứ nhất, Trung Quốc nói phía họ chỉ có tàu chính phủ và tàu dân sự tại khu vực giàn khoan, còn Việt Nam có tàu quân sự, và các tàu Trung Quốc là “nạn nhân” của các tàu Việt Nam. Nhưng tại các cuộc họp báo do họ tổ chức, khi được báo chí yêu cầu bằng chứng, họ đã không đáp ứng được.

 Trong khi đó, báo chí Việt Nam đã đưa ra rất nhiều hình ảnh, kể cả video clip chứng minh điều ngược lại, rằng Trung Quốc đã điều cả tàu quân sự tới khu vực giàn khoan, các tàu của Trung Quốc đã hung hăng, chủ động đâm va, phun vòi rồng, gây thiệt hại cho các tàu của Việt Nam như thế nào.
 

Thứ hai, Trung Quốc cố tình lập lờ về vùng biển mà giàn khoan Hải Dương 981 đang xâm phạm. Lập luận ngụy biện của họ là giàn khoan này đang nằm tại “tại vùng biển cách đảo Trung Quốc 17 hải lý, trong khi vùng biển này cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý”.
Đưa ra lập luận ngụy biện này, Trung Quốc đã cố tình lờ đi một sự thật: Quần đảo Hoàng Sa, cũng như quần đảo Trường Sa, là của Việt Nam và năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa khi đó đang do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. 

Hơn nữa, cái mà Trung Quốc đưa ra và coi như “bằng chứng” trong trường hợp này vô cùng yếu về mặt pháp lý, nếu không muốn nói là hoàn toàn vô giá trị theo luật pháp quốc tế; và cứ giả sử rằng có ai đó thừa nhận lập luận như vậy, thì cũng phải nhắc lại: Đó là vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Thứ ba, Trung Quốc dường như có ý muốn nói họ đã “nhường nhịn” với cách nói rằng Hải Dương 981 là giàn khoan duy nhất của Trung Quốc tại khu vực, trong khi Việt Nam đang có hơn 30 giàn khoan tại đây. Cứ cho rằng thông tin này là chính xác, thì đó lại là một  minh chứng hùng hồn rằng, khu vực này thuộc về vùng biển Việt Nam một cách hiển nhiên, không thể tranh cãi và đã được cả thế giới thừa nhận.

Bởi chẳng có lý do gì để cộng đồng quốc tế phản đối một quốc gia đang tiến hành những hoạt động như thế trong khu vực thuộc thẩm quyền của quốc gia ấy. Nhưng một và chỉ một hành động đơn phương sai trái trong vùng biển của nước khác lập tức sẽ bị cả thế giới đồng thanh lên án, mà việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam rõ ràng là một ví dụ đắt giá. “Bằng chứng” mà Trung Quốc đưa ra chẳng thuyết phục được ai về sự “nhường nhịn” của họ, mà chỉ chứng minh rằng lẽ phải thuộc về Việt Nam.

Thứ tư, Trung Quốc còn cố tình vu khống Việt Nam sau một số vụ việc bất ổn về an ninh trật tự vừa qua, cố tình muốn tạo dựng hình ảnh một Việt Nam bất ổn, “hung hăng” và thiếu trách nhiệm với các nhà đầu tư. Thủ đoạn của họ là cố tình lập lờ, đánh đồng sự manh động của một số rất ít người bị kích động mà vi phạm pháp luật với các hoạt động bảo vệ chủ quyền trên biển, kiên nhẫn, kiềm chế, tuân thủ đúng luật pháp quốc tế của các lực lượng chức năng Việt Nam, cũng như các hành động biểu thị lòng yêu nước đúng đắn, hòa bình của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã không chỉ một lần thẳng thắn nói rõ về nguyên nhân của các vụ việc đáng tiếc đã xảy ra; cơ quan chức năng đã bắt giữ và sẽ xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm pháp luật. Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các nhà đầu tư nước ngoài; giúp đỡ, hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục tối đa thiệt hại, kể cả các nhà đầu tư Trung Quốc. Rất nhiều người dân tỉnh Hà Tĩnh đã tình nguyện tham gia chữa trị cho những người Trung Quốc bị thương trong các vụ gây rối. Tình hình đã nhanh chóng ổn định trở lại, an ninh, trật tự an toàn xã hội đã được bảo đảm, hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Các nhà đầu tư sẽ đánh giá chính xác về môi trường đầu tư của Việt Nam, về thiện chí của Việt Nam, bức tranh xuyên tạc, phóng đại về Việt Nam do những người thiếu thiện chí cố vẽ ra không thể lừa bịp được ai.

Thứ năm, Trung Quốc cố tình ngụy biện, xuyên tạc nội dung, ý nghĩa Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Không phải chỉ bây giờ, báo chí Việt Nam đã từng rất nhiều lần đưa ý kiến của rất nhiều chuyên gia pháp lý trong nước và quốc tế, bẻ gãy luận điệu của Trung Quốc về Công hàm này, phủ nhận mọi suy diễn về Công hàm 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như khẳng định đó là sự xuyên tạc và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Nhưng việc Trung Quốc xuyên tạc nội dung, ý nghĩa Công hàm năm 1958 không chỉ sai về pháp lý, mà còn trái với đạo lý. Không ít ý kiến đã chỉ ra rằng Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù Việt Nam Dân chủ Cộng hòa–Trung Quốc lúc đó "vừa là đồng chí vừa là anh em”, là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp, thể hiện quan điểm ủng hộ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc trước các diễn biến của tình hình phức tạp trên eo biển Đài Loan lúc đó, khi Trung Quốc đang đứng trước hiểm họa cuộc tấn công quân sự của đồng minh của chính quyền Đài Loan. Dù nội dung công hàm vẫn đảm bảo rất thận trọng và chặt chẽ, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã cố tình lợi dụng thiện chí của Việt Nam để nhằm phục vụ cho tham vọng lãnh thổ sai trái của mình. Thật là không chính nhân quân tử!

Đây là những lập luận kiểu “cả vú lấp miệng em” của Trung Quốc. Nhưng, những ngụy biện dù tinh vi đến đâu cũng không thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế, những lập luận của Trung Quốc đã bị bẻ gãy một cách không mấy khó khăn. Lập luận đã không thuyết phục được ai, Trung Quốc còn “nói một đằng, làm một nẻo”. Không có gì thuyết phục hơn là việc làm trong thực tế và căn cứ vào đó, cộng đồng quốc tế đương nhiên có đủ tỉnh táo và sáng suốt để biết rõ chân lý, lẽ phải thuộc về quốc gia nào.

Bản thân Trung Quốc cũng không thể thuyết phục được chính họ, bởi nếu tự tin vào lý lẽ của mình, họ đã không lẩn tránh việc đưa các vấn đề biển đảo tại Biển Đông ra trước dư luận và công pháp quốc tế, như lâu nay.

Kết lại bài viết, xin nhắc lại điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh trước báo chí quốc tế tại Manila: Việt Nam đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó... 
Kim Tuấn

                                                                                                                                                    ctv Nguyễn Anh Tú

5 nhận xét:

yamaha nói...

Theo tôi thì vấn đề là ở chỗ này, nếu như người ta nhận thức ra câu chuyện gọi là "viển vông" sớm hơn, thì hậu quả đã có thể tốt hơn rất nhiều so với bây giờ. Quá tin ở đối tác, bất chấp quá khứ nghìn năm bắc thuộc của hắn, và ngay cả khi hắn ta vừa liên tục chơi xỏ đau điếng mình xong vào những năm 74-79-88, thì không còn biết nên gọi đó là lòng chung thủy hay tính bạc nhược nữa đây ?...

Nặc danh nói...

Bây giờ há miệng mắc quai với Tung Của thôi.
Mấy ông bà Chủ thử há miệng thì cũng mắc quai với đầy tớ .
Mịa hơi đâu lo chuyện này nhể , đảng và nhà nươsc dạy tất cả có đảng và nhà nươsc lo , bây giờ là lo vật xiền . Xiền vật ra thì ít ,mà thuế và phí cứ đẻ ra như sinh sản vô tính. Có mà không đóng thì bơ mõm ,nên cuối cùng dù mõm nhô ra vì đổi nhưng vẫn phải đóng hụi chết .
Vậy lao nhao lầm gì ? Hôm nào nhà nước bắt nhập kho , không thì quần chúng bức xúc nó nhảy vào quất mấy phát , im lặng thì nó quất tiếp chống cự lại thì lập tức lực lượng còn... Còn mình xuất hiện , à Lê hấp về đồn. Rồi ra về tới thẳng nghĩa địa , thì con người ta sai ,vợ thì người ta Sài , hối không kịp

Quynh nói...

Nghe đến thằng Trung Quốc là sôi gan Chú Hùng a. Thế sao, các Đc Bộ chính trị lại cứ quyết các dự án nào cũng giao cho nó? cả đất. có phải bộ sậu là mấy cha tham mưu đã ăn tệ của nó rồi, hay dặc vụ nó đã nằm sát nách ta? bây giờ hối ko kịp rồi đấy.

Hằng Nga nói...

Bạn Quynh nói thế chứ Bộ Chính trị mắt sáng như gương đấy nhé

Vũ Xuân Tửu nói...

Chuyện này thì những người bị quy là "phản động" đã nhìn thấy và kiến nghị từ lâu rồi. Bây giờ, tuy muộn, nhưng việc TQ buông mặt nạ, đã giúp cho chúng ta đồng lòng chống xâm lăng. Tuy vậy, những kẻ chịu ơn cơm nặng áo dày của TQ vẫn còn luyến tiếc đấy.
Vũ Xuân Tửu