Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

GIA LAI CÀ KÊ 14

Cái nhà hát ấy đập bỏ, người ta xây 1 cái bể bơi và 1 cái nhà rông, 1 cái hang đá rất lớn ở đấy- chắc để nhớ thời tiền sử. Được một nhiệm kỳ, ông sau lên lại đập bỏ bể bơi, đập bỏ nhà rông và hang đá. Mà không phải ít tiền nhé. Bể bơi hồi ấy được đánh giá là sang nhất Tây Nguyên, có thể sánh bước với các bể bơi hiện đại khác trên cả nước. Cái  nhà rông thì thôi rồi, ngạo nghễ và hoành tráng, ban đêm toàn bụi đời vào ngủ. Tính giá bây giờ cũng mấy tỉ trở lên. Thì cứ mượn danh văn hóa, mượn danh bảo tồn mà làm, đố ai dám cản. Cũng như giờ người ta mượn danh đủ thứ để tiêu tiền vô tội vạ, mần chi nhau...

 
Hồi ấy Pleiku có một công trình văn hóa hoành tráng là nhà hát ngoài trời do sở Văn hóa Thông tin trực tiếp quản lý, nó có hẳn một ban quản lý tương đương cấp phòng. Mình làm ở phòng Văn Nghệ, quản lý về chuyên môn.

Và đấy cũng là thời kỳ thiên đường của sân khấu, đặc biệt là cải lương. Đông cứ là nghìn nghịt, cả vạn người đội sương dưới cái lạnh cắt da mùa khô, và cả mưa nữa.

Nhiều chuyện bi hài kịch cũng từ đây.

Bao giờ trước khi diễn chính thức cũng phải có một đêm duyệt, gọi là "phúc khảo", thực ra là diễn chiêu đãi, một cách để ngành Văn hóa ngoại giao, bằng công sức của đoàn hát ấy.

Pleiku hồi ấy chả có trò gì vui, nên cứ ngong ngóng đến mùa khô cho các đoàn hát về. Bao giờ cũng có một vài anh tiền trạm, đi trước làm thủ tục để đoàn đến là diễn. Mấy người được giao tiền trạm phải là người hoạt bát, có khiếu ăn nói, làm quen rất tài. Mình thi thoảng được mấy tay này mời tô phở, biếu bao thuốc. Hết. Sau này nghe nói phải biếu phong bì nữa. Thời mình chưa có, và mình cũng không lấy. Cũng như sau này nghe nói đi kiểm tra karaoke thực chất là đi... nhận phong bì. Đã có người bị kỷ luật về việc này, tất nhiên là tay này bị lộ, ăn dày quá, dân chịu không nổi họ tố cáo, còn loại lai rai thường xuyên thì... đầy trong đống rơm.

Các đoàn hát đi liên miên cả năm, di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, dựng vở trên đường, có khi cả năm mới về nhà. Có mấy loại nghệ sĩ. Loại ngôi sao thì họ đi ô tô riêng, có mic riêng, còn loại làng nhàng thì đi chung với đoàn. Loại thấp bé nhẹ cân nhất là bảo vệ, hậu đài, vác cờ chạy lông nhông trên sân khấu...

Tối ngủ mới thảm. Mới đấy thấy là ông hoàng bà chúa, diễn xong 1,2 giờ sáng, ngủ la liệt ngay dưới gầm sân khấu, mỗi gia đình 1 cái màn, vợ chồng con cái chui vào đấy. Có cả những cặp vợ chồng son, thì cũng rứa cả, đợi mọi nhà ngủ thì mình... thức. Có hôm mình về phòng rồi (cũng là phòng làm việc, ngủ phía trong), có người đạp cửa, một anh ngoại giao nói: cô B mời anh sang ăn cháo. Hôm ấy giỗ tổ, mắc di chuyển nên diễn xong đoàn mới cúng. Có heo quay và cháo vịt. Bàn khách ngồi riêng, rải báo ra ngồi ngay dưới gầm sân khấu, mọi người tranh thủ ăn rồi lăn ra ngủ. Lần đầu tiên mình thấy cảnh nghệ sĩ mặt hoa da phấn... ngủ...

Nhưng khán giả bình thường thì không biết, họ mê lắm. Có một cô rất xinh, giờ là giám đốc 1 doanh nghiệp lớn, hôm nào cũng lên bằng được cánh gà ngồi ngắm các nam diễn viên. Đoàn đi đâu là cô ấy theo đấy. Mà không chỉ mình cô này. Rất nhiều khán giả đợi xong đêm diễn mời diễn viên đi ăn, hoặc biếu tiền. Lúc ấy thấy đời lên hương chi lạ. Ngay ở cơ quan mình, có đến mấy cô gái sau khi diễn xong đoàn rút thì các cô ấy cũng bỏ công bỏ việc đi theo mấy anh kép. Phần lớn là sau này rất tàn tạ. Đoàn thương bố trí cho bán vé hoặc cấp dưỡng chi đó...

Mình cũng chứng kiến 1 ông đạo diễn rất nổi tiếng dựng vở. Diễn viên phần lớn là năng khiếu bẩm sinh, có người không biết chữ nữa, nên không đọc được kịch bản. Ông này thì liên tục đụ mẹ đụ cha diễn viên, còn đá đít nữa, mà mọi người im thít. Mình thấy bất nhẫn không chịu được. Đoàn lưu diễn, mời đạo diễn được mấy hôm đến nơi đoàn diễn để dựng vở nên nó mới nhếch nhác thế, không ra đạo diễn mà kiểu cầm tay chỉ việc, từng chi tiết nhỏ. Và cũng nói luôn, tất cả các vở diễn đều có 1 anh cầm vở, đọc thoại cho diễn viên. Vậy nên có anh ca mãi không xuống vì chưa nghe rõ câu nhắc của anh nhắc vở.

Hồi ấy đi xem là cả một cực hình, hôm nào cũng xảy ra chuyện. Nhẹ là có ai đó hô lên "Lựu đạn" thế là chạy ầm ầm. Cái nhóm hô ấy lặng lẽ lượm dép, chủ yếu là sa pô, khối tiền. Còn lại là oánh nhau. Hồi ấy ở Pleiku có bộ đội D5 khét tiếng, ai ở đây thời kỳ này chắc nhớ. Số này chả sợ ai, ra đường thấy ngứa mắt là đánh lộn, là trấn lột. Thế nên mấy anh này mà vào xem là coi như... thất thu. Không chỉ vào không vé, họ còn đứng canh cửa để thả giàn cho dân vào. Các đoàn đều phải thuê kiểm soát quân sự gác cổng chứ công an cánh này không sợ, oánh nhau luôn, và chả ai làm được gì?

Giờ cô này là một người nổi tiếng. Hôm ấy mình đứng cuối bãi, thấy cô này khuỳnh tay mặt hằm hằm tức giận giữa một đám trùng điệp là... bộ đội. Mình len lên hỏi cái gì đấy em. Cô ấy bảo bọn mất dậy nó để "ấy" vào tay em. Mình suýt sặc vì cười nhưng không dám vì biết xung quanh toàn là mấy ông D5. Chỉ bảo thôi về đi. Ra ngoài nàng kể: em chắp 2 tay sau lưng đứng xem, thấy cái gì mềm mềm ấm ấm trong tay, chả để ý, cứ mân mê nó như mộng du ấy, đến lúc giật mình quay lại thì thấy mấy đứa cũng cười và 1 đứa đang... đút hiện vật vào quần cài cúc. Tức không chịu được. Hihi, sau này đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp  cũng có chi tiết có thằng đưa của nợ vào mông cô gái, còn phun ra nữa, cô gái về cởi quần vất xuống ao vì sợ... chửa? Em này hôm sau kể em về rửa tay xà phòng đến mấy lần, hiihi.

Đánh nhau là chuyện cơm bữa, cũng là từ mấy ông D5 này. Cơ quan mình sát nhà hát ngoài trời này, hôm nào tốt thì diễn xong mới oánh, còn không thì đang diễn đã oánh, đến không diễn được. Đấy là oánh trong sân. Còn ngay cửa soát vé thì không hôm nào khỏi. Có hôm ngay mấy ông kiểm soát quân sự cũng bị mấy ông trong ban chống fulro oánh, lấy được cả súng. Kinh lắm. Mãi sau này tình hình dần vào nền nếp thì cải lương cũng hết thời. Cái nhà hát ấy đập bỏ, người ta xây 1 cái bể bơi và 1 cái nhà rông, 1 cái hang đá rất lớn ở đấy- chắc để nhớ thời tiền sử. Được một nhiệm kỳ, ông sau lên lại đập bỏ bể bơi, đập bỏ nhà rông và hang đá. Mà không phải ít tiền nhé. Bể bơi hồi ấy được đánh giá là sang nhất Tây Nguyên, có thể sánh bước với các bể bơi hiện đại khác trên cả nước. Cái  nhà rông thì thôi rồi, ngạo nghễ và hoành tráng, ban đêm toàn bụi đời vào ngủ. Tính giá bây giờ cũng mấy tỉ trở lên. Thì cứ mượn danh văn hóa, mượn danh bảo tồn mà làm, đố ai dám cản. Cũng như giờ người ta mượn danh đủ thứ để tiêu tiền vô tội vạ, mần chi nhau...

Ừ, mần chi nhau.

6 nhận xét:

Unknown nói...

Khi nào mới có số 15 Bác Hùng ơi?!

Nặc danh nói...

Nhiệm kỳ này làm tượng đài, quảng trường và ..."bịt" đường THĐ! Nhiệm kỳ sau sẽ có "ông" mở lại đường THĐ cho xem!

Văn Công Hùng nói...

@ Trọng Lê Vũ:
Hì viết sắp sảnh thôi, cứ nhẩn nha, có khi mỗi ngày 1 đoạn, có khi cả tháng 1 bài. Nhẩn nha ăn mới ngon, hihi

Nặc danh nói...

Bác Hùng chưa hưu mà đã hồi cố rồi. Chuyện lên sân khấu nhìn diễn viên thì đôi khi có cả bác nữa mà không chừng bác lại quên (vì các em diễn viên lên sân khấu em nào chẳng đẹp mê hồn, còn bác lúc ấy vẫn là lính phòng không thôi)

SO 2 nói...

Thì ai chẳng thế, đau khổ mới kể lể "khoe khoang", chứ "sung sướng " thì thấy có ai "quảng cáo" chi cho thiên hạ biết mô,chắc VCH cũng thế thôi (Có nhìn người đẹp...nhiều lần - và cả nhiều người... cũng dại gì khai ra cho...Vợ biết) hi hih hi...

yamaha nói...

Nghe bác nhớ chuyện xưa, thú nhất là cảnh mấy ông bộ đội D5, vì nó rất thực với tôi, kẻ cũng từng ở Tây Nguyên thời gian còn trẻ. Phục bởi bác kể rất chi tiết, không ngại ngùng gì cả. Hồi ấy, bộ đội có "một bộ phận không nhỏ" chuyên đi quậy phá dân và kình cự công an, tôi nhớ đâu phải mất mấy năm mới yên được. Nếu nói thực nữa, chính mấy ông công an cũng kinh lắm. Nhưng thôi, tôi hổng muốn mình bỗng dưng trở thành phản động. Hehe...