Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

NGUYỄN ĐỨC THỌ

Mình vừa nhận được 4 cuốn sách của Lan, vợ Thọ gửi chuyển phát nhanh. Vừa nhớ Thọ vừa áy náy. Mình vẫn hỏi han tin tức và theo dõi, biết 2 đứa con của Thọ, 1 trai 1 gái đều đã trưởng thành. Lan vẫn thế, ở với các con và cháu. Đấy là một cô giáo rất... cô giáo, đồ đệ của áo dài, bước ra khỏi nhà là áo dài, cứ như là áo dài sinh ra là để cho Lan mặc. Và quyển sách này chính là công sức và tình yêu của Lan dành cho Thọ. Lúc mất, chắc Thọ cũng không nghĩ sẽ tập hợp lại để sau này vợ con dễ sưu tầm. Nhân đây nhắn luôn các nhà văn, muốn sau khi mất vợ con đỡ khổ thì... hãy sắp xếp di cảo của mình cho nó dễ tìm, để vợ con sau này muốn "quy tập" bản thảo để in cũng dễ...

Thực ra mình mới gặp Lan vợ Thọ nhõn một lần, cái lần từ Vũng Tàu nhảy lên nhà hắn rồi 2 thằng đi bụi trên 1 cái xe máy, đến khi quay về mới ăn 1 bữa cơm tại nhà Thọ, có Lan, nhưng mình đầy ấn tượng với cô giáo này.  Sau đấy thi thoảng Lan gọi điện, lần thì mời về ăn giỗ Thọ, lần thì hỏi về việc in tập sách. Và hôm nay thì nó đã xong, đang nằm trên bàn mình đây. Cuốn sách ngoài bài của mình viết lúc biết Thọ bị ung thư in ở Văn nghệ Trẻ thời ấy dùng như lời giới thiệu, thì còn chọn in 15 truyện ngắn tiêu biểu nhất của Thọ, những truyện ngắn làm nên tên tuổi Thọ lừng lẫy 1 thời, thời manh nha đổi mới. Ngoài ra còn 5 cái ký. Mình nhớ cái đêm Thọ mất, lúc nửa đêm mình đã nhận được tin, ngồi viết 1 mạch bài Thọ ơi đến sáng thì xong, tơ mơ chưa hửng mình điện thoại  gọi ông Trương Vĩnh Tuấn, phó tổng biên tập báo VN phụ trách Văn Nghệ trẻ bảo anh ơi Thọ mất rồi. Ông Tuấn đang định cáu vì bị đánh thức sớm, hẫng mấy nhịp rồi nói: mày viết ngay 1 bài, hôm nay làm báo đấy. Mình thở phào, vì bài "Biên Hòa có nhà văn Nguyễn Đức Thọ" mới in báo VNT cách đấy 2 tuần, lỡ lão này gạt toẹt bảo mới in rồi không in nữa thì nguy, vì tạng bài này chỉ in VN hoặc VNT được. Hớn hở bảo em viết rồi, giờ chỉ tìm cách fax ra thôi. Hồi ấy toàn dùng Fax và báo VN là báo ứng dụng công nghệ lạc hậu nhất thời ấy. Thế rồi cũng fax ra được và 2 hôm sau thì nguyên 1 trang báo có khung đen ảnh Thọ với bài Thọ ơi của mình ra, báo Văn Nghệ già phải tuần sau mới có trang về Thọ. Văn Nghệ già có quy định, hội viên hội  Nhà Văn mất thì dành cho nguyên bác ấy cả trang.

Sau đấy 1 thời gian, một nhà văn đàn anh ở Đồng Nai mà Thọ rất quý là Hoàng Văn Bổn viết 1 truyện ngắn về Thọ. Cái lạ của truyện ngắn này là, các nhân vật trong ấy đều là nhân vật ngoài đời, tên y như thế, như Thọ, Văn Công Hùng, Phạm Thanh Quang...

Hơi tiếc, giá như làm thêm mấy chục trang, in cái truyện ngắn của anh Bổn (giờ cũng đang uống rượu với Thọ ở trên ấy), mấy bài của bạn bè viết về Thọ nữa, ở cái mục "Bạn bè nhớ Thọ" thì cũng hay đấy Lan ạ. Thôi để lần sau nhé, giờ được thế này là quá hoành tráng rồi, sách rất đẹp  và sang, bìa của Văn Sáng, 420 trang. Thấy như Thọ đang ngồi ở nhà mình ở Pleiku trong một lần đi sáng tác cùng với các đại ca Đoàn Minh Tuấn, Hoàng Đình Quang... Hôm ấy Thọ cởi trần, đội mũ phớt, cầm đũa gõ vào bát và hát chèo. Cũng hôm ấy mình và Thọ làm tiết canh vịt, nhớ không Thọ ơi...






Mình đăng lại cái bài đã đăng trên blog này rồi để nhớ Thọ...
------------
Tôi cũng không nhớ cụ thể rằng tôi và Nguyễn Đức Thọ đã quen nhau như thế nào nữa. Hình như là trong một cuộc họp ở Hà Nội. Anh từ Biên Hoà ra, tôi từ Pleiku đến. Gặp nhau ở phòng lễ tân khách sạn, hắn cao lênh khênh (so với tôi) nên khi tôi lách vào đưa cái thẻ cho lễ tân để nhận phòng thì hắn hỏi, giọng Nghệ rất chuẩn: Ông là VCH hả? Tôi chưa kịp trả lời thì hắn nói luôn: Tôi là Nguyễn Đức Thọ. Tôi buột miệng nói luôn: “Ốc mượn hồn”, “Dấu chân tiên”. Thế là 2 thằng rủ nhau nhận một phòng. Chưa kịp đặt túi, hắn đã nhoay nhoáy bấm điện thoại. Té ra hắn gọi cho một người mà tôi cũng đang định gọi là Phạm xuân Nguyên. Tôi nhớ chúng tôi đã uống với nhau một trận tưng bừng tại khách sạn, có thêm Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh và Phạm Xuân Nguyên.
 
Thọ (cởi trần, PHạm Xuân Nguyên, Bảo Ninh và VCH trong 1 phòng KS 8 Chu Văn An, HN.

            Hồi ấy đang khó khăn, muốn liên lạc với nhau chỉ có điện thoại bàn cơ quan. Mà cứ lúc thằng này có mặt thì lại vắng thằng kia bên điện thoại. Thế mà gần như tuần nào chúng tôi cũng gọi cho nhau. Tuần ít một lần, tuần nhiều vài ba lần. Chúng tôi cứ ngong ngóng mỗi năm vài cuộc... đi họp để gặp nhau, đàn đúm. Nhóm đi họp hay tụ bạ chờ nhau, hẹn hò nhau rối tinh lên ngoài tôi và Thọ còn nhà thơ Thanh Quế ở Đà Nẵng, nhà văn Nguyễn Bá Thâm ở Quảng Nam, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng ở Quy Nhơn, nhà văn Cao Duy Thảo ở Nha Trang, nhạc sĩ Trịnh Hùng ở Long an, nhà văn Nguyễn Thanh ở Cà Mau, nhà văn Đức Ban ở Hà Tĩnh... Và thú thật là... chả bao giờ chúng tôi nói chuyện văn chương. Có những hôm chúng tôi ngồi với nhau ban đầu ở vỉa hè, sau quá nửa đêm thì trải chiếu xuống hẳn lòng một con đường nào đó ở Hà Nội, gặm chân gà và nói chuyện, có thêm các anh Trần Đình Nam ở NXB Kim Đồng, Nguyễn Hùng Vĩ ở ĐHTH... và tôi rất phục 2 ông này vì... dám đánh đu với chúng tôi suốt đêm ngoài đường, không về nhà mà không... sợ vợ. Nói thế nhưng chúng tôi lại rất chăm chú đọc nhau khi... không có nhau. Ngoài đọc trên báo, chúng tôi còn gửi bản thảo chép tay cho nhau qua đường bưu điện.

            Thọ nổi tiếng sớm. Tôi luôn coi việc được chơi với anh là một vinh hạnh. Trong cái dòng văn học “cởi trói” thời ấy, bên cạnh những Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Phạm Ngọc Tiến... Thọ lừng lững với “hồi ức làng Che”, “Khi người ta yêu nhau”, “Ốc mượn hồn”, “Dấu chân tiên”... trong đó “Hồi ức làng Che” như một nhát dao khoan vào lòng thù hận của con người, để giải toả nó, khoan dung nó, giác ngộ nó... và nó cũng khoan vào đời sống xã hội những tia nhiệt để hâm nóng văn chương và cả những vấn đề ngoài văn chương. Phạm Xuân Nguyên nói về Thọ như thế này: “Trĩu nặng trong các truyện của Thọ là số phận những con người vất vả, tủi nhục, trải nhiều cảnh ngộ thăng trầm, đảo điên, nhưng họ sống, như chứng nhân cho tất cả những gì con người có thể trải qua và chịu đựng. Không phải ngẫu nhiên anh hay lấy từ "người" đặt các tên truyện: Người của người, Người của ngày xưa, Người trong cổ tích, Người miệt vườn, Người cùng làng, Bóng dáng người yêu nhau... Hiển hiện trên những trang văn Thọ viết về vùng quê xứ Nghệ của mình là một cậu bé sớm đã thấy, đã nghe, đã biết những ngang trái, éo le của người đời, của tình yêu, và cả hành trình làm người về sau của cậu bé là cố hiểu làm sao phận người lại ra như thế. Văn anh thể hiện "nỗi buồn Giao Chỉ", dựng lên "đền thờ nước mắt" để những mong con người trong trẻo lại, sống tốt với nhau hơn. Trong dòng viết của văn học đổi mới suy ngẫm, nhận thức lại thực tại, Thọ đã có được những truyện sâu sắc, bằng giọng văn điềm tĩnh pha chút hóm hỉnh thâm trầm, góp phần giúp người đọc không chỉ hôm qua, mà cả ngày sau, hiểu được quá khứ một thời, và quan trọng hơn, sống trung thực, nhân hậu với mình, với người. Dù thế nào thì con người vẫn sống, những thế hệ nối tiếp nhau sống, và người là của người”...
Ngô Thảo, Nguyễn Đức Thọ, THanh Quế, Phạm Doanh, VCH uống bia tại Hội trường Ba Đình hình như là đại hội Nhà Văn hoặc liên hiệp VHNTVN

            Thọ là người hào phóng. Bao giờ ra Hà Nội anh cũng ghé phố Ngọc Hà, nơi anh có một người chị bán hàng ở đấy, lấy một chai rượu Tây, có thể là whisky, có thể là cognac, toàn là loại quý thời ấy. Hoặc nếu ngồi uống với nhau ở quán, bao giờ anh cũng dành trả tiền, khiến nhiều người, trong đó có tôi, tưởng anh giầu lắm. Sau này tôi mới hiểu, không phải thế. Học xong đại học sư phạm, anh dẫn theo một nữ đồng nghiệp người Hà Nam vào Đồng Nai lập nghiệp và lập... gia. Ban đầu là dạy cấp 3 ở một huyện nào đó, anh kể, xong mỗi buổi dạy, anh đeo giỏ đi... bắt cua về cải thiện. Anh viết văn từ những ngày nghèo khổ ấy. Anh bảo sở dĩ anh bỏ hẳn nghề dạy học để trở thành nhà văn chuyên nghiệp là bởi anh không chịu được sự lặp lại. Dạy văn (thời ấy) ngày nào cũng phải lặp lại những điều không phải của mình, vô cảm và vô hồn, dạy một cách máy móc, cứng nhắc. Anh viết văn trước hết để tránh sự nhàm chán, để nói được cái điều cứ nung nấu trong người từ hồi nhỏ ở quê Nghệ An, cho đến khi lớn đi bộ đội, vì to cao mà được chọn đi... duyệt binh... Về Biên Hoà công tác, anh làm việc ở một cơ quan cũng chẳng khá giả gì về vật chất: Hội Văn học Nghệ thuật. Hội của anh có... 3 biên chế, anh là phó chủ tịch, hồi ấy cơ quan nghèo đến mức, thấy khách là... trốn. Mà Biên Hoà lại là cửa ngõ vào Sài Gòn, các văn nhân tài tử trước khi vào đô thành đều muốn ghé lại đây “chỉnh trang nhan sắc”. Lại là Thọ cáng đáng hết. Anh tả xung hữu đột... tiếp khách. Tôi có một bữa được làm khách chính thức của hội Văn Nghệ Đồng Nai. Thêm Đàm Chu Văn, Phạm Thanh Quang... chúng tôi ngồi ở một cái quán cóc uống bia ăn thịt nướng. Lần ấy tôi dự trại sáng tác ở Vũng Tàu, nhảy xe đò lên Biên Hoà, ở nhà Thọ, nhưng Thọ bảo: Vì phương diện quốc gia, phải tiếp tôi một bữa với tư cách hội. Chúng tôi nói chuyện vui về... khách và phổ biến cho nhau kinh nghiệm tiếp khách văn chương làm sao để... ít tốn kém nhất (Sau bữa ăn tôi thấy Thọ cầm tờ phiếu thanh toán nhét vào túi chứ không trả tiền. Mỗi hội VHNT đều có một cái quán quen để mà... ký nợ. Bây giờ không còn quá khổ như thế nữa rồi). Tại vì tôi nhớ, có một ông xưng là nhà thơ ở một tỉnh ngoài bắc xông vào cơ quan tôi xin... tiền, khi không được đáp ứng (thực ra là có, phải cho ông ấy ứng nhuận bút một bài thơ chưa... sáng tác) ông ấy chửi: Sinh ra cái hội này để làm gì mà chúng mày không chịu cấp tiền cho ông sáng tác. Tôi điện ra cái tỉnh quê hương của ông thì hội Văn nghệ tỉnh ấy bảo rằng ông này chưa từng là hội viên của họ. Một ông khác ở một tỉnh miền trung vào... chơi, ngồi mãi, cuối cùng bảo: Sao ông T (một nhà thơ nổi tiếng) lên đây được mời rượu mà lại bắt ông uống... nước trà?... Nghèo thế nhưng mà cũng chính tôi trong lần ở nhà Thọ ấy, chứng kiến Thọ từ chối một món tiền khá lớn của UBND tỉnh tài trợ in sách, với lý do: Cuốn ấy của Thọ đã có một người bạn tài trợ cho in, nhường xuất ấy cho anh em khác.


            Thọ hát chèo khá hay. Việc này có công không nhỏ của Lan, vợ anh. Cô giáo quê chèo đã thổi tình yêu những điệu hí hì hi vào hồn gã nhà văn xứ Nghệ giờ sống ở miền Đông. Nhưng mà Thọ hát chèo bằng những lời rất tếu. Cái gì anh cũng biến thành... chèo, từ chuyện nghiêm túc thời sự đến bông phèng ngoài đường. Anh có hẳn một bài chèo về... đặt vòng, vài bài về cách bón phân cho lúa, cả phân bắc, phân xanh, phân chuồng, phân hoá học... Mỗi lần gặp, thể nào cũng có một tối “cây nhà lá vườn”. Anh nhại tiếng nhà thơ Thu Bồn và kể giai thoại về ông cũng cực giỏi. Mà Thu Bồn thì vô cùng nhiều giai thoại. Anh vô cùng yêu, vô cùng quý Thu Bồn. Từ nhà anh ra trang trại Lồ Ồ của Thu Bồn khoảng hơn chục cây. Cứ rảnh là anh chạy xe ra, hoặc có việc gì ở Biên Hoà là anh chạy xe ra đón ông vào. Cách nhau hơn chục cây nhưng là ở hai tỉnh khác nhau. Anh ở Đồng Nai còn Thu Bồn ở Bình Dương. Cách đây hơn chục năm, anh sốt sắng bàn với tôi tìm cách tổ chức cho Thu Bồn đi lại Tây Nguyên một chuyến, anh sẽ nhân thể đấy làm một bộ phim về Thu Bồn. Nhưng rồi khó khăn, bàn mãi, loay hoay mãi mà không tổ chức được. Sau này có một người cháu ông lên làm phó chủ tịch rồi chủ tịch tỉnh Kon Tum thì ông lên “chém vè” ở cửa khẩu Bờ Y cả năm trời để viết tiểu thuyết. Hồi Thu Bồn đột quỵ tại Bờ Y rồi chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy, rất nhiều lần tôi được nói chuyện với ông qua điện thoại đường dài là nhờ Thọ. Ngược lại, Thu Bồn cũng rất yêu Thọ, nói chuyện với ông thấy ông luôn luôn dẫn Thọ ra làm... chân lý. Ông ngồi cười ha ha khi nghe Thọ kể giai thoại về chính mình. Ông đã vô cùng đau xót khi Thọ đi trước ông. Tôi nhớ lần ấy tôi ghé Biên Hoà rồi cùng Thọ làm một hơi bốn ngày qua 7 tỉnh đồng bằng Nam bộ. Hình như Thọ đã linh cảm được bệnh của mình. Vẫn vui vẻ, hết mình, nhưng cũng có những cuộc rượu anh không uống hoặc uống rất ít. Tôi thì cứ ham vui, “xông trận” rồi lôi cả anh “xông trận”. Bữa cuối cùng quay lại Biên Hoà, anh trực tiếp đi chợ, mua thịt vịt về nấu với dứa ăn cơm. Và hôm ấy anh bảo cái bụng cứ tức anh ách... Chia tay anh đâu chỉ hơn 2 tháng thì nghe tin anh bị ung thư gan. Và cũng mấy tháng sau thì anh đi. Anh mất làm bàng hoàng bao nhiêu bạn bè. Khi đang nằm điều trị ở Trung tâm ung bướu TP HCM, mỗi khi bạn bè gọi điện hỏi thăm, bao giờ anh cũng chủ động nói trước: Khoẻ rồi, sắp khỏi rồi. Riêng với tôi thì anh hẹn: Đừng xuống, tốn kém, đợi khỏi rồi xuống luôn. Cũng may, trước khi mất anh đã kịp tập hợp 15 truyện ngắn tiêu biểu đã định danh Nguyễn Đức Thọ thành một tập “Hồi ức làng Che” và xuất bản một tập bút ký “Nhân chứng của thiên nhiên” thấm đẫm tình yêu của anh đối với cả hai vùng đất Nghệ An và Biên Hoà.  Bây giờ Nguyễn Đức Thọ đã thành người thiên cổ (anh mất hồi 23h ngày 13/3/2001), để lại cho đời gần chục đầu sách. Tin rằng dưới suối vàng anh vẫn mê đắm văn chương một cách tếu táo và hài hước như hồi anh còn ở cõi dương gian và anh cũng đang ngồi đàm luận văn chương với một người mà anh rất yêu quý: Nhà thơ Thu Bồn. Năm nào đến ngày giỗ, Lan vợ anh cũng đều gọi điện cho tôi mời về, nhưng, nói lên điều này để bớt đi phần nào nỗi ân hận mỗi khi đến ngày giỗ Thọ: Tôi vẫn chưa lần nào xuống được Biên Hoà để thắp hương cho anh. Gần một nghìn cây số, tôi đã không vượt được chính mình để đến với bạn... 

      Nhân ngày giỗ lần thứ 6 nhà văn Nguyễn Đức Thọ- 2007.
---------------
Thơ  của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khi đọc bài của mình viết về Thọ in báo Văn Nghệ Trẻ ngay đêm Thọ mất:

TƯỞNG NHỚ


Mãi mãi không còn Thọ ở Đồng Nai
không còn giọng nói thật vui qua điện thoại đường dài
không còn những câu hát bông phèng cười ra nước mắt
đêm Hà Nội dội cú phôn lạnh ngắt:
"Nguyễn Đức Thọ qua đời!" 

Dẫu nhà văn, không cưỡng được mệnh trời
nhưng Thọ còn trẻ quá
như hồi ức làng Che như nỗi buồn Giao Chỉ
như ốc mượn hồn, Thọ mượn những trang văn
xây đền thờ nước mắt... 

Đêm Hà Nội nghe trái tim se thắt
tôi nhớ sông Lam quê Thọ quê tôi
tôi nhớ những Nhàn những Nương những Đạt
người của người mà quê của người ta

Nếu những trang văn kết được vòng hoa
trên mộ Thọ vòng hoa không tàn úa
những nhân vật mãi cúi đầu tưởng nhớ
vỏ ốc khô ứa lệ khóc nhà văn!...
Hà Nội, 15.3.2001
-----------------
Còn đây là bài thơ tôi tặng anh lần đi giang hồ vặt ở mấy tỉnh Miền Tây:

 CÂY PHƯỢNG VĨ MỘT MÌNH
Nhớ Nguyễn Đức Thọ
                        Không bèo bọt, chưa đá vàng

                        Ngẫm đời như lũ dã tràng biển khơi

                        Lênh đênh một chiếc thuyền trôi
                        Mà sông thì rộng mà trời thì cao
                        Trái tim hát tự thuở nào
                        Mà tan bọt nước mà trào chân mây

                        Ta về tắm nước Đồng Nai
                        Thương cây phượng vĩ cháy ngoài bến sông
                        
                        Người đi thoả chí tang bồng
                        Người về thương nhớ chất chồng trời nam
                        16 / 10 / 2000, Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu

2 nhận xét:

Tuấn trắng nói...

Hay, rất cảm động.
Dân Nghệ Tĩnh, giang hồ hay gọi là "cá gỗ", hiểu theo nghĩa là keo kiệt, bủn xỉn...Hồ chủ tịch cũng có cách lý giải về "cá gỗ", nói tóm lại là đều có ý...chê dân Nghệ Tĩnh.
Tôi đã từng và đang sống, làm việc với nhiều người Nghệ Tĩnh, nhận thấy ông nào cá gỗ thì rất cá gỗ, nhưng có những người họ hào sảng, phóng khoáng, rộng lượng, thì dân vùng khác, dân Thanh Hóa ( hehe) phải gọi bằng...cụ.
Nguyễn Đức Thọ tôi tin là người như thế. Ấn tượng nhất là anh còn...hát chèo ( hơi bị hiếm).

Unknown nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.