Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

TỪNG CÓ 2 NGÔI LÀNG TRONG VĂN CHƯƠNG



Làng không có rừng, có còn là làng Tây Nguyên không. Nhất là cả 2 ngôi làng ấy, những chủ nhân nổi tiếng một thời là ông Núp, ông Mết cùng dân làng đã dựa vào rừng, sống cùng rừng, an nhiên với rừng, và đi qua chiến tranh nhờ rừng…
------------------


         
 Ở Gia Lai – Kon Tum có mấy hiện tượng văn học nghệ thuật thú vị. Thứ nhất là riêng tỉnh Gia Lai có đến 3 nguyên mẫu trong ba bài hát nổi tiếng trong chiến tranh, còn sống đến sau chiến tranh, tự mình nghe người ta hát về mình đến mấy chục năm, giờ 2 người mới mất, còn một người vẫn sống. Cả 3 đều là anh hùng lực lượng vũ trang. Người thứ nhất là anh hùng Núp, nguyên mẫu của bài “Ca ngợi anh hùng Núp” của Trần Quý với ca từ “Đây bất khuất Tây Nguyên cao cao/ có anh hùng là chim đầu đàn/ gương anh Núp đánh tây giữ làng…”. Người thứ 2 là anh hùng A Sanh, mà tôi tự hào nhận là một trong những người có công phát hiện ra ông khi ông đã bỏ nghề sông nước, về ở ẩn đến khi báo chí phát hiện và nhà nước phong ông anh hùng, ông là A Sanh với bài hát “Người lái đò trên sông Pô Kô” của Cầm Phong, “Hỡi Pô Kô ơi, dòng sông mênh mông, đôi bờ cây xanh biếc/ nước chảy xiết sâu thẳm/ bao tháng ngày hỏi sông ơi có biết/ anh lái đò tên gọi A Sanh”. Và ông thứ 3 là Bùi Ngọc Đủ, người  duy nhất còn sống, anh hùng mới phong dù ông đánh trận và nổi tiếng từ năm 72 ở Quảng Trị, nguyên mẫu trong bài hát “Con suối La La” của Huy Thục “Ơi con suối La La ơi con suối hiền hòa chảy quanh đồi không tên/ nay đồi đã mang tên/ tiểu đội Bùi Ngọc Đủ”. Cả 3 ông này gắn với 3 bài hát đều rất hay, đặc biệt là trong thời chiến tranh. Xung quanh các ông có nhiều chuyện vui gắn với cả đời và huyền thoại, tôi đã có vài lần viết về những chuyện xung quanh các ông này. Ông Núp người Ba Na ở huyện K’bang, ông A Sanh người Gia Rai ở huyện Ia Grai, và ông Bùi Ngọc Đủ, người Kinh quê Thanh Hóa giờ ở huyện Đăk Đoa, đều thuộc tỉnh Gia Lai.

          Thứ 2 là có 2 ông anh hùng gắn với 2 ngôi làng nổi tiếng. Cả 2 ông và ngôi làng của các ông đều trở thành nguyên mẫu trong 2 tác phẩm văn chương của cùng một ông nhà văn, là ông Nguyên Ngọc. Đấy là ngôi làng Xô Man của ông Mết, và làng Kông Hoa của ông Núp.

          Tất nhiên biệt tài của nhà văn Nguyên Ngọc là ông viết văn chương nhưng toàn người thật việc thật, có tên tuổi và còn sống hẳn hoi. Tuy thế, cái làng thì là do ông đặt tên. Có những cái làng như thế, nó gắn với nhân vật của ông, những người anh hùng có thật, nhưng khi vào tác phẩm, tên nhân vật giữ nguyên còn tên làng lại do ông đặt. Đấy là làng Xô Man trong tác phẩm và làng Xốp Nghét trong đời thực ở “Rừng xà nu” và làng Kông Hoa trong “Đất nước đứng lên” ở ngoài nó là S’tơ.

          Hồi lâu lắm rồi, nhờ sự giúp đỡ của ông Tư Đành, hồi ấy đang là một tấm gương rất nổi, người lập ra và đứng đầu liên hiệp xí nghiệp lâm nông công nghiệp Đăk Glei. Đăk Glei hồi ấy là thâm sơn cùng cốc, đứng từ Kon Tum nhìn lên chỉ thấy thăm thẳm sương mù giăng kín đỉnh Ngọc Linh. Từ Pleiku lên đến thị trấn Đăk Glei phải mất mấy ngày. Ông tổng giám đốc Tư Đành đã mời ông Nguyên Ngọc vào, và tôi được tháp tùng ông Ngọc lên Ngọc Linh, cái đỉnh mờ mờ mà chỉ khi nào lên Kon Tum, trời quang mây tạnh mới thấy thấp thoáng sương giăng quanh nó như vành khăn voan trên cổ cô gái dậy thì. Chuyến đi có mấy việc, nhưng có một việc ông Nguyên Ngọc cố làm, là tìm lại cái làng Xô Man xưa của ông, tìm gặp người nhà ông Mết. Ngọc Anh là tay lái lụa nhất của liên hiệp cùng chiếc u oát mới cáu 2 cầu được giao cho chúng tôi. Phải nói là nếu không phải Ngọc Anh thì chúng tôi đã không toàn thây trong chuyến đi ấy. Anh đã chứng tỏ là một tay lái lụa thật sự khi đưa chúng tôi leo lên tận đỉnh Ngọc Linh, vào Mường Hoong, Đăk Choong, Đăk Nhoong, Dục Nhầy, Dục Nông, Đăk Pét... giữa mùa mưa mù mịt, cách mấy mét không nhìn thấy phía trước, đường đất, nhiều đoạn sụt lở, có đoạn chỉ có thể tiến hoặc lùi, không thể quay đầu, nhiều lúc xe rệ đít chênh vênh trên bờ vực. Chỉ riêng những cái tên địa danh đã đủ dể hình dung  độ cheo leo và hun hút rồi. Tay lụa đã đành với động tác xoay vô lăng nhoay nhoáy như múa, chân Ngọc Anh cũng như một vũ công khi thoăn thoắt và liên tục lúc phanh lúc côn lúc ga, có lúc bàn chân nằm ngang, cùng lúc đè cả thắng cả côn. Ông Nguyên Ngọc dày dạn chiến trận thế, mà thi thoảng thấy ông cũng… tái mặt nhấp nhổm. Mùa mưa, đường nhão nhoẹt, toàn đường đất nhỏ vừa lọt bánh xe, mà đỉnh Ngọc Linh cứ mãi thấp thoáng trước mặt. Chúng tôi đi theo hình vành rế, nhiều chỗ xe như dựng đứng, nhiều chỗ xe như bò ngang, có chỗ lại chênh vênh cheo leo bằng… 3 bánh. Nhưng cái đích là làng Xô Man thì… không đến được. Là bởi, làng Tây Nguyên luôn là làng du cư. Mà lại chiến tranh, bao nhiêu năm kinh hoàng thế. Đến lúc xác định được vị trí làng thì… xe không vào được. Ba chục cây số đường rừng mùa mưa đi bộ không phải chuyện đùa. Ông Ngọc đã rất tiếc, tôi biết. Nhưng biết làm sao. Mình đâu có quyết được việc đường và thời tiết.

          Hơn hai chục năm sau, một cú điện thoại của nhà thơ Nguyễn Thái Dương khi ấy là thư ký tòa soạn báo Mực tím, tờ báo cho trẻ con nhưng trả nhuận bút rất… người lớn, gọi hẹn tôi đi cùng làm thổ công tìm lại làng Xô Man. Là báo anh làm các clip kèm báo giới thiệu các địa danh liên quan đến tác phẩm văn học. Tất nhiên là OK, nhận lời ngay.

          Bây giờ thì khác, đường ro ro lên đến thị trấn Đăk Glei sầm uất phố thị. Thêm ba chục cây nữa thì đến làng Xốp Nghét, vâng, chính nó là cái làng Xô Man trong “Rừng Xà nu” đấy ạ. Tôi đã ghi lại chuyến đi ấy thế này: “Làng Xô Man cũ có thể tên thật là Xã Đoàn thuộc Tu Dốp ở cách làng bây giờ đến 70 cây số, và hình như nó đã lẫn đâu đó vào rừng già mà nghe đâu ngay cả khi còn sống thì cụ Mết cũng chưa bao giờ trở lại được nơi ấy kể từ sau năm 75. Nguyên do là người Tây Nguyên bình thường đã thường xuyên du canh du cư, thay đổi nơi ở và nơi canh tác, thế mà lại còn chiến tranh, giặc giã, còn bao yếu tố khách quan chủ quan khác xảy ra trong gần một thế kỷ biến động kia. Làng mới Xô Man bây giờ mà chúng tôi vào lần này, ở cách thị trấn huyện 30 cây số, nhưng đường đi rất khó, chúng tôi phải xuống xe đi bộ khá xa, có tên là làng Xốp Nghét, xã Xốp, ở đấy còn ba người con của người vợ thứ 2 của cụ Mết, có cháu dâu và cả chắt nội ngoại. Họ sống khá chật vật... Anh Rươn con trai cả cụ Mết nguyên là giám đốc trung tâm y tế huyện, có vợ làm cùng cơ quan là người Thái Bình, cưới nhau từ hồi ngoài Bắc rồi đưa nhau về quê chồng, sinh được ba con, con trai cả đang là trưởng phòng kinh tế huyện, có vợ là hiệu phó trường dân tộc nội trú tỉnh, con trai thứ hai đang học bác sĩ tại Huế, có vợ người Hà Tĩnh là giáo viên mầm non và con trai út là công an xã, cũng đã có vợ con… Cụ Mết tên thật là Đinh Môn. Mất năm 2000. Từ thời chiến tranh, ông nổi tiếng đến mức Pháp đã từng mời về giao chức và phong hàm thiếu tướng nhưng ông không về. Ít người biết rằng ông không biết chữ, là trung đội trưởng tuyên truyền vũ trang khi được Pháp mời về phong thiếu tướng. Sau này làm đến chủ tịch Mặt trận Huyện, ông chỉ biết mỗi một chữ Mết khi ký vào văn bản, còn tất cả ông chỉ truyền đạt bằng... nói.”


Làng Xô Man hôm nay

          Thú thật là làng không còn hình ảnh nào của Xà nu. Nằm chênh vênh trên sườn ngọn núi trọc, thấy cứ thui thủi và cô độc thế nào. Nó trơ trọi và khô khốc. Nó tiêu điều và nhạt nhẽo. Nó xơ xác, nghèo và… rất chán. Biết làm sao được, vật đổi sao rời, bom rơi đạn lạc, mà lại còn bao nhiêu nhân họa… Và tôi chợt nghĩ, có cả công của ông Tư Đành dạo nào nữa. Cái mô hình chủ nghĩa xã hội không tưởng độc nhất vô nhị ấy đã lặng lẽ biến mất không ai biết với kết quả là rừng chỉ còn là những ngọn đồi khô khốc.

          Ngôi làng thứ 2 lại khác, giờ nó xum xuê sầm uất như thị trấn với rất nhiều quán xá cửa hàng cửa hiệu. Là làng Kông Hoa của ông Núp.

          Năm 1981, cuối năm, tôi đeo ba lô lên Tây Nguyên nhận công tác thì chuyến công tác đầu tiên là xuống xã Nam, vào làng S’tơ. Chắc các bác lãnh đạo thời ấy cũng có đọc “Đất nước đứng lên” nên có chính sách đổ tiền của vào xã này khá nhiều. Nhà được vận động làm nhà trệt như người Kinh, vận động xóa khố. Trụ sở các loại xây rất to, trường học bề thế, nhưng con ông bí thư học đến… 7 năm lớp 1 mà vẫn phải học, bởi con bí thư mà nghỉ học thì làm sao mà vận động trẻ em ra lớp, nhưng thằng cu này thì mất căn bản trầm trọng, chỉ thích vợ bắt chứ không chịu ê a học. Làng được vận động dời xuống thấp để làm lúa nước. Loa phóng thanh khắp làng. Nói chung nhà nước đổ tiền của vào khá nhiều, nhưng làng vẫn không phát triển, bởi nhà nước toàn làm thay họ, chứ họ chưa thấy là họ phải làm. Ông Núp khi này là chủ tịch Mặt trận tỉnh, đi về như con thoi nhưng tình hình cũng không khá lên là bao. Sau này người Kinh và người Tày Cao Bằng vào khá nhiều, chính họ, bằng những việc làm cụ thể của mình, đã dìu người Ba Na ở đây phát triển. Ví dụ như người Tày mang vào nghệ thuật thiến gà khiến con nào con nấy béo mẫm. Rồi trồng rau hàng hóa, lúa nước vân vân… Tất nhiên cũng chính họ đã tham gia… phá rừng nhiều nhất.

Như đã nói, làng bây giờ đã không còn ở chỗ cũ mà nó đã xịch xuống phía dưới. Chúng tôi đã leo lên ngọn núi nơi làng xưa đã rào và cắm chông thò để kháng chiến, lội xuống con suối nơi mà ngày xưa ông Nguyên Ngọc cho Núp tặng cong cho H'liêu, leo lên cây xoài nơi Núp đã kê ná để... bắn pháp chảy máu. Có thể có nhiều người cho rằng việc bắn Pháp chảy máu là vớ vẩn, là trẻ con. Có ở trong cuộc mới biết, nó là một sự thay đổi tư duy ghê gớm. Từ việc người dân cho rằng Pháp là Giàng, không làm gì được, không thể chết, không có máu, Giàng bay lượn trên trời, Giàng lù lù đi trên mặt đất... đến việc Núp lặng lẽ chứng minh Pháp cũng là người bình thường, nó có máu và chảy máu, tức là đồng nghĩa với việc sẽ đánh được Pháp, và từ đó mà có làng S'tơ, làng Kông Hoa kháng chiến, từ đó có đội du kích do Núp chỉ huy, bền bỉ đánh pháp từ những năm năm mươi của thế kỷ trước, và từ đó có một anh hùng Núp mà tiếng tăm đã lừng lẫy không chỉ ở trong đất nước ta, là một sự thay đổi tư duy vô cùng quan trọng của những người dân Tây Nguyên lạc hậu thời ấy, sự thay đổi tư duy đã khiến cả dân tộc vùng dậy rào làng kháng chiến và đã thắng lợi...

Sau này tôi còn nhiều dịp trở lại ngôi làng này, có lần cùng với cả ông Nguyên Ngọc và ông Núp, ngủ ở ngôi nhà 2 tầng tỉnh xây cho ông Núp giữa những ngôi nhà sàn lụp xụp xung quanh. Một ngôi nhà 2 tầng cấp 2 ở giữa làng có đầy đủ xí bệt lavabo nhà bếp phòng ăn phòng ngủ phòng khách nhưng không điện không nước, bà Ch’ rơ vợ ông Núp đốt bếp lửa ngay giữa nền gạch hoa theo dúng phong tục Tây Nguyên. Ở nhà ông Núp bây giờ còn ba người là bà Ch'rơ, người vợ nối dây của ông Núp từ năm 1967, cô con dâu vợ sau của anh H'rup (con của Núp với H'liêu mà ông Núp đã cõng ra Bắc khi đi tập kết), và đứa cháu gái, con của H'rup và chị con dâu này. Ngoài ra còn một người cháu gái gọi ông Núp là cậu ruột ở nhà gần đấy. Ông Núp chỉ có hai anh em. Người em gái cũng chỉ có một người con là chị này. Chị có ba đứa con gái rất xinh đều học tại trường đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội của ông An Thuyên, đã ra trường về quê...
Đứng giữa làng Kông Hoa, phía sau là đỉnh Kon Ka Kinh...

Cá nhân tôi, tôi cho rằng, cả 2 ông Mết và Núp đều nhờ có nhà văn Nguyên Ngọc mà nổi tiếng, và ngược lại, ông Nguyên Ngọc cũng có 2 ông để trở thành nhà văn. Nhưng thâm tâm, tôi phục ông Mết hơn. Ông Núp chỉ bắn Pháp chảy máu chứ ông Mết thực sự giết được lính Pháp kia. Người Giẻ Triêng xưa có tục săn đầu người, hàng năm mỗi làng phải săn được một đầu người thì làng mới yên ổn. Phong tục ấy từ xửa xưa, và nó giúp cho ông cụ Mết săn được đầu Tây thật sự. Nhưng nghe nói, hồi đề nghị phong ông là anh hùng có 2 ý kiến về ông, một là cho rằng ông là “tầng lớp trên”- khổ cái thời chủ nghĩa lý lịch nó thế, và mấy bố tổ chức đâu có biết già làng, kể cả vua lửa vua nước đi nữa, cũng chỉ là những người bình thường, ăn cơm nhà vác tù và, chỉ là một hình thức thần quyền chứ trên dưới nỗi gì. Và ý kiến thứ 2 là ông vi phạm chính sách tù binh, ấy là bắt được Tây là ông… beng.

Nên ngôi làng của hai ông cũng khác. Làng ông Mết giờ rất nghèo, phơi ra nắng với cuồn cuộn gió và bụi. Làng S’tơ trù phú hơn nhiều, và đang có một kế hoạch rất lớn sắp thành hiện thực là phục dựng lại ngôi làng S’tơ cũ thời ông Núp đánh Pháp. Nhưng có điểm chung của cả 2 làng, ấy là… hết rừng. Sau lưng làng S’tơ bây giờ là rừng quốc gia Kon Ka Kinh, nhưng là tít phía trên kia, chứ lội lên chừng chục cây số thì chỉ toàn đồi mà thôi. Mà ngay trên đỉnh Kon Ka King cũng thấy loang lổ xanh xen lẫn vàng. Làng Xốp Nghét tức Xô Man cũng thế, trơ trụi, dù phía sau cũng có núi, nhưng là núi trọc.

Tôi đã chụp ảnh cả 2 ngôi làng ấy, và giờ khi ngồi gõ, lôi ảnh trong ổ cứng ra xem, cứ ngơ ngẩn  sao mà nó giống nhau làm vậy, ở những cái núi trọc phía sau làng…

Làng không có rừng, có còn là làng Tây Nguyên không. Nhất là cả 2 ngôi làng ấy, những chủ nhân nổi tiếng một thời là ông Núp, ông Mết cùng dân làng đã dựa vào rừng, sống cùng rừng, an nhiên với rừng, và đi qua chiến tranh nhờ rừng…

Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như những vết thương trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng... Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời...”- Nhà văn Nguyên Ngọc đã viết như thế trong “Rừng xà nu” và quả là, bây giờ rừng chỉ còn trong những trang sách dù chúng không còn bị bom đạn phạt nữa…
                                                                                                                                                                             V.C.H


 

2 nhận xét:

nac danh nói...

Ngày xưa cả hai làng đều là 2 hòn ngọc nguyên vẹn nên gọi là 2 làng nguyên ngọc, ngày nay chỉ còn trơ đá sỏi gọi là làng nguyên sỏi.

Daniel nói...

Cái ảnh làng Xô man hiện tại trông xác xơ tạm bợ như 1 trại tị nạn , khác hẳn làng Xô man trong phim "Rừng xà nu" ...
Cái giá của sự phát triển văn minh quá đắt đỏ . Các dân tộc Tây nguyên dần trở thành những dân tộc bị thất lạc trên chính mảnh đất của cha ông họ .