Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

ĂN TẾT ĐỒNG BẰNG



Xứ gạo trắng nước trong, con gái đều xinh như người mẫu, mà lại hiền dịu đảm đang… Cũng chưa nghe ai giải thích một cách thấu đáo, rằng tại sao mà con gái đồng bằng lại đẹp thế. Ở xứ nước phèn mà ai cũng trắng nõn, tóc dài môi đỏ, dáng cứ như hoa hậu…
--------




          Hồi nhỏ ở ngoài Bắc, quả là tôi không thể ngờ được rằng, có một cái tết nào đó, ở đâu đó trên đất Việt Nam này, mà lại không có mưa phùn, không có rét, không có áo len khăn quàng, không có suýt xoa se sắt… Cứ ngỡ nó phải hiện diện đâu đó tận Châu Phi xa xôi. Té ra ngay sau năm 75 tôi đã được hưởng cái sự chan hòa nắng ngay trong mùng một tết ở Đà Nẵng, một thành phố cách quê tôi một con đèo. Chỉ một con đèo mà tạo nên 2 mặt tương phản nhau như nước với lửa. Bên này mưa thì bên kia nắng, bên này sương mù thì bên kia chang chang, bên này dịu nhẹ thì bên kia oang oang, bên này ý nhị thì bên kia thẳng băng… Nhưng Đà Nẵng, rồi Huế, dù sao vẫn còn gần với cái ký ức tuổi thơ của tôi, nó vẫn còn những cơn rét đột ngột, dẫu chỉ là một thoảng qua, nhưng cũng khiến lòng người chùng xuống trong những ngày cuối năm thắc thỏm…

          Đến một năm, theo chân bạn bè, tôi phượt một chuyến tết phương Nam đúng nghĩa. Phương Nam là gọi chung khi anh đứng ở phía bắc, chứ dân Sài Gòn gọi là miền Tây, còn dân miền Tây lại gọi mình là đồng bằng. Về đồng bằng ăn tết, câu hẹn của một anh bạn Bến Tre khiến mình cầm lòng không đậu, “phịa” lý do với vợ và… bay.

Nói đến Miền tây là phải nói đến lũ. Lũ bây giờ như… đặc sản. Rất nhiều người vùng khác chọn mùa lũ để về đồng bằng. Tôi cũng từng đi ngắm lũ như thế, giữa đỉnh lũ luôn. Không có lũ không có Đồng Tháp Mười, không có đồng bằng. Ông Võ Văn Kiệt bằng sự am hiểu sâu sắc về vùng này đã đưa ra một chủ trương rất hay là sống chung với lũ. Có tờ báo mới giật tít "Lũ đẹp" cũng bị vài người phản ứng. Họ không biết rằng, lũ chính là nguồn sống của cả cư dân miệt sông nước này. Nó mang phù sa mùa màng về, mang tôm cá về, làm nên một nền văn hóa đồng bằng. Năm nào đấy chúng tôi xuống Long An, giữa mùa lũ mà đồng nứt nẻ, dân ngơ ngác hoang mang đợi lũ. Bởi nếu không có lũ, nước kiệt đi thì toàn bộ vùng này thiếu nước ngọt nghiêm trọng, phèn nổi lên rất nhiều và đậm, nước chỉ còn đọng ở các lung, trấp, đìa, bàu... không dùng được, cây cỏ khô rụi, di chuyển chủ yếu là đi bộ hoặc xe trâu, toàn bộ đời sống sẽ ngưng trệ. Lũ tồn tại song song với người miền Tây như con lộ nào cũng song song một con kinh bên cạnh, làm nên một đặc trưng đồng bằng Nam Bộ. Người ta đào kênh (kinh) để thông thương, để lấy nước, chỉ huy nước, lấy đất ấy đắp đường (lộ), cứ chằng chịt như thế, những con kinh huyết mạch nối những cù lao, những giồng... thành một đồng bằng rộng lớn và đầy bản sắc.


Người đồng bằng “ăn” tết đơn giản, chủ yếu là chơi. Nắng miên man nhưng không đến nỗi thiêu đốt, nó óng ả lâng lâng như để điểm xuyết cho cái tầm mắt vì phải ngút nhìn mà như nhòe đi khi phải phóng, phải quét mắt mình cả chiều xa và chiều rộng mà vẫn rợn ngợp, vẫn thấy chân trời lắc lơ tận đâu đó. Những cánh cò trắng như vô định cứ chấp chới ngoài kính xe khiến người có cảm giác như đi hoài không tới đích.

          Cái ăn ở đồng bằng thì quá dễ. Tất nhiên giờ cũng qua rồi cái thời thò rổ xuống là xúc được cá. Nhưng sản vật thì vẫn ắp ứ khắp chợ cùng quê. Một anh bạn là kỹ sư nông lâm giải thích với tôi cái câu mùa nào thức nấy là của người bắc. Khí hậu, thời tiết miền Bắc khắc khiệt nên lá rau con cá cũng phải có mùa mới phát triển, có mùa thì phải tự rút ruột mình mà sống lay lắt. Và con cá, lá rau trong cái mùa tích lũy để chuẩn bị “ăn thịt mình” ấy là cực ngon. Còn đồng bằng, lúc nào chả như lúc nào, cần gì phải tích lũy, nên không có khái niệm cá tháng này ngon cá tháng kia gầy, rau tháng này mởn tháng kia nhạt… Mà người đồng bằng lại không cầu kỳ trong ăn uống. Cá dưới ao, trong ruộng, rau trong vườn, tất cả các loại từ trồng đến mọc hoang, đều có thể ngắt cho vào nồi lẩu. Tôi đã ăn lẩu với lá xoài, lá sầu đâu, lá kèo nèo, lá dừa nước… có cảm giác như phàm là cây lá trong vườn đều có thể nhúng vào lẩu. Mà cũng không phải chuẩn bị lâu, rất nhanh, rồi sau đấy cứ vởn vơ ngay chỗ ngồi nhậu, gặp thứ gì lại cho tiếp vào nồi… Bến Tre giờ có món nghêu cực ngon. Đây là vùng có những vựa nghêu tự nhiên. Bỏ qua chuyện hàng năm đều có cảnh hàng ngàn người đi… mót nghêu. Mót mà hàng ngàn người thì hình dung xe bãi nghêu lớn đến chừng nào. Nhưng ta đang ăn tết mà. Đơn giản thôi, có mấy món từ nghêu ngon, nhưng ngon nhất là nghêu sống đã tách ra khỏi vỏ, trắng tươi trong đĩa. Nồi lẩu nghi ngút. Đặt mấy con nghêu ấy trong cái môi, phơ phất vài lượt trong cái thứ nước đầy đủ gia vị đang sùng sục kia, đặt vào chén, nhặt các thứ rau, cũng cho vào chén, rồi vẫn cái môi ấy, một môi nước cho vào, mấy cọng bún. Khoan hẵng và vội, vì đang rất nóng. Cầm ly rượu chuối Phú Lễ lên, trìu mến nhìn người bên cạnh: tôi với ông hén, uống 1 nửa ly, trao cho bạn nửa ly còn lại xong ta thong thả bê cái chén lên, và một nhát sao cho có cả nghêu, rau, nước, bún… xong vừa nhai vừa nghe. Đặc sản đồng bằng oách nhất phải kể tới: Rắn, rùa, cua, chuột, cá linh, cá sặt, bông điên điển…  Cái thú của người khám phá là ăn bằng cảm giác nên tôi sẽ không nói ra nhận xét  của mình về những món đặc sản mà mình đã quyết tâm về đây phải ăn bằng được. Bằng nỗi khát khao và trân trọng của mình, tôi đã miệt mài ăn những món quốc hồn quốc túy đồng bằng ấy. Lúc này sự ăn nó không còn là vật chất thông thường, của sự ăn lấy no, mà nó là hương hoa, là miên cảm của con người trước thời trân của đất trời, dẫu nó là món thời trân vô cùng dân dã, nó gắn với miên man sông nước, với cái giản dị, tiện lợi của những người mở đất. Thì bao giờ chả thế, cha ông chúng ta ăn "cơm niêu nước lọ", vùng lên đánh đổ để giờ lại ăn... cơm niêu đặc sản, nước đóng chai tiệt trùng, như một vòng tròn luẩn quẩn, nhưng là vòng tròn ăn lan dần ra. Tất nhiên không chỉ nghêu. Nó là cái thứ dành cho kẻ ở xa đến như tôi, vì ở đây người ta đã quá nhàm. Với lại như đã nói, người đồng bằng không cầu kỳ như người Bắc, phải mấy đĩa mấy bát, phải giò nem bung mọc, phải chim cá gà bò… cứ bày đầy mâm ra, còn có ai ăn không lại là chuyện khác. Người đồng bằng đơn giản và thực tế hơn, thích ăn gì làm nấy.  Món mà gần như không thể thiếu trong tiệc là lẩu. Thì như đã nói, các thứ ngay quanh mình, chỉ đặt cái nồi lên bếp là xong. Ngoài ra tết đồng bằng không thể thiếu mấy món: thịt kho tàu, kho chung với hột vịt, tôm khô củ kiệu, bánh tét nữa, tất nhiên. Món canh khổ qua cũng hay được người đồng bằng dùng trong tết, đơn giản là từ… cái tên. Họ cứ nôm ra, khổ qua tức là khổ đã qua. Cũng như mâm ngũ quả, người miền Nam dịch nôm ra tiếng… Việt là: cầu dừa đủ xài sung. Tức là quả mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài và sung. Thời đói kém, ước mơ cũng giản dị, chỉ cầu cho có vừa đủ để tiêu thôi. Giờ thì đồng bằng đi đầu trong việc chế tác ra các loại quả độc để chơi tết, như bưởi hồ lô, dưa hấu Tài - Lộc, đào tiên, bưởi bầu dục… với mức giá lên đến tiền triệu đồng mỗi cặp. Và những sản vật này giờ đã bán ở khắp cả nước chứ không chỉ mình dân đồng bằng chơi, chứng tỏ sức lan tỏa của nó rất lớn…
 
Với nhà văn Trang Thế Hy


          Hoa mai là đặc sản của miền Nam. Phần lớn dân đồng bằng chơi mai thế, mai chậu chứ ít mai cành, mai núi, Ngoài mai thì các loại cây cảnh hoa khác cũng miên man trong tết. Nhà nghèo thì cũng phải chậu hoa mấy chục, nhà giàu thì chậu mai hàng chục triệu và hơn thế.

          Xong phần ăn uống thì đến chơi. Món không ở đâu có là đờn ca tài tử. Có điều kiện thì lên phố, vào rạp, không có thì vài ba nhà tụ lại, một cây ghi ta phím lõm, một bộ ăm li, thế là có thể vui từ sáng tới chiều. Vào tất cả các quán nhậu ở đồng bằng thì bao giờ ở góc nhà cũng có bộ ăm li với cây ghi ta phím lõm. Một nhạc công ngồi sẵn ở đấy. Còn ca sĩ là chính các thực khách. Nếu thực khách không biết ca hoặc bận ăn thì các nhân viên nhà hàng sẽ vừa bưng bê vừa phục vụ, trăm người như một, ai cũng có thể ca. Vậy nên, tết cũng là dịp để… khắp nơi ca hát. Ông bà con cháu được dịp quây quần khoe giọng, rồi nhà này đọ với nhà kia, cánh già đọ với cánh trẻ… cứ thế tết phương nam bồng bềnh với kênh rạch, với những giọng ca chân chất, với đặc sản, với những eo thon căng mướt áo bà ba nhiều màu. Xứ gạo trắng nước trong, con gái đều xinh như người mẫu, mà lại hiền dịu đảm đang… Cũng chưa nghe ai giải thích một cách thấu đáo, rằng tại sao mà con gái đồng bằng lại đẹp thế. Ở xứ nước phèn mà ai cũng trắng nõn, tóc dài môi đỏ, dáng cứ như hoa hậu…

          Những tour du lịch ăn tết đồng bằng, tại sao không nhỉ? Hôm nào đó, bạn thử cả gan, làm một chuyến đi, rất nhiều điều hấp dẫn, mới lạ phía chân trời kia, đồng bằng đấy…
                                                                 






3 nhận xét:

Nặc danh nói...

đọc bài này trên báo SK&DS mới khoái, hihi!

123 nói...

Đọc nó trên báo SK&DS thì kẻ khoái nhất vẫn là "cụ" Văn Công Công nhà ta ạ vì...xiền hơi bị nhiều!

Văn Công Hùng nói...

@ 123:
Thực ra, in trên SKĐS vì cái tình chứ NB trên ấy rất thấp, thấp hơn nhiều trên báo địa phương như báo GL chẳng hạn...