Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

GIÀNG GỌI ÔNG RƠM ĐI RỒI


Có lần ông bảo, cứ thấy có lửa, có đông người, có chiêng, tất nhiên là có… chân dài, là ông đều như lên đồng, miệng hú hú bép bép bép… liên tục như súng bắn, tay vỗ vỗ vào hông, nhấp nhổm 1 tí thế nào ông cũng xông xuống, bất kể có khi lúc ấy ông đang ngồi ở ghế VIP, hoặc đang chỉ đạo chung. Đến nỗi có lần hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, ban tổ chức phải nói rõ: Anh Rơm chỉ được ngồi trên khán đài, chỉ đạo chung, không được xuống sân…
--------

 

Ảnh này ông Lê Xuân Hoan chụp ông Rơm 10 ngày trước khi ông mất


          Chiều 28/10, lướt facebook biết tin anh Rơm mất. Không bất ngờ và cũng không bàng hoàng, vì đã biết bệnh của anh, dẫu mới phát thôi, nhưng nó là ung thư. Chúng tôi, cả ban lãnh đạo Hội VHNT cũng vừa vào thăm anh, tất nhiên là vẫn nói đùa với nhau đủ thứ chuyện, kể cả chuyện… nhịp phách. Nhưng, ung thư mà, biết để mà không bất ngờ, để mà bình tĩnh đón nhận nó. Bình tĩnh đón nhận đã là một phần của chiến thắng. Y Brơm đã bình tĩnh đón nhận, tôi tin thế. Trước sau cũng ra đi, ung thư hay không ung thư cũng thế, an nhiên tự tại ra đi là cách để con người chiến thắng chính mình và số phận.

          Tôi có một thời gian dài là hàng xóm của anh ở khu tập thể Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai – Kon Tum thời bao cấp, thi thoảng buổi chiều anh lại kêu sang, biết ngay là anh có món… làng. Ấy là cá lòng tong, loại cá vụn bán rẻ ở chợ, nấu nhừ với lá sắn, có khi thêm mấy quả cà đắng, và 1 xị rượu. Bao giờ trước khi ăn anh cũng một xị rượu. Và tôi cải chính ngay rằng, đấy không phải nguyên nhân ung thư, bởi nhiều ông chả giọt rượu nào, chả sợi khói thuốc nào, vẫn ung thư. Ông Rơm uống rất điều độ, chỉ trước bữa ăn như thế, chứ không bét nhè như… chúng tôi một thời.

          Năm 81 khi tôi lên Gia Lai nhận công tác thì ông đã là 1 tượng đài. Chúng tôi được nghe đến ông với nhiều kênh, cả phải lẫn trái, từ là người có chuyên môn giỏi, đã từng học ở Triều Tiên về. Hồi ấy cứ nước ngoài về là oách, chả phân biệt nước nào. Đến ông là một gã đàn ông đào hoa, đa tình. Đoàn Đam San nhiều mỹ nhân, mà ông lại độc thân. Cao to vạm vỡ đẹp trai, lại là trưởng đoàn. Bao nhiêu đồn thổi không chứng cứ. Hồi ấy vợ ông đang ở Liên Xô, là con gái của một ông cũng rất nổi tiếng. Rồi sau chị này không về, ông độc thân một thời gian rồi lấy chị Krim Trương Thanh Bình, một cựu ca sĩ người Bahnar cũng của đoàn Đam San... Thì cứ nghe thế cho đến một hôm trưởng ty của chúng tôi là ông Trịnh Kim Sung bảo: cậu đi với tôi sang Đam San làm việc. Và đấy là lần đầu tiên tôi gặp ông. Ấn tượng nhất là ông nói luôn kèm điệu bộ, rất sôi nổi và hài hước, và ông có cái xe đạp Phượng Hoàng rất mới. Cái xe không được dựng thông thường mà nó được… chổng ngược lên. Ông bảo để nó khỏi… hỏng lốp, và đỡ chiếm diện tích, bởi căn phòng ông ở kê vừa được cái giường, cái bàn và cái xe đạp ấy. Hôm ấy tôi nhớ ông… kể khổ cho đoàn Đam san rất nhiều. Hồi ấy đúng là Đam San khổ thật, nhà này cách nhà kia miếng cót, bên này làm gì bên kia nín thở… nghe. Nghệ sĩ gì mà lầm than quá, nhếch nhác quá, mất thiêng. Đói vêu vao. Thế mà hàng đêm phải bê, phải đỡ, phải trụ, phải lộn, phải xoạc, phải gào phải hét… Tôi đi một vòng quanh khu tập thể, đồng thời là trụ sở của đoàn thì thấy quả là… mất thiêng thật. Nhưng bản thân ông Trưởng ty và 4 ông phó ty của chúng tôi lúc này cũng đang ở nhà tập thể cũng ngay trong trụ sở, ngay trong phòng làm việc, sáng sáng cũng khăn mặt vắt vai, quần đùi xộc xệch, cầm bàn chải xếp hàng ở nhà vệ sinh và bể nước công cộng, thậm chí ông trưởng ty còn hơn hẳn chúng tôi là “được” cắp nách cái chậu đầy tã bẩn để giặt cho con… thì cái chuyện biết thế chứ biết nữa cũng chỉ để… biết mà thôi.

Ảnh này lấy trên mạng
          Ông là Nghệ sĩ ưu tú lứa đầu tiên, rồi Nghệ sĩ nhân dân cũng lứa đầu tiên của quốc gia. Hồi ấy tôi làm ở Phòng Văn Nghệ Ty Văn hóa, nên các cuộc xét cơ sở có được ngồi dự, làm… thư ký. Các người khác còn có ý kiến này nọ, chứ đến ông là toàn 100%. Ngay sau khi được phong Nghệ sĩ nhân dân năm 1983, đợt đầu, thì ông được mời vào ngay hội đồng xét phong danh hiệu quốc gia để xét các Nghệ sĩ nhân dân khác.

          Đi khỏi làng từ khá sớm, ra Hà Nội, rồi sang Triều Tiên học biên đạo múa, nhưng trong ông cái chất Bahnar vẫn khá đậm, dù nhiều người nói ông đã Kinh hóa khá nhiều, nhất là trong giao tiếp và cả trong nghệ thuật. Nhưng trong các tác phẩm múa mà ông là biên đạo, nhất là những cái từ thời sung sức, ta thấy một Tây Nguyên vừa hừng hực vừa trữ tình, vừa khát khao say đắm vừa lạc quan trong sáng. Ông luôn có cái nhìn lạc quan về cuộc sống, cho dù có khi chính ông đang trong cơn ngặt nghèo. Điều ấy khiến ông như là lúc nào cũng vô tư, cũng cười cợt, cũng có thể nhún mấy cái, vỗ mấy cái, hú hét mấy cái là có thể ào vào vòng xoang, dù là đang ở làng hay giữa sân vận động trong một lễ hội nào đấy. Có lần ông bảo, cứ thấy có lửa, có đông người, có chiêng, tất nhiên là có… chân dài, là ông đều như lên đồng, miệng hú hú bép bép bép… liên tục như súng bắn, tay vỗ vỗ vào hông, nhấp nhổm 1 tí thế nào ông cũng xông xuống, bất kể có khi lúc ấy ông đang ngồi ở ghế VIP, hoặc đanh chỉ đạo chung. Đến nỗi có lần hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, ban tổ chức phải nói rõ: Anh Rơm chỉ được ngồi trên khán đài, chỉ đạo chung, không được xuống sân…

          Từng là Trưởng đoàn ca múa nhạc Đam San, phó giám đốc sở Văn hóa Thông tin, Ủy viên BCH hội VHNT Gia Lai, Ủy viên BCH hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, ông luôn là lá cờ đầu trong việc sáng tạo và phổ biến nghệ thuật múa Tây Nguyên vượt ra khỏi biên giới địa phương để hòa nhập vào thế giới đương đại. Nhiều vở múa của ông đã trở thành kinh điển. Những vở tiêu biểu của ông là: Múa trống Tây Nguyên; Giã gạo (Dưới đêm trăng); Múa khiêl; Greng neeng… đều là nhạc của Nhật Lai. Nhưng ông cũng là người lăn lộn với phong trào. Về hưu, ông đi dựng cho các ngành, cho cơ sở, vừa có thêm thu nhập, vừa khỏi quên nghề mà lại giúp cơ sở, tức là giúp cho phong trào văn nghệ quần chúng.

          Thôi thì ông đi, bởi chị Bình, vợ ông cũng đi rồi. Xuống đấy anh chị lại đoàn tụ. Cuộc tình này của ông cũng sóng gió khiến nhiều người phải nín thở, nhưng khi về ở với nhau rồi, họ vô cùng mãn nguyện, chiều nhau, nhớ nhau và yêu nhau hơn bọn trẻ nữa. Xuống đấy ông bà lại ríu rít, cùng đi nhận chương trình văn nghệ quần chúng, ông dựng múa, bà dựng ca. Mới hôm kia, trong một chương trình truyền hình nào đó, vẫn thấy ông ngồi với mấy chàng trai Bahnar trẻ, truyền nghề cho chúng. Con người như ông, sôi nổi đến trước khi đi…

          Vĩnh biệt ông, Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm…
                                                                 
 

2 nhận xét:

Unknown nói...

chào Bác Hùng quý mến!

vào đây dự là đọc thơ mới của Bác, ai ngờ....xin chia buồn cùng GiaLai, cùng Hội VHNT và gia quyến Ông "RÔm", chúc ông an nhàn với vĩnh hằng

"an nhiên tự tại ra đi là cách để con người chiến thắng chính mình và số phận."

xem ra
ai chả một lần
ra đi là để định phần...an nhiên

VMT/Tây Ninh (K5/ND - 2011)

Unknown nói...

Xin chia buồn cùng các nghệ sỹ và nhân dân GIaLai, với Hôi VHNT và Gia quyến Nghệ sỹ Nhân dân Y Brơm. Ymoan, Y Brôm mất đi Tây Nguyên cứ mất dần những cây đại thụ của rừng văn hóa Tây Nguyên ... Cầu mong cho hồn ông an nghỉ bình an nơi vĩnh hằng .