Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

TƯỞNG KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ VIẾT VỀ SƠN LA NỮA



Rồi cách đây mấy năm, xem trên blog của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh ở Thái Nguyên, thấy chị đến thăm Cầm Hùng ở bản, ông đã về hưu, xem ảnh thấy một ông nông dân người Thái rất hùng dũng với dao đeo lưng, chân đi ủng. Vẫn thấy cái kiểu cười cười như thế dẫu lưng có vẻ đã gù hơn…
------


Tưởng không còn gì để viết về Sơn La nữa.

Nằm trên một chuyến xe đêm, mà lại mưa thì có ngắm được cái gì. 9 giờ đêm lên xe ở Mỹ Đình, 5 giờ sáng đến bến xe Sơn La, chú em con dì ruột nhưng lần đầu tiên biết mặt đón về nhà chị nó, ngủ thêm một giấc rồi phải tíu tít họ hàng- đến 5 đứa em và các con của chúng. Tất nhiên có tranh thủ chạy một tí vào nhà tù Sơn La, phi nhà tù bất đáo Sơn La, có thể biện câu của Mao Trạch Đông vào đây chăng, bởi người Sơn La khi gặp khách thì đều hỏi “Đã vào nhà tù chưa?”. Thấy cây đào Tô Hiệu không như mình hình dung. Tôi có chụp ảnh đưa lên blog, một bạn nhuyễn chuyện vào còm bảo cây đào ấy không phải cây đào Tô Hiệu đâu anh, nó là cái nhánh được ghép lại thôi, cây đào chính chết rồi. Tôi không có điều kiện kiểm chứng, nhưng trước đấy loáng thoáng có đọc cuộc tranh luận trên báo về Tô Hiệu và cây đào lịch sử của ông. Thôi thì để ông và đồng đội ông yên nghỉ, lúc nào có điều kiện tôi sẽ tra thử. Nhưng quả là ngày xưa mà đày được tù lên đây quả là nhà cầm quyền người Pháp tinh. Xa thế, lạnh thế, hun hút thế, khắc nghiệt thế, khúc khuỷu quanh co thế… chả chết vì cái này cũng chết vì cái kia, chả suy sụp vì cái này cũng suy sụp vì cái kia… thế mà, giờ cái nhà tù ấy như một chứng nhân khẳng định rằng, có những thứ còn vượt lên trên ý chí chủ quan của con người, vượt lên cả khả năng, giới hạn thông thường của con người. Và khi đang ở khu nhà tù lịch sử ấy thì nhà thơ Lê Huy Mậu từ Vũng Tàu điện hỏi nhà tù Sơn La còn… chỗ không? Tôi khoe với lão là lên đến đây vẫn thấy người ta hát “Khúc hát sông quê” đấy, bác oách nhé. Ở đây có con sông rất lớn đang làm cái thủy điện cực lớn, nó cuồn cuộn chảy, muốn úp cái gì vào cũng khó chứ chả cứ mặt. Nhưng từ câu hỏi của ông Mậu, tôi chợt nghĩ, cái nhà tù này mà giờ làm trại sáng tác, cho mỗi ông nhà văn một buồng, cách ly vào đấy ngồi viết, có khi lại có cái gì ra đời???

Bên ngoài nhà tù Sơn La. Nói thêm là ban quản lý ở đây làm dịch vụ rất oách, bán vé mà rất đông người vào xem. Nếu anh đi xe máy là kèm ngay 1 cái vé xe máy dù biết chắc chắn để xe ở đấy không bao giờ mất...

Thì bởi xa thế nên năm 1960 khi dì tôi từ Ninh Bình lên Sơn La làm công nhân thì kể như đã tít mù tắp lắm rồi. Mẹ tôi- chị ruột của dì- khi ấy công tác ở Thanh Hóa, cũng có tí chức mọn, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện sẽ lên Sơn La thăm em. Và dì thì cũng vậy. Rồi cứ thế dằng dặc xa nhau. Ông ngoại tôi có đến 9 người con nên cái sự vắng một dì khi nhà có việc nó cũng không lấy thế làm quạnh vắng lắm. Thi thoảng theo mẹ từ Thanh Hóa ra Ninh Bình ăn giỗ, nghe các cậu các dì kể chuyện, tôi biết phía lăng lắc Sơn La ấy có dì tôi. Biết thế, rồi trẻ con, thoảng qua. Sơn La vẫn mịt mù xa ngái.

Cuối đời mấy chị em gái, mẹ tôi là chị cả, có gặp lại nhau tại Ninh Bình. 4 bà, một bà từ Huế ra, một bà Thanh Hóa, một bà tại chỗ, và dì tôi, cái dì luôn vắng mặt trong các cuộc giỗ chạp trong ký ức non nớt của tôi ấy, từ Sơn La về. Tôi không có mặt trong cuộc ấy, chỉ được xem ảnh. Xem ảnh rồi cứ nao nao, sẽ phải lên thăm dì…. Là cứ nghĩ, cả bên ngoại bên nội tôi đều mang đậm dấu ấn lịch sử thăng trầm ly tán của đất nước. Đông con và mỗi người như một mảnh vỡ bắn vào đời, hàng mấy chục năm bặt tin để rồi cuối đời gặp được nhau rồi mãi mãi xa, hoặc chính xác hơn, gặp nhau ở thế giới bên kia…

…Khi tôi bảo cho anh ghé chợ trung tâm tí thì cả chú em lẫn cu cháu đều có vẻ ngạc nhiên. Trông ông bác “có vẻ” thế mà lại quan tâm đến… chợ. Chúng không biết rằng đấy là thói quen của tôi khi đến bất cứ một nơi lạ nào. Và quả là chợ Sơn La đã tạo cho tôi nhiều ngạc nhiên thú vị.

Nó không sầm uất như các chợ thành phố khác, cũng không sặc sỡ vùng cao như Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái… tôi đã qua, nhưng nó đặc quê kiểng, nó mang một vẻ rất… Sơn La. Còn Sơn La như thế nào thì tôi chịu, không lý giải được. Nhưng cái chợ này nó khiến tôi vừa thấy ngạc nhiên lại vừa thân thuộc. Nó không quá xa cách xô bồ, nhưng cũng lại không úi xùi nhếch nhác. Nó không tưng bừng rộn rã nhưng có sức hút. Đặc sản của chợ là sản vật địa phương- tất nhiên. Tôi ngạc nhiên té ra ở đây lại là xứ xoài. Sống ở Tây Nguyên, rất nhiều xoài, gần thêm mấy vựa xoài như Nha Trang, Cam Ranh, xịch vào tí là Lái Thiêu rồi miền Tây, với một tí nữa là… Thái Lan… cứ nghĩ đấy mới là vương quốc xoài. Không phải nhé. Xoài Sơn La ngọt và thơm, ruột rất mịn. Chả thế mà khi về, đi xe khách giường nằm về Hà Nội, rồi lích kích bay từ Nội Bài về nhà mà tôi vẫn lĩu kĩu xách một túi xoài và mận, cùng một chiếc… thớt nghiến. Người Sơn La rành mận đến mức phân biệt được mận của vùng nào, và biết chọn mận ăn ngay hôm nay, để ngày mai, ngày kia. Trong cái túi mận tôi lặc lè xách, các em tôi để riêng từng túi: hôm nay, ngày mai, ngày kia, cứ thế đến cuối tuần. Còn thớt gỗ nghiến thì thôi rồi. Ra vẻ hiểu biết, tôi bảo với cô gái rất xinh bán hàng: Anh sang Bằng Tường, Trung Quốc, thấy có cái chợ nó bán toàn thớt nghiến. Cô bé này nói ngay: Thớt của chúng em xuất sang đấy. Về Nghiến, Sơn La là nhất. Tôi cứ nửa mê nửa tỉnh trước lời giới thiệu ấy không hẳn bởi sắc đẹp của cô, mà bởi quả là, trước mắt tôi, miên man thớt nghiến…

Về cảnh bán lan này cũng giống như ở Pleiku nhưng không sầm uất bằng...

Tưởng không còn gì để viết về Sơn La được nữa ngoài bài thơ “Sơn La tằng cẩu” và mấy đoạn ngắn viết trên facebook và blog, thì tối nay một cú điện thoại từ Sơn La của một ông nhà báo từ Đăk Lăk. Cứ tưởng ông gọi chúc mừng ngày nhà báo 21/6, nhưng té ra ông đang ngồi ở Sơn La, với anh em văn nghệ Sơn La. Tất nhiên là chuyền máy và những lời trách. Mà trách là đúng. Lên đến đấy, chả gọi chả thăm ai, đùng đùng về viết một mạch mấy bài trên blog. Té ra anh em họ đọc cả. Họ biết mình lên Sơn La sau khi mình đã về. Và họ trách là đúng. Nhân đây tôi xin thanh minh rằng, tôi lên đấy tìm nhà dì tôi, dù dì tôi đã mất, tìm mấy đứa em từ khi sinh ra, dẫu ruột rà máu mủ mà chưa bao giờ gặp. Và cũng chỉ ngủ có một đêm Sơn La, hôm sau lại lúc lỉu xe khách về Hà Nội để bay vào Pleiku vì vé đã OK nên đành không dám đến thăm ai, dẫu cũng có quen mấy người. Và bạn văn chương thì dẫu chưa quen vẫn cứ đến, xưng tên là biết nhau ngay.
Xoài Sơn La

Dế- ký ức một thời của tất cả trẻ con nông thôn, giờ là đặc sản...

Đấy là cái đận cách đây trên hai chục năm. Một đoàn văn nghệ sĩ Sơn La đi dự trại sáng tác ở Đà Lạt, khi về có ghé qua Pleiku. Định ngủ một đêm, mai đi sớm, đêm ấy cũng chéo tay chéo chân ghê lắm, cũng bồng bềnh ướt áo khô khăn ghê lắm, cũng qua cầu gió bay lắm. Ai ngờ sáng mai, đèo Hải Vân đứt. Thế là phải ở lại đến mấy ngày. Mà hồi ấy đâu có như bây giờ. May là trong đoàn có một chị có chồng làm chánh hay phó văn phòng ủy ban tỉnh Sơn La gì đấy, gọi vào cho Văn phòng ủy ban Gia Lai nhờ cưu mang. Năm ấy Huế lụt trắng trời, nhà tôi cả tuần mới liên lạc về được. Lòng dạ như lửa đốt nên có hôm đi ăn được với các anh chị hôm không. Thì cứ tha thẩn cơm bình dân hoặc về nhà ai đó, ngủ thì có nhà khách ủy ban. Ông Cầm Hùng làm trưởng đoàn rồi thì cũng đưa được anh chị em về đến quê trên một cái xe U Oát. Tôi nhớ quà của ông Cầm Hùng và đoàn là túi thổ cẩm và bánh sữa Sơn La, các con tôi hồi ấy còn nhỏ, chúng rất thích món này. Hôm lên Sơn La, xe dừng ở trạm nghỉ, thấy vẫn còn bán thứ ấy, nhưng giờ tuổi này, thấy sữa là nhớ lời dặn của bác sĩ nên ngó lơ. Lơ đi nhưng vẫn rưng rưng nhớ cái thời bánh sữa ngon đến thế…

Rồi lại có lần đi nhờ xe ông Cầm Hùng từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Cái hội văn nghệ đã nghèo mà lại có cái xe rất oách- lăng cu giơ. Loại này chạy núi thì thôi rồi, nhưng nó ngốn xăng như thuồng luồng hút nước. Và mới biết là tuy cùng ở miền núi phía bắc nhưng từ Sơn La muốn sang Lạng Sơn phải qua Hà Nội. Cái hồi ấy vẫn mông lung Việt Bắc Tây Bắc, cứ tưởng như ở Tây Nguyên hoặc Nam Bộ, tỉnh này sang tỉnh kia như đi trong… vườn?




Khác với Tây Nguyên, đồng bào dân tộc chỉ là... khách, ở các tỉnh vùng cao phía bắc, đồng bào dân tộc vẫn chủ ở phố, chợ...

Ông Cầm Hùng cũng là người rất lạ. Tôi gặp ông lần đầu ở một cái trại sáng tác của ủy ban toàn quốc liên hiệp VHNT VN tại Láng Trung- Hà Nội. Văn phòng liên hiệp hợp đồng với cái trường đào tạo cán bộ phụ nữ để mở trại viết văn. Trại ấy sau có mấy người nổi tiếng như Nguyễn Ngọc Tư, Vũ Hồng… Ông Cầm Hùng là người Thái, là thượng tá ăn lương đại tá- hồi ấy như thế là rất to chứ không như giờ rất nhiều đại tá- thế mà bỏ binh nghiệp về dựng hội Văn học Nghệ thuật Sơn La. Chỉ riêng về thu nhập, chắc chắn mất đứt hơn một nửa. Thế mà ông lọ mọ về, đi dự trại, ở trong cái nhà ký túc xá kê đến 6 cái giường, chiếu màn xộc xệch, ăn uống nhôm nhoam… tôi lạ lắm. Chúng tôi còn trẻ, thế nào cũng được, thế mà ông, đại tá chứ ít à. Vậy mà ông cứ cười cười suốt ngày, hiền lành lặng lẽ, thi thoảng đốc thúc anh em việc này việc kia- vì ông là trại trưởng. Trại có mấy ông hay rượu, uống vào rất chướng, nhưng khi ông Cầm Hùng cười cười đến là ai về phòng nấy, hiền như… thóc ngâm.

Rồi cách đây mấy năm, xem trên blog của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh ở Thái Nguyên, thấy chị đến thăm Cầm Hùng ở bản, ông đã về hưu, xem ảnh thấy một ông nông dân người Thái rất hùng dũng với dao đeo lưng, chân đi ủng. Vẫn thấy cái kiểu cười cười như thế dẫu lưng có vẻ đã gù hơn…

Chú em xách về nguyên một bộ lòng dê, giao cho bà chị nó chế biến món pịa để tiễn anh. Chúng cứ thì thào sợ tôi không ăn được nên không nói trắng ra Pịa là như thế nào, và để đề phòng, chúng vẫn làm cho tôi các món khác. Chúng không biết rằng, món Dé đắng của người Bình Định cũng gần gần thế, và đồng bào Tây Nguyên có món Cà xóc thì cũng chả khác gì. Thì cái chất chưa tiêu hết trong lòng non ấy, tuốt ra làm pịa, ở lợn thì gọi là phèo. Người Tây Nguyên còn giã rất nhiều ớt, lá giang, mướp đắng… cho vào nữa. Rất tốn rượu. Té ra càng đắng thì lại càng ngọt, cái triết lý ăn của dân mình nó giống nhau từ đầu này đến đầu kia đất nước, chả trừ dân tộc nào… và vì thế, dẫu mới đến một lần, thoảng qua thôi, nhưng tôi đã thấy thân thuộc rồi, và đã tự hứa với mình, sẽ lại nhảy xe lên Sơn La lần nữa, bởi tôi đã biết gì Sơn La đâu…

                                               Pleiku tối 22/6/2013

Cháu gọi bằng ông. Bố cu này là cháu rể, uống cũng... khá, trong khi bố vợ nó, là em rể mình, chả được hụm nào... Hôm đầu tiên ăn cơm nhà nó, mình bảo với nó: may nhà này còn có cháu chứ không tao ngồi một mình chán chết...

Karake Sơn La, 5 hôm nữa vợ chồng đứa em con đầu của dì sẽ vào Gia lai dự đám cưới...


10 nhận xét:

Tieu Phu nói...

Ông nhà văn đúng là chưa biết gì về Sơn La thật . Chưa ăn " Nậm pịa " , chưa múa Xòe với các cô gái Thái coi như chưa đến Sơn La .
Còn nữa thưa nhà Văn :Ngoài Bắc quả Xoài gọi là quả Muỗn ( Muỗn Yên Châu , quả Mận trong Nam không có ( quả Mận trong Nam , ngoài Bắc gọi là quả Roi )

Văn Công Hùng nói...

@ Tieu Phu:
Theo mình biết thì nó là quả MUỖM chứ không phải MUỖN.
Nậm pịa tôi ăn rồi mà, cái ảnh cuối cùng ấy, và trước đấy cũng đã ăn chứ không phải hôm ấy mới ăn. Mận và roi tôi cũng phân biệt được... riêng có khoản xòe (xòe là múa rồi nên không gọi múa xòe) thì quả là ở Sơn La tôi chưa, nhưng đã Xòe vài nơi khác. Tây Nguyên gọi là Xoang...
Cám ơn bạn nhé...

Mafiovi nói...

thí sinh Đỗ Thị Kim Ngân
Gọi 0168 86 01662
hoặc
01689 982 271
hoặc đến cổng trường ĐH KHXH & NV

Nguyễn Minh Tuấn nói...

Xoài và muỗm khác nhau chứ ạ! Muỗm chua và ít thịt hơn xoài, hạt to hơn hạt xoài, và còn có một quả khác cùng họ là quả quéo, thường dùng để thả vào nồi nước rau muống luộc ăn rất thơm.
Em thấy cuối bài bác có nhắc tới đám cưới...hihi!

Văn Công Hùng nói...

Cùng lòai chú ạ. Xoài, muỗm, qoeos..., đám cưới con anh ruột của em rể tớ ở huyện Kroong Pa chứ k phải nhà tớ...

satrungkim.sl@gmail.com nói...

Anh Cầm Hùng đang ở viện để điều trị tý chân" nằng nặng" có lẽ do quả thận làm việc quá sức; anh rất sung sướng được V.C.H gợi lại kỷ niệm đẹp.
Cũng như anh,Bạn thơ Đ.B.T. người gọi điện trách yêu anh, khi ở thăm Sơn La, về cũng có những ấn tượng rất đẹp về văn hoá ẩm thực vùng này.
Những người yêu thơ SL rất trân trọng tình cảm của của các bạn thơ đã đến và yêu S.L say thế,/.

satrungkim.sl@gmail.com nói...

Anh Cầm Hùng đang ở viện đẻ chăm, sóc cái chân hơi nằng nặng, có lẽ do quả thận làm việc quá sức đã rất sung sướng được V.C.H. nhắc lại những kỷ niệm đẹp.
Vừa rồi, anh ĐBT,( người gọi điện trách yêu anh, khi ảnh thăm SL), về cũng như anh, đã gửi lại vùng đất này bài thơ hay. Xin trân trọng biết ơn các nhà thơ đã đến, tuy chưa "bén rễ" nhưng đã "xanh cây" trong lòng người yêu thơ SL./.

Văn Công Hùng nói...

@ Sa trung Kim:
------
Cám ơn bạn, như một cách trả nợ Sơn La ấy mà...

Văn Công Hùng nói...

@ Nguyễn Danh Lam:
-----
Hihi chứ tớ thấy để thế nó... phí đi...

Nặc danh nói...

Tôi biết ông sẻ không đăng còm này,nhưng xin hỏi riêng ông: Ông có biết NHÀ TÙ CỔNG TRỜI không? Xin ông hãy tìm hiểu về Nguyễn Hữu Đang và nhà tù này trước khi "tuyên truyền" về nhà tù Sơn La
Chào ông