Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

NHỚ MỘT CHUYẾN ĐI VẶT

Phải công nhận mình là thằng... thích đi. Đang chuẩn bị một chuyến đi nữa, dù chuyến này mình không chủ động và cũng không... hào hứng lắm. Đi 1 mình vẫn thích hơn, hoặc với vài người bạn thật thân, không phải chịu trách nhiệm với ai, chỉ mình với mình...

Trong khi chờ... đi thì nhẩn nha đọc lại cái ghi chép hồi mình đi Thái và Lào bằng đường bộ, thấy như đang đi, bèn đưa lên mời mọi người cùng... đi.
---------
Đời tôi cho đến bây giờ đã năm lần được ra nước ngoài. Trong đó bốn lần là lên các đồn biên phòng cửa khẩu, năn nỉ các anh bộ đội biên phòng cho "vượt biên" vài chục bước, thế mà hồi hộp phấn khởi thiêng liêng lắm. Ở những vùng biên giới như thế, cửa khẩu chả có đâu, chỗ nào may mắn thì có con sông làm mốc, chứ còn thì chỉ thấy mênh mông rừng. Tất nhiên bộ đội biên phòng và các nhà quản lý thì họ biết rất rõ đâu là đất mẹ thiêng liêng, đâu là đất bạn. Còn lần thứ năm là ra nước ngoài thật sự, nhưng cũng chỉ là sáng đi chiều về bằng giấy thông hành một ngày. Ấy là lần lên Lạng Sơn công tác, mua vé du lịch bằng đường "cửu vạn" sang Bằng Tường. Đi về cứ sướng âm ỉ mãi. Làm nghề viết mà được đi những chuyến như thế hỏi còn sướng gì bằng? Chả thế mà trong "tứ ngôn" của nhà văn nhà báo "Đi Đọc Học Viết" thì Đi đứng đầu tiên. Thế nên tôi đã sướng đến như thế nào khi được Báo Gia Lai mời đi một chuyến "thực tế, tìm hiểu, mở rộng diện thông tin trên báo địa phương trong các tỉnh thuộc khu vực của tam giác phát triển"...

 Cũng may là bây giờ thủ tục làm hộ chiếu đã nhanh gọn, và bỏ hẳn cái mục công chức muốn làm hộ chiếu phải có ý kiến quyết định của chủ tịch UBND tỉnh. Cầm được hộ chiếu có cảm giác như mình đã đứng trước... cửa khẩu rồi.

            Đường lên cửa khẩu Bờ Y rất tốt. Nơi đây có một địa danh rất nổi tiếng là Ngã ba Đông Dương, là nơi một tiếng gà gáy cả ba nước đều nghe. Rất tiếc, lẽ ra cần khuếch trương điều này bằng một nơi nghỉ chân thật hoành tráng để du khách xuống xe chụp ảnh và... tiêu tiền thì người ta chỉ làm một cái bùng binh rất bình thường, ai biết thì biết, xe chạy vèo một phát là qua, ngoái lại chỉ thấy một điểm mờ trong sương. Cửa khẩu Bờ Y cũng là nơi nhà thơ Thu Bồn đã "chém vè" ở đấy cả năm trời để viết tiểu thuyết cho đến khi đột quỵ rồi mất. Tôi cũng không hiểu hồi ấy ông lấy đâu ra hứng thú để ở cái nơi mù lắc mù lơ ấy, điện đóm loa đài không, xung quanh mịt mù rừng núi. Ở năm ba ngày thì được, đằng này ông bám trụ ở đấy cả năm trời, lâu lâu mới về thị xã Kon Tum vài ba hôm, rồi lại quầy quả lên. Ngay bây giờ, về chiều, tôi chắc là mấy anh lính trẻ vẫn buồn lắm khi mà cửa khẩu không hoạt động nữa...

                  Các hướng dẫn viên Việt Lào và Thái

           
...Trời ơi là gỗ. Bạt ngàn gỗ ở bãi và dằng dặc gỗ trên xe. Những cây gỗ dài và to một cách khủng khiếp. Qua khỏi biên giới là gặp gỗ. Tất cả các xe gỗ đều đang quay đầu chực chỉ Việt Nam. Cũng chả hiểu rồi nó còn đi đâu nữa. Người thì bảo nó quá cảnh xuống cảng Quy Nhơn, kẻ bảo doanh nghiệp Việt Nam mua? Rừng Lào còn nguyên sinh hơn Việt Nam. Con đường độc đạo chạy giữa rừng, qua Atopư, qua thảo nguyên Boloven vào Păk Sế. Đường cực tốt và gần như không phải tránh xe ngược chiều, trừ hàng trăm xe gỗ xếp hàng ở cửa khẩu. Vậy nên chạy từ sáng tới chiều, vào tới thị xã Păk Sế thì ông tài của chúng tôi mới phải lách tránh người và xe. Đất Lào mênh mông mà rất ít người. Nhà cửa sơ sài, chủ yếu là nhà sàn loi thoi trên thảo nguyên, nhưng có hai thứ hay xuất hiện trước những ngôi nhà ấy, ấy là một cái chảo to đùng để bắt tivi và một cái ô tô bán tải, của Nhật hẳn hoi, thường là Toyota. Xe ở đây nghe nói cực rẻ, đường lại vắng, tốt và không bị bắn tốc độ, rất ít thấy cảnh sát. Sang Thái Lan thì thấy xe ô tô còn nhiều hơn nữa, đến nỗi đường trong phố luôn kẻ bốn làn, hai làn ở giữa dành cho xe chạy và hai làn sát vỉa hè dành cho xe đậu. Xe đậu dằng dặc đến nỗi một trong những băn khoăn của người Thái bây giờ là làm sao để cho người dân mua xe chạy chứ đừng mua xe để nằm. Khi sang Việt Nam, xe ô tô bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nên nó trở thành một thứ hàng cao vòi vọi. Chắc là nhà nước ta cũng phải tính toán rất kỹ để vừa thu được thuế mà lại đỡ được hậu quả tai nạn giao thông. Đã đến vậy mà xe biển trắng ở Việt Nam rất nhiều, chứng tỏ dân ta nhiều người rất giàu...

            Păk Sế là thị xã to thứ ba trong hệ thống các đô thị của Lào, nhưng nó rất nhỏ so với các thị xã ở Việt Nam. Ở đây rất đông người Việt, những người Việt tha hương đã hai ba đời nhưng rất may mắn là họ vẫn học và nói tiếng Việt. Thường là họ sang từ những năm 30 thế kỷ trước, những cuộc di dân đầy máu và nước mắt. Rồi co cụm lại. Khi sang Thái chúng tôi cũng gặp những người Việt tha hương như thế. Gặp đồng hương họ rất mừng nhưng hỏi gốc gác thì rất ú ớ, vì họ là thế hệ thứ hai hoặc ba rồi, bố mẹ ông bà họ, những người Việt chính cống, khi sang là những thanh thiếu niên mười sáu mười bảy tuổi, giờ đã thành người thiên cổ. Mà khi họ chết thì đường xá chưa thông thương như bây giờ. Hồi ấy nói đến Việt Nam là thấy xa vời vợi. Bây giờ, xe đò, máy bay... đủ cả. Từ Pleiku hoặc Quy Nhơn đều có xe chất lượng cao chạy thẳng đến Păk Sế một tuần mấy chuyến, chưa kể họ có thể tự lái xe nhà về Việt Nam. Một đặc trưng của ngôn ngữ Việt Kiều ở Lào và Thái là họ đều nói tiếng... Huế. Gặp những người nói tiếng Huế dẻo qoẹo, cả những phương ngữ như Nh thành D, "nhớ nhà" thành "dớ dà", nhưng khi hỏi thì lại quê gốc ở... Ninh Bình. Thì ra họ sống trong cộng đồng và học tiếng lẫn nhau, lấy tiếng Huế làm tiếng... Việt. Bên cạnh hệ thống trường học của nước bản địa thì cộng đồng người Việt đều có các lớp học tiếng Việt do hội người Lào gốc Việt (hoặc người Thái gốc Việt, họ thích lấy tên này chứ không chịu là hội Việt Kiều hoặc hội người Việt Nam) bảo trợ và có treo thưởng hẳn hoi. Tôi biết hè này sẽ có một chuyến du lịch của các cháu học sinh ở Păk Sế về Việt Nam. Đây là các cháu đoạt giải trong cuộc thi viết chữ Việt đẹp. Cháu Trần Thị Thu Nhi, tên Lào là Chăn Đa, con chị chủ quán phở tôi ăn sáng hôm đầu tiên đến Păk Sế đang rất háo hức vì cháu được giải ba cuộc thi này. Đây là một gia đình Việt thành đạt, bố người Nam Định, mẹ người Quảng Bình, sang Păk Sế năm 1930 khi thị xã này đang còn là một... khu rừng. Đến cháu Nhi này là thế hệ thứ tư rồi mà phong cách Việt vẫn còn rất đậm. Mấy anh chị em quây quần trong một dãy nhà lầu gồm nhà hàng, khách sạn, tiệm internet... Khách sạn tôi ở xịn nhất Păk Sế nhưng không có internet (và cũng không có kem bót đánh răng, dép đi trong nhà, trong khi các khách sạn Việt Nam trang bị tận răng cho khách, thậm chí cả kim chỉ). Đêm đầu tiên tôi phải ra phố vào mạng và vào đúng nhà này. Đang loay hoay đổi font chữ thì chợt nghe tiếng... Việt. Mừng húm. Thì ra người mẹ đang dạy con tiếng Việt. Ở đây còn khu chợ, khu phố Đào Hương, còn đậm đặc Việt hơn. Sang thành phố Ubon Thái Lan cũng có một khu phố toàn người Việt và chuyên làm giò chả, thuê rất đông nhân công Thái làm mà không mất bí kíp. Thế nên nhiều lúc anh em chúng tôi đang đi giữa đất Lào, đất Thái mà cứ tưởng như đang ở Việt Nam... Cái quán phở tôi vừa kể là một quán phở lớn ở Păk Sế, và tất nhiên thực khách không chỉ là người Việt, mà rất đông Tây và người Lào. Gia đình này đã hai đời bán phở, hiện tại đang thuê hàng chục cô gái Lào bưng bê với giá tám trăm kip một tháng nuôi ở và ăn ngày ba bữa, tính ra tiền Việt là tám trăm ngàn. Tô phở 17 nghìn kíp, tương đương khoảng ba lăm ngàn tiền Việt, to vật vã, và rau sống là... đậu que và bắp cải cắt khúc như kiểu ta cắt để luộc, chưa tách ra. Ở Muk Da Han có nguyên một cái chợ tên là chợ Đông Dương nhưng đến một nửa là người Việt, toàn tiếng Huế, dù chả phải người Huế. Vợ chồng anh Trần Văn Sanh chị Mai Thị Khen có sạp hàng rất lớn nhưng chị chưa về lần nào. Cháu Trần Thị Văn, tên Lào là Madi Văn, con thứ tư của anh chị, rất xinh gái đi mua đãi chúng tôi mỗi người một ly cà phê ca cao to tổ bố hút bằng ống hút. Vật giá ở Lào, trừ xe ô tô, còn là đều đắt hơn ở Việt Nam. Như cái phòng tôi ở giá ba mươi USD, nếu ở Việt Nam giá ba trăm là hết ngạch. Internet 6 ngàn đến 8 ngàn kíp một giờ, tức khoảng 12 đến 15 ngàn đồng Việt Nam. Mà cũng có ra ngoài mới thấy "thương" tiền Việt chúng ta. Hai ngàn Việt bằng một ngàn Kíp Lào, Tiền Bạt thì giá trị gấp năm tiền Việt, còn tiền Campuchia thì gấp bốn...


                       Khách sạn Nhà Vua  
                        Và Thác Khôn
                                             
            Ở U Bon có sân bay U Bon, đây là một trong ba sân bay mà ngày xưa Mỹ đã thuê của Thái Lan để dùng cho máy bay quân sự đi ném bom Việt Nam (U Bon, U Đon và U Ta Pao). Ông Nip Pôn, tên Việt là Bôn, giờ là chủ tịch hội người Việt ở U Bon (giờ nó đã chia ra làm ba hội, và hội cũ của ông đổi tên là Hội người Thái gốc Việt, còn hai hội kia là hội... yêu tiếng hát, và hội Công nhân thợ may) kể rằng thời chiến tranh ở đây máy bay lên xuống nườm nượp, có lần một tiểu đội đặc công Việt Nam đã vào tận sân bay này để phá máy bay, nhưng bị lộ ngay từ vòng ngoài. Ba chiến sĩ hy sinh và 6 người bị bắt, ra tòa án Thái Lan, và... được thả. Lý do là cả sáu chiến sĩ đều nói rằng: Chúng tôi không đánh Thái Lan mà đánh Mỹ. Mỹ mang bom sang Việt Nam ném, chúng tôi đánh máy bay Mỹ. Để thấy luật Thái thời ấy cũng rạch ròi, dù khi ấy người Việt ở Thái bị o ép rất dữ.

Hòn đá này là nơi đón bình minh sớm nhất ở Thái Lan. Xung quanh là những phụ nữ Thái Lan theo đạo hindu. 
Bác Hồ ở Thái Lan trong vai một nhà sư- Ảnh chụp lại từ album của ông Bôn. ÔNg Bôn là chủ tịch Hội Việt Kiều ở U Bon, có một album toàn ảnh bác Hồ. Ở U Bon còn có một gia đình có bàn thờ Bác Hồ mà Đặng Ngọc Khoa đã chụp ảnh.


             Đi trên dằng dặc cao nguyên Boloven gần như không thấy... bao nilon. Có ông nhà báo nhắc, trông mà thấy xa xót cho thành phố bên mình, bao nilon cứ gọi là trắng xóa, xà bần đổ như núi, rác rưởi ngập tràn. Có vài đoạn vẫn thấy bao nilon, hướng dẫn viên giải thích: Chắc chắn đoạn này có người... Việt Nam ở? Đến lúc vượt cửa khẩu Vang Tao sang đất Thái thì khác hẳn, đường phố sạch như lau như ly. Bên Lào thì cũng vẫn còn có thể dừng xe để... giải quyết nỗi buồn như ở Việt Nam chứ bên Thái thì không, tuyệt nhiên không. Bù lại các trạm đổ xăng phục vụ vệ sinh miến phí vô cùng sạch sẽ lịch sự, dù anh ghé xe vào chỉ để... xuất chứ không đổ xăng. Hôm ăn trưa ở một nhà hàng nổi bên sông Mê Kông có uống người cốc bia rồi chạy đi thăm Sirinthorn Dam. Và bi kịch xảy ra, bởi dẫu chỉ một cốc bia thì nó vẫn là... bia, là cái thứ nước mà khi vào thì cứ nhăm nhăm đòi ra. Theo thói quen ở Việt Nam, thấy đường vắng, vô cùng vắng mà hai bên lại là rừng. Đường bên Thái Lan, ít nhất là ở U Bon và Muk Da Han, hai bên đều là rừng xanh mướt. Thế là vài anh đập xe xin bác tài cho... dừng xe. Bác Tài người Thái quay lại vẻ mặt đầy thông cảm nhưng bảo quý khách chịu khó chờ... ba mươi phút nữa, chứ dừng xe để giải quyết giữa đường thì không được, bên Thái cấm tuyệt đối. Chết rồi. Ba mươi phút vị chi còn những sáu bảy mươi cây số nữa (xe bên này tay lái nghịch và đều chạy trăm hai đến trăm rưởi cây số giờ, và cả ở Lào và Thái đều không có cảnh sát giao thông bắn tốc độ). Một anh chửi vui: Mất tự do quá, chúng ta không bằng con... bò. Cả đoàn cười ầm nhìn ra thì quả là có đàn bò đang ung dung gặm cỏ ven đường thật. May là chừng năm phút sau bác tài thông báo: mười phút nữa quý khách sẽ thoải mái. Và ông nhấn ga. Đúng tám phút, thời gian lúc này chi li từng phút, thì ông xịch hẳn xe vào phía sau một cây xăng rất đẹp. Tất cả sáng choang, sạch sẽ, tiện nghi, có người của cây xăng mặc đồng phục dọn rửa, và không thu phí.. Trời ạ, có ở trong... chăn mới biết chăn... thơm. Mọi người hể hả và... nhẹ nhõm. Từ đấy, những ngày trên đất Thái, chả anh nào dám uống nước chứ đừng nói bia khi đang trên xe di chuyển. Ấy thế nhưng hôm ngủ ở Nevada hotel thì cái khách sạn này lại có... gián.
Gia đình anh chị Sanh Khen, cháu madi Văn và nhà báo Thanh Phong tại chợ Đông Dương. Cháu madi Văn nói được tiếng Việt nhưng không viết được. Cháu viết tên cháu trong sổ của tôi bằng chữ Thái, bố mẹ cháu dịch lại. 



                            Nữ lễ tân KS 


 
Xe Tuktuk                                                           
Sông Mê Kông, con sông ngăn đôi Lào Thái


                           Qua phà 
            Đường bên Thái không có... gờ giảm tốc, và xe chạy thì hầu như không bóp còi. Ông Bôn bảo về Việt Nam khiếp nhất là thấy xe chạy lung tung dù đường liên tục có gờ giảm tốc rất xóc và khiếp tiếng còi xe. Nhưng cũng phải thấy có một tâm lý này, anh em chúng tôi thì bảo sang Thái, sang Lào không thấy tai nạn giao thông thì những người Thái người Lào dã sang Việt Nam đầu bảo: Sang Việt Nam xe đi khiếp thế mà cấm thấy tai nạn giao thông?... (hết kỳ 1)
(Viết từ 2008 đấy ạ)

7 nhận xét:

Daniel nói...

"... hiện tại đang thuê hàng chục cô gái Lào bưng bê với giá tám trăm kip một tháng... Tô phở 17 nghìn kíp,..."

Lương của người Lào hình như hơi ít ???

Văn Công Hùng nói...

@ Daniel:
Hu, mình không nhớ rõ nữa, ghi chép là thế, giờ không cách gì đối chiếu. Thấy cũng vô lý thật, nhưng biết làm sao???

Nặc danh nói...

Bác đi nhiều mà chưa thấy nói ngủ ở Hòa Bình nhỉ? Hôm nào mời bác quá bộ nhỉ! Năm ngoái eeem cũng có đi Tái cùng anh Đoàn Minh Phụng nhà bác...uống hẳn 3 chai bia Thasimowis chết mẹ chớ. lái xe nói chỉ 10p là đến nơi thôi. Mà rồi nó mưa kẹt xe.....2 tiếng sau mới tới...May a Phụng có cái bịch nilon......

Văn Công Hùng nói...

@Nặc danh:
----
bạn ở Hòa Bình à? Tôi đã ngủ Hòa Bình rồi chứ ạ, nhưng là ngủ... trưa. Bạn vào blog này, có bài ghi chép về Hòa Bình đấy ạ. À, nó đây này:
http://www.vanconghung.com/2013/01/hoa-binh-ghi-tren-may-bay.html#more
Cám ơn bạn.

Mr.Robert nói...

Ùi za..bữa nào bác lên HB ngủ đêm đi. EEEm nàm như a Trung GL ý....Đi vô bản ăn ziệu xem hắn khác kiểu Tây Nguyên thía lào

Unknown nói...

Ông bà của An ngày xưa khi chạy đấu tố...đã tỵ nạn ở Lào và sanh các dì cùng cậu ở Lào đó...An biết đếm tiếng Lào từ 1 đến 10 đó thưa ông. :)
Đã đi Thái rồi..tuyệt.
Cám ơn bài viết của tác giả.

Thợ cạo nói...

Có lẽ đây là ảnh gốc Cụ đi tu ở Thái:
http://dantri4.vcmedia.vn/0M1mSy2nIXc9W8pTHXP/Image/2013/04/anh-2-0d1da.JPG
Ảnh chụp từ tư liệu của ông Trần Mỹ Trâm