Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

CÂU CHUYỆN KỲ LẠ CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG TÊN HÙNG

Tôi sẽ cố gắng dùng giọng báo, lối kể báo để kể câu chuyện này một cách tóm tắt, cương quyết không cho cảm xúc chen vào, bởi bản thân câu chuyện này, một cách trần trụi nhất, cũng cho chúng ta hiểu thêm nhiều về những vùng lõm mà chúng ta, có thể vô tình hay cố ý, không hiểu hoặc chưa hiểu...

Năm 1964, cháng thanh niên Nguyễn Quang Hùng, quê Nam Định, nhập ngũ. Lúc xảy ra câu chuyện này anh là tiểu đội trưởng trinh sát. Ấy là năm 1966 đang cùng tiểu đội trinh sát một cứ điểm ở huyện Phù Cát, Bình Định thì lọt vào ổ phục kích. Anh bị thương ở tay. Sau mấy ngày lẩn trốn với cánh tay sưng vù thì anh bị bắt khi hoàn toàn không còn sức kháng cự. Khi bị bắt anh nói ngay anh là bộ đội Miền Bắc bởi cái giọng Bắc không lẫn vào đâu được. Đơn vị lính Mỹ bắt được anh dùng trực thăng đưa anh lên bệnh viện An Khê cữu chữa. Tại đây anh được một bác sĩ quân y Mỹ tên là Sam Axelrad trực tiếp cứu chữa và cưu mang. Cứu chữa là cưa tay của ông và phục hồi sức khỏe của ông. Cưu mang là giữ ông ở lại doanh trại đến hơn 2 tháng trời cho đến khi chỉ huy biết, kêu Sam ra hỏi: tôi nghe nói anh đang chứa chấp đối phương trong doanh trại. Vâng, đúng thế, thưa ông. Vậy anh có 24 tiếng để xử lý việc này. Trong vòng 24 tiếng, Sam đã dùng trực thăng chở anh Nguyễn Quang Hùng xuống Quy Nhơn, gửi ở một bệnh viện tư- thay vì nộp cho chính quyền-, và ông Hùng, với 1 cánh tay còn lại, trở thành một nhân viên y tế bất đắc dĩ, chỉ có cơm ăn không có lương. Năm 1969, ông quay lại An Khê, nơi mình đã được chữa lành vết thương, sống ở đấy và có vợ sinh con cho đến nay. Nên nhớ, năm 1969, An Khê vẫn của chính quyền Sài Gòn quản lý, và ông Hùng là chiến sĩ quân giải phóng Bắc Việt.

Ngày hôm kia thì một sự kiện nữa xảy ra, ấy là cái ông bác sĩ Sam ấy, một hôm ngồi lục cái thùng "ký ức chiến tranh" tổ bố của mình thì thấy... ảnh ông Hùng và cánh tay ông Hùng, tất nhiên là chỉ còn xương được ông bảo quản rất cẩn thận. Một ý nghĩ thôi thúc là phải trả lại cánh tay này cho người lính đối phương năm xưa. Và thế là ông nhờ một tờ báo VN làm cầu nối, và phép thần đã xảy ra- tìm được manh mối ông Hùng.

Sam bỏ tiền túi cùng 2 con và 2 cháu sang An Khê tìm ông Hùng, và cuộc trùng phùng ấy đã diễn ra trong sự ngạc nhiên và thích thú của rất nhiều người. Họ gặp nhau như 2 người bạn, như những tri kỉ, những ân nhân mang nợ nhau. Và vì thế mà nó đẫm chất nhân văn, thứ nhân văn của những người đã vượt qua cái chết, đã hiểu thế nào là sự đau đớn, là ngưỡng của sự sống, của những người ngộ ra nhiều điều...

Té ra chiến tranh, trong từng góc khuất của nó, có vô vàn những câu chuyện kỳ lạ, sự kỳ lạ mà chính người trong cuộc khi chứng kiến nó mà vẫn tưởng như mơ. Những người lính thứ thiệt, tận cùng họ, là sự lạc quan và nhân bản vô kể. Là tôi nói cả ông Sam và ông Hùng...

Vội quá, gõ tạm thế đã. X
in mấy tấm ảnh của nhà báo Trần Hiếu và Thái Bá Dũng nhé.

Ảnh này và ảnh dưới do ông Sam cung cấp, chú ý gương mặt và dáng đứng của cả 2 người, đặc biệt là ông Hùng, một tù binh Bắc Việt đang ở trong doanh trại đối phương. Sau này gia đình ông đã lập bàn thờ ông...



12 nhận xét:

yamaha nói...

Tôi không biết bác Hùng (Văn Công, nỏ phải Hùng cụt tay trong chuyện) có ý gì khi nhận định: chiến tranh, trong từng góc khuất của nó, có vô vàn những chuyện kỳ lạ. Nhưng ấn tượng khủng nhất của tôi về câu chuyện này, là vừa đọc xong lập tức hình dung xem nếu trong một hoàn cảnh ngược lại, ông Mẽo nọ bị bắt làm tù binh chứ không phải ông Hùng "Bắc Việt", thì số phận ổng sẽ ra sao. Chưa nói tới việc có ai trả lại bàn tay xương hay không, mà nội chuyện còn sống sót nguyên vẹn, rồi lại tiếp tục lấy vợ đẻ con đùm đề nữa đã... khoa học viễn tưởng lắm rồi. Huhu...

Nặc danh nói...

đả đảo bọn đế quốc mỹ sài lang hung ác, đã giam cầm khúc xương của chiến sỹ giải phóng việt nam suốt hơn 40 năm ròng

Văn Công Hùng nói...

Có một vài cái còm của các bạn tôi buộc phải không cho hiện lên, xin thông cảm...

Unknown nói...

Em copy bài này của bác nhưng lại đổi cái tiêu đề (có trình bày lí do), mong bác lượng thứ !!!

Lê Như Lan nói...

Câu chuyện bác sỹ Mỹ mang trả anh bộ đội VN mẩu tay anh bi thương, phải cắt bỏ trong chiến tranh thật cảm động và mang tính nhân văn rất cao. Nhưng khi đọc, tôi cứ thắc mắc tại sao không thấy viết về cuộc đời của bác Hùng giải phóng quân đó.Cám ơn bác VCH đã viết 1 đoạn về cuộc đời đó và nếu có thể, đề nghị bác viết thêm để mọi người biết cuộc sống của bác Hùng kia sau khi mổ, trước và sau giải phóng. Cám ơn bác nhiều

Hùng Quang nói...

Trong đội quân viễn chinh của đế quốc Mỹ có người tốt (như ông Sam), những cũng có những đại úy Calley. Nhưng cuộc chiến kết thúc trong tủi nhục của người Mỹ, họ không hận thù, mà quay lại chiến trường xưa, tìm cách giúp đỡ, khắc phục tội ác của họ đã gây ra.
Còn bạn vàng của Đảng ta thì ... rất bạn vàng: xả súng giết 8 ngư dân Thanh Hóa (2005), đâm chìm thuyền cá, bắt ngư dân đòi tiền chuộc, cắt cáp...

Unknown nói...

Một câu chuyện thật cảm động, một người lính bên kia sau 40 năm cùng con và cháu bay nữa vòng trái đât mang một phần cơ thể của một Việt Cộng đến tận nơi trả lại trong sự bất ngờ của tất cả người dân Viêt Nam chúng ta.

Unknown nói...

Ông Sam hay ông Hùng hoặc người nào đi nữa, trong trường hợp này đều có tính nhân văn. Ông Hùng đã bị thương đến mức không còn sức kháng cự, ông Sam là bác sỹ. Việc ông Sam cứu ông Hùng là do bản chất lương thiện cùng với đạo đức nghề nghiệp của ông ấy. Nếu là ông Hùng, rơi vào cảnh này, ông Hùng cũng cứu ông Sam như ông Sam đã từng làm thế

vu quang thieu nói...

Sao bac Sam khong tra xuong tay sau khi da dieu tri xong, ma phai doi sau 40 nam?

vu quang thieu nói...

Sao bac Sam khong giao tra xuong ngay sau khi dieu tri xong, ma phai doi 40 nam sau?

Longhtx_gla@yahoo.com.vn nói...

Quá kỳ lạ. kỳ lạ hơn là mãi giờ ông Hùng mới lên tiếng. VTV đã đưa hôm nào, nhưng rất sơ lược. Cảm ơn VCH viết rất hay.

Nặc danh nói...

Chi co nguoi my,bac sy my moi lam duoc viec do