Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

TRƯỜNG SA HÀNH TRÌNH KÝ



Đi Trường Sa cái khổ nhất là... không có mạng. Bù lại, rất tự do. Tuy  thế không nhiều thời gian như ta tưởng, bởi phải chuẩn bị lên đảo xuống đảo, phải ngắm biển, chụp ảnh cá heo, phải câu, phải giao lưu... ít nhất là với 8 thằng đực rựa trong phòng, có mấy thằng có vợ trẻ, toàn nói chuyện... vợ...

Lại còn phải làm quen với sóng. Đến khi làm quen xong với sóng thì đến ngày lên bờ, vậy nên lại phải làm quen với bờ. Trưa qua về tới Cát Lái, Hải Quân chiêu đãi một trận chia tay. Có đĩa rau muống xào tỏi xanh mởn, 2 cu phóng viên của báo TN và TT to vật gắp hai đũa là gần hết, xót ruột hơn bào. Mình thấy một cô bé rất xinh mặc đồ hải quân nói tiếng Thanh Hóa bèn hỏi: cháu ở Quảng "Xưng" hay "Trịu" Sơn, cô bé nhoẻn cười: Cháu ở Trịu Sơn. Ơ thế là đồng hương với chú rồi, này cháu, cho chú... đĩa rau nữa, 2 đĩa càng tốt. Mà rồi được 2 đĩa nữa thật, hihi.

Rồi chiều lại ngồi một trận nữa tại nhà mình ở Sài Gòn, ngồi êm đềm và vững chãi giữa nhà mình, không phải chao đảo vì sóng thì lại... nhớ sóng. Sau đấy ngủ một giấc mê mệt đến 7h30 thì ông con rể chạy từ Cao Lãnh về tới để "hầu" bố vợ rồi tối lại xuống- nó đi đang công tác dưới ấy. Giờ 2 bố con đi ăn phở Pasteur đã.

Dù thời gian ít thế nhưng lúc nào rỗi là mình gõ cái Trường sa hành trình ký này, ăn dè, mỗi ngày post một ít nhé.
-------


Đêm trước ngày ra Trường Sa, nhà báo Tấn Tú ở báo Thanh Niên lôi tôi đi đãi bia để truyền kinh nghiệm. Chúng tôi là bạn đọc của nhau, lần đầu tiên gặp nhau, và nhìn vào thì không ai  nghĩ là chúng tôi mới lần đầu gặp nhau. Đọc trên facebook và blog biết tôi đi Trường Sa, anh nhắn có võng chưa, nếu chưa anh sẽ mua mang đến cho, lại còn cẩn thận hỏi nặng bao nhiêu để chọn dây cho bảo đảm.  Anh tự hào là người có thể “giáo huấn” cho tôi về Trường Sa bởi đã có đến 11 lần ra đấy. Cũng như thế, ngay khi có thông tin chính thức là sẽ được ra Trường Sa vào đầu tháng 5 này, tôi đã lên mạng thông báo và xin chia sẻ từ bạn bè, đồng nghiệp đã từng đi. Kết quả là tôi đã lạc trong hàng trăm còm men, tin nhắn và cả những cú gọi điện trực tiếp. Lọc lại và đối chiếu với bản thân, tôi có được gần cái chục đầu dòng ghi nhớ, để bây giờ, đang ung dung ngồi trong phòng II34, tàu HQ 996, trực chỉ Trường Sa.

          Phải nói ngay, nhà khách của Bộ tư lệnh Hải Quân nhưng nó lại không mang dáng dấp của các nhà khách của các cơ quan nhà nước khác, là mặc kệ khách muốn làm gì thì làm. Tất nhiên nhà khách của lính thì nó phải rộng, phải nhiều giường, nệm phải xẹp và quạt phải kêu, thậm chí tôi nằm chung 2 người một giường, và 2 chục người nhưng chỉ có chung một toilet. Nhưng cái ấn tượng ngay từ đầu khiến mình thấy thân thiện và xúc động khi đeo ba lô đến “nhập trại” để mai ra Trường Sa là thái độ của các chiến sĩ phục vụ. Sau khi vệ binh đứng nghiêm chào khách đúng điều lệnh thì mấy chiến sĩ nữa ùa ra xách đồ cho “các thủ trưởng”. Tôi từ chối vì lâu nay chỉ gặp cảnh này ở các khách sạn, và phải có tiền Tip cho nhân viên, thì các cháu nói: bác để cháu, nhiệm vụ của chúng cháu, lên tận tầng 4 mà bác. Thế là tôi đi tay không lên tầng. Sáng sau cũng thế, đúng giờ hành quân thì lại một tốp chiến sĩ lên từng phòng xách đồ xuống cho khách. Ra đến cảng, cảnh ấy lại diễn ra. Lại các chiến sĩ Hải Quân, trang phục nghiêm chỉnh, xách đồ cho từng người vào tận từng phòng. Chỉ khác, ở nhà khách thì là chiến sĩ, ở tàu thì là sĩ quan, toàn thượng úy, đại úy, những chàng trai to khỏe vạm vỡ và đẹp trai…

          Thực ra, Trường Sa, và cả Hoàng Sa, đến giờ này không còn xa lạ gì với mọi người dân đất Việt nữa. Với người viết lại càng khó. Đồng nghiệp đi trước cày hết rồi, bạn đọc biết hết rồi, mình viết gì, gõ gì, phải mới và hấp dẫn, phải có thông tin… điều ấy khiến tôi phải… rón rén khi gõ.

          “Tháng 3 bà già đi biển”, cho đến nửa ngày sau khi tàu rời cảng Cát Lái thì cảm giác vẫn như đang đi trên sông, êm đềm và dễ chịu. Hai bên mạn tàu rất nhiều nam thanh nữ tú ra ngắm biển. Đoàn chúng tôi đi là của Trung ương đoàn phối hợp với Hải quân tổ chức, do một bí thư trung ương đoàn làm trưởng đoàn, chuẩn đô đốc phó chủ nhiệm chính trị quân chủng Hải Quân là phó đoàn, nên có rất nhiều thanh niên và sinh viên. Riêng học viện âm nhạc Huế đã có gần chục cô gái Huế, mỏng manh kiểu Huế, giọng ngọt kiểu Huế, tóc thề kiểu Huế, cái tiếng dạ dài như vòng sóng quấn quýt phía sau thân tàu… làm xốn xang cả con tàu toàn gang với thép…

          Là bởi đoàn của Trung ương đoàn nên tổ chức và chuẩn bị chuyến đi khá trẻ. Từ chuyện mỗi người lên tàu được phát đến 3 cái áo thun, tất nhiên là có logo và khẩu hiệu hành quân. Lại còn được phát một túi du lịch khá to, được phiên chế thành 6 trung đội. Đến cái lễ tiễn rất long trọng ở cảng Cát Lái có mặt hàng mấy trăm đoàn viên áo xanh của thành phố Hồ Chí Minh, làm người đi cứ tưởng mình… ra trận thật sự. Rồi cái lễ phát động thi đua ngay đêm đầu tiên trên boong tàu làm nhiều người cảm động. Không chỉ là được nghe nhiều giọng hát rất hay, về Tổ Quốc, về Trường Sa, ngay trên boong của một con tàu quân sự, mà còn bởi ngay khi cuộc lễ vừa hết, cuộc giao lưu diễn ra thì tàu đi ngang mỏ Bạch Hổ đang khai thác sáng rực đèn. Ban tổ chức đã rất nhanh, mời một chuyên gia ngành dầu khí có mặt trên tàu giới thiệu về cái mỏ này, với công nghệ, kỹ thuật khai thác…

          Nhưng không hẳn là chỉ êm đềm thế. Nghe bảo phải sau đêm nay, mai mới biết tay biển...


Đảo Ba Bình đang do Đài Loan chiếm. Chụp từ tàu HQ 996, cám ơn cái máy ảnh của Nguyễn Xung Kích

Đảo Đá Thị

Đảo Song tử đông do Phi Lip Pin chiếm

Chuẩn bị lên đảo Song Tử Tây

Đã là Song Tử Tây

Và tác nghiệp ngay, vì có sóng 2G, tuy thế rất vất vả để vào mạng, chỉ có thể post ảnh chụp bằng iPad từ iPad và chỉ post lên facebook được, và phải kiên nhẫn hàng chục lần mới được. Chục ngày ở Trường Sa mình đã cố gắng hết mức có thđđưa thông tin lên facebook phục vụ bạn bè. Facebook muôn năm.

Chào cờ trên đảo Song Tử Tây. Tđã nhòe nước mắt khi hát quốc ca đây


Em bé trên đảo Song Tử Tây làm quen với máy ảnh của PV Ngọc Hà, trang Zing

Hát ngay cho lính đảo nghe, mọi nơi mọi chỗ

6 nhận xét:

PTN nói...

Cái ảnh chào cờ của bác các em xinh tươi toàn đội nón nhỉ ? Chắc lúc đó xong rồi.

Nặc danh nói...

Bác Hùng ơi ! Mới bấy nhiêu đã thấy Trường Sa gần lắm rồi.
Nhớ nhất hình chào cờ ở đảo, bác viết : "Nhòe nước mắt khi hát quốc ca ở đây"; mình cũng muốn nhòe nước mắt khi đọc câu này.
Hoàng Sa-Trường Sa muôn đời là của Việt Nam.
Chờ bác post tiếp.
TDD

Ký ức tuổi thơ nói...

Cảm ơn chú. Nhà cháu cũng "cóp pết" khá nhiều hình ảnh đẹp từ các nguồn về kho nhà cháu. Trường Sa chưa được đặt chân tới nhưng mỗi lần nghe, đọc về nó thấy dạo rực vô cùng.
http://nguoiphukhoai.blogspot.com/2010/09/hai-trinh-i-ve-phia-ban-mai-phan-2.html

Nguyen Van Nong kon tum nói...

That cam dong. Tuy khong di duoc Truong Sa, nhung voi bai viet va anh thay no rat thieng lieng va them yeu to quoc cua minh.

Nobiet nói...

Tui nghĩ nếu bác VCH không thỉnh thoảng lại chèn các em gái vào trong bài thì ký Trường Sa chỉ còn lại nước mắt thôi, không thể nào ...Tổ quôc ơi!

Nguyễn Danh Lam nói...

Tiếc hùi hụi khi không vồ được bác ở SG! Bác đến và đi cứ như gián điệp! Kính mừng bác đã tới được nơi mất mạng mà không mất mạng!