Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

TRƯỜNG SA HÀNH TRÌNH KÝ- tiếp theo



Sức hút của sao té ra nó khủng khiếp hơn tôi tưởng. Đang say oặt say mềm ra thế, thấy Xuân Bắc, Hoàng Bách xuất hiện là tỉnh như sáo. Và khi các sao này biểu diễn, họ hát thật, và rất hay, chứ không phải “hát nhép mới hay” như thi thoảng các sao biện bạch, các khán giả, chả cứ sinh viên, kể cả sinh viên nhạc viện Huế, đều hoặc là há mồm nghe và xem, hoặc là múa tay chân với những cử chỉ rất vô thức. Ở đất liền mấy khi được gần các thần tượng của mình áo thun quần cộc lòi chân đầy lông, dép lê, nói tếu táo… đến thế. Chắc khi đến đảo độ hâm mộ sẽ nung lên thêm hàng chục độ.


          Cứ vài tiếng lại một thông báo đến toàn tàu, trong đó thông báo hấp dẫn nhất sáng nay (05/5) là 4 giờ chiều tàu sẽ neo tại đảo Song Tử Tây, và chỉ… 20 người được vào ngủ đêm tại đấy, còn lại thì án binh trên tàu chờ sáng mai mới được vào, đơn giản chỉ vì… không có chỗ ngủ. Những ai đã đi với lính, đặc biệt các đồn biên phòng thì biết, khi có khách thì lính phải nhường giường cho khách, còn mình thì phải tự kiếm chỗ ngủ. Cách đây hơn 20 năm tôi đi cùng một đoàn công tác lên đồn biên phòng của huyện Đăk Glei, sáng sớm khi khách trả phòng ngủ thì lính ùa vào các phòng ngủ của chị em nữ lấy tay ấp vào chiếu tìm hơi ấm. Giờ thì khác nhiều rồi. Nhiều người trên tàu nôn nao tìm hiểu xem mình có được vào không. Nhưng tôi hiểu và hoàn toàn… yên tâm là mình không có tên trong tốp được vào trước, vì biết lính đảo chờ gì trước tiên ở các con tàu mỗi khi đến kỳ ghé đảo. Vậy nên các ca sĩ là lựa chọn số 1, tiếp theo là bộ phận chuyển quà và lãnh đạo. Quà nhiều đến mức riêng báo Tuổi Trẻ phải thành lập một “đội quà” mà nhân viên toàn là các bí thư đoàn trường đại học, ở trường thì oách, là giảng viên, trí thức thủ lĩnh của hàng ngàn sinh viên, nhưng đến đây tôi đùa là loại cao to đen hôi vì phải trực tiếp khiêng vác chuyển quà từ tàu xuống xuồng rồi từ xuồng lên đảo- tất nhiên có lính giúp nhưng các chàng công tử ta vẫn phải trực tiếp lao động. Ngay trên boong tàu tôi thấy rất nhiều các thùng ắc quy Đồng Nai mang ra tặng các đảo. Bốc vác hết các thứ ấy, cùng với một dàn âm thanh chuyên nghiệp của học viện Âm Nhạc là đủ bở hơi tai rồi.

          Báo Tuổi Trẻ có quân số trên tàu hùng hậu nhất, vì họ tổ chức không chỉ cho phóng viên và cán bộ công nhân viên đi, mà còn bạn đọc, còn các nhà hảo tâm, các đơn vị có nhiều đóng góp cho phong trào “góp đá Trường Sa”… vậy nên gặp trên tàu cả các giám đốc doanh nghiệp, các giáo viên, các bí thư đoàn trường đại học… đều là cộng tác viên các phong trào của họ. Con tàu tải trọng mấy nghìn tấn chở trên mình hơn 200 người cả thủy thủ đoàn và hàng hóa lầm lũi chạy từ sáng ngày mùng 3 đến chiều mùng 5 thì đến đảo đầu tiên…

          Trên boong tàu lúc nào cũng có người. Ngoài người của “nhà tàu”, của tổ bếp (từ đất liền của lữ đoàn 162 cử đi theo phục vụ khách), thì rất đông khách thường xuyên lên chụp ảnh có, họp có, lên sắp xếp đồ để chuẩn bị chuyển vào đảo có. Có thể biết trong ngày ăn gì căn cứ vào đồ cấp đông nhà bếp mang lên “phơi” rã đông trên mũi tàu. Có hôm thấy một loạt gà khỏa thân trùng trục, hôm thì mấy chú gâu gâu nhe răng ngắm biển…

          Bây giờ là 15h30 chiều mùng 5, toàn tàu đang nhộn nhịp. Giờ thả neo lần đầu tiên sau 3 ngày lênh đênh đã đến, theo thông báo lại là 16h30 sẽ thả neo, ăn cơm chiều xong thì một nhóm vào đảo. Một số ở đội quà thì chuẩn bị khiêng vác, số ở đội văn nghệ báo chí 20 người tối nay vào đảo thì… họp. Còn lại đổ lên boong để lần đầu tiên nhìn thấy đảo Song Tử từ khi nó còn là chấm đen từ tít tắp. Nghe nói tối nay trên tàu sẽ có sóng 2G từ đảo Song Tử lan ra, ai cũng căng mắt vào điện thoại. Cuốn kỷ yếu hành trình HQ 996 cũng sẽ được mail vào bờ từ đảo Song Tử Tây để kịp in đến khi vào bờ mọi người đều có.

          Tôi cũng out máy và, lên boong.

          Sáng nay có sóng, anh em cơ quan điện hỏi thăm, trong đó có chi tiết thú vị là chúng bảo mình ăn hải sản nhiều chắc lên cân. Chi tiết này làm mình phì cười, và chợt nhớ, là đúng từ hôm lên tàu đến giờ hôm qua vào đảo Song Tử mới có mỗi mâm một khúc cá biển luộc, còn lại toàn ăn đồ cấp đông. Sáng mì tôm, trưa cơm có một món xào, một canh rất nhiều nước và món mặn, đều là đồ rã đông. Nhớ hôm chuẩn bị đi, nhà văn Hữu Nhân ở Đồng Tháp gọi điện dặn nhớ mang theo mì tôm vì mấy hôm cuối sẽ rất thèm mì tôm, thèm đến mức “thấy người ta ăn là muốn xông đến giật lấy”, nhưng sáng nay thì cả phòng đã… lơ mì tôm. Nếu sáng nay mì tôm thì sáng mai phở ăn liền… từ hôm đi mới có 4 ngày mà đã ngán đồ ăn liền đến cổ rồi…

Thiếu tướng Bùi Sĩ Trinh và sư thầy trụ trì chùa Song Tử Tây- Đạo và đời khắng khít ở Trường Sa

Bếp của 1 hộ dân ở đảo Song Tử Tây.

Tủ lạnh khá sung túc. Đây là hàng trữ hàng tháng trời chứ không như ta để buổi sáng cho mát rồi chiều ăn

Vì thế thức ăn trên ngăn đá đã chảy nước đen, và có mùi khi tôi mở ra...

Quả bàng vuông

Phó ban Tuyên giáo tỉnh Gia Lai hân hoan với thành quả của trạm khí tượng Song Tử Tây


Cà chua để dành đấy ạ

Đây là bí đao

Đây là bắp cải, dù thâm đen thế này nhưng vẫn là hàng để dành, chưa đến kỳ ăn

Đây là chanh

Tất nhiên là hành

Những chữ như thế này thấy ở khắp mọi nơi trên đảo

Đất chở từ trong đất liền ra

Để trồng rau như thế này

Ở đây chuối rất hợp khí hậu và tình người

Tuy thế cũng không ai nỡ ăn khi anh em ở đài Hải đăng mang ra mời khách. Có một bác ở đài này nói: lấy vợ 25 năm nhưng thời gian ngủ với vợ chưa quá... 900 đêm. Bù lại, lúc nào gần vợ cũng là... tân hôn, cũng là quấn quýt tít mù. Bác này nói suốt đời mang ơn vợ...

Dẫu mang đất ra, dẫu rào dậu như thế này, nhưng những cây chết như thế này rất nhiều...

Tạm biệt Song Tử Tây. Mấy cái mảnh san hô này là mình nhặt mang về tặng mỗi bạn một cái kỷ niệm

Như Nilja nhỉ?

Về lại với cái giường của mình, nơi tôi ngủ thế này 12 đêm trên tàu, để giờ về ngủ giường rộng tênh lại nhớ

Lại cứ nhăm nhăm xuống xuồng vào đảo

Và đây, trưa ăn cơm ở đảo Song Tử Tây, là mang tiêu chuẩn dưới tàu lên, đảo đãi thêm mỗi mâm 1 khúc cá luộc như thế này. Sau bốn ngày lênh đênh trên dại dương, trưa ấy mới được ăn một bữa cá tươi. Sau này, gần ngày về còn được ăn một bữa nữa, mỗi mâm 1 con cá chim luộc. Chỉ thế, còn đâu là ăn đồ mang từ nhà đi, lấy đâu mà hải sản, huhu...


4 nhận xét:

Mai Thanh Hải nói...

Tổ phục vụ của Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân bác ợ. Lữ 162 là Lữ tàu, gồm cả tàu chiến đấu và tàu Hậu cần - phục vụ. Tàu HQ-996 bác đi là của tàu Hậu cần của Lữ, nên khi đưa các bác đi "thăm viếng", phải "nhặt" quân (toàn sĩ quan, QNCN) ở các tàu chiến đấu sang, tăng cường làm công tác phục vụ cho chuyến đi.
Lữ đoàn 126 là Đặc công Hải quân, không liên quan đến tàu bè, phục vụ.
Hehehehe!

Nặc danh nói...

Bác VCH ơi, em ngưỡng mộ nhiệt huyết của bác vô cùng... Nhưng em không hiểu tại sao bác có thể chơi với tay photphet được nhỉ???

Văn Công Hùng nói...

@ Mai Thanh Hải:
Huhu anh nhầm, cứ mang máng 162 với 126. may mà còn nhớ đúng số, chỉ lộn vị trí thôi. Sẽ có một kỳ riêng về linh hải quân. Theo anh đấy là những người lính tuyệt vời nhất trong cả hệ thống quân đội và công an của ta...
Nếu tất cả công an, quân đội ta ai cũng như lính hải quân thì đất nước mình phồn thịnh lắm, là nhiều người nói thế...

Nặc danh nói...

Thêm được nhiều thông tin từ bác và các bác khác. Nhất là bác Mai Thanh Hải. Sành sỏi Trường Sa như ở nhà .