Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

ĐỨNG LÊN NGỒI XUỐNG VÀ...



Tôi thấy về cơ bản chúng ta vẫn dùng cách đứng lên ngồi xuống (tức là giới thiệu các nhà thơ hoặc người biểu diễn lên sân khấu, đọc hoặc ngâm xong là xuống, có thể có thêm vỗ tay và tặng hoa nữa)… Nhiều người không có khiếu đám đông thì run, vài bác răng cỏ phều phào nữa… thế nên nhiều nơi bị chê là tẻ, nhiều người bỏ về nửa chừng trong khi số người đến dự đã không lấy gì đông đảo.
Nhà thơ Phan Hoàng vừa làm một sê ri phỏng vấn các nhà thơ về Ngày thơ. Nhiều bác trả lời hay phết, nhưng cũng nhiều bác rất quy phạm. Mình tếu táo phát cho vui:
-----------


Bàn tròn văn học 1
Chủ đề: Ngày Thơ Việt Nam
Thực hiện: Phan Hoàng
NVTPHCM

1.              Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM vừa trôi qua để lại những dư âm khác nhau. Có nơi tổ chức thành công. Có nơi bị xem là thất bại. Với tư cách là một người làm thơ, nhà thơ đánh giá tóm tắt ra sao về cách tổ chức ngày thơ trong 11 năm qua?

VCH: Về cơ bản, 11 năm qua Ngày thơ đã trở thành một lễ hội quen thuộc trong cả nước. Đấy là cái được lớn nhất. Trước hết là một thói quen rồi sau đó trở thành một tập tục văn hóa. Thực ra thì thơ không phải là môn nghệ thuật dành cho số đông, nhưng tạo ra một lễ hội thơ thường niên như thế lại giúp cho nhiều người hiểu thơ, đến với thơ hơn. Tất nhiên, nói một cách công bằng, không phải nơi nào cũng có thể tổ chức như nhau. Cái chính là, những người tổ chức phải biết dựa vào điều kiện cụ thể của địa phương mình. Bởi khi đọc bằng mắt nó khác, khi ấy người đọc sống trong tâm trạng cô đơn cùng nhà thơ. Còn khi tổ chức thành “ngày” nó trở thành hội lễ với đám đông, vậy thì cách tổ chức phải tuân thủ quy luật đám đông. Rồi nó phụ thuộc vào lực lượng làm thơ (tác giả) của từng địa phương. Rồi phụ thuộc vào công chúng để tìm hình thức tổ chức phù hợp.  Tôi thấy về cơ bản chúng ta vẫn dùng cách đứng lên ngồi xuống (tức là giới thiệu các nhà thơ hoặc người biểu diễn lên sân khấu, đọc hoặc ngâm xong là xuống, có thể có thêm vỗ tay và tặng hoa nữa)… Nhiều người không có khiếu đám đông thì run, vài bác răng cỏ phều phào nữa… thế nên nhiều nơi bị chê là tẻ, nhiều người bỏ về nửa chừng trong khi số người đến dự đã không lấy gì đông đảo.

2.              Theo nhà thơ, nên tổ chức thế nào để thu hút công chúng yêu thơ đến với ngày thơ đông hơn?

VCH: Tôi nhớ có năm tôi tổ chức ở Gia lai một sân thơ thị giác. Tôi chọn gần 100 câu thơ hay, xong mời anh chị em họa sĩ và nhà thơ trẻ tới, nói chúng ta chơi một cuộc vui vẻ và vô tư nhé. Các bạn đồng ý, tôi dựa trên sở trường sở đoản từng người cung cấp thơ và… đất (là một khoảnh đất trong cái công viên), thế là các bạn ấy xắn tay vào làm. Thôi thì thúng mủng giần sàng, xe đạp xe máy, chum vại gạch đá, cả máy may nồi cơm điện nữa… đều được tận dụng. Ngày khai mạc, mỗi khoảnh đất gắn với một tác giả mỹ thuật, anh thì hàng rào, anh thì trải thơ lên cỏ, anh treo lên cây, anh viết vào chum anh dán vào giỏ… vân vân thành một cái sân thơ rất rộng và đa dạng. Và quan trọng là, rất đông người vào xem thơ. Họ xem, bình phẩm, thậm chí cùng tham gia vào… chứ không chỉ im lặng khiêm tốn ngồi nghe, vỗ tay và… thi thoảng ngáp như trong hội trường…
  Ngay ở sân Văn Miếu mà mười mấy năm qua Hội Nhà Văn đã tổ chức thành công với hàng vạn lượt người ấy, thì thực ra cũng có phải ai cũng vào để nghe thơ và có phải ai cũng nghe được đâu. Người ta vào với không khí thơ là chính, chứ đã thích thơ thì họ đọc cả đời rồi, đọc một mình hoặc cùng vài người thôi. Họ đến đấy là để gặp thơ và gặp nhau. Vậy chúng ta phải tổ chức cho họ gặp không khí ấy chứ không phải cứ nghiêm trang hội trường, và cách đọc thơ cũng không nên như cũ…
          Tôi thì nghĩ các ngày thơ sẽ tiếp tục phát triển hơn nhưng cách tổ chức sẽ khác hơn để nó có thể trở thành lễ hội của đám đông. Người ta đến để gặp thơ, xem thơ nhiều hơn là đọc thơ và nghe thơ…

Đây là ảnh thơ thị giác tôi làm năm ấy:






 Còn đây là... đứng lên ngồi xuống và... vỗ tay (có hoa tặng thì tốt):
















1 nhận xét:

mẹ mướp nói...

Cái anh trong tấm ảnh cuối cùng hệt anh Nguyễn Văn Trỗi trong giây phút thiêng liêng í nhở...:D