Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

NGHỀ THẦY...

Hôm tết mình... chém gió trên tv, là khách của...GRT, not VTV3. BTV có hỏi mình nghĩ sao về việc "mùng một tết cha... mùng ba tết thầy". Mình nói đại ý ngày xưa nó biểu hiện sự tôn sư trọng đạo, sự oách của thầy, nhưng nay thầy đang bị giải thiêng, học trò đến nhà thầy như phong trào...

Mấy hôm tết, blog bleo bị mốc, hôm nay lôi bài này ra, hợp với cái tiếng gió hôm mình chém trên TV...
---------

Thời chúng tôi, và chắc là cả trước chúng tôi nữa, thầy là một từ vô cùng thiêng liêng. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, rồi muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy... Các cô giáo trong mắt chúng tôi là những thiên thần lung linh, thậm chí có đứa còn cả quyết rằng là cô không... ngủ, không ăn, vì ăn ngủ thì nó thô tục quá, nó đời thường quá, cô là tiên cơ mà. Cô hiện diện trong giấc mơ của tất cả lũ học trò chúng tôi thời ấy, thánh thiện và trong veo. Chúng tôi biết và chứng kiến cảnh các thầy cô ăn độn mà vẫn đói, thức ăn là dưa chấm nước dưa, canh toàn quốc, điều kiện ăn ở vệ sinh vô cùng thiếu thốn tạm bợ... thế mà các thầy cô vẫn ngời ngời sáng trưng trong chúng tôi như thế.
 
          Đến giờ, không biết tự khi nào, cái nghề thiêng liêng cao quý ấy nó đang bị trần tục hóa đi, nếu không muốn nói một cách thật thà là nó bị tầm thường đi.

          Có rất nhiều nguyên nhân.

          Thứ nhất là học trò bây giờ rất thông minh nên thầy cô bị giải thiêng. Vụ cái cô giáo gì ở Hải Phòng nói tiếng Anh không chuẩn bị học trò góp ý rồi nổi khùng chửi liên khúc học trò bị ghi âm đưa lên mạng là một ví dụ.

          Thứ nữa là đời sống kinh tế thị trường đã trả các giá trị lao động về đúng vị trí của nó. Công sức bao nhiêu để học từ phổ thông lên sư phạm, nghề giáo tiếng là được ưu đãi thêm mấy chục phần trăm, nhưng đa phần là nghèo như mọi công chức khác. Nhu cầu học thêm là có thật, và thế là họ dạy thêm. Mà khi cô thầy đã dạy thêm một cách chính quy, tức là có sổ sách thu tiền chẳng hạn, vợ thầy đến tháng đứng chặn ở cửa thu tiền chẳng hạn, thầy đang giảng say sưa chợt nhớ quay lại nhắc em chưa nộp tiền thì mai đừng đến học chẳng hạn... thì quan hệ lúc này nó là quan hệ mua bán sòng phẳng rồi, không còn là đạo thầy trò nữa. Thêm vào đấy là phụ huynh. Ngày xưa lâu lâu biếu thầy con gà quả trứng, bao thuốc ấm trà nên luôn luôn thấy mắc nợ thầy, thấy chưa đầy đủ chu đáo với thầy. Thầy dạy con mình như thế mà mình chỉ có tí ti như thế gọi là tấm lòng, mà thầy vẫn vui vẻ nên đâm ra mình như người mắc nợ. Bây giờ thì đủ thứ tiền đóng cho trường rồi, cho hội phụ huynh rồi, cho quỹ lớp rồi, hàng tháng lại đóng tiền học thêm, môn nào cũng học, và các ngày lễ tết lại cũng mang phong bì biếu thầy cô chứ không cân cam bó hoa như ngày trước. Thế tức là cái ám ảnh mắc nợ không còn, mà chỉ có cái cảm giác bà chủ ông chủ, sòng phẳng và rành rọt, lạnh lẽo và dửng dưng...

          Nhiều thầy cô giáo giàu một cách khủng khiếp, giàu chính đáng, không tham ô tham nhũng, không ăn chặn ăn bẩn. Làm giàu chính đáng bằng dạy thêm, dạy liên tục ca này sang ca khác. Mở lò dạy, thuê thầy cô giáo giỏi dạy, và đã giúp rất nhiều học sinh vào đại học. Cả xã hội học thêm thì phải có nguồn cung ứng việc cần học ấy. Thế là các tổ hợp luyện thi, dạy thêm ra đời và phát triển rầm rộ.

          Nhưng tại sao bây giờ ai cũng phải đi học thêm như thế. Cũng thầy cô ấy nhưng nếu không học thêm thì không hiểu gì, còn nếu học thêm thì... thi đâu đỗ đấy?

          Nhưng không phải ai cũng như thế nhé.

          Những thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa, nhiều người dạy đến hai chục năm mà chưa bao giờ được nhận một bó hoa nhân ngày 20/11. Ngày ấy các em học sinh dân tộc bắt chước các bạn người Kinh thành phố, cũng tổ chức đi thăm thầy cô, hôm trước đấy chúng rủ nhau đi tát cá hoặc đi săn, được món gì mang vào biếu cô. Nhiều cô giáo đã cống hiến trọn tuổi xuân của mình cho các làng đồng bào dân tộc, lấy chồng sinh con ở đấy. Mà chả cứ các làng đồng bào dân tộc, ngay các làng vùng xa của người Kinh cũng thế, lấy đâu phong bì, lấy đâu hoa tươi ngày 20 tháng 11, và các thầy cô ấy vẫn dạy, vẫn hàng ngày đến lớp, vẫn tất tả lo học trò bỏ học, lo học trò đói, rét, lo học trò học dốt...

          Có khi chính chúng ta đang làm cho nền giáo dục bất an như thế. Ấy là một giáo trình lạc hậu, xa rời thực tế, cái cần thì không học và cái học thì không cần. Thêm nữa miền núi miền xuôi đồng bằng thành thị đều học như nhau một giáo trình, đều thi như nhau một đề, đều dạy như nhau một phương pháp. Trẻ con thành thị ở chung cư chật cứng thì làm sao mà hiểu mà cảm nổi câu thơ "cỏ non xanh rợn chân trời", tương tự như thế bọn trẻ con miền núi làm sao mà hình dung "Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn/ em không là chiều mà nhuộm anh đến tím" vân vân và vân vân.

          Chúng ta xã hội hóa giáo dục nhanh quá, nhiều quá, trong khi cái ưu việt của xã hội ta là nhà nước bao cấp về giáo dục y tế cho mọi người dân. Xã hội hóa giáo dục đến bây giờ thực chất là kinh doanh chữ. Mà cũng nói thẳng luôn là với cái lối nhà nhà mở trường tỉnh tỉnh mở trường như hiện nay thì chữ cũng chả còn mà bán, mà thực chất là bán bằng. Thực tế ấy ai cũng biết nhưng chả ai nói ra.

          Ấy là chúng ta quá trọng bằng cấp, trọng một cách hình thức, nên mới sinh ra nạn chạy bằng bằng mọi giá. Mà chạy bằng thì phải đụng đến thầy cô. Thầy cô bị kéo vào cơn lốc bằng cấp, vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm.

          Nghĩ cho cùng, giáo viên cũng là một nghề như mọi nghề khác trong xã hội. Dân tộc ta hiếu học và ở cái thời mà rất nhiều người mù chữ ấy thì người có chữ như các ông đồ được trọng vọng là đương nhiên. Giáo viên ngày nay cũng cần phải sống, cũng cần kiếm tiền nuôi gia đình và bản thân. Sang như các ông nhà văn thì có chữ nào ra các ông cũng bán ào ào, ai mà quỵt nhuận bút là các ông la làng cả tháng. Còn nhà báo thì bây giờ đếm chữ ăn... nhuận bút, vậy hà cớ gì lại kêu, lại thắc mắc chuyện các nhà giáo dạy thêm kiếm tiền.

          Vấn đề là nhân cách và lòng tự trọng của con người.

          Dù gì đi nữa thì nghề chữ nghĩa vẫn là nghề sang trọng. Dạy chữ nghĩa lại càng sang trọng. Và phải công nhận là đời sống nhà giáo bây giờ không khó khăn như ngày xưa nữa, nếu không muốn nói là trong thang bậc lương nhà nước thì nó cao nhất. Bên cạnh rất nhiều giáo viên trong sáng hết lòng với nghề với học sinh thì vẫn có những con sâu. Điều ấy là đương nhiên bởi ngoài xã hội thiếu gì người hư hỏng, kể cả đến chủ tịch tỉnh như ông Nguyễn Trường Tô, bí thư tỉnh như ông Đinh Văn Hùng ở Ninh Bình, nhưng khi các cô thầy có chuyện gì vẫn làm chúng ta đau lòng, vì chúng ta luôn nghĩ về các thầy cô bằng những gì trong sáng tốt đẹp nhất, thánh thiện tinh khiết nhất... Chả lẽ điều ấy lại quá khắt khe với các thầy cô?... 

          Xã hội học tập không có nghĩa là ai cũng phải có bằng cấp. Mà là ai cũng có chữ, hiểu biết đủ cho mình tiêu dùng và ứng xử với môi trường xã hội. Khi ấy thì con người phải học cho mình, học để thu nạp kiến thức chứ không vẹt lấy bằng hoặc để lên lớp. Và xã hội ấy đi học không phải đóng nhiều tiền, rất nhiều tiền như bây giờ. Và khi ấy, người thầy lại ngời ngời trong mắt không chỉ học trò mà cả xã hội.

          Như ngày xưa.

1 nhận xét:

Nguyễn Minh Tuấn nói...

Đầu năm bác oánh 1 bài về giáo dục, năm nay kiểu gì tụi em cũng được nhờ, hehe!