Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

TA BA LÔ

Trong đời mình đã một lần sang Tàu. Bạn bè mình cũng nhiều người sang Tàu, khi về viết báo lia chia ca ngợi văn hóa Tàu, và đều nhắc câu: bất đáo trường thành phi hảo hán, giống như không viết về Tàu chưa đi Tàu vậy.

Thì mình cũng từng đi một chuyến hoành tráng, cách đây hơn 8 năm, giờ lôi nhật ký ra, cop một ít ra đây vậy.
--------

TA BA LÔ:
 
            Một cú phôn, hai lần dựng đầu dậy giữa trưa chúng tôi đã có một giấy thông hành trong tay với phần ghi nghề nghiệp là “thương gia”, tất cả mọi người trong đoàn đều thành thương gia. Tất nhiên trước khi thành thương gia, thành “ta ba lô” thì chúng tôi vẫn là chúng tôi cái đã. Mà phàm đã là “chúng tôi”, tức là người Việt Nam, thì lên xứ Lạng là phải lùng bằng được phở chua, khoai môn tẩm bột rán, vịt quay, gà “ngày đi bộ tối ngủ trên cây”, rượu mẫu sơn ngọt lịm uống không bao giờ say, ấy là người xứ Lạng bảo thế. Chúng tôi được các đồng nghiệp xứ Lạng chiêu đãi tất cả những đặc sản trên của xứ Lạng trong một nhà hàng rất rộng trong thành phố. Mà ngon thật. Thường là thế này, rất nhiều nơi có đặc sản, thậm chí là rất nổi tiếng, nhưng không phải là ai cũng hợp với nó, nên nó mãi mãi chỉ là “đặc sản” trong tâm tưởng mọi người, mà món Cao lầu xứ Quảng là một ví dụ. Ở đây tôi  nhớ cái món phở chua ấy nhà hàng phải bưng thêm ra đến mấy lần. Các chợ ở Lạng Sơn cũng là một thế giới kỳ bí. Có 3 cái chợ lớn là Ðông Kinh, Kỳ Lừa và Tân Thanh thì chợ Tân Thanh ở sát biên giới còn 2 chợ kia ở ngay thành phố, điều kỳ bí là ở chỗ ba cái chợ ấy giá rất khác nhau, chênh lệch một cách khủng khiếp. Nếu không biết thì mua sẽ bị hớ ngay. Rẻ nhất là Tân Thanh, rồi đến Kỳ Lừa và đắt nhất là Ðông Kinh. Chợ Kỳ Lừa họp đêm rất thú vị, trên là trời, dưới là hàng Trung Quốc. Mấy ông bạn văn nghệ sĩ cùng đoàn với tôi bỗng nổi lên một cái thú là đi... trả giá, còn chi li hơn đàn bà, và họ hỉ hả vì mua rẻ hơn được năm ba ngàn, dù họ toàn là hạng “trăm nghìn đổ một trận cười như không”...

 
            Trở lại chuyện chúng tôi thành “thương gia” và làm “ta ba lô” trên đất Trung Quốc hồi 1995. Ba trăm năm chục ngàn nộp cho công ty du lịch (nghe nói đã có phết phẩy trong ấy, vì sau đó có người chào giá chúng tôi hai trăm bảy chục ngàn), 15 nghìn cho một tấm ảnh 3X4 lấy ngay bị dựng dậy ngay buổi trưa để chụp, thế là sáng hôm sau đã có một em xinh đẹp hướng dẫn viên của công ty du lịch đến đưa chúng tôi đi. Tôi lần thứ 3 xuất ngoại, 2 lần trước là... bước một chân sang biên giới Căm Pu Chia và Lào. Còn phần lớn trong đoàn là lần đầu tiên, vì thế mà xúc động lắm. Mà quả là biên giới Việt Trung hoành tráng thật. Thâm u và bí hiểm. Ðường độc đạo, núi thăm thẳm. Nhưng cái chợ Tân Thanh thì nhộn nhịp, và người, và xe nghìn nghịt. Xe chúng tôi phải dừng lại ở Tân Thanh. Ði bộ vài chục bước thì lên xe du lịch Trung Quốc đón. Chúng tôi có 7 người, nhưng trình độ điện đàm giữa 2 công ty sao đó mà họ nghe là... 17, và thế là đánh hẳn một chiếc xe hai bốn chỗ cùng hai hướng dẫn viên, thêm ông giám đốc công ty hình như có việc cùng đi. Cái xe nhìn ngoài thì kín mít trông như xe Nhật, nhưng khi chui vào thì biết ngay là xe trung quốc, vì nó nổ rất to, cái gì cũng kêu to, và rất xóc. Một anh trong đoàn nói giọng Nghệ rất to: xe nổ như xe cày. Cậu hướng dẫn viên trung quốc nghe thành “bao nhiêu cây”, vội vàng trả lời rất lễ phép: dạ thưa 18 cây ạ. Cả đoàn cười ồ. Từ cửa khẩu vào thị xã Bằng Tường vừa tròn 18 cây. Nhận xét ban đầu là Trung Quốc, ít nhất là Bằng Tường, không hiện đại và phát triển như Việt Nam. Ðường rất xấu. Xe rất xấu, nhà rất xấu...
 
            Có một loại xe giống xích lô máy ở Việt Nam nhưng xấu hơn nhiều, che chắn bằng vải rất xấu, được kéo bởi những chiếc xe gần giống xe mô kích, xe minxkơ mà toàn do phụ nữ lái. Nghe nói đi hết thành phố bằng tường chỉ 20.000đ.

             Trong tua du lịch có một khoảng thời gian dành cho khách đi mát sa, nghe nói có khu A khu B chi đó rất hoành tráng. Cô Huyền hướng dẫn viên Việt Nam nhóm cả đoàn lại thông báo: bây giờ em đưa hai chị đi gội đầu, còn Xoảng, hướng dẫn viên Trung Quốc đưa các anh đi mát sa. Sau vài giây hội ý bằng mắt, cả đoàn chúng tôi từ chối công đoạn này, chấp nhận hy sinh sự hiểu biết về một cách bảo vệ sức khoẻ kiểu trung quốc, và cũng coi như không có dịp... so sánh xem Trung Quốc khác Việt Nam thế nào?... 
          
            Một ngày lang thang ở cái thị xã Bằng Tường nhỏ tí mà cũng thấy mệt, mà thực ra thì chỉ là mấy tiếng đồng hồ. 10 giờ trưa mới sang đến nơi, 13h30 đã lục tục hò nhau ra về. Buổi trưa ăn cơm ở một nhà hàng lớn nhất thị xã gặp toàn người... Việt Nam nên cứ có cảm giác đang ngồi ở nhà hàng Thiên Thanh nếu không có mấy cô gái mắt một mí váy xanh và thú thực là không đẹp bằng ở Việt Nam, đứng phục vụ dưới ánh hồng rực của lủng lẳng lồng đèn. Chúng tôi mua một chai rượu tại quầy giá 50 ngàn nhưng uống không ngon bằng chai shochu 15 ngàn mua ở Pleiku. Còn cơm thì đã tính vào tiền vé tua du lịch, nên dù rất tò mò nhưng cũng chả biết là mỗi xuất bao nhiêu để mà so sánh và phẩm bình. Ngoảnh sang mấy bàn bên cạnh thấy họ dùng toàn Lúa Mới và Vốt Ka Hà Nội mang từ bên nhà sang. Bàn xoay, ai ăn món nào thì xoay bàn về phía mình mà gắp. Thức ăn na ná như của Việt Nam, trừ hai món là vịt Bắc Kinh quay ở... Bằng Tường, cứ gọi là vịt quay Bắc Kinh cho nó oách. Và món nữa là toàn lòng trắng trứng sốt lệt sệt như đậu hũ khi ăn phải dùng thìa xúc. Chả hiểu lòng đỏ họ để làm gì mà lại dành cho món này nhiều lòng trắng thế. Cái nhà hàng thì to rộng sáng choang thế nhưng khu vệ sinh thì... ngang cơ với khu vệ sinh của ký túc xá trường trung học Văn hoá Nghệ thuật mà tôi từng thỉnh giảng. Phố xá cũng thế, không sầm uất nhưng treo đầy đèn lồng nên trông cứ như đang trong ngày hội.
 
            Dân Bằng Tường nói riêng, Trung Quốc nói chung, đều... không thèm biết tiếng Anh. Có mấy lý do. Một là họ đánh vật với chính tiếng Trung Quốc cũng đủ bở hơi tai rồi. Học giả nổi tiếng nhất Trung Quốc thời hiện đại Quách Mạt Nhược khi còn sống đã thừa nhận chính mình cũng còn chưa biết hết tiếng Trung Quốc. Ai học tiếng Trung Quốc rồi thì biết, nó không ghép được như chữ La Tinh mà học chữ nào biết chữ nấy. Mà đất nước Trung hoa thì bao la thế, mỗi vùng lại có một thổ ngữ, phương ngữ, thổ âm... riêng. Thành thử đến như Quách Tiên Sinh mà còn thú nhận mình không biết hết tiếng Trung Quốc cũng là dễ hiểu. Hai là lòng tự tôn dân tộc. Họ cho rằng chỉ cần biết tiếng Trung Quốc là đã đối thoại với cả thế giới rồi. Và ai muốn đối thoại với thế giới, với người Trung Quốc thì hãy học tiếng Trung Quốc chứ người Trung Quốc không cần học tiếng nước nào hết. Thế nên chúng tôi vào chợ Bằng Tường và kể cả siêu thị, nơi mà nếu như ở Việt Nam thì nhân viên phải nói tiếng Anh như gió, thì toàn phải nói chuyện bằng... tay. Và những người bán hàng ở chợ có một thứ ngôn ngữ riêng để nói chuyện với những người... lạc hậu, biết tiếng Anh nhưng không biết tiếng Trung Quốc, ấy là nói bằng... máy tính. Anh cứ trỏ vào món hàng nào thì họ lấy máy tính bấm số tiền ra. Con số thì ai cũng biết rồi, nhưng rắc rối là đấy là tiền gì, vì có người bấm Nhân dân tệ, người thì nhân đôi giúp khách thành tiền Việt Nam (một tệ ăn hai ngàn Việt Nam đồng), thế nên thấy số rồi mà vẫn còn xì xà xì xồ, vung tay vung chân cứ như đang sắp đánh nhau. Lại nhớ hôm ở Tam Cốc Bích Ðộng, Ninh Bình, mấy anh mấy chị nông dân thứ thiệt chèo những chiếc thuyền nan bé tí, cả những đứa trẻ con ngồi dạng chân chưa hết lòng thuyền cũng chèo đò và đều nói tiếng Anh xoe xoé với khách. Thằng bé chèo chiếc thuyền của tôi người nhỏ như cái nắm cơm, học lớp chín, tưởng tôi là người... Nhật nên cứ  “How are you”, “What is your name?”, “Are you japanese?” làm tôi phải quát lên “Con nói tiếng Việt đi, bố là người Việt Nam”.
 
            Từng đọc báo nghe bảo cửu vạn Lạng Sơn buôn lậu thớt nghiến qua biên giới rất trúng. Chở bằng xe máy, phóng vù vù mỗi chuyến vài chục chiếc thớt kiếm lời hàng trăm ngàn. Thì tôi chứng kiến họ làm thớt nghiến ở ngay chợ Bằng Tường này. Cắt mỏng từng khúc gỗ ra rồi bào, và công đoạn kỳ diệu là... vẽ hoa văn cho thới. Chỉ vài đường ngoáy từ bàn tay cầm một dụng cụ như cọ vẽ của một người đàn bà thô kệch, mặt chiếc thớt đang nhẵn như... mặt thớt hiện lên các hoa văn lõi gỗ rất đặc trưng... gỗ nghiến. Hàng ngàn chiếc được xếp ngổn ngang một góc chợ. Rồi xe vào ăn hàng. Về đến Hà Nội, giá đã đội lên mấy lần. Nhưng có nhiều thứ hàng, nhất là hàng điện tử, giá lại đắt hơn ở chợ Tân Thanh bên Việt Nam. Vì thế cô Huyền phiên dịch vô cùng đắt giá khi liên tục được mọi người tham khảo rằng cái gì thì mua ở Bằng Tường, cái gì về Tân Thanh mua...

             Ở trên bảo người Trung Quốc không thèm học và biết tiếng Anh, các cửa hàng cửa hiệu chả có một tẹo English nào, nhưng tiếng Việt thì lại có. Dọc đường vào Bằng Tường, các câu khẩu hiệu đại loại “Cùng bù ưu thế, Cùng hưởng lợi ích, Cùng nhau phát triển” bằng hai thứ tiếng Việt và Trung được treo giăng giăng. Một số người bập bẹ nói được tiếng Việt, loại tiếng Việt nhát gừng không dấu. Tôi tranh thủ đi dạo phố trên cả hai loại phương tiện công cộng của Bằng Tường là tắc xi và xích lô kéo. Ông tài tắc xi nói được khoảng một trăm từ tiếng Việt bồi, và như thế là đủ để chúng tôi hót chuyện vang trời rồi. Tôi hát bài “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông..” ầm ĩ bằng tiếng Trung bồi học cách đây bốn chục năm rồi bất chợt hỏi, tất nhiên là bằng tiếng Việt: Thế hồi 79 ông làm gì? Ông ta ngớ người ra không hiểu, tôi hỏi mãi ông cũng không hiểu. Cũng có khi ông ta cố tình không hiểu. Té ra thời gian trôi nhanh lắm. Và lịch sử ởng như vô tình khép lại những gì đáng khép để mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ mà tôi đang đi ở một phần rất nhỏ nơi địa đầu đất nước có một nền văn hoá cực kỳ vĩ đại và rực rỡ mà nhiều lúc ngỡ như đang đi ở đất nước mình... Nhưng phía bên kia biên giới, phía đất nước tôi, vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ hy sinh thời 79 giờ vẫn lặng lđâu đó. Có ai quên họ không?
                                             10/8/2005   

4 nhận xét:

Unknown nói...

Bác VCH nói người Tàu không cho rằng cần học tiếng Anh thì giống kiểu đoán mò thầy bói xem voi. Bằng Tường là thị xã hẻo lánh biên giới Việt Trung chủ yếu là khách Việt thì người ta học tiếng Việt chứ tiếng Anh làm gì? Người Tàu ở đây sao đại diện cho dân Tàu ở vùng trung nguyên hay các thành phố lớn được.

Thế D. nói...

Ếch ngồi đáy giếng-Cách nay khoảng trên 15 năm tui có đến Côn Minh là thành phố du lịch cũng không thấy một chữ tiếng Anh nào ở công sở siêu thị và ngay cả khách sạn.Còn ở Châu Âu một số nhà hàng ẩm thực TQ cũng chỉ treo biển tiếng Tàu không có thêm tiếng Anh thậm chí tiếng bản xứ cũng không.(bây giờ thì tui không biết thế nào)

n nói...

Không biết người TQ dạy chữ cho trẻ con lớp 1 như thế nào,làm sao một đứa trẻ 6 tuổi có thể viết và đọc được tiếng TQ???
Tôi còn nghe một người Hoa kiều nói học sinh trung học ở TQ chưa đọc được sách báo tiếng mẹ đẻ ???

n nói...

Không biết người TQ dạy chữ cho trẻ con lớp 1 như thế nào,làm sao một đứa trẻ 6 tuổi có thể viết và đọc được tiếng TQ???
Tôi còn nghe một người Hoa kiều nói học sinh trung học ở TQ chưa đọc được sách báo tiếng mẹ đẻ ???