Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

CHẾT VÌ BỆNH SÍNH

Mình đang đi trên tắc xi, Hà Nội tắc đường kinh khủng, thì nghe Nguyễn Lưu gọi. Ông nói lào thào gì đó về B52 về tháng chạp. Mình bảo tối qua mình không xem tivi, có gì bác viết ra rồi em đưa lên blog cho chứ em đang tắc đường, khùng lên đây này, và tối qua em cũng không xem tivi nên không biết thực hư thế nào, bác viết thì bác chịu trách nhiệm nhé.


Sau... 5 cái tin nhắn qua lại hướng dẫn cách... mail thì tối nay mình về nhận được bài dư lày của nhà báo Nguyễn Lưu. Nếu quả thật như thế nài thì... buồn cười chứ chả chơi nhé...
---------


Chết vì cái bệnh sính…âm lịch

Xưa, dư luận thường chỉ trích những anh “dốt mà hay nói chữ”, nhất là cái thói ưa dùng chữ Tây. Giờ, chữ Tây xem ra đã làu làu và người ta bắt đầu sính cổ, ra cái vẻ tìm về cội nguồn, ra cái vẻ góp sức xây dựng nền văn hóa… đậm đà bản sắc dân tộc. Tốt thì tốt thật song xem ra cũng có nhiều sự quá đà. Thế cho nên có nhiều vị đăng đàn hay mở đầu theo kiểu “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh…”, thậm chí tại lễ động thổ một dự án to tướng nào đó cũng có kiểu này.

Mới đây nhất, vinh danh chiến công lịch sử của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm làm nên một Điện Biên Phủ trên không cũng được âm lịch hóa bằng cái việc thi nhau nói 12 ngày anh hùng đó diễn ra vào tháng Chạp năm 1972! 

Cơ khổ, đã nói năm 1972 thì phải nói tháng 12 còn nếu nói đến tháng Chạp năm Nhâm Tí thì lại cần biết tháng ấy bắt đầu từ ngày 12-1-1973 theo Dương lịch, trong khi cuộc chiến đấu của Hà Nội bắt đầu từ ngày 18-30/12/1972, tức là tháng Một theo lịch âm, đúng là chết vì cái bệnh sính!...

                                                           NGUYỄN LƯU

15 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thời buổi bây giờ người ta còn "sính" nhiều thứ lắm...nên chi mới "âm lịch" ra như thế. Thật hết nói !

Nông dân nói...

Không nói B52 thành B53 là tốt rùi,còn 12 hay chạp thì răng mà hiểu được.

Nguyễn Danh Lam nói...

Nhật, Hàn, Philipines... đều núp gió Mỹ để chống thằng Tàu. Thế mà mình cứ đem cái ngày "thắng" Mỹ này ra kỷ niệm tung hoành khắp 3 miền. Trong khi đó cái vụ năm 79 thì im thin thít, giấu cho bằng được. Rứa là răng bác Hùng?

Nặc danh nói...

"trong khi cuộc chiến đấu của Hà Nội bắt đầu từ ngày 18-30/12/1972, tức là tháng Một theo lịch âm, đúng là chết vì cái bệnh sính!..."
~> Tháng mười một âm lịch chứ không phải tháng một âm lịch bác ạ!:D

My iP nói...

@bạn nặc danh 18:20

Một ,chạp , giêng , hai,...mười.
Lịch âm không có tháng mười một.


Nặc danh nói...

@My iP
Mình đã sai. Xin lỗi mọi người đã comment sai.

Ninh nói...

Bác Nguyễn Thụy Kha ơi tim bác mênh mông quá, trường ca ca của bác có tựa đề:
Hà nội- Tháng Chạp nóng.

Bác VCH đã đọc chưa? trên VN số 51, VN cũng dốt,biết mần răng bác Hùng hè???

Nặc danh nói...

e đã nói rồi, xin nhắc lại, tha hồ phán xét. Năm nay nhiều nơi, nhiều sự kiện mới sáng tạo, sáng tác: Kỷ niệm 40 năm CHIẾN THẮNG Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Chỉ năm nay mới đẻ ra câu này. ĐBP là 1 cuộc chiến tranh vĩ đại của VN, và đã chiến thắng rồi. Tạm dịch CHIẾN THẮNG HÀ NỘI CHIẾN THẮNG, thừa chữ rồi. Khối nơi ko dùng khẩu hiệu mới này.Các bác bảo quê cháu nó gọi thế thì chịu... thua rồi

Nặc danh nói...

E đã làm lịch lâu rồi. Về ngày âm lịch. tháng 1 gọi là tháng giêng, tháng 12 gọi là tháng chạp, tháng 11 gọi là tháng MỘT, nhưng hầu hết tất cả các loại lịch ở VN đều dùng và gọi là tháng MƯỜI MỘT, cãi nhau với ai đây, tranh luận với ai đây? ai đúng, ai sai?

đoàn nam sinh nói...

Theo âm lịch, tháng Tý là tháng một/mười một, tức là năm mới bắt đầu từ đấy, còn tết cổ truyền thì sang đầu giêng. Sự nhầm nhọt này là do không nói rõ chuyện ngày tháng theo can chi trùng với ta chỗ nào và chệch với lịch Tây vì đâu.

hoathanhque nói...

@Ninh và VCH,
Tui xem báo VN số 51 thấy GS TS Đào Duy Quát thì"Hà nội tháng Chạp năm 1972 và bản lĩnh văn hóa Việt nam", còn Nguyễn Thụy Kha thì "Hà nội-Tháng chạp nóng".
Nhẽ Biên tập VN cũng không biết Một Chạp Giêng Hai ?
Đúng là "văn hóa" và "nóng" thật.

Daniel nói...

Thú thiệt ,nếu ko có bác Lưu đặt vấn đề này thì với tui , cụm từ "tháng Chạp năm 1972 " được hiểu luôn là tháng 12 năm 1972 , chẳng có gì bàn cãi , và tui đoán là có tới 99% các bạn hiểu và chấp nhận từ này , thậm chí nó còn gọn và dễ nghe hơn là tháng 12 năm 1972 .
Để ý tôi thấy tiếng Việt có rất nhiều từ ghép Tây - Ta - Tàu mà mọi người vẫn chấp nhận , ví dụ : áo sơ- mi , bánh xà-phòng , quần xi- líp... ( chả lẽ các bác trí thức lại phê bình : đã sơ- mi lại còn áo , đã xà- phòng lại còn bánh , đã xi- líp lại còn quần...????? ) .
Tại sao cách gọi gọn và dễ hiểu về tháng 12 như vậy chúng ta lại không chấp nhận ?
Trọng lịch âm , theo tôi có lẽ chỉ có tháng một là dễ gây hiểu lầm cho ai ko để ý.

My iP



Nông dân nói...

Ngài Daniel người nước nào vậy?

Daniel nói...

@ Ngài Nông dân :
Tôi người Việt , họ Nguyễn - Nguyễn Daniel .Tên tôi cũng nửa ta nửa tây , như tháng Chạp năm 1972 âm dương lịch đoàn kết vậy ...

Thai Nguyen Dinh nói...

Các bác ơi, cái thứ "tháng Chạp" này nó có xuất xứ từ lâu rồi, có lẽ từ ngày các báo Nhân Dân, QĐND và ĐPTTNVN đưa tin từ... tháng Chạp năm mà máy bay B52 nó đang tập kích Hà Nội cơ. Năm ấy em đang học lớp 8 trường huyện cơ. Không tin, các bác thử lướt thư viện là có ngay các bài viết ngày ấy và từ... "tháng Chạp"