Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

NGƯỜI VỀ

Tối qua nhậu ở Ziều đỏ quán, say say về ngủ dậy muộn (mình quảng cáo phát, các bạn có nhu cầu ăn nhậu nên đến Ziều đỏ quán, phòng ốc thân mật hiện đại, bàn ghế ấm êm, nhân viên tận tình chu đáo cỡ... Đỗ Trung Quân trở lên, món ăn vừa miệng, vừa nhậu vừa nghe bọ Lập tán phét, hơ hơ oách nhé). Làm các thủ tục xong thì đã... 9h sáng. Mở mail, thấy thư của bác Hoàng Hưng. Thì ra bác đã 70 tuổi. Cũng dịp 2/9 này nhiều người được tha tù trước thời hạn. Mình vẫn nhớ cái cảm giác rùng mình khi lần đầu đọc bài thơ "Người về" của bác Hoàng Hưng. Không chỉ rùng mình, nó lạnh từ gáy xuống chân. Cách đây mười mấy năm, mình nhớ mình đã "liều mạng" in bài thơ "Chó đá" của bác ấy trên tạp chí mà mình làm. In xong cũng rầy rà chút nhưng qua được. Bác Hưng có bài thơ tên hình như là "Ngói vỡ" cũng kinh: Có bao nhiêu nát tan/ đội lên đầu mà hát. Nó không chỉ là thơ mà là tinh huyết của con người.


Mình đăng bài "Người về" của bác Hoàng Hưng kèm bài bình của nhà thơ Vũ Quần Phương và chúc mừng bác Hoàng Hưng thượng thọ.
------------------



Người về
Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm con lạ một ngày

Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt

Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy

Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối

Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi

Giật mình
                một cái vỗ vai


Người về: Thơ hiện đại mà hàm súc như cổ thi
Vũ Quần Phương

Câu đầu của bài thơ: Người về từ cõi ấy. Cõi ấy là đâu mà nhắc lại tới ba lần. Tự nhiên, trong tâm trí, người đọc cứ phải lần mò mà đoán lấy. Mới đầu đã ngờ ngợ, rồi mơ hồ nhận ra. Mỗi chi tiết một rõ. Đến ý thơ cuối thì khẳng định. Không những khẳng định được cõi ấy là đâu, mà còn cho thấy cái tính chất ghê gớm kinh hoàng của cõi ấy. Nói mà như không nói, tả mà như không tả. Tất cả hiện ra từ tâm trạng người về. Ngừoi ấy không giãi bày  mà tâm trạng tự hiện lên dần qua từng chi tiết. Chi tiết đắc địa. Diễn đạt gọn sắc. Ngôn ngữ cô đúc, đối chọi. Rất hàm súc
Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm, con lạ một ngày
Vợ thì khóc, con thì lạ. Sao thế ? Thì thử đoán xem cõi ấy phải là cõi nào.Vợ khóc một đêm, con lạ một ngày. Chi tiết  đêm, ngày đều chỉ là một. Thêm một nữa thôi để tiễn biệt vĩnh viễn cái chặng vừa đi qua. Ngày mai sang chặng khác.. Câu thơ tám chữ, tách đôi thành bốn chữ cặp díp, chứa ba cặp ý sóng đôi nhau: vợ-con, khóc-lạ, một đêm-một ngày đủ cho thấy tâm trạng mọi thành viên một gia đình. Ngôn ngữ không thể gọn hơn mà diễn tả đúng nỗi lòng vợ con đến thế quả là một quan sát già dặn. Nhưng kinh ngạc hơn là từ nỗi thông hiều lòng vợ con ấy cho ta thấy sự sâu sắc trong cõi lòng người về. Anh hiếu nỗi chịu đựng của vợ và sự ngây thơ đến cay đắng của con không chỉ ở khoảnh khắc găpk mặt ấy mà còn ở cả những thàng ngày đằng đẵng khi anh vắng mặt. Thơ hiện đại mà hàm súc như cổ thi.

Ba lần nhắc Người về từ cõi ấy là ba lần quan sát phản ứng người mình gặp. Vợ con rồi, bây giờ đến người quen:
Bước vào cửa người quen tái mặt.
Sao mà phải tái mặt. Chắc bạn đọc thêm căn cứ để đoán ra cái cõi ấy của một thời hoặc một sách vở nào.

Sau người quen, đến người không quen:
Giữa phố đông người nhồn nhột sau gáy
Hình như có cặp mắt nào đang kín đáo dõi theo mình từ phía sau. Không dám quay lại nhưng linh cảm thấy rõ lắm nên mới nhồn nhột Cảm giác nhồn nhột sau gáy  là một phản xạ có điều kiện. Kiểu như người đã một lần ăn khế chua, sau chỉ nghe nói tiếng khế đã thấy tưa nước miéng. Kỳ thức đâu có khế, cũng như chẳng có ai dõi nhìn anh cả. Nhân vật nhầm nhưng tác giả không nhầm, ông đã tả thành công nỗi ám ảnh sợ hãi của người về

Ba điệp khúc, sáu câu ấy là một mảng ý. Mảng ý thứ hai là bốn nỗi ám ảnh trải theo thời gian, một năm, hai năm, ba năm, mười năm với bốn chi tiết, tinh vi đến lạnh người:
Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm  còn quen ngồi một mình trong tối
Một, hai, ba rồi nhảy vụt lên mười mà cái chữ còn vẫn nhũng nhẵng theo sau. Cái ám ảnh của cõi ấy khéo phủ lên cả đời người. Những chi tiết : nghẹn giữa cuộc vui, mộng toát mồ hôi, nhớ một con thạch thùng, quen ngồi một mình trong tối là những chi tiết nội tâm, cho thấy một thân phận, một nỗi khủng khiếp, một sự cô đơn.

Bốn câu thơ cuối thuộc mảng ý thư ba: nỗi sợ. Bất cứ lúc nào cũng nơm nớp. Một hôm nào đấy thấy có ai nhìn, một đêm nào đấy thấy có ai hỏi. Nhìn thì trân trối. Hỏi thì bâng quơ nên mới làm anh chột dạ. Bạn đọc ngờ rằng cái nhìn, cái hỏi này vốn tự nhiên bình thường, nhưng với người về, có lẽ thần hồn nát thần tính, nên mới thấy nó trân trối và có vẻ bâng quơ như cạm bẫy. Ý thơ cuối cùng khẳng định nỗi ngờ ngợ của người đọc là có lý. Chỉ một cái vỗ vai vu vơ mà anh chàng giật thót người.
Tội nghiệp quá. Kinh sợ quá. Bút pháp tả tâm trạng ở bài thơ này thật tài. Nói bóng mà ra hình, tả tình mà ra việc. Không chất chứa trong lòng không hiện ra ngòi bút được như thế.

                                                                                  6/2007





 

9 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài thơ diễn tả hay đến rợn người với tâm trạng tác giả, một người về.

My iP nói...

Chắc bài thơ này tác giả làm sau khi ra tù vụ án thơ " Về Kinh Bắc " năm 1982 . Nhà tù và A25 đã để lại dấu ấn khủng khiếp của nó trong sự nghiệp bảo vệ văn hoá khi 10 năm sau ( và chắc mãi về sau) nhà thơ Hoàng Hưng vẫn giật mình vì một cái vỗ vai bất chợt .
Nghe nói trong vụ án đánh thơ này có sự đóng góp của nhà thơ kiêm phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng Tố Hữu . Tố Hữu là bạn thơ của Hoàng Cầm như ông tự nhận.
Nhân đây tôi lại nhớ đến vụ thưởng thơ lùm xùm ở Đồng Nai giữa các bạn thơ . Chỉ lạ là 2 vụ này cách nhau 30 năm chẵn .

Ng Hai Minh nói...

Đọc bài thơ đã "rợn người", nghe lời bình còn "nghẹn tim"

Nặc danh nói...

Tui vừa đọc xong cũng có tâm trạng y như bác VCH! Vì nhà tui cũng trải qua những cảnh đó, không sai 1 chữ, không thừa 1 chữ !
Khi nào "qưởn", nhà thơ làm 1 bài về những người ở nhà đi. Lấy tư liệu từ nhà...tui chẳng hạn : Con bị đuổi học, xin việc không được, chính quyền cách mạng quanh năm "vận động" đi KTM, cắt "sổ gạo", hàng xóm không dám "giây với hủi". không những 3 đời mà đến 3 họ cũng bị liên lụy.
Những "món nợ" này, tui chỉ có thể forgive chứ không bao giờ forget. Quanh năm, mỗi khi có dịp như giỗ, chạp v v... tui đều kể lại cho thế hệ sau khỏi quên. (Đám cưới thì không kể, tội nghiệp cô dâu, chú rể, híc)

BKA nói...

đã đưa về http://buikimanhpoem.wordpress.com/2012/09/03/van-cong-hung-chuc-mung-hoang-hung/#more-7806

Vũ Xuân Tửu nói...

- Mình rất ấn tượng với cụm từ "nhồn nhột sau gáy", trong bài thơ Người về, của Hoàng Hưng. (Bây giờ, nhiều người cũng có cảm giác ấy). Lời bình của nhà thơ Vũ Quần Phương cũng rất xúc tích, gợi mở thêm biên độ bài thơ.
- Đề nghị nhà thơ Văn Công Hùng cho lên mạng bài Chó đá, và bài Ngói vỡ (?). Trân trọng cám ơn.
Vũ Xuân Tửu

Văn Công Hùng nói...

Bác Vũ Xuân Tửu: Em đã mail cho bác Hoàng Hưng đề nghị bác cho em bản word 2 bài thơ ấy để em đăng lên đây, chúng ta chờ bác nhé.

Vũ Xuân Tửu nói...

Chờ đợi đọc thơ là một niềm hạnh phúc, nhà thơ Văn Công Hùng ạ.
Vũ Xuân Tửu

Thienly nói...

Đọc bài thơ này lại thêm hiểu một ông anh, vốn lái máy kéo, dân tập kết, bị đi tù 3 năm (trước giải phóng) ở Miền Bắc, ông ra tù vợ đã ôm cầm thuyền khác, con gái gửi bà ngoại, ông gửi tiền ra nuôi.
Ông tâm sự (khi đã làm đến chức PCT một huyện ở Miền Tây): Đến giờ (nghĩa cả hơn chục năm sau) vẫn bị ám ảnh, nhiều đêm vẫn còn mơ thấy ở "cõi ấy", mỗi lần tỉnh dậy toát hết mồ hôi hột và không thể ngủ tiếp.
Có lẽ vì thế mà ông nhậu thần sầu luôn.
Và dễ khóc.