Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

CHIỀU BẠN

Phạm Dũng là bạn học lớp đại học với mình. Tay này đi bộ đội về rồi đi học, quê nửa Khánh Hòa nửa Hà Đông. Y sống ngất ngưởng, có thời mình đánh đu với hắn ở Sài Gòn đến... ngu người đi. Sáng giờ y điện cho mình liên tục, là check mail đi lấy một bài rất hoành của hắn để đưa lên blog cho nó tráng luôn. Mình đi họp mang iPad check mãi chả thấy mail đâu, trưa lấy laptop kiểm tra cũng không thấy, bèn gọi lại, nó cười khì khì bảo tao mail 2 lần rồi, nhưng về cơ bản có thể nó không bao giờ tới vì tao ngu lắm. Lúc sau thấy điện thoại của nó, mở ra thì con nó bảo chú đọc cho cháu địa chỉ. Trời ạ. Nhưng về viết thì mình rất nể tay này. Một loạt phim rồi kịch của nó góp cho vườn... cải nước nhà xanh tốt. Mình đăng cái này vì chiều bạn chứ có nhiều chi tiết chưa đồng tình với hắn.
---------------------------------




TỪ “BẢN ĐỒ ÁN ĐƯỢC CHỌN”
ĐẾN “HUYẾT LỆNH”

Sáng 25 tháng này, nhà hát kịch nói Hà Nội sẽ vào Huế tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Đoàn sẽ diễn vở “Huyết Lệnh!”, kịch bản của mình.

Mình nhớ vở kịch đầu tay mình viết là ở trường đại học Tổng hợp Huế. Hồi đó mình học năm thứ 4. Ấm ức vì chuyện khoa ngữ văn, khi chọn một số sinh viên cho ra Hà Nội học để sau này giữ lại làm giảng viên, lại không chọn những sinh viên xuất sắc nhất mà lại chọn những sinh viên “ngoan”, mình đã viết vở kịch này (cách viết là mình diễn và đọc lời thoại, Bùi Trường Sơn chép lại, Lê Sơn góp ý), sau đó đem dàn dựng.

Mình lúc đó khoái Thu Hiền nên rất thích đóng vai Hùng – người yêu của Hiền, hy vọng lợi dụng lúc diễn, hôn nàng một phát. Tuy nhiên Văn Công Hùng (chắc cũng yêu ngầm) dẫn mình đi ăn chè mậu dịch (một kiểu sơ khai của hối lộ) xin đóng vai ấy. Lúc đầu mình không chịu nhưng sau thấy hắn quỳ xuống khóc lóc van xin cứ y như nếu không được diễn vai đó thì hắn sẽ chết liền, mình đành nhường.

Vở kịch ấy chỉ được diễn phúc khảo sau đó thì… cấm. Thậm chí sau đó, kịch bản còn được gửi lên Tuyên huấn tỉnh ủy xem có ý đồ chính trị gì không.

Mình không có duyên ở Huế thì phải. Mình có một bộ phim đài truyền hình Huế làm, hai tập, tên là “Dấu lặng!”. Phim quay mất 300 triệu (lúc đó vàng 50, hi hi!) sau đó cũng bị… cấm. Mình chẳng biết vì sao bị cấm. May mình đã lĩnh trước 8 triệu nhuận bút.

Mình viết truyện, thơ được đăng báo nhưng chẳng bao giờ biết nhuận bút là gì. Tất nhiên là có nhưng sĩ diện chẳng bao giờ dám hỏi. Mà nó cũng không đáng bao nhiêu. Đó cũng là một trong những lý do mình bỏ thơ, truyện đi viết kịch bản phim. Có lẽ thời kỳ làm thơ viết truyện chỉ có bài “Nỗi Nhớ” nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc và tập truyện ngắn “Trinh tiết” được nhà xuất bản Trẻ ấn hành (vừa tung ra, bị dư luận, cơ quan chức năng lặng lẽ thu hồi) là đáng kể.

Kịch bản đầu tay của mình là “Phượng Sài Gòn”. Nói chắc nhiều người không tin, mình nghĩ ra cái tên ấy trước, thấy nó hấp dẫn, rồi mới nghĩ ra cốt chuyện. Lúc ấy mình đang thất nghiệp, Lê Sơn rủ vào Sài Gòn chơi, thấy Sài Gòn chộn rộn làm phim tư nhân thì ham. Ngồi tàu nghĩ cốt chuyện, về nhà (lúc đó ở Nha Trang) viết đúng 3 ngày, xong, mình chạy lại vào Sài Gòn, rủ bạn bè góp tiền vào làm. Nhuận bút được tính 5 triệu (đúng một cây). Kịch bản ấy mình viết có 23 trang đánh máy, Lê Sơn bảo: “Nhuận bút của mày, tính theo số trang, chắc chắn là cao nhất nước!”. Sau đó phim quay, Việt Trinh đóng vai chính. 82 ngàn người xem. Phim quay mất 130 triệu, bán thu về 260 triệu. Mặt các cổ đông cứ như có đèn thắp bên trong.

Sau đó mình làm tiếp một số phim nữa. Mình và Lê Sơn góp vốn mỗi đứa một nửa. Làm được cả thảy 4 phim, trong đó có hai phim hai tập. Phim sau cùng mình kiêm luôn đạo diễn. Mình láu cá viết một phim cắt ra làm đôi, chiếu hai lần, tính làm hai phim. Phim “Giang hồ - trinh nữ”, làm mất 300 triệu, bán sang tay cho Thái Hòa (ông này hiện vẫn làm giám đốc hẵng phim Giải Phóng) được 470 triệu. Tiền lời nhiều, mình, thêm một lần (lần trước làm đầu nậu sách) đóng góp cho sự phát triển của vũ trường, bia ôm, cờ bạc của đất Sài Thành.

Hồi đó mình còn chưa biết thứ gì hễ có cao trào rồi phải đến thoái trào, có tiền cứ tiêu vô tư. Đến hồi thoái trào, tay trắng, chẳng có nghề ngỗng gì, đành ngăn phòng cho mấy em cave thuê. Hai vợ chồng thu nhập có 400 ngàn đồng một tháng. (Vợ bỏ cơ quan là nhà xuất bản ở Nha Trang vào Sài Gòn canh chồng). Mình có cái xe máy thỉnh thoảng chở mấy em cave đi làm đĩ… để kiếm thêm thu nhập. Lúc đó nghèo đến mức thấy bạn là trốn, cứ y như mấy bà buôn thúng bán bưng trốn công an, trật tự.

Rồi một hôm có một thằng bạn nó vay mình mấy triệu. Mình đòi mà chẳng biết lấy lý do gì, bảo: “Tao có việc phải ra Hà Nội”. “Thế thì để tao mua vé máy bay cho, tao có người nhà làm đại lý bán vé máy bay!”. Mình OK! Nhận của nó tấm vé máy bay, đem ra trả lại, cô bán vé nói mình phải chịu thiệt 50 ngàn, tiếc quá, cầm về, thôi thì bay ra Hà Nội vậy.

Bay ra Hà Nội, chẳng biết để làm gì, (lúc đó mới xem phim “Đời cát” của Nguyễn Quang Lập, bèn nghĩ “nó viết được, mình cũng viết được”) thế là đến nhà một anh bạn thân ở Cầu Diễn xin ở nhờ và lao vào viết 4 kịch bản phim. Cả bốn kịch bản phim đều bán được. Kịch bản đầu đích thân Nguyễn Quang Lập giới thiệu bán giùm. Lúc đó có kịch bản bán được 8 triệu, cầm số tiền mua được 1,5 cây vàng trên tay, nói với vợ: “Kịch bản bán được thì thành vàng, không bán được thì chùi đít cũng đếch được!”

Sau đó thấy viết phim dài nhiều tập có tiền bèn viết Ban Mai Xanh. Lúc đầu phim này có 4 tập, sau chữa thành 10 tập, sau thấy thằng Nguyễn Minh Châu viết: “Những ngọn nến trong đêm” 18 tập, mình quyết tâm kéo dài Ban mai xanh ra thành 25 tập. Ẵm được gần 10 cây vàng, đã! Gặp thằng Châu bắt tay nó nói: “Tao chịu ơn mày!” Chắc đến giờ nó chẳng biết mình chịu ơn nó cái gì.

Sau đó viết liên tiếp 5 phim dài (đó là tính 5 phim bán được) đem xếp 5 phim đó thành cái nhà 5 tầng cao ngất ngưởng ở Sài Gòn, buồn buồn bỏ ra 30 triệu mua tủ với rượu ngoại chất đầy, ai đến cũng hát bài ca Phan Đình Giót! Cách đây mấy ngày, Ngô Xuân Hội chở chị Lâm Thị Mỹ Dạ ghé chơi, khui chai Hennessi một lít. Vừa uống vừa nhớ lúc bị tạm giam hồi làm đầu nậu sách, mình chỉ ước ao sau này ra có được chai rượu ngon để đãi bạn bè.

À, đang nói chuyện kịch cọt… Cách đây hơn hai năm, nhân có Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, mình đi xem 7 vở, có nhiều vở quá dở, thế là lao vào viết. Viết xong bán được ngay 3 vở: “Biệt thự ma” – sân khấu Sài Gòn, “Mẹ ơi!” Sân khấu 5b – sân khấu của Hội sân khấu thành phố. “Huyết lệnh” – Nhà hát kịch Hà nội. Cả ba vở nhuận bút khoảng 150 triệu. Đưa vợ 100 triệu mua vàng, cất. Còn 50 triệu để dành xem có thằng nào khó khăn thì cho mượn. Cho đến giờ mới có 2 thằng mượn. Nói chung bạn mình bây giờ giàu, nhiều người có lòng tự trọng giống mình, nghèo thì “biến!” chứ chẳng thèm vay ai.

Có tiền rồi, có giải rồi - phim kịch gì cũng có giải, gom hết tiền giải cũng được hơn trăm triệu – (Sao mình hay nói đến tiền thế nhỉ. Ám ảnh nghèo hèn chăng?) Bây giờ ngồi viết “mấy thứ để đời”. Phim thì viết “Người đàn ông cởi truồng”, “Xe bus 103”, “Anh em ruột thịt…”, kịch thì viết Bạo chúa, Vua Nguyễn Ánh, Nguyễn Du…

Sở dĩ nói “để đời” là vì nội dung kiểu như: Một cô gái yêu kẻ hãm hiếp mình, hay ám chỉ lãnh đạo chẳng khác gì bạo chúa… thì chỉ có mấy thằng điên điên kiểu Cù Huy Hà Vũ mới dám làm. Nhưng có làm thì mấy ông tuyên huấn, trong đó cũng ối thằng vẫn đang là bạn mình, toét còi.

Tác phẩm nghệ thuật mà không đi chênh vênh trên bờ vực thì mong gì hay! Từ “Bản án được chọn” cho đến “Huyết lệnh” (Riêng “Huyết lệnh” thì bị tuyên huấn sửa một “cái” tương đương như một cô đi thi hoa hậu nhưng bị phẩu thuật nhũ hoa, và đó cũng là lý do ngày 25 này mình không có mặt ở Huế!) là một quãng đường đời mình đã trải.

“Sống tức là vấp ngã!”. Câu đó mình đặt vào cửa miệng một nhân vật, trở thành chính nét chủ đạo đời mình. Tự dưng nhìn chồng kịch bản cao cả mét trước mặt, thầm nghĩ: “Nếu có thứ giấy mỏng để in kịch bản thì hay, để khi mình chết, con mình còn có thể đem ra chùi… cái ấy!”.

Sài Gòn 20 tháng 7 năm 2012
Phạm Dũng
0986699802

14 nhận xét:

Dũng gù nói...

Cái tên Phạm Dũng thì tôi nhớ láng mang có nghe ở đâu ,nhưng phim và kịch và truyện và thơ của ông thì chưa đọc bao giờ .Qua bài này thấy văn Phạm Dũng bị văn Bọ Lập ám ảnh ,còn theo những chuyện kể thì ông Dũng này co nhiều điêm giống với các ông Dũng khác như Bùi Tiến Dũng ,Lương Quốc Dũng ...cái máu liều và to gan .

Nặc danh nói...

Đồ sộ thế thì đừng chùi mà phí đi,nên in thành tuyển tập. Tui thấy GS Hoàng Như Mai có tuyển tập rất đồ sộ và rất đẹp.

Trần Thi Thư nói...

Ông Phạm Dũng này có phải GS Xoày Trọng Chấm không bác Hùng ?

Văn Công Hùng nói...

@ dũng gù: hehe, liên tưởng kinh quá, nhưng dũng này khác các Dũng khác, một trời một vực nhé...

Văn Công Hùng nói...

@ Sơn- Thi- Thư:
-------
hehe hoàn toàn không phải...

Nặc danh nói...

CHÌU chuộng.
Bác dư chữ "ê" rùi ! hì hì...

Nặc danh nói...

Vui đao đe

Dong nói...

Kể khơi khơi mà hay thiệt, tự hào vì quen được bạn của ông Dũng này, he he.

Nặc danh nói...

he he...ông Dũng này ở đâu ra vậy?

Văn Công Hùng nói...

CHIỀU chuộng mới đúng bạn ạ, chìu là sai hoàn toàn nhưngbnhieeuf ngườivdungf sai nên cứ tưởng là đúng

quan lang nói...

Chìu, bác Hùng ơi. Có gốc gác cả. Bác có cho đăng thì em viết hẳn một bài đàng hoàng về từ này thôi.

Văn Công Hùng nói...

Quan lang: xin mời, nhưng bằng vào tư duy củA một người khá sành tiếng Việt, tôi vẫn bảo lưu là CHIỀU, hehe...

Bùi Công Tự nói...

Theo Từ điển TV ,CHIỀU có 3 nghĩa .
1,khoảng thời gian từ trưa đến gần tối
2,bề,gió chiều nào che chiều ấy .
3,theo ý muốn của người khac ,chiều theo ý bạn là nghĩa này .

Chiều bạn nói...

Bác này giết chết phim truyền hình VN.