Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

GIA LAI BIÊN PHÒNG KÝ


Có điều cái đập vào mắt chúng tôi là những cánh rừng đang cháy, và cả những bãi gỗ cũng đang cháy. Không chỉ một bãi mà đến mấy bãi. Chả lẽ mất công kéo gỗ từ rừng ra tập kết bên đường mà rồi lại đốt? chúng tôi băn khoăn không biết nó có liên quan gì đến việc khởi tố vụ án phá rừng kia không, vì đoạn rừng và gỗ cháy ấy cùng thuộc xã Ia Mơ và Ia Puck. Những bãi gỗ nghi ngút cháy loang giữa chiều như những vết thương trên mặt đất cứ ám ảnh chúng tôi mãi, rút điện thoại ra định gọi cho ai đó phản ánh nhưng rồi không biết gọi cho ai. Ai cũng là chủ rừng, nhưng khi cần, tìm một ông chủ rừng thực sự, bằng xương bằng thịt thì lại loay hoay mãi mà tìm không ra?...
(Hê hê phải chờ đến hôm qua báo Văn nghệ in bài này thì hôm nay mới dám post lên)... 
----------------------



               Mùa này, trời Tây Nguyên đang đẹp.
          Là nói đẹp thế chứ ai cũng biết, một chuyến lên biên giới không chỉ căn cứ vào thời tiết đẹp xấu mà nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, dù nói thật, lên biên giới bây giờ nó cũng dễ như... đi chợ. Sau khi bỏ lỡ một chuyến đi Trường Sa, chuyến đi mà tôi ao ước mãi, tôi quyết định tham gia một chuyến đi lên 3 đồn Biên phòng của huyện Chư Prông.

          Trước khi đi thì thông tin công an Gia Lai khởi tố vụ án phá rừng ở huyện Chư Prông, cụ thể là ở xã Ia Mơ đã loang ra, đến 7 người đã bị bắt, trong đấy có con trai một vị hàm trưởng phòng của chi cục kiểm lâm Gia Lai. Chả hiểu rồi những ngày tiếp theo vị này sẽ làm việc như thế nào, nhưng cái câu lưu truyền từ rất lâu: Sau lưng mỗi lâm tặc là... kiểm lâm vận vào trường hợp này thì quả là... quá đúng. Rừng Tây Nguyên đã bị phá khủng khiếp ai cũng biết, về cơ bản là đã... xong rồi, hoàn thành kế hoạch rồi. Rất nhiều tỉ phú đã trở thành đại gia nhờ rừng thì ai cũng biết. Nhưng phía sau các đại gia phá rừng ấy là gì thì không phải ai cũng biết. Cách đây hơn chục năm tôi đi cùng xe của chủ tịch huyện Chư Prông thời ấy vào Ia Lâu, Ia Mơ, đi xe của chủ tịch huyện mà... lạc. Xe cứ miên man chạy mãi giữa bạt ngàn mênh mông rừng, rồi bị patine giữa mùa khô bởi... bụi, bánh xe xục lút vào bụi trong khi cầu thì kênh lên đường, rồi lạc sang tận đất Campuchia, chạy loay hoay cả nửa ngày mới trở về được, nên khi lên đến đồn biên phòng Ia Mơ thì đã trật chiều, bữa cơm nguột ngắt với mịt mù bụi đỏ. Giờ, đường và 2 bên đường quang đãng, thông thống như đường cao tốc nước ngoài, chạy tí đã đến nơi. Có điều cái đập vào mắt chúng tôi là những cánh rừng đang cháy, và cả những bãi gỗ cũng đang cháy. Không chỉ một bãi mà đến mấy bãi. Chả lẽ mất công kéo gỗ từ rừng ra tập kết bên đường mà rồi lại đốt? chúng tôi băn khoăn không biết nó có liên quan gì đến việc khởi tố vụ án phá rừng kia không, vì đoạn rừng và gỗ cháy ấy cùng thuộc xã Ia Mơ và Ia Puck. Những bãi gỗ nghi ngút cháy loang giữa chiều như những vết thương trên mặt đất cứ ám ảnh chúng tôi mãi, rút điện thoại ra định gọi cho ai đó phản ánh nhưng rồi không biết gọi cho ai. Ai cũng là chủ rừng, nhưng khi cần, tìm một ông chủ rừng thực sự, bằng xương bằng thịt thì lại loay hoay mãi mà tìm không ra?

          Thì đã nói, giờ lên với các đồn biên phòng, dẫu có xa nhất như 731 đi chăng nữa thì cũng chỉ vài ba tiếng, đường ngon phẳng lì, thông thoáng và... thông thống mắt chứ không như thời xưa vừa đi vừa vạch rừng và lạc giữa rừng. Và các đồn đều rất khang trang, hiện đại, tiện nghi và sạch đẹp. Lên đồn thích nhất là thoáng đãng, đêm ngủ thấy cứ trong veo, dù ngủ ở giường của lính nhường cho, lạ chiếu lạ chăn, chiếu và vạt giường cứng chứ không mềm êm như nệm ở nhà, và tắm thì ra bể, dùng gàu múc nước dội ào ào như thời sinh viên. Nhớ hồi nào lên đồn 729 bây giờ mà kinh, nước nấu xong cứ vón cục lại ở dưới đít nồi đít ấm, nó còn ăn thủng cả đồ nhôm. Nhìn cái bể chứa thấy toàn các cạnh sắc nhọn như san hô chìa ra. Ấy là nước vùng này có vôi. Thế mà lính vẫn phải dùng dù đã được xây bể chứa nước mưa nhưng nào có đủ. Muốn dùng nước thì phải cất như chưng nước cất qua ba bốn bận mà vẫn còn cặn. Giờ đồn chuyển sang chỗ khác, dùng nước khoan, nhưng nước khoan cũng chỉ dùng để tắm rửa, còn nước ăn thì đã có một hệ thống bể nước mưa, mỗi ngôi nhà đều được kèm một cái bể nước mưa, rất nhiều bể chứa nước mưa, mùa mưa tất cả nước mưa từ các mái nhà đều được dồn vào đấy, dùng quanh năm không hết.

          Cái thích nữa khi lên đồn là ngắm các đặc sản tăng gia. Làm gì thì làm, sau đấy đều được chỉ huy đồn đưa đi thăm khu tăng gia. Vật nuôi thì đủ loại, từ to như bò, dê, tới gà vịt, có cả gà sao bay như chim nữa. Heo thì ngỗn nghện cứ một mẹ heo vú vê lòng thòng là có chục em heo con loẵng ngoẵng theo sau. Mà giờ toàn nuôi heo địa phương chứ không như ngày xưa toàn vác heo lai về nuôi cho... được thịt. Có đồn còn dụ cả heo đực rừng thứ thiệt giao phối với heo sọc dưa ra cái giống mà bây giờ vào nhà hàng ở thành phố thế nào cũng được giới thiệu là heo rừng. Chó thì khỏi nói, chúng là lính canh chứ không phải thực phẩm, đồn nào cũng vài chục em. Rau thì mơn mởn sạch, nhìn đã thấy mê, đủ loại. Hôm ở đồn 729, nghe anh em kêu háo, trung tá Lê Xuân Kế đồn phó quân sự, trực chỉ huy còn cho người đi hái cả rau sam, loại rau tưởng chỉ còn trong ký ức, trồng trong vườn về luộc.

          Suối cũng là một đặc sản của các đồn biên phòng. Tất nhiên không phải đồn nào cũng có suối, nhưng nếu đồn nào đã có suối thì thế nào khách lên cũng được vác ra để giới thiệu món "của nhà giồng được". Và đương nhiên là tắm, là bắt cá nướng tại bờ, là mắc võng ngả lưng mà nghêu ngao cùng lính...
Tớ thì bảo tớ nuy vì môi trường nhưng có đứa nó phát hiện trông tớ giống... rùa hồ Gươm, hehe...

          Nhưng đấy là mùa khô. Mới mùa mưa năm ngoái, tại đồn 731 này có một chiến sĩ bị thương. Chỉ huy biên phòng tỉnh điều 1 xe vào, kèm 2 tài xế, 2 quân y và "5 chiến sĩ đặc nhiệm to khỏe, mặc áo mưa nhận nhiệm vụ khẩn". Trừ lái xe và quân y là biết nhiệm vụ, còn các chiến sĩ đặc nhiệm "to khỏe" kia khi lên xe mới được phổ biến nhiệm vụ: vào đưa một chiến sĩ bị thương ra bệnh xá. Xe chạy từ 9 giờ sáng hôm nay đến... trưa hôm sau mới ra đến bệnh xá biên phòng tại thành phố Pleiku. Đại úy quân y Nông thị Hài kể với tôi: may là "thằng" ấy nó bị bệnh không chết ngay, chứ bệnh khác thì với thời gian từng ấy đủ chết rồi. Lái xe Trưởng, cũng hàm đại úy, người trực tiếp lái xe hôm ấy thì kể, có lúc xe chìm trong bùn, không thấy cả... đèn, ống xả cũng bị bùn vào bịt luôn đến nỗi có người trên xe kêu lên: xe chết máy rồi trong khi thực ra là xe vẫn nổ máy. Các chiến sĩ cùng 2 lái xe  kéo xe nhích từng tí một, chạy được dăm cây lại sa lầy, lại loay hoay kéo đẩy... đến khi ra đến bệnh xá không ai nhận ra ai vì tất cả nhuộm một màu đỏ từ đầu tới chân. Và đấy là chuyện mới xảy ra, ai cũng nhớ, còn trước đó ư, nhiều lắm, ai mà nhớ được. Nhưng lính mà, chuyện ấy là thường, hầu như ai cũng nói vậy khi tôi gợi chuyện, và những người có mặt trên chuyến xe tôi vừa kể kia khi kể lại chuyện cũ cũng rất thản nhiên, không có vẻ gì như đã trải qua một cuộc đi khủng khiếp cả, dù con đường ấy khi đi vào mùa khô, như chúng tôi đang đi bây giờ chỉ mất hơn 3 tiếng đồng hồ.

          Một nỗi ám ảnh nữa của lính biên phòng là... rắn cắn. Y sĩ Nông Hiền Lương của đồn 731 tụt giầy ra khoe với tôi ngón út đã được tháo khớp giờ là 1 cái hố sâu hoắm vào bàn chân. Anh kể anh phải tháo khớp ngón chân đến 3 lần. Rồi anh kêu đồng đội mở va ly lấy cho tôi xem hột đậu Lào mà bây giờ người lính biên phòng nào cũng thủ ít nhất là một hạt. Nó là 1 hạt đậu màu nâu hơi giống hạt cao su, to bằng ngón tay út. Nghe nói nó xuất xứ từ Lào chứ một số vùng ở Việt Nam có cây này thì gọi là hạt rắn cắn. Đấy là cây họ dây leo hơi giống cây mắt mèo. Thế nó có công dụng gì? Đơn giản thôi, khi bị rắn cắn thì ngay lập tức bổ đôi hạt ra (ai hào phóng thì để nguyên hạt) úp vào chỗ bị cắn. Vết thương rắn cắn ấy sẽ hút cái hạt này khiến nó dính khít vào. Và cái hạt này sẽ hút hết chất độc trong nọc rắn ở vết thương ra. Khi nào nó nhả ra thì lại lấy dao cắt chỗ ấy đi tiếp tục úp vào đến khi nào nó hết dính thì thôi. Nhưng đấy chỉ là sơ cứu bước đầu, còn sau đấy thì vẫn phải ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, mà ở đây là đưa thẳng vào bệnh viện 211 của Quân đoàn 3, chứ ngay bệnh xá biên phòng cũng chưa đủ điều kiện xử lý. Thì rõ là cái hạt ấy có công dụng rồi, nhưng lạ là chưa thấy ai phổ biến hoặc là ươm nhân giống thử, mà hiện tại mới là kinh nghiệm của một số anh em biên phòng và những người hay đi rừng khai thác gỗ. Bằng chi tiết này trong bài viết này tôi kiến nghị các chuyên gia y tế nghiên cứu và thẩm định công dụng của hạt đậu Lào trong việc chữa trị rắn cắn để có kết luận chính thức và nếu đúng nó công dụng như thế thì nên nhân ra để phổ biến cho toàn xã hội.

          Nông Hiền Lương vừa là y sĩ, vừa là người dân tộc Tày, rất có kinh nghiệm về rắn mà còn bị tháo khớp ngón chân như thế thì nếu người bình thường thì sao. Mà anh kể, hôm ấy anh đi giầy ba ta nhé. Rắn độc nhiều loại cắn xuyên qua giầy vải. Nguy hiểm nhất là lúc chạng vạng tối, là lúc nó đi săn mồi, lúc này nọc của rắn vô cùng độc, ngay lập tức nó làm người bị suy hô hấp, máu tan ngay và liệt thần kinh... Nghe anh kể tôi bất giác nhìn xuống... gầm bàn. Anh cười bảo trong đồn giờ có bói cũng không ra rắn, nhưng là khi đi tuần ấy, thì liệu hồn nhà văn ạ.

          Ở các đồn, từ chỉ huy tới chiến sĩ đều rất hiếu khách. Hiếu khách đến mức... ngại. Trung tá chính trị viên đồn 731 Nguyễn Trung Đạt sau bữa ăn sáng với cơm, canh, trứng, thịt đã đích thân đưa chúng tôi đi thăm toàn bộ cơ sở đồn sau đấy đưa thẳng ra... bờ sông Ia Lốp, ăn trưa tại "nhà lồng". Ai cũng tưởng đấy là cái nhà lồng mà đồn làm thật, thì té ra nó là một cái vòm cây tự nhiên to như cái nhà và mát hơn nhà, trải bạt xuống dưới ấy rồi ngồi ăn thì nhà lồng bằng gỗ thật nhé, đứng xa nhìn cho đỡ tủi. Trung tá Lê Xuân Kế còn... dỗi khi chúng tôi có ý định từ chối không uống chút rượu vào buổi trưa vì sợ buổi chiều sẽ không đi địa bàn được, và tối thì có cuộc giao lưu đọc thơ và hát với lính. Điều cơ bản là, do công tác dân vận tốt, nắm địa bàn tốt... nên công việc của lính biên phòng bây giờ cũng khá nhàn. Thời gian rỗi thì tăng gia, ngoài công việc chuyên môn thì còn chơi bóng chuyền, bóng đá, bi a, hầu như đồn nào bây giờ cũng có một bàn Bi a và bàn bóng bàn, điều mà rất nhiều dân thành phố mơ không có. Và cuối cùng, cũng phải nói thật, là uống rượu. Nhớ lần trước đi cùng đoàn của báo Biên Phòng do đại tá phó tổng biên tập Phạm Thanh Khương dẫn đầu, về tôi viết một cái ký, có kể là ở đồn biên phòng nọ rượu rất ngon vì... anh em tự nấu lấy. Đại tá chính ủy bộ đội biên phòng Gia Lai khi ấy là anh Đức đã vừa cười vừa nói với tôi: Mày muốn tao bị kỷ luật hay sao mà bô bô kể chuyện bộ đội biên phòng nấu rượu. Khổ, nào tôi có biết, lại tưởng thế là đáng... viết vì đấy cũng là một hình thức tăng gia tự cải thiện.

          Đường tuần tra có thể được gọi là một trong những tác phẩm vĩ đại của bộ đội ta. Nghe nói nó đã khít được toàn bộ biên giới cả trên núi đồi và bờ biển. Với con đường này, lính đi tuần sẽ đỡ khổ hơn rất nhiều,  và nếu có hữu sự thì cơ động cũng rất nhanh. Đường bê tông phẳng lỳ nhấp nhô ẩn hiện trong rừng, vực suối, thung lũng, núi cao. Các đồn biên phòng chính là điểm nối của con đường dằng dặc bao quanh đất nước ấy. Một chiều muộn, tôi mượn xe máy của đồn, một mình chạy trên con đường tuần tra ấy để tự nghe cảm giác của mình. Mấy trăm bước chân bên kia là nước bạn, cái cảm giác chạy trên khoảng cách bấp bênh trong và ngoài nước nó vừa thiêng liêng vừa lạ lẫm. Gió lồng lộng và chênh chếch trăng khiến cứ nao nao như đang ở miệt đồng bằng. Gặp một cậu biên phòng phóng xe ngược lại, hỏi đi đâu, bảo em đi tắm suối nhưng... quên mang xà phòng, vừa chạy sang đồn biên phòng 703 của cảnh sát Campuchia mua. Tôi tò mò hỏi có đến đấy được không, cậu chiến sĩ bảo em dẫn anh quay lại. Một cái chốt chứ không phải đồn, đơn sơ hơn bên ta nhiều. Ba bốn chiến sĩ da đen đặc trưng nói tiếng Việt bập bẹ. Nhìn phát thấy ngay công tác tổ chức đời sống của họ thua ta xa, có một anh chàng mua một số hàng hóa nhu yếu phẩm về đây... bán lại. Hình như chủ yếu là bán cho nhau và một số thợ rừng vì tôi thấy dân ở khá xa, năm bảy cây số chi đó chứ không quây quần như bên ta. Hỏi thì được biết cán bộ chiến sĩ hai đồn khá thân thiết với nhau, có việc gì cũng... hú nhau, chủ yếu là ta hú vì như đã nói, ta có điều kiện hơn. Gặp mùa mưa, bên họ không tiếp tế được, quân ta san cả gạo mắm muối ra giúp bạn.

          Ở cả ba đồn các buổi tối chúng tôi đều tổ chức giao lưu với cán bộ chiến sĩ. Té ra lính biên phòng rất nhiều tài, nhiều chàng hát rất hay, nhảy rất đẹp. Có một hôm ở suối, tôi đã tròn mắt khi xem một chiến sĩ trẻ say sưa ngồi gõ... bát. Anh dùng 2 chiếc đũa gõ vào ba cái bát, rất điệu nghệ và rất chuẩn theo tiếng ghi ta của một anh chàng chuyên nghiệp học ở nhạc viện ra, giờ là lính của đội tuyên truyền văn nghệ. Thích nhất là khuôn mặt anh chàng này, đắm đuối mà lại như vô cảm, nửa như đang trước mặt đây, nửa lại như lạc xa xăm đến phương nào. Cái nụ cười hồn nhiên như trẻ con càng làm cho cái âm thanh đũa bát ấy nó vấn vít khiến tất cả cứ lặng đi mà nghe mà ngắm... 
          Trong những đêm chúng tôi giao lưu đều có rất đông bà con xung quanh đồn đến tham gia. Trong một đêm như thế tôi đã cáp đôi cho chàng thượng úy rất đẹp trai, chính trị viên phó của một đồn với một cô bé rất xinh, chân dài như người mẫu, da mịn như hoa hậu của công ty cao su An Biên, một công ty của Binh đoàn 15. Chả biết có đi đến đâu không, nhưng đêm ấy, sau khi cô bé kia về, chả cứ chàng thượng úy, mà tôi thấy mọi người trong đồn đều có vẻ xốn xang lắm. Cũng như tôi, ba ngày sau khi về, lúc ngồi gõ những dòng này, thấy lòng vẫn xốn xang, dù mình là gã mày râu thực sự...
                                                                   Đêm 1/4/2012
                                                                        V. C. H

9 nhận xét:

nhatrang nói...

Em cũng vừa làm 1 chuyến trên Ja lai-buôn mê- Đấc nông về đây anh ạ. Mà em ko được sướng như anh đâu( em đi kiểm tra cầu trên đường Q.lộ. Em đi hết Q. lộ 14c thì cũng đã thấy mênh mông rồi. Vẫn còn rắn ngóc cao đầu chào đón.Còn lại Q.lộ 14,19,27,25 thì cũng bình thường. Đường đi trong rừng nhưng k tìm ra bóng râm ngồi nghỉ. Buồn nhất là đi q.lộ 19 đến đèo Mangyang bị mấy chú lính ông Thu( người cùng quê)mời nghỉ 15phut lập biên bản quá tốc độ.Mất toi 300ng với 1 ngày nằm khan trong nhà nghỉ chờ lấy giấy tờ xe

Mai Thanh Hải nói...

He! He!. Em nhận ra mấy mợ Đội VNXK của BP tỉnh rồi nhá!..

Lọ mọ như bác, về viết cái đầy đặn thế này, cũng đáng.

Nặc danh nói...

Ia Puch anh à.
ku nguyenphuong

Nặc danh nói...

Ia Puch anh à.
ku nguyenphuong

bimbim nói...

Vừa đọc "Gia Lai biên phòng ký " trên VN số 21, bác có dùng một từ tiếng tây là patine làm em không hiểu, hình như bác định nói là patiner?

Văn Công Hùng nói...

@ Nha Trang:
-----------
Tạo vì không xưng là... cháu Anh Nhanh hoặc anh cu Luyện đây nên bị phạt

Văn Công Hùng nói...

@ Mai Thanh Hải:
----------
Hì, mấy mợ ấy toàn học trò tớ, chỉ gọi cu Hải bằng anh thôi.

Văn Công Hùng nói...

@ Nguyễn Phương:
---------
Ơ thế à, thôi để thế cho ra... tây.

Văn Công Hùng nói...

@ Bimbim:
-----------
Là mình định nói xe bị sa lầy ấy, bị pa ti nê ấy, chả biết nhớ thế nào lại viết ra thế, huhu...