Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

TRINH TIẾT, NGÔN NGỮ QUÁ ĐÀ VÀ HỆ QUẢ GIÁO DỤC

Hê hê mình lấy cái tít như một... mệnh đề triết học, chỉ để nói rằng, mấy ngày nay mọi người ồn lên việc TS Lê Thẩm Dương "văn tục", rồi đề thi về trinh tiết... làm mình cũng... xốn xang.


Và tỉ mẩn ngồi xem TS Dương giảng bài, và mình thấy... thích quá. Nền giáo dục mô phạm với lối giảng bình mở bài thân bài kết luận giờ được mở ra thêm một cách, một kênh, một sự "quá đà"... mới, nhưng mình thấy được sự thích thú của người nghe, và bản thân mình cũng thấy không chối tai lắm nếu không nói thẳng là hấp dẫn.


Rồi cái đề thi của Đại học FPT, huhu cũng bị mổ xẻ. Cơ khổ, chúng ta quên một điều rất cơ bản của dạy văn và học văn là học và dạy phương pháp, cách tiếp cận tác phẩm, thao tác văn chương... chứ cảm xúc thì làm sao ai giống ai mà bắt người này phải nghĩ giống người kia, và, thi văn thì có 1 đáp án chung cho mọi cảm xúc.




Huhu mình không chống chế, nhưng đấy là lý do mình bị 1 điểm văn thi vào đại học hồi nào, vì mình cương quyết không bình bài thơ theo kiểu "bài thơ có 4 câu chia làm 3 đoạn", rồi nào là tố cáo, nào là ca ngợi, nào là bài học, nào là ý nghĩa...


Vậy nên mình đồng cảm với bài sau đây của Đào Tuấn. Gã này rất trẻ, mình đã cùng đi Lý Sơn với y, và có hôm đã quá nửa đêm mình cứ nửa ngồi nửa nằm ngắm nó trong cái nhà trọ nóng như rang ở đảo: Sao trông nó ở ngoài như thế mà nó lại viết sâu sắc thế, hay thế. Tự vì trước đó khá lâu mình đã đọc nó, cứ hình dung nó là một ông già chỉn chu mô phạm, huhu gặp nó, trẻ măng phúng phính, đầu trọc má căng rất em chã, lại còn nghe đâu rất... sợ vợ nữa... thế mà nó viết thế này:


Chữ trinh, Thị Nở và một nền giáo dục giãy nảy




Cứ theo cách thức tư “duy giáo khoa” phải chăng sẽ dẫn đến một thứ logic gái bán hoa tên Kiều phải “còn trinh” và Thị Nở thì phải tát vào mặt Chí Phèo để “bảo vệ “phẩm giá”?

Năm 2007, báo chí đã kể câu chuyện học sinh cấp 3 “dứt khoát trả lời” trong bài trắc nghiệm, rằng: Cô Tấm chui ra từ quả… chuối. Lý do, học sinh thấy như bị xúc phạm, và sinh ra hành động phản kháng- khi đề thi trắc nghiệm môn văn lớp 10 hỏi rằng: “Cô Tấm chui ra từ quả gì: A.Quả na; B.Quả chuối; C. Quả thị; D. Quả bưởi.
 
Một cách phản ứng hoàn toàn không chuối, rất xứng đáng với một đề bài quá chuối. Đó là giai đoạn ngành giáo dục
đổi mới thi, kiểm tra, từ hình thức đề tự luận sang đề trắc nghiệm. Hình thức mà sau đó có người nói đến sự ngớ ngẩn khi đề văn phải giải như…toán.

Chấp nhận đưa “Chuối” vào một đề văn bất chấp sự lố bịch, ngớ ngẩn. Ấy thế nhưng khi đề tài tự luận xung quanh cái “màng trinh” của ĐH FPT vừa “hé lộ” trên báo, các giáo sư, các tiến sĩ, các nhà giáo dục liền hăng hái xông vào …ném đá. Lần này không liên quan tới hình thức thi, kiểm tra, mà liên quan đến cái màng trinh trong đề bài. Cũng đơn giản đã là bởi “tư duy giáo khoa”, rằng cái “màng này màng nọ” có đánh dấu xxx thì không thể được đưa vào..giáo dục, dù là bậc nào, dưới hình thức gì.

Nhưng học sinh thời nay không phải là gà muốn nhét gì thì nhét. Có học sinh, đọc những bài phê bình của các vị GS, TS trên báo đã cho rằng cái đề thi của đại học FPT không phải “
nghiêng về cái gọi là ủng hộ việc không coi trọng trinh tiết, không cần giữ trinh tiết trước khi về nhà chồng”, mà điều người ra đề muốn nói là “Hạnh phúc thật sự không nằm ở cái trinh tiết”. Thêm một cái mở ngoặc là “Có lẽ GS N hiểu sai đề thì đúng hơn”. Nếu ai cho đây chỉ là thiểu số thì xin hãy xem lại các luồng dư luận sau sự kiện “văng tục” của TS Lê Thẩm Dương để thấy rằng học sinh giờ không dễ chấp nhận lối giáo dục kiểu “Cô Tấm chui ra từ đâu”.

Không thể có một nền giáo dục “mở toang”. Không thể chấp nhận một lối giáo dục không có biên giới về sự tế nhị, không có dấu ngoặc kép “”. Nhưng cũng không thể chấp nhận một “nền giáo dục bưng tai nhắm mắt” với mọi hiện thực xã hội, một “nền giáo dục giãy nảy” với những điều bình thường nhất. Bởi chính sự cực đoan quanh những cái dấu xxx trong giáo dục suốt bao năm qua đã khiến nó sinh ra những cái quả, những câu chuyện ngớ ngẩn đại khái “Đại gia nước đá trả con dâu vì cho rằng mất trinh”.

Bệnh dị ứng này thực ra đã có “tiền sử”. Tháng 3 năm ngoái, Chí Phèo bị các giáo sư “thổi còi”, còn thị Nở, bị các nhà giáo dục “treo đèn đỏ” khi đoạn “quan hệ vườn chuối” bị cắt khỏi SKG.

Dù nhiều
nhà phê bình văn học nhìn nhận, đoạn này thể hiện góc con người nhất của anh Chí, cũng biết yêu thương và khát khao được làm người. Nhưng các vị giáo sư đáng kính nhất nhất lắc đầu. Một vị giải thích “Đoạn đó mô tả tỉ mỉ “quan hệ” giữa Chí Phèo và Thị Nở trong vườn chuối, làm khơi gợi nhiều điều khiến học trò lứa tuổi này liên tưởng đến những cái không tốt, không có lợi cho giáo dục”.

Khổ thân cho anh Chí, giờ chỉ trần trụi là một thằng rạch mặt ăn vạ.
Tủi cho Thị Nở, thành một thứ gái nham nhở khi không “tát vào mặt Chí Phèo để bảo vệ phẩm giá”. Oan cho Nam Cao, ông giờ cũng có phần trách nhiệm trong việc viết ra đoạn văn người nhất về Chí Phèo, làm học trò thời nay liên tưởng đến những “cái không tốt”. Khốn nạn cho cả “cái không tốt” khi nó vốn xưa cũ như trái đất mà không ai, kể cả các giáo sư tiến sĩ, không sinh ra từ “cái không tốt” đó cả. 

Cứ theo cách thức tư “duy giáo khoa” mà chúng ta đang, một cách cưỡng từ đoạt lý- bắt học sinh của thời đại Internet phải học, phải chăng sẽ dẫn đến một thứ logic gái bán hoa tên Kiều phải “còn trinh” và Thị Nở thì phải tát vào mặt Chí Phèo để “bảo vệ “phẩm giá”?

“Căn bệnh dị ứng” của các nhà giáo dục đã khiến cho những “cái không tốt” trở thành quá nhạy cảm- một sự nhạy cảm không cần thiết. Và vì thế, đám học trò hoặc tự do tìm hiểu ngoài đời sống, trên internet, hoặc ngô nghê đến mức đau đẻ còn tưởng mình đau ruột thừa. 

Bởi trong khi các nhà đạo đức, các nhà giáo dục mải mê tranh cãi quanh cái màng trinh trong đề thi tự luận của một trường đại học là thô tục hay không thô tục thì các nữ sinh vẫn đều đều sinh con. Tháng trước, một nữ sinh lớp 12 ở Nghệ An “bất ngờ sinh con ngay trong giờ học”. Tuần trước, nữ sinh lớp 10 ở Bến Tre “bất ngờ sinh con ngay sau giờ thể dục”. Và hôm qua, lại xảy chuyện một nữ sinh lớp 8 đẻ con. Lần này, thật bất ngờ, báo chí hoàn toàn không dùng tư “bất ngờ” nữa. Không khó lắm để nhận ra, cả 3 nữ sinh này đều không bị ảnh hưởng bởi “sự kiện vườn chuối” trong sách giáo khoa lớp 11. Cả 3 câu chuyện đều cho thấy, không chỉ gia đình, các nữ sinh đều rất lơ mơ tơ về chuyện sức khỏe sinh sản khi mà sinh con rồi mới biết mình… sinh con. 

Khi mà các nhà giáo dục giãy nảy với mọi, thậm chí là từ ngữ tế nhị, khi mà trường học “đóng cửa” với hiện thực xã hội thì có lẽ chưa có giới hạn cuối về “độ lớp” của việc nữ sinh sinh con. Liệu có một ngày báo chí sẽ phải giật những hàng tít, đại loại: Không bất ngờ, Nữ sinh lớp 5 sinh… bạn, chẳng hạn!


12 nhận xét:

ptuanha nói...

Cái này bác Sầm (nguyên hiệu trưởng một trường trên Hà Giang) rành lắm đó.

Văn Công Hùng nói...

@ Ptuanha:
--------
Thêm anh Tô nữa cho trọn bộ, anh ấy từng chỉ đạo giáo dục của tỉnh mà.

Dodeugia nói...

Bác ạ, em chẳng biết nói gì nhiều khi mà người ta cứ hoắng cả lên về " ngôn ngữ quá đà và hệ quả giáo dục ". Vụ Lê Thẩm Dương, vụ đề thi FPT người ta phê phán, chỉ trích, mổ xẻ...Với em đó là việc làm của những người mà các cụ xưa kia gọi là bọn hủ nho. Khi tư tưởng hủ nho còn ngự trị thì con em chúng ta chỉ có thể trở thành gà...công nghiệp.
Thật đúng là " chuột chù chê khỉ rằng hôi "

Nặc danh nói...

Tôi cũng đã được xem TS Lê Thẩm Dương gảng bài và bài giảng thật thú vị. Phải nói rất hấp dẫn, rất gần gũi với người nghe và nói như lời TS. Dương "Trao đổi như ngồi nói chuyện ở quán cà phê, không chuyên gia chuyên diết con khỉ mốc gì hết ..." hì ... hì ...

Lê Khánh Mai nói...

Bài rất hay. Nhất trí nhất trí

ảo vọng nói...

Tui không nhớ đã trực tiếp nghe ông Dương này giảng lần nào chưa. Có lần học một khoá nâng cao về kinh tế, cũng được các vị tiến sĩ, thạc sĩ tương tự giảng bài. Điều mà cả lớp hầu như đồng lòng nhất là đều hào hứng, chăm chú khi người dạy ... tán dóc ngang với thời gian truyền đạt kiến thức. Và đều...ngáp ngắn ngáp dài, thậm chí bỏ tiết, nếu có mặt một vị, vừa vào lớp đã tự giới thiệu mình là nhà văn, nhà báo kiêm giảng viên luật. Đơn giản vì vị này giảng như đọc văn bản có sẵn, ít liên hệ thực tế để, và thiếu hài hước trong dẫn truyền. Giáo dục - suy cho cùng - cũng tựa như nghệ thuật, ở chỗ người thực hành nó cũng cần có cái khiếu hấp dẫn người nghe trời cho, lắm khi còn cần thiết hơn cả việc tích tụ đủ đầy kiến thức.

Văn Công Hùng nói...

@ đoeugia:
-------
Nhất trí cao với bạn.

Văn Công Hùng nói...

@ Nặc danh:
-------
Tôi cho rằng giảng được như anh Dương là không dễ nếu không muốn nói là cực khó vì nó vừa phải có kiến thức tổng hợp, biết 10 nói 2, vừa phải có năng khiếu hoạt ngôn và cả diễn tả cảm xúc...

Văn Công Hùng nói...

@ Lê Khánh Mai:
------
Nhất trí nhất nhất trí

Văn Công Hùng nói...

@ Ảo vọng:
------
Tôi cũng vừa xong 1 lớp 2 năm, và số đọc nguyên xi cho học viên chép té ra đông không thể tả, trong khi học viên bay giờ rất hiện đại, ngoài laptop, USB... họ còn trang bị máy ghi âm, quay phim... ghi lại hết. Nên tóm lại thầy đọc, máy ghi, trò ngồi... lướt web.

Phu Yen Doan nói...

Cái title của chú làm cháu nhớ Hồ Xuân Hương :)

Cháu nghĩ thế này : tưởng tượng "nó" như một loài cỏ dại không những hại mùa màng mà còn là nơi trú ngụ của nhiều loại côn trùng chỉ biết gây hại. Rễ của nó ăn sâu, bám chắc tới độ không thể nhổ nỗi ...Chỉ có một cuộc cách mạng đào bới thật sâu thật rộng và toàn diện thì may ra..

My iP nói...

Tôi không biết rằng trong chương trình học của học sinh trung học có phần giáo dục về sức khoẻ và giới tính cho các cháu học sinh cuối cấp không .Nếu có môn này chắc sẽ tránh được những chuyện như Đào Tuấn viết.
Cái câu hỏi trắc nghiệm "cô Tấm chui ra từ đâu " hình như là câu trắc nghiệm của môn giải phẫu sinh lý chứ không phải là câu hỏi của môn văn ,đề nghị các bác hãy kiểm tra lại trước khi phê phán .