Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

ỄN LÊN ĐÊM

Sáng mùng một, trong rất nhiều email gửi đến, có 1 cái thư của nhà thơ Lê Hưng Tiến. Đây là người mình chưa từng gặp nhưng đã có đọc, có nghe tên. Chả có gì vui hơn khi sáng mùng một có người nhớ đến mình, blog mình và mình cũng làm được điều gì đó cho bạn viết...






LÊ HƯNG TIẾN TRONG THẾ GIỚI ỄN LÊN ĐÊM
Inrasara


Ngôn từ thơ với độ chuẩn xác cao, chọn lọc kĩ nhằm tiếp cận và thể hiện chính xác hiện thực - Lê Hưng Tiến từ chối đòi hỏi đó.
Diễn tiến câu chuyện một trường ca có lớp lang, thứ tự; có thể xáo trộn sự kiện, đảo lộn thời gian cho có vẻ hiện đại nhưng cần nhiều chi tiết đắc - nhà thơ này cũng cố tình bỏ qua.
Đi vào Ễn lên đêm là đi vào sự rối tù mù, rối tù mờ. Đã lạc vào nó, ta như kẻ mò chữ và nghĩa trong đêm hoang tưởng đen. Lê Hưng Tiến xô ta rơi tõm vào mớ bòng bong của một giấc mơ quái đản, ta bước lạng quạng và đụng vào cả chuỗi chữ và âm, không nghĩa:
bộ mặt ẽo à ẽo ọt…
sự ở ngủng ngẳng đằng thằng dấu lẳng lặng…
có đựng con cón con cỏn con còn con cọn con con…
lộng gió lộng óc và lộng ngôn!
Chữ lộng ngôn chữ.
Chữ đẻ ra chữ, lôi kéo chữ, chữ lặp lại chữ. Âm kêu gọi âm, móc nối nhau, chồng chéo và trùng lắp. Vô nghĩa, bất cần đến nghĩa.
Lê Hưng Tiến lặp lại chữ, lặp âm vần, và lặp lại câu. Nguyên câu hay chỉ thay đổi một/ một vài từ, hay lặp và nhại âm:
tầm nhìn giăng tối lồng lộng lòng thòng trí nhớ
tầm nhìn giăng sáng lồng lộng lòng thòng trí nhớ

ăn nhầy nhụa tủy sống
ăn quên cái đồng dao loã bóng
ăn quên cái đồng dao lão bóng



Đây không phải lặp lại và vần của thơ tân hình thức với mục đích giữ nhịp cho chuyện kể, mà là sự lặp lại dằng dai dây dưa nhằm làm cho câu chữ rồi tung và tù mù lên hơn nữa. Chúng không gì hơn là thể hiện sự bức bối, quẫn bách, tù túng trong bất lực tìm hệ qui chiếu giữa âm và nghĩa, giữa ngữ nghĩa và hiện thực cuộc sống.
Cạnh đó, anh còn thoải mái đẻ chữ mới dựa trên âm tiết chính của từ ghép hay từ láy. Hiện tượng này từng có mặt ở thơ Đinh Linh: choãi vã, bơ phở, đại đường,… nhưng với Lê Hưng Tiến, chúng nhiều không đếm xuể: khốn rốn, thắc thẻm, cổn cảng, rỗng rễnh, chổn chảng, nghe móng mánh, hấm hứ nhảy múa,… Chúng ngập tràn đến nghĩa của chữ mất hút. Cả hiện thực cũng mất hút.

Tất cả mớ hỗn độn hổ lốn kia nói lên điều gì?
- Chẳng nói lên cái gì cả. Chúng chỉ gợi. Gợi những diễn dịch nơi người đọc. Bao nhiêu diễn dịch không là vấn đề! Người đọc cùng người viết bi lôi kéo vào dòng chảy bất tuyệt của chữ và âm, đồng sáng tạo trên trò chơi chữ và nghĩa bất tận này. Trong thế giới như là mớ bòng bong bất tận này.
ý nghĩ đen cứng
ý nghĩ cương cứng
thằng Nại trêu chọc dương vật tức thở dưới âm phủ
bao vây sương khói
bao vây ký ức
bao vây dòm dỏ sàm ngôn
bao vây sự nghiêng ảo mô phỏng thần hồn
bao vây thời thế
bao vây ức chế


Thế nhưng, cho dù không ý đồ thơ tái hiện hiện thực, giữa trận đồ chữ mù mịt này, Lê Hưng Tiễn vẫn cho người đọc lờ mờ nhận ra cuộc sống bế tắc nơi kí ức của một cơ thể hổng hểnh với đôi ba ý tưởng mắt lưới chìm ngập giữa vũng lầy những giấc mơ không cánh; sự lẩn quẩn không lối thoát của vài kẻ mồ côi ý tưởng đang chỏng cẳng biệt xứ; vài sinh thể mà bản thể đã đánh mất một phần ba tư cách, nhân cách, tính cách. Đánh mất luôn lí lịch cá nhân:
không tên không họ không hàng
không ngày không tháng không năm sinh

Trường ca Ễn lên đêm bắt đầu bằng câu ngồi chầu hẩu đôi ba ý tưởng mắt lưới và kết thúc với đoạn:
gã chính quy gã
gã chính quy gã
gã chính gã
gã chính gã
đầy hối hả, gấp gáp.
Người đọc có thể đọc nó ở câu hay đoạn nào bất kì. Nó vẫn vậy. Trường ca không nhằm kể một câu chuyện. Nó chỉ là mớ âm thanh vô nghĩa được ú ớ giữa giấc hoang bởi một óc hoang tưởng trong thế giới đã đánh mất sự liên hệ giữa hiện thực và ngôn ngữ. Nó vẫn khả năng lôi cuốn chúng ta đi vào nó, để qua mớ hổ lốn hỗn độn trùng trùng ấy, mỗi người diễn ngôn nó theo cách của mình.
Lê Hưng Tiến chỉ mong có vậy, chắc thế.
  Sài Gòn, 22-7-2009.




Trong ý thức của nhà hậu hiện đại mọi văn bản vẻ như không phải là kết quả cuối cùng của hoạt động sáng tạo của chủ thể, không phải là sự thực hiện dự đồ của tác giả, mà là không gian luôn luôn trôi chảy, luôn luôn biến đổi của sự giao tiếp ngôn từ. Tư tưởng này có thể ứng cho trường ca Ễn lên đêm của Lê Hưng Tiến. Chắc tác giả cũng không nghĩ mình là làm hậu hiện đại đâu. Phần chắc là nhà thơ chỉ muốn thoát khỏi sự tù túng của nghĩa, sự giam cầm của chữ, sự bó buộc của ý, theo như quan niệm thông thường là trong suốt. Cho nên anh thoát ra bằng cách làm thơ là làm chữ. Làm chữ, lạ mà quen, quen mà lạ. Thì dân gian chả đã nói từ xưa xửa xừa xưa là “lựa lời mà nói” đấy sao, lựa lời tức là chọn chữ, chọn cách phối hợp chữ, chọn lối lập câu, để nói thế này là ý thế này, nói thế kia là ra nghĩa thế kia. Vậy tức là xác lập một văn bản mở, ở đó chữ, và tiếng, và từ, vừa là chủ thể vừa là khách thể. Ai đọc Ễn lên đêm thấy trúc trắc, trục trặc, khó hiểu, cũng chẳng sao. Ai đọc Ễn lên đêm thấy lờ mờ ý gì đó, tưởng gì đó, sau những câu chữ điệp, láy, xoắn cuộn, tách rời, cũng chẳng sao. Ai đọc Ễn lên đêm đòi nọc tác giả ra đánh vì làm đau chữ đau tiếng Việt và làm khổ cái mồm lỗ tai người đọc Việt, cũng chẳng sao. Ai đọc Ễn lên đêm khen ngợi tác giả biết biến hóa câu chữ từ tiếng ngôn ngữ để tìm cấu trúc, lập cấu trúc của thơ, cũng chẳng sao. Chỉ một điều biết: Lê Hưng Tiến làm thơ là thế, Ễn lên đêm là đây, mời đọc. Văn bản mở để ngỏ cách đọc. Và mọi cách đọc đều đồng thời và bình quyền, đấy cũng lại là một tư tưởng hậu hiện đại.
(PHẠM XUÂN NGUYÊN)

2 nhận xét:

mẹ mướp nói...

có phải ông/anh/bạn í học theo lối thơ của bác Trần Dần không?

quan lang nói...

Mẹ mướp @:
Mình vẫn thấy những tập hợp câu chữ đơn sơ mà tải được ý, được lý, được đạo mới thích. Câu chữ hậu hiện đại này không thuộc cái gu của mình, dù có thể cảm nhận được chút gì đó, nhưng chuyển tải sự mới mẻ thì dường như chưa thể, còn hư huyễn lại càng không.