Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

THÁP MƯỜI NƯỚC NỔI

Mình đi Đồng Tháp Mười về, quăng mấy cái lặt vặt lên blog trước, sau đó ngồi cặm cụi viết một cái dài hơi. Viết xong đưa Văn Nghệ già, chờ mãi, hôm nay nó ra mới dám đưa lên đây. Bản này mình cop lại từ web Hội Nhà Văn cho khỏi phải trình bày...




Đồng Tháp Mười mùa nước nổi

Văn Công Hùng - 01-12-2011 04:13:43 PM
VanVN.Net - Có lẽ trong lịch sử văn chương Việt Nam, chưa có một tác giả nào mà khi đi dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lại mang hàm Tỉnh ủy viên, thường trực hội đồng nhân dân tỉnh, nguyên bí thư tỉnh đoàn. Chưa có chứ không phải không có, bởi "cô bé" ấy đang hiện diện ở Đồng Tháp, nơi tôi "giang hồ vặt" chuyến này.



 
Nhà thơ Văn Công Hùng

Phải đến khi nhong nhong ngựa sắt xuống Đồng Tháp Mười thì nhà thơ Hữu Nhân mới vô tình tiết lộ với tôi chuyện này. Là thành viên trong ban tổ chức hội nghị văn trẻ ấy nên tôi quan tâm ngay, tuy vậy hỏi mãi mà vẫn không hình dung được Kim Tuyến, tên cô gái ấy, là ai trong mấy chục bạn nữ văn trẻ vừa rồi. Cả nước chọn được trăm ba chục người đi dự hội nghị thì những người đi dự phải là xứng đáng lắm. Thế nên khi Hữu Nhân thông báo cho tôi việc Kim Tuyến của Đồng Tháp, như thế như thế, là đại biểu hội nghị văn trẻ vừa rồi thì tôi vô cùng bất ngờ. Tối ấy, dù rất mệt sau một ngày rong ruổi ngựa sắt tôi vẫn tìm đọc mấy truyện ngắn của Tuyến, vừa để học, bởi tôi lần đầu xuống Đồng Tháp, như một cách đi thực tế qua văn chương ấy, vừa để xem cô bé viết thế nào? Văn rất hoạt và đậm chất Nam Bộ, có điều cái kết nó mang phong cách "lãng mạn cách mạng" quá, có lẽ cương vị công tác khiến Tuyến phải gượng mà đưa một cái kết như thế, chứ nhân vật của truyện ngắn có khi nó cũng chả nghĩ nó lại mau được sung sướng thế, lại đổi đời dễ thế, làm giàu dễ thế, từ một anh dẫn heo nọc đi phối giống, uỵch phát thành ông chủ hoành tráng, thế thì cần gì phải đau đớn dằn vặt, phải phấn đấu vươn lên... Nhưng với văn mạch ấy, với những gì đã có, nếu không vướng bận nhiều chuyện đời sống, tôi nghĩ Tuyến sẽ thành danh bằng lối viết rặc ri Nam Bộ sông nước của mình.

Trước khi xuống đây tôi chưa quen Hữu Nhân. Chừng dăm năm trước, trong một cuộc cũng ngao du Đồng Tháp Mười, chúng tôi dừng ở Long An, và được các bạn Long An giới thiệu (có thể tôi nghe nhầm) là tuy Long An nhưng nó lại chiếm đến ba phần tư Đồng Tháp Mười. Tôi về băm bổ viết rồi in. Một hôm nhận một cú điện thoại lạ của một người xưng là dân Đồng Tháp, bảo rằng tôi sai rồi, Long An làm sao lại chiếm nửa Đồng Tháp Mười, thế thì ai gọi Đồng Tháp Mười nữa. Không chỉ điện thoại, anh chàng còn comment vào blog của tôi, và lúc này tôi mới biết tên là Hữu Nhân, một bạn viết ở Đồng Tháp (khi viết bài này tôi tra tài liệu, đọc cuốn "Văn hóa dân gian vùng Đồng Tháp Mười" của tác giả Nguyễn Hữu Hiếu thì thấy ông viết  có 3 con số về diện tích Đồng Tháp Mười thường được nhắc đến là 950.000ha, 700.000ha và 544.000ha, trong đó ông thiên về con số 544.000ha, nó ứng với diện tích cụ thể Long An chiếm 261.000 ha, Tiền Giang 92.000 ha và Đồng Tháp 246 ha, như thế tuy không chiếm phân nửa Đồng Tháp Mười, nhưng tỉnh Long An vẫn chiếm diện tích Đồng Tháp Mười nhiều hơn Đồng Tháp). Lần rồi xuống Cà Mau dự một cuộc hội thảo, đang đứng chuyện vu vơ ngoài sảnh hội trường thì một người đàn ông cao to bước đến bắt tay: Hữu Nhân đây. Và kèm đấy là một lời mời như một tuyên bố: Đang lũ, đỉnh lũ luôn, cho anh một đêm suy nghĩ để đổi lộ trình. Em sẽ về Đồng Tháp trước, còn anh tìm đường mà về, sẽ đưa anh đi một vòng, tất cả ngóc ngách, bằng xe máy. Rồi hắn về trước thật. Từ Cà Mau tôi lên Bến Tre, rồi lại từ Bến Tre cả đi ô tô nhờ lẫn xe ôm tôi sang thành phố Cao Lãnh, thủ phủ Đồng Tháp. Một mình kéo va li lệch kệch xuống phà Cao Lãnh, sang đến bên kia sông thì Hữu Nhân đã chờ. Đưa tôi về khách sạn xong bảo: anh tắm rửa đi tí em quay lại đi nhậu. Chưa tàn cuộc tắm thì Nhân đã quay lại với lỉnh kỉnh ba lô, túi laptop. Cậu thản nhiên tuyên bố: Tối em ngủ đây với anh, mai đưa anh đi Đồng Tháp Mười sớm. Tôi tròn mắt nhìn còn Nhân thì thản nhiên như đây là việc thường ngày dù trước đó tôi kịp biết nhà Nhân chỉ còn hai vợ chồng ở Cao Lãnh, đứa con gái độc nhất đang học ở Sài Gòn. Tôi nhé, cũng thuộc loại quý bạn, và nhiều bạn, nhưng chưa bao giờ dám có cái tư tưởng ngủ lại khách sạn cùng bạn khi họ ghé đến Pleiku. Nể Nhân một thì nể vợ Nhân mười, dù Nhân bảo: Vợ em chả bao giờ đọc văn em và cũng chả coi danh hiệu nhà văn là oách gì. Năm rồi Nhân mới được kết nạp hội Nhà Văn, trong khi nhiều người chúc mừng thì riêng vợ Nhân vẫn bình thản, coi đấy vừa là đương nhiên vừa như phi lí. Đẹp trai cao to có tài thế, làm gì chả làm lại đi làm... nhà văn. Điều này thì vợ Nhân cũng gần giống vợ tôi, nhưng cái khoản cho chồng đến khách sạn ngủ với bạn thì vợ Nhân oách hơn vợ tôi. Biết làm sao được, vợ tốt và vợ hiền vợ thông minh và vợ hiểu biết thông cảm có khi nó chả trùng nhau. Vạn bà được một bà và ông nào vớ được bằng trúng số...


Nhà văn Hữu Nhân

Nói đến Đồng Tháp Mười là phải nói đến lũ. Một anh bạn gọi điện thoại đùa: Người ta đang chống lũ các ông đi coi lũ. Nhưng nếu không có lũ có còn Đồng Tháp Mười? Ông Võ Văn Kiệt bằng sự am hiểu sâu sắc về vùng này đã đưa ra một chủ trương rất hay là sống chung với lũ. Có tờ báo mới giật tít "Lũ đẹp" cũng bị vài người phản ứng. Họ không biết rằng, lũ chính là nguồn sống của cả cư dân miệt sông nước này. Nó mang phù sa mùa màng về, mang tôm cá về, làm nên một nền văn hóa đồng bằng. Năm ngoái chúng tôi lại xuống Long An, giữa mùa lũ mà đồng nứt nẻ, dân ngơ ngác hoang mang đợi lũ. Bởi nếu không có lũ, nước kiệt đi thì toàn bộ vùng này thiếu nước ngọt nghiêm trọng, phèn nổi lên rất nhiều và đậm, nước chỉ còn đọng ở các lung, trấp, đìa, bàu... không dùng được, cây cỏ khô rụi, di  chuyển chủ yếu là đi bộ hoặc xe trâu, toàn bộ đời sống sẽ ngưng trệ. Lũ tồn tại song song với người miền Tây như con lộ nào cũng song song một con kinh bên cạnh, làm nên một đặc trưng đồng bằng Nam Bộ. Người ta đào kênh (kinh) để thông thương, để lấy nước, chỉ huy nước, lấy đất ấy đắp đường (lộ), cứ chằng chịt như thế, những con kinh huyết mạch nối những cù lao, những giồng... thành một đồng bằng rộng lớn và đầy bản sắc.

Hữu Nhân chạy xe rất khỏe, và lại nhớ đường, dẫu cả những con đường bé tí ở một cái xóm xa lắc lơ nào đấy. Anh chở tôi len lỏi vào những con đường mà người thường không được đi, khách du lịch lại càng không, xuyên qua mấy huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông,... để vào lõi Đồng Tháp Mười. Cái tên Tháp Mười bây giờ vẫn còn tranh cãi, người thì bảo nơi đây có mười cái tháp, kẻ lại nói là ở đây có ngôi tháp 10 tầng... thôi cứ để các nhà sử học tiếp tục nghiên cứu, còn ấn tượng của tôi lại là Hữu Nhân là người rất nổi tiếng ở Đồng Tháp Mười. Qua các barie, rất nhiều barie trên đường vào vườn quốc gia Tràm Chim, Nhân chỉ rút điện thoại ra: "a lô em Hữu Nhân đây" cho một ông nào đó. Đợi dăm phút thế là barie (thực ra nó chỉ là một cây tre chắn ngang trên con đường duy nhất, bé tí giữa mênh mông nước có một thanh niên cởi trần nằm võng nghêu ngao ca vọng cổ hoặc nghe vọng cổ từ chiếc điện thoại di động) từ từ nâng cho xe máy chúng tôi chui qua. Nó chứng tỏ Nhân là người lăn lộn ở vùng này đến quen nhẵn cả người lẫn đường. Và anh, chính anh, giải thích cho tôi rằng Tràm chim chỉ đơn giản là tràm và chim. Trước đó tôi nghĩ tràm là cách gọi một vùng đất nổi lên, như một cái vườn giữa hàng ngàn héc ta nước, và ở đó nhiều chim. Giống như giồng, như cù lao, như gò, như rạch, kinh... Thế mà nó đơn giản đến không ngờ là gồm những cây tràm kết thành rừng và chim thì dày đặc thành vườn... Tất nhiên không dễ gì để thấy chim bởi phải chiều tối thì chúng mới về, hàng vạn, chục vạn con lớn bé to nhỏ rợp cả một khoảng trời. Mà chúng tôi thì chỉ có một ngày cưỡi xe, mà lại muốn đi nhiều, thấy nhiều, chiêm ngưỡng nhiều...




Mùa này cá linh và bông điên điển đều bắt đầu hiếm. Cá linh thì đã lớn, dân miền Tây gọi là cá đã có xương, ăn vừa nhạt vừa mất công. Bông điên điển chỉ còn lác đác, nhưng nể bạn, Hữu Nhân đã lòng vòng xe để kiếm cho tôi thưởng thức. Kết quả, buổi trưa ở quán "Bên Sông" tại huyện Tam Nông thì tôi được xơi món bông điên điển xào tôm, còn buổi chiều tại quán "Quỳnh Nga" huyện Cao Lãnh thì chứng kiến món cá linh kho ngót. Cái thú của người khám phá là ăn bằng cảm giác nên tôi sẽ không nói ra nhận xét  của mình về hai cái món mà mình đã quyết tâm về đây phải ăn bằng được. Bằng nỗi khát khao và trân trọng của mình, tôi đã miệt mài ăn hai món quốc hồn quốc túy đồng bằng ấy. Lúc này sự ăn nó không còn là vật chất thông thường, của sự ăn lấy no, mà nó là hương hoa, là miên cảm của con người trước thời trân của đất trời, dẫu nó là món thời trân vô cùng dân dã, nó gắn với miên man sông nước, với cái giản dị, tiện lợi của những người mở đất. Thì bao giờ chả thế, cha ông chúng ta ăn "cơm niêu nước lọ", vùng lên đánh đổ để giờ lại ăn... cơm niêu đặc sản, nước đóng chai tiệt trùng, như một vòng tròn luẩn quẩn, nhưng là vòng tròn ăn lan dần ra.

Đi mới biết nhiều chuyện mà người khác đã biết mà họ... không nói. Ví dụ như tại sao lại có bút danh Bảo Định Giang. Là bởi giữa thành phố Mỹ Tho có con sông Bảo Định chạy ngang chia đôi nên ông Nguyễn Thanh Danh mới lấy bút danh mình là Bảo Định Giang, và ông này chết với hai câu thơ mà người cùng thời với ông đã tưởng là ca dao: Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ. Bỏ qua cái so sánh có phần âm hưởng ngợi ca một thời thì có một điều khẳng định rằng, sen Tháp mười là một thế lực, thế lực của cái đẹp tự nhiên. Nước ta từ bắc chí nam đâu cũng có sen, chả thế mà người ta định lấy hoa sen làm quốc hoa, chả thế mà Vietnam airline lại lấy hoa sen làm biểu tượng trên máy bay, bỏ khá nhiều tiền để sơn lại toàn bộ máy bay... và về đây thì mới thấy, sen xứng đáng để... ngợp. Bạt ngàn sen chen giữa rừng tràm, sen tinh khiết mưng mở giữa bùn, sen ngạo nghễ khoe giữa năn lác, mà không chen, chúng chiếm những không gian rộng lớn, chỉ mình sen. Tràm dày đặc tíu tít xung quanh như những người lính gác cần mẫn và trung thành. Sen vươn lên giữa nắng, giữa gió phương Nam, kiêu hãnh và tự tin khoe sắc hồng đặc trưng của mình khiến con người đang hung hăng nóng nực thế chợt chùng lại, bâng khuâng và ngơ ngác giữa thế giới sen vừa rợn ngợp vừa cô độc giữa mênh mông Đồng Tháp Mười. Chả thế mà một dự án tháp sen đang được thực hiện ngay trong khu di tích gò Tháp. Từ thành phố Cao Lãnh, Hữu Nhân chở tôi bằng xe máy gần buổi sáng thì đến khu di tích này. Đây là khu gò rộng khoảng 5000 mét vuông và cao hơn 50 mét so với mực nước biển Hà Tiên, nằm giữa rốn Đồng Tháp Mười sàn sạt lênh loang nước nên nó trở thành của hiếm. Nơi đây người ta vừa khai quật được một di tích nền gạch cổ và được xác định đây là nền tòa tháp từ thời vương quốc Phù Nam có cách đây khoảng 1.500 năm và đã được công nhận di tích quốc gia. Đây cũng là đại bản doanh của cụ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều, hai vị anh hùng chống Pháp, và cũng là căn cứ địa chống Mỹ của cách mạng Việt Nam. Tháp Sen được chọn để xây dựng ở đây như một cách để tôn vinh sen Đồng Tháp Mười...


Đường vào nhà hàng mùa nước nổi

Vừa rồi Bến Tre kỷ niệm sáu mươi năm tiểu đoàn ba lẻ bảy, tiểu đoàn anh hùng có bài hát rất hay mà lời của một nhà thơ gốc Nam Định, Nguyễn Bính. Mà tiểu đoàn này không chỉ có Nguyễn Bính, còn có những tên tuổi tài danh khác như nhà điêu khắc Nguyễn Hải, nhà văn Trần Kim Trắc, đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp, dịch giả Phạm Hồng Sơn... ba người của tiểu đoàn là anh hùng lực lượng vũ trang, 10 người là tướng. Tôi miên man thế để khoe rằng, tôi đã chạy xe qua cái chợ mang tên 307, cái chợ có số to nhất nước, đi qua con kinh mà ông Nguyễn Bính cùng đồng đội đã đóng quân hai bên bờ, hàng ngày các ông tắm rửa, lấy nước nấu cơm và cả... đánh nhau ở đấy. Trước nay nghe hát, rồi đọc thân thế sự nghiệp Nguyễn Bính, cứ nghĩ ông ở một xứ xa lắc xa lơ, một miền một cõi hư ảo nào đó, giờ phóng xe qua, ngoái lại chụp vội cái ảnh ngôi chợ có những người đàn bà ngồi gác chân lên chõng ngáp, những người đàn ông cởi trần nhậu, chợt thấy Nguyễn Bính gần gụi vô cùng. Chao ơi cái thời hào hùng ấy, những lời ca trong trẻo vút lên: ai đã từng qua Cửu long Giang, cửu long giang sóng trào nước xoáy... có ai biết người làm ra lời ca lạc quan ấy đã sống những ngày khó khăn khổ sở đến như thế nào?...

Hữu Nhân chở tôi về lại thành phố Cao Lãnh khi nước lé đé ở ngay quán cà phê trước cửa khách sạn. Nước lé đé là câu tôi đọc trong văn Nguyễn Ngọc Tư và rất phục cách dùng chữ của chị khi tả cái cảnh nước lăn tăn dâng cặp mạn nhà. Giờ về Đồng Tháp Mười thấy mọi người hay dùng, không biết họ học Nguyễn Ngọc Tư hay Tư dùng của nhân dân, nhưng cái hình tượng ấy, âm thanh ấy rất đặc trưng cho vùng đất mà nước nhiều hơn đất này. Người dân vui vẻ sống, hiền lành sống, năng động sống... chung với nhịp nhàng nước kiệt nước ròng, với những câu vọng cổ là đà trên nước mỗi khi chiều về bên chai rượu đế với ca trà đá, cuộc sống cứ thế trôi, bình dị và an lành, tự tin và khảng khái, nhưng họ góp phần làm nên một Đồng Tháp năng động hiện đại khi đêm ấy tôi cùng Hữu Nhân dạo một vòng thành phố và nhận ra một đô thị Cao Lãnh vừa trẻ trung vừa hiện đại rất có gu kiến trúc, vừa mềm vừa xanh cứ nao nao như một câu hò vươn trên sóng...
                                                               
Pleiku 6/11/2011
                               (Ảnh trong bài: Văn Công Hùng)
Và đây là bản chụp đoạn trích trong sách giáo ngữ văn khoa lớp 6, bộ Cánh Diều, tập 1. Cô giáo chụp cho nhà cháu mấy ảnh này viết thêm: Thích giới thiệu VCH Gia Lai chứ không thích giới thiệu Huế, he he, thân này ví xẻ làm... 3.







17 nhận xét:

Phong Nguyen nói...

"Đây là khu gò rộng khoảng 5000 mét vuông và cao hơn 5000 mét so với mực nước biển Hà Tiên..."

Tôi nghĩ chắc có lầm lẫn ở chỗ này, cùng lám là 50m chứ không thể 5000m được,

Văn Công Hùng nói...

@ Phong Nguyên:
----------
Cám ơn bạn rất nhiều, chính tôi cũng rất băn khoăn. Tôi sẽ kiểm tra lại, nhưng nếu nhớ không nhầm thì tôi đã chép tư liệu này từ một cái tờ gấp lấy ở khu du lịch, huhu...

Văn Công Hùng nói...

Nhà thơ Hữu Nhân vừa điện cho tôi, thông báo rằng, chính thức nó chỉ là 50M thôi, huhu, vì vậy đây là lời xin lỗi và đính chính nhé. Đa tạ...

mẹ mướp nói...

Không phải mềnh dìm hàng Nguyễn Ngọc Tư, nhưng "lé đé" là từ của dân gian từ Bình Định trở vô, hỏng phải do ẻm sáng tạo...

Quang Dũng nói...

@mẹ mướp
Bạn có muốn cũng đâu dìm được, yên tâm đi ko ai nghi ngờ gì đâu.Bác VCH cũng ko nói lé đé do Nguyễn Ngọc Tư sáng tạo, chỉ nói là NNT dùng.

Quang Dũng nói...

@mẹ mướp
Bạn có muốn cũng đâu dìm được, yên tâm đi ko ai nghi ngờ gì đâu.Bác VCH cũng ko nói lé đé do Nguyễn Ngọc Tư sáng tạo, chỉ nói là NNT dùng.

Tấn Định K9 nói...

Có entry về bệnh "sợ chết non" bên blog GM 360plus. Nhớ sang xem để phòng bệnh, VCC nhá!

Nặc danh nói...

Dăm ba chục...

bimbim nói...

Hiếm khi đọc được bài "Ghi chép" trên báo VN hay như bài "Đồng Tháp Mười mùa nước nổi".
VĂN NGHỆ số 49 vẫn viết là "...gò rộng hơn 5000 met vuông và cao hơn 5000 mét so với mực nước biển...", chứng tỏ Biên tập không dám sửa bác VCH hay Biên tập không có khái niệm về "núi sông đất nước"?

Van Dinh Hung nói...

Bài viết về Đồng Tháp Mười này hay như viết về Kơnia GiaLai vậy

Văn Công Hùng nói...

@ Bim Bim:
--------
Cám ơn bạn đã chịu khó đọc bài rất dài này và còn khen nữa...

Nặc danh nói...

Cảm ơn anh nhiều, mới đọc nữa bài, thích lắm anh, em biến, tối về xin đọc tiếp.
Sáng mai anh chị có rảnh không? em mời uống cf ở Hồ Đức An ạ.
em nguyenphuong

Phan Thanh Tâm nói...

Hay, em phục Bác chịu khó đi, ăn và viết nữa. Đọc xong em lại muốn đi rồi.

Putinviet nói...

Cái gì ? Có nhầm không đấy đại ca Hùng ? Đại ca Hùng mà dự hội nghị viết văn TRẺ hả ? Oh my god TRẺ với ai hả Giàng ?

Văn Công Hùng nói...

@ Putinviet:
---------
Tớ trong ban tổ chức, là đi phục vụ các nhà văn trẻ.

van ta tu nói...

Sáng sớm đọc bài này sướng ghê. Học được hai chử "Miên Cảm" và "Mưng mở". Còn chử " Lé Đé " là của nhân gian không phải của dì Tư . Cám ơn tác giả !

Hongtran nói...

Cao như vậy là núi rồi hii