Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

NINH BÌNH HỒI CỐ

Đang mạch Ninh Bình với những rêu đá, cao dê, thịt dê phê như tê tê..., thì cho nó liền mạch luôn Ninh Bình, quê ngoại tôi với một lần trở về đầy ấn tượng.
---------------



  Trong weblog của mình, tôi khai: Quê cha Thừa Thiên Huế, quê mẹ Ninh Bình, sinh ở TP Thanh Hóa, hiện đang sống ở Pleiku. Một hôm có một người vào comment:" Ông khai quê ngoại Ninh Bình làm gì trong khi tất cả các tác phẩm của ông không một dòng nhắc đến Ninh Bình. Tôi cũng là môt người Ninh Bình xa quê như ông, nhưng khác ông là luôn đau đáu nhớ và thương quê"... 

                       
                                        Hoa trên đá        


          Vẫn thế, nguyên cái cảm giác hồi hộp xem lẫn bỡ ngỡ khi lần đầu về quê. Một năm tôi bay Hà Nội mấy lần, nhưng để về Ninh Bình thì quả là không phải khi nào cũng có thể. Trong số bạn bè làm văn chương nghệ thuật ở các tỉnh, hai người mặn mòi trong việc rủ tôi về chơi nhất là họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng, chủ tịch Hội Văn học Nghê thuật Phú Thọ và nhà thơ Bình Nguyên, chủ tịch Hội Ninh Bình. Cả hai nơi đều hấp dẫn. Lần này ra Hà Nội, lại vẫn là những lời chào hấp dẫn tha thiết ấy. Chưa hết, còn Cầm Hùng ở Sơn La, Cao Xuân Thái ở Hà Giang (giời ạ, tôi lục trong trong quyển "Đại từ điển nhà văn VN"- Nhà Văn Việt Nam hiện đại- thì ông này cũng quê Ninh Bình), Chu Thùy Liên ở Điện Biên... Mà tôi lại có hẳn một ngày ở Hà Nội vì không có chuyến máy bay, không phải họp hành gì... Trong một cuộc nhậu ở quán ốc Ông Già chính hiệu ở Hồ Tây cùng các văn nhân Bắc Hà giữa một đêm hun hút gió lạnh nhất trong năm, cao hứng tôi rủ: Mai đi Ninh Bình đi. Tất cả nhìn tôi kinh ngạc. Các văn nhân này đều kiêm nhà báo, mà bây giờ đang vào vụ báo tết, người nào người nấy quắt đi vì báo tết. Riêng một người không lưỡng lự nhận lời ngay là Nhà văn Sương Nguyệt Minh. Văn nhân mang hàm đại tá quân đội này cũng người Ninh Bình toàn tòng chứ không như tôi chỉ một nửa Ninh Bình, thế mà cũng đâu như hai chục năm chưa ghé thành phố Ninh Bình, dù năm nào cũng một vài lần về quê. Tôi rút điện thoại gọi cho Bình Nguyên mà nghe rõ tiếng xuýt xoa vì rét trong chăn, anh hăm hở thông báo sẽ trọng thể đón hai đứa con Ninh Bình lạc loài về thăm quê, thăm anh em bạn bè đồng nghiệp... 

          ...Có thế thôi mà suốt một đêm mất ngủ. Nhà thơ Lê Quang Sinh, giám đốc trung tâm văn hóa Nhà Văn bố trí cho hẳn một phòng VIP ba buồng sang trọng trên tầng 4 ở cái khu cũng rất sang trọng dẫu nó ở khá tréo ngoe, tít trên Quảng Bá, nằm cứ thênh thênh thế nào, dẫu ngủ chùa, tức là không mất tiền. Thời chiến tranh phá hoại ác liệt nhất, tôi được ba mẹ đưa từ thị xã Thanh Hóa sơ tán về Ninh Bình, ở quê ngoại là làng Đa Giá, xã Ninh Mỹ, Huyện Gia Khánh, bây giờ thì nó là thị trấn Thiên Tôn, sát thành phố Ninh Bình. Tưởng an toàn gì, mới ra đươc mấy hôm đã phải chạy bom trối chết vì máy bay bỏ bom động Thiên Tôn, đúng chỗ tôi hàng ngày được bà dắt vào trú ẩn. Động Thiên Tôn hồi ấy có một cái bệnh viện sơ tán về, suốt ngày cưa tay cưa chân thương binh nghe và thấy rùng rợn lắm. Nhà cậu tôi nuôi dê, cứ mỗi buổi sáng, tiêu chuẩn của hai anh em tôi là hai cốc sữa dê nóng hôi hổi cậu trực tiếp vắt từ con dê mẹ tốt nái nhất. Khi yên máy bay, không phải vào hang, chúng tôi hay thơ thẩn đi dọc đường làng, chơi với những con ốc sên. Xin nói luôn, đây là những con ốc sên rất nhỏ, xấp xỉ hạt lạc chứ không to kễnh thô kệch bẩn thỉu như loại ốc sên sau này. Chúng tôi lấy một chiếc đũa dựng đứng lên rồi cho sên bò trên đấy, và hát: Sên sển sền sên/ Mày lên công chúa/ Mày múa tao xem... khi con sên lên đến đỉnh chiếc đũa thò đôi râu ra ngọ ngoạy. Ninh Bình là xứ đá, các bờ tường hàng rào đều xây bằng đá, phía trên cắm xương rồng, loại dẹt và mỏng như bàn tay, gai dài và nhọn. Những con ốc sên cứ thế bò lên bò xuống giữa những hàng gai đều tăm tắp ấy. Mùa mưa, đá lên rêu xanh lè. Quê tôi có món rêu đá, ăn với riêu cua, ngon tuyệt vời. Rêu đá gần như sứa, ăn sần sật, chỉ mọc trên đá vào mùa mưa, người ta đi lấy nó về, rửa sạch rồi chan riêu nóng. Tôi còn nhớ cả những chiếc bát chiết yêu chỉ chuyên múc riêu cua. Rồi còn cá kho với quả gáo. Tôi kể với Sương Nguyệt Minh, y không biết quả gáo là gì, nhưng biết rêu đá, và bảo rằng, thứ ấy bây giờ người ta phơi khô để ăn dần, và có bán, anh sẽ tìm mua tặng tôi. Ngay đêm ấy ở Ninh Bình anh điện thoại huy động mấy người cháu đang rất ăn nên làm ra ở thành phố Ninh Bình, bảo kiếm mấy lạng làm quà, nhưng tất cả đều... lắc đầu, bảo cậu sai tìm chân gấu mật hổ tai voi dái chồn chúng cháu mang đến ngay chứ món ấy thì... cháu chưa nghe nói,... 

          Đúng 2h chiều tôi có mặt ở bến xe Giáp Bát như lời hẹn với Minh. Nhà thơ Lê Quang Sinh, giám đốc trung tâm văn hóa Hội Nhà văn Việt Nam cho mượn xe con để đi, nhưng hai thằng tôi quyết định đi xe đò, vừa đỡ phiền Lê Quang Sinh, vừa hưởng trọn vẹn cảm xúc của hai kẻ hồi cố. Sương Nguyệt Minh tỏ rõ là tay giang hồ có máu khi không cho tôi mua vé trong bến mà ra cổng bến xe leo lên một xe Thanh Hóa đang xuất bến. "Đỡ hai thằng mười nghìn mà lại nhanh ông ạ". Thì ra nếu mua vé thì ba lăm ngàn, nhưng đi như thế này, tôi thấy Minh trả: Ba mươi nghìn nhé. Và được đi luôn... 

                                 
                                  Đường phố Ninh Bình

 
          Chỉ không đầy mươi năm nữa, Ninh Bình sẽ là một "Cường tỉnh" về du lịch. Tôi dám khẳng định với bạn điều ấy, và chắc chắn bạn sẽ gật đầu cái rụp ngay khi đã đến đây. Nhà thơ Bình Nguyên ẩy chúng tôi vào chiếc xe của hội do một cậu lái xe đẹp trai vui tính và "lúc nào cũng mặc vét, thắt cà vạt đàng hoàng" điều hành chạy thẳng vào con đường mới mở, đâu như đến 8 làn xe vào khu du lịch với rất nhiều hang động ngầm, nghe nói còn hoành tráng gấp nhiều lần Tam Cốc Bích Động. Trên một đỉnh núi, trong ráng chạng vạng và cái rét ngọt mà gần hai chục năm nay tôi mới được hưởng lại, chúng tôi đến một ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, có một, không chỉ một, mà đến ba, quả chuông cũng... lớn nhất Đông Nam á. Chưa hết, còn năm trăm tượng phật bằng đá, cũng đạt con số kỷ lục, chắc cỡ châu lục, về số lượng tượng phật bằng đá ở một ngôi chùa... 


Núi đá Ninh Bình, Con đường 8 làn xe đang mở, ảnh chụp từ trong xe.

 
          Thuở còn nhỏ, tôi nghe nói một câu giễu về Ninh Bình: ấy là đất này có tỉ tấn đá vôi. Ý là chả có gì là tiềm năng, chỉ có đá. Quê tôi ngay dưới chân núi Sẻ, ngọn núi có một hòn đá rất to chồm ra qua hẳn đường số 1, mỗi khi đi qua như đi dưới một vòm hang. Hồi ấy Ninh Bình có hai đặc sản là... Bụi của nhà máy điện Cánh Diều và khói của các lò nung vôi. Người ta đồn rằng khi giúp ta xây dựng cái nhà máy nhiệt điện đã từng lớn nhất Việt Nam, ông bạn hữu hảo đã cố tình tính toán để chỉ đốt hết 70% năng lượng, cụ thể là than đá kíp lê loại thượng thặng, còn 30% thì... xả ra khói và theo xỉ. Với tính toán ấy thì chỉ một thời gian ngắn, toàn bộ than Quảng Ninh sẽ chui vào cái nhà máy lúc nào cũng nhả khói đen xì bên ngọn núi rất đẹp này, và cả thị xã Ninh Bình dẫu có Ômô, Tide... thì vẫn cứ đen sì sì như một thành phố xây dựng bằng... than. Tôi nhớ hồi đã tốt nghiệp đại học ra đi làm rồi, về thăm quê ngoại, diện một cái áo trắng nõn đi uống cà phê, chỉ một chốc cái áo đã chuyển màu, nguy hiểm hơn còn bị một hạt sỉ rất sắc bay vào mắt phải vào bệnh viện gắp. Nhưng dân ta chả chịu bỏ không cái gì, khi phát hiện trong những núi xỉ không lồ kia là than vẫn còn nấu được. Thế là nhà nhà đắp lò, người người nung vôi. Khắp hang cùng ngõ hẻm, từ vệ đường đến góc vườn, lúc nào chỗ nào cũng rừng rực một cái lò vôi lom khom đứng. Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình lúc đầu thì thuê người xúc xỉ than đi đổ, sau thì... bán, sau nữa thì muốn mua phải lấy tích kê, thông qua cò, chạy chọt... Thế mà rồi bây giờ, cái ngọn núi Sẻ quê ngoại tôi đã trơ bình địa, nhiều lần đi công tác bằng xe ô tô qua, tôi cứ căng mắt tìm núi để làm chuẩn mà rồi lần nào cũng vuột...



Quả chuông lớn nhất Đông Nam Á và các tượng phật đang hoàn thiện (VCH và Bình Nguyên đứng ké bên cạnh chuông- hoành tráng chưa)

 
          Làng đá Xuân Vũ, xã Ninh Vân rồi cũng sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn khi mà dự án làng nghề hoàn thành. Dự án này quy tụ tất cả những người làm nghề đá vào một khu tập trung. 100 phần trăm gia đình trong làng (bây giờ là cả xã rồi) làm nghề đá. Từ to nhất là những tượng đài hoành tráng khắp trong Nam ngoài Bắc, sang cả Lào và Campuchia, nặng hàng nghìn tấn, đến nhỏ là bia đá, tượng sư tử, chó, cối... Nhìn những công trình bằng đá, to nhỏ lớn bé ngổn ngang khắp làng mà khâm phục sự khéo tay và kiên nhẫn của con người. Bây giờ chưa quy tụ, nên người ta có thể biến bất cứ chỗ đất trống nào trong làng thành công trường, thành xưởng, bụi mù mịt. Năm trăm bức tượng phật bằng đá ở nhiều trạng huống đặt trên ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á mà tôi kể ở trên là do nghệ nhân Hoàng ở làng này thầu. Đá để làm có thể là đá Ninh Bình, cũng có thể là đá Thanh, Vinh, Đà Nẵng... tùy yêu cầu của chủ hàng. Tôi thấy người ta đang làm ở đây từ những cặp cột đá chạm trổ cao vút, những tượng đài, cả cột mốc biên giới Hà Giang đến quả cầu bằng đá hàng mấy tấn đặt trên trụ cổng huyện ủy Gia Viễn... Làng này còn hai "đặc sản" nữa là một ngôi đình bằng đá và một cây thị đã gần nghìn năm tuổi, ruột rỗng hết, bên trong người ta trải chiếu, cả chục người có thể quây quần đánh bài hoặc... uống rượu. Bên gốc thị là một cái chợ quê. Dẫu buổi sáng chiều kẻ ở xa và đang nhai ký ức là tôi khi cả bọn dù thích ăn lòng xe điếu ngay bên cạnh khách sạn hơn, nhưng vẫn phải chạy ra ven đường ăn canh cá rô bánh đa, đã no kễnh bụng tôi vẫn rủ Sương Nguyệt Minh vào chợ tìm... bánh đúc. Thì ra chợ quê bây giờ không bán bánh đúc, đậu phụ nướng như ký ức của tôi nữa, mà bán cá bằng lạng, dẫu vẫn là cá tát đồng chứ không phải cá ao còn sồng ngoe nguẩy như chợ thành phố...



Tượng phật bên ngoài nhà thờ. Có 2 ông đang... ôm nhau.

 

Ngôi đình bằng đá và gốc thị nghìn năm. Hai gã đứng lấy hên dưới gốc là VCH và SNM 




Nhà văn Cao Sơn, nhà thơ Bình Nguyên, nhà văn Sương Nguyệt Minh và... hai cột đá khổng lồ.

 

Em bé này đang chạm hoa văn lên một cái cối và nhà văn SNM đang... mặc cả mua cá ở chợ quê.

  
          Dê, tất nhiên rồi, nói đến Ninh Bình quyết không được quên món danh bất hư truyền này. Người có khó tính bằng mấy thì cũng phải công nhận, dê Ninh Bình là nhất nước. Đơn giản là vì dê phải sống trên núi đá, ăn lá trên núi đá nó mới ra... dê, chứ dê ở đồi hoặc nuôi trong nhà như nuôi chó là hỏng, hỏng hẳn, miếng thịt nhão nhoẹt, mất cái khí thế hào sảng, cái tinh chất... dê của dê đi. Chúng tôi chén vội một bữa dê tự phát tại nhà mợ tôi, cái nhà mà cách đây hơn ba chục năm tôi đã từng sống, đã từng uống sữa dê, ăn thịt dê (ấy là khi có chú nào gẫy chân hay nhà có giỗ chứ hồi ấy chả dám tự nhiên mổ dê như bây giờ). Cậu tôi, một nhà giáo lâu năm cũng là người đầu tiên mở ra nhà hàng đặc sản dê ở xứ này. Cái tên "Dê Ưu" nổi tiếng đến nỗi, cậu tôi mất đã chục năm mà nhắc tên, chú lái xe biết ngay. Cậu tôi có tất cả... 7 cô con gái, nặn mãi được cậu út là thứ 8, giờ cao mét tám, lừng lững như... cột đá Ninh Vân. Đứa đầu con cậu hồi nhỏ hay bị tôi đá đít, giờ đã là hiệu trưởng, chồng là đại tá, chủ nhiệm chính trị học viện Biên Phòng. Nó khoe với tôi: Nhà có 6 giáo viên, trong đấy 2 hiệu trưởng, một hiệu phó. Mấy cô em gái con cậu tôi hồi chưa chồng, một buổi đi dạy, một buổi tay dao tay thớt, nhoáy cái chú dê đang be be đầy kiêu hãnh đã thành tảng thịt. Hôm ấy đang ăn, có người đến đặt nguyên con để gửi máy bay vào Thành phố Hồ Chí Minh cho người Ninh Bình ở trong ấy đãi bạn. Nói chén vội là vì trưa ấy Hội Văn Nghệ Ninh Bình đã đặt tiệc để tiễn chúng tôi về lại Hà Nội. Những là Kao Sơn, Bình Nguyên, Phan Dư, Phạm Thị Duyên... bạn bè văn chương cũng muốn có một dịp để mà ngồi với nhau, dẫu giới văn nghệ Ninh Bình, về khoản uống là... yếu nhất nước... 

                                            
                                               Mợ và cháu và các em

 
          Sương Nguyệt Minh nói với tôi khi hai thằng theo xe của Nguyễn Hoài Nam ở ban Văn nghệ Truyền hình Việt Nam về lại Hà Nội rằng chuyến đi này ông lời nhất, gặm nhấm ký ức mòn cả răng. Nói thế nhưng tôi thấy y háo hức phủ phê như ngày xưa bà ngoại đi ăn giỗ về cầm theo một miếng lá chuối xanh nõn, bên trong là một chim xôi bằng đầu ngón chân cái và một miếng thịt gà mỏng như của Thằng Mới chặt. Chao ơi là một vùng tuổi thơ bất tận... 

                                 Ninh Bình- Hà Nội- Pleiku, 17-18/01/2008
------------
Hì hì, bài này viết từ 2008, và bê về TỪ ĐÂY vanconghung.vnweblogscom
-------------------------------------

14 nhận xét:

mẹ mướp nói...

Năm nay định làm một quả đi ngoài ra nước, í quên, đi ra nước ngoài, đọc xong bài này nghe cái tình hoài hương nó lênh láng quá, hạ quyết tâm sẽ về quê ngoại. Ta cũng có tí Ninh Bình đây! Đi về khối chuyện kể hay hơn chuyện của Văn Công công (khé khé)

Văn Công Hùng nói...

@ Mướp:
--------
Ninh bình có bi nhiêu bị viết hết rồi, còn gì nữa mà biên?

CUA RẬN nói...

Báo cáo bác Hùng để nhận họ hàng:
Bà xã em quê cũng Ninh bình- xã Ninh Mỹ, làng Nhân Lý. Năm nào em cũng phải về quê trình diện ít nhất ba lần...

Văn Công Hùng nói...

@ Cua rận:
--------
Ôi thế thì hôm nào mình... hồi cố phát bác nhỉ?

Văn Công Hùng nói...

@ Cua Rận:
thế là đồng quê đến xã đấy. Làng tôi Đa Giá, Ninh Mỹ, Gia Khánh. Họ Lê bên ngoại tôi nổi tiếng lắm, bác hỏi bà xã nhé. Các cụ ngoại nhà tôi có tên rất oách ghép lại thành một vế đối đấy, nhưng sợ báng bổ nên không dám viết ra đây.

CUA RẬN nói...

Bà xã nhà tôi xem cái ảnh "Mợ cháu và các em" thấy quen quen. Nhưng chưa nhớ ra. Bà ấy bảo người ngồi bên canh bác Hùng giông giống thầy Lã Đăng Bật? (chả là bà í ngày xưa học thầy Lã Đăng Bật mà)

Văn Công Hùng nói...

@ Cua rận:
------
Bác ơi, đấy là vợ của ông cậu ruột em, ông Lê Ưu, ông ấy mất rồi, ông ấy dạy rất nhiều học trò ở đấy đấy, dạy toán cấp 2. Còn thằng cu kia là con cậu đấy, nó vừa tốt nghiệp đh, mới đi làm. Nhà em còn một ông nữa là Lê Cấp, cũng giáo viên, không biết bác gái có biết không? Ông ngoại em tên là Mun, mấy anh em gồm có (hì hì nói trộm vía các cụ nhé) Xứng Đởng Sần Sì Mun quớn Trọng.

My iP nói...

Đang định đi ngủ mà ko ngủ nổi ,vì anh VCH gãi đúng 2 chỗ ngứa của mình :
- Cây gáo : quả gáo xanh chấm muối ớt , quả gáo chín thì ngọt lừ. Ơi những cao lương mỹ vị của tuổi thơ tôi ...
- Học viện Biên phòng : tôi từng có 3 năm đẹp nhất của đời trai trẻ từng sống ở đây.20/05 năm tới - ngày Hội trường mà về được Thành Sơn ,biết đâu gặp em rể anh Hùng ,tôi nói dóc 1 câu : he,tao nhậu suốt với anh mày qua mạng.
Nhớ hồi có bài báo phỏng vấn anh Hữu Ước,thời anh mới còn là Thiếu tướng nhà văn, anh có mong ước được làm chính uỷ Bộ Đội Biên Phòng, mấy thằng SQBP khoá 8, khoá 9 , khoá 10 cười xoè rồi bảo, ông Ước cầm tinh con hoẵng.

Văn Công Hùng nói...

@ My Ip:
--------------
Ơ thế bạn là lính biên phòng à? Oách hỉ. Thi thoảng mình cũng đi các đồn, uống như hạm, người ta ngủ thì mình lăn ra viết, huhu...

My iP nói...

@Văn Công Hùng :
Cựu lính biên phòng thôi anh Hùng à.Tui chuyển nghạch cũng lâu lâu rồi.

Phạm Ngọc CAO DÊ NINH BÌNH - Tình xuân viên mãn nói...

chào các bác !
nghe các bác xa quê nói về Ninh Bình hay như vậy đẹp như thể nào em (cứ xưng vậy cho các bậc tiền bối trẻ thêm chứ nhìn ảnh thì có lẽ phải xưng cháu) chẳng thể xa quê được.Sinh ra ở LaoKai 9 tháng tuổi đã về với núi Ninh Bình đất tổ 40 chục năm ngắm núi mà vẫn thấy núi đẹp nay nghe các bác bàn vậy thì có lẽ nó đẹp thật
- À quên bác Cua Giậm ơi ! xóm vợ bác là xóm Nhân Lý là xóm vợ em rồi (em là con rể thầy giáo Thư)

Văn Công Hùng nói...

@ Phạm Ngọc:
-------
Thế thì xứng đáng Ninh Bình gộc rồi. Và loanh quanh lại toàn hàng xóm cả.

Van Dinh Hung nói...

Cái ảnh chú thích là chú bé đang đục cối đá, thì chắc Văn Công công nhầm. Nó là cái bát hương đá mới có hình Long chầu mặt Nguyệt, chứ cối đá ai chạm hình ấy, mặc dù cối đá Ninh Vân quá nổi tiếng. Ngay như bánh khúc Việt Trì của Nguyễn Tham Thiện Kế cũng phải giã bột gạo làm bánh khúc bằng cối đá Ninh Vân, chày làm bằng gốc cây nhãn già nữa là. Răng không Công công?

Văn Công Hùng nói...

@ Vân Đình Hùng:
--------
Cối đấy bác ạ. Thời đổi mới cái gì mà nó chả chạm. Em hỏi mà, còn định mua vác về tặng vợ nữa. Với lại bát hương to thế để ở đâu?