Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

HOA ĐÀO CUỐI MÙA MƯA

Sáng nay mở cửa, thấy 4 bông đào bừng sáng ở góc sân. Là mình có một gốc đào khá oách, to hơn bắp đùi, như một cây thế, năm kia sửa cái sân, hạ nó xuống, đúng hơn là nâng sân lên, dành cho nó 1 ô sang trọng, nhưng nó bị chết mất 3/4 gốc. Năm ngoái không ra hoa, năm trước thì hoa kinh khủng lắm, to và thắm, mình còn chặt cho mấy nhà hàng xóm cắm độc bình. Năm nay giờ nó đã nở...
Khoe luôn, mấy giò lan nhà mình cũng nở, đẹp mê tơi nhé. Về chỉ thích chắp tay sau lưng đứng ngắm.(có hoa phía dưới, hehe).
------------------------------------------------------------------------------------




Tháng 8 âm lịch ở Tây Nguyên, mưa lướt thướt dầm dề. Ngồi trong nhà nhìn qua màn mưa, ô kìa, đào nở. Những cành đào chơi tết xong, vất thì tiếc, thế là đào một cái hố trước sân nhà, thả xuống, cứ quặt qoẹo sống qua tháng giêng tháng hai, qua mùa khô với gió, qua mùa hạ với nắng, giờ tưng bừng nở trong mưa, từng đốm phớt hồng lấp ló trong lá xanh dưới màn mưa bạc kín trời trong một nhập nhoạng chiều Pleiku  khiến ta rưng rưng một mối hoài cảm...
            Cách đây chỉ khoảng chục năm, trừ Đà Lạt ra, Tây Nguyên làm gì có đào. Mà chả cứ Tây Nguyên, dân gốc Bắc sống từ nam Trung bộ trở vào, mỗi khi tết đến xuân về, đều nhớ đào đến quay quắt. Nhiều người làm giả hoa đào, cắt giấy hồng gắn vào mấy que tre. Những nhà khá giả mua được hoặc được tặng một cành đào Bắc, qua mấy ngày xe tàu xác xơ thế mà cứ cuồng lên vì sướng. Mấy năm nay thì khác, đào Bắc, chả có Nhật Tân đâu, toàn Nam Định Thái Bình và cả Thanh Hoá Nghệ An nữa... cứ kìn kìn hàng xe tải nối nhau chở vào khắp các tỉnh miền Nam và cứ hết veo véo. Té ra con người, cái sự hoài niệm, sự nhớ quê nó da diết lắm. Đầu tắt mặt tối kiếm ăn, ngẩng lên một chút là rưng rưng mà nhớ. Mắt đăm đắm lạc vào đâu đó. Giữa hào hển nắng phương Nam mà xuýt xoa hơi lạnh miền Bắc, mà bổi hổi mặt đê tơi bời gió...
            Ba tôi người Thừa Thiên, ra Bắc tập kết và sinh anh em tôi ngoài ấy. Suốt cả tuổi thơ, tôi vận dụng hết cả trí tưởng tượng của mình mà không thể nào hình dung cây mai, cành mai, hoa mai nó mặt ngang mũi dọc ra làm sao dù tết nào ba tôi cũng bâng khuâng mà kể về nó. Đến khi lên một huyện miền ngược xa lăng lắc của tỉnh Thanh Hoá, tôi được thấy một cây mai, có hoa hẳn hoi, nhưng nó lại nở vào mùa hè. Mà cũng chỉ có 2 bông mỏng mảnh và nhỏ lắm. Tôi đã lén hái trộm một bông cho vào túi quần mang về cho ba tôi. Đến nhà thì nó đã cánh đi đường cánh, nhuỵ ra đường nhuỵ, thế mà ba tôi vui lắm, ông lại rủ rỉ điệp khúc: quê ta có... Thì bây giờ trong màn mưa trắng trời Tây Nguyên kia, hoa đào vẫn lập lòe nở. Thứ hoa chỉ nở vào chính mùa xuân, vào tết ở xứ bắc trong cái lạnh xoa xuýt căm căm, trong lăn phăn mưa phùn như phấn hoa như tuyết của trời rắc lên tóc lên môi thiếu nữ đang ửng lên trong gió lại đang rừng rực hồng trước mắt tôi kia trong một ngày sát rằm tháng tám. Những đứa trẻ con sinh ra ở miền Nam bây giờ chả còn phải căng óc ra mà tưởng tượng hoa đào là thế nào nữa. Tất nhiên, đào cũng như mai, trái mùa trái tiết, nó giảm đi đến chín phần sự kiêu sa quyến rũ vốn có, nó mất đi toàn bộ cái hồn cái cốt, cái rưng rưng run rẩy của sự hoà quyện đến khắc khoải giữa trời đất với hoa. Nó cũng không còn cái say đắm đến ngất ngây, cái bàng hoàng đến nín thở khi ngồi trong hương trầm ngan ngát ngắm từng nụ hoa từ từ mở giữa tinh khôi trời đất... Hoa trái mùa từng trải và tự tin. Nó lầm lũi lặng lẽ hoài thai và vươn lên trong nắng trong mưa, trong gió trong sương, trong sự bất ngờ và cả hờ hững. Và bởi hờ hững nên bất ngờ. Tôi cố hình dung ra sự bất ngờ ập đến với Ngọc Hân, cô công chúa xinh đẹp và tài hoa đất Hà Thành năm nào nhận cành đào của đức Vua Quang Trung gửi ngựa trạm từ kinh thành Thăng Long còn thoảng mùi thuốc súng. Cành đào ấy đã bất tử trong tình yêu anh hùng và giai nhân. Được tặng một cành đào như thế và được nhận một cành đào như vậy, thế gian hỏi có mấy người...
            Vẫn mưa. Nếu không có cơn mưa chiều nay, chắc gì tôi đã thấy mấy bông đào lắt lay kia. Hình như, dưới mưa Tây Nguyên, nó đẹp một cách đằm thắm, lặng lẽ và dung dị...
------------
Bài này viết lâu rồi, đăng lại, hì hì...

14 nhận xét:

Nặc danh nói...

Mấy cái ảnh hoa đào của bác Hùng nhìn lạ hè?Nỏ giống hoa đào ngoài ni.Hihi...

lăc danh nói...

Theo em thì đây là hoa phong lan và hoa sim. Còn hoa đào thì phải "ngon lành cành đào" chứ?
Dù sao bác cũng làm em nhớ mai vàng quá quê nội quá.

Văn Công Hùng nói...

@ Nặc Danh:
-------
hì, nhiều loại hoa mà, là khoe luôn dàn hoa của nhà.

Nặc danh nói...

Thường ngày có những ba "hoa"
Chưa tới ngày tết lại ra hoa đào.

Văn Công Hùng nói...

@ Lặc danh:
-------
Hu, sao lại xúc phạm đào nhà tớ thế nhỉ, lại biến nó ra hoa... sim được nhỉ. Có thể là do kỹ thuật chụp thôi chứ ở ngoài nó rực rỡ mỡ màng con bò vàng lắm.

Văn Công Hùng nói...

@ Nặc danh:
-------
Đấy là điềm may đấy.

My iP nói...

Còn lâu mới Tết,mà đọc bài này tôi muốn về quê Mẹ quá.

ptuanha nói...

Hoa đào ở Pleiku thường nở trước cả tháng.
nhớ Pleiku quá, tháng nữa là về đó rồi.

Văn Công Hùng nói...

@ MY Ip:
------
Tết mình cũng về với mẹ.

Văn Công Hùng nói...

@ Ptuanha:
-------
Ơ ở Pleiku à?

ptuanha nói...

Bác là lớp trưởng lớp đảng viên mới, em với bác cùng lớp mà. Lần đó bị bác đùa một câu mà vẫn nhớ tới giờ.

Văn Công Hùng nói...

@ Ptuanha:
---------
Ơ thế giờ chú ở đâu? anh thì lúc nào chả nói đùa, hì hì, nhớ làm gì?

dân Bắc nói...

Chuyện vua Quang Trung gửi ngựa trạm từ kinh thành Thăng Long cho Ngọc Hân một cành đào là một cái giai thoại tào lao thôi anh ơi. Tin chi mấy cái ba láp đó.
Thử nghĩ mà xem!

Văn Công Hùng nói...

@ Dân bắc:
---------
là nói thế chứ tôi cũng đã từng vạch cái trò ngụy lịch sử này rồi, từ chuyện 20 ngày hành quân ra bắc, đến chuyện gánh vải từ nghệ An sang cho Dwong Quý Phi vân vân,,,
Ở đây là một cách tưởng twọng thôi mà.