Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

KƠ NIA, AI BIẾT RỒI THÌ THÔI

Ngay cây xà nu, ối người ở Tây nguyên cả đời cũng chưa biết, có cô giáo dạy văn cấp 3 ở Gia Lai dạy miết "Rừng Xà Nu" cũng chả biết nó là cái giống gì, huống gì Kơ nia, vậy nên giới thiệu bài này, ai chưa biết thì đọc, mà ai biết rồi thì... biết thêm, hehe...





Vốn dĩ nó là một loài cây vô danh, mọc nhiều ở Tây nguyên, có một đặc tính là chỉ mọc cô độc, rất cô độc ở các bãi đất trống. Và đây là một loại cây có sức sống rất mãnh liệt, quanh năm xanh tốt, hầu như không bao giờ thấy nó rụng lá, bất chấp khô hạn, mưa dầm. Tôi nhớ ở miền bắc cũng có một loại cây gần giống cây này (thậm chí có người nói với tôi rằng nó là một) là cây cậy, người ta hay dùng nhựa của nó để phết quạt. Cứ lặng lẽ âm thầm thế, một ngày, nó được đánh thức, bởi một nhà thơ. Tên ông là Ngọc Anh. Bài "Bóng cây kơ nia" ông sáng tác nhưng cứ đề là dân ca Tây nguyên. Nhà văn Nguyên Ngọc nói về trường hợp này: "kơ nia là một loại cây cô độc. Cho đến một ngày, có một người đến và hình như trong một lúc, một giây phút xuất thần, đánh thức nó dậy, từ trăm ngàn cây cỏ vô danh trở thành bất tử, trở thành biểu tượng của một thời chia cắt và thương nhớ Bắc Nam. Người nghệ sĩ đã đánh thức dậy, đã "sinh ra" cho chúng ta cây kơ nia là Ngọc Anh". Sau đấy Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, và ngay lập tức, cây kơ nia nổi tiếng, trở thành biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất. Rất nhiều người sau giải phóng lên Tây Nguyên câu đầu tiên bao giờ cũng hỏi: Cây kơ nia nó như thế nào? chỉ cho xem một cây. Người đã ở Tây Nguyên có óc hài hước thì bảo: ông cứ ra bờ hồ Gươm ấy, đào xuống, thấy cái rễ nào dài vươn tới từ hướng nam thì đích thị là rễ cây kơ nia. Ấy là nghịch mà suy diễn từ cái câu: "rễ cây uống nước đâu? uống nước nguồn miền bắc". Cũng sau giải phóng, bạn bè chiến đấu của ông, các nhà văn nhà thơ từng ở khu năm, mới khẳng định rằng: Ông chính là tác giả thơ của bài "bóng cây kơ nia"  và mấy chục bài thơ nữa mà ông ghi phía dưới là: Ngọc Anh sưu tầm và dịch.
          Tôi vào Tây Nguyên đầu những năm 80 của thế kỷ trước, và việc đầu tiên cũng là... đi tìm cây kơ nia. Người đầu tiên chỉ cho tôi thấy cây kơ nia là ông hoạ sĩ Xu Man. Hôm ấy hai chú cháu tôi đạp xe về làng ông, gần năm chục cây số dưới cái nắng gay gắt. Ông bảo ráng đi, đến gốc cây kơ nia ngồi nghỉ. Từ xa thấy một cái cây đơn độc cao vút lên, có tán hình trứng. Kơ nia đấy. Ông Xu Man bảo tôi rồi rút từ cái túi vải treo lủng lẳng trên ghi đông xe đạp ra một chai rượu. Chúng tôi uống rượu dưới gốc cây kơ nia lồng lộng gió một cách vô cùng hào hứng, ít nhất là tôi, thấy mình "hoành tráng" hẳn lên. Đập hạt kơ nia làm mồi, tôi mới phát hiện rằng trên cõi đời này lại có một thứ hạt làm mồi dẫn rượu thú vị và ngon đến thế. Tự nhiên mọi nỗi mệt mỏi tan biến đâu mất, tôi cảm thấy như vừa được tiếp thêm một nguồn năng lượng từ một cõi vô biên nào đó, vừa rõ rệt, vừa mù mờ. Tối ấy, dưới lập loè lửa xà nu, tôi hí húi ghi đến mấy trang về cảm xúc của mình khi lần đầu tiên nhìn thấy cây kơ nia, và lại còn được uống rượu dưới gốc nó, với một người, cũng xứng đáng là... kơ nia, thậm chí là kơ nia cổ thụ, là hoạ sĩ Xu Man. Ông Xu Man bảo: cây kơ nia không mọc lung tung bao giờ, không mọc lẫn trong các loại cây khác. Nó mọc rất đều ở các khoảng đất trống, ở giữa đồng, khoảng cách là... để cho người đi bộ mệt thì lại có một cây. Ta đang ngồi ở gốc cây này, nếu đi bộ, bao giờ thấy mệt quá, nóng quá, thì lại sẽ có một cây kơ nia nữa hiện ra cho ta bóng mát ngồi nghỉ? Ấy là ông hoạ sĩ lão thành người Ba Na nói, tôi chưa kiểm chứng, nhưng có lẽ là... đúng. Mà nếu đúng thì nó không chỉ là một loại cây bình thường, nó chính là đặc ân của trời thả xuống ban cho con người, giúp con người vượt qua khổ cực trong hành trình ngàn vạn năm đi về phía sáng, vất vả khổ đau đi tìm khát vọng hạnh phúc. Nhưng té ra cái chuyện cứ bao giờ mệt hoặc đói thì có một cây kơ nia hiện ra là có nguyên do của nó. Ấy là hạt của cây kơ nia ăn được, người ta có thể ăn thay cơm, không chỉ người Tây nguyên, mà rất nhiều cán bộ người Kinh, ở thời điểm đói nhất trong chiến tranh và ở thời bao cấp, đã sống nhờ hạt kơ nia. Người dân bỏ hạt kơ nia trong gùi, xuất phát từ nhà hoặc rẫy, nơi đều có các cây kơ nia và đi, bao giờ đói thì ngồi lại đập hạt kơ nia ăn. Những hạt rơi vãi hoặc khi đập bị văng ra mọc thành cây. Cứ thế, nó trở thành khoảng cách chuẩn của cái đói và cơn mệt để chở che cho con người.
         



           Tôi cũng không hiểu tại sao các công ty quản lý môi trường đô thị các tỉnh Tây nguyên lại không tiến hành trồng kơ nia trên các tuyến phố, bởi như đã nói, nó rất hợp với việc trồng trên phố như dáng thẳng đứng, có tán tròn, không rụng lá, rễ cọc rất sâu không ăn lên vỉa hè và phá đường, hoa như hoa xoan, màu tím phớt và rất thơm... Có người nói với tôi rằng, nhà thơ Ngọc Anh rất tinh khi cho rễ cây kơ nia "uống nước nguồn miền bắc", bởi rễ cây kơ nia rất dài, nếu cây cao 1 mét thì rễ đã là 1,5m, cây 2m thì rễ 3m. Đã có những cái hầm bí mật ba tầng đều bám theo một cái rễ cọc của cây kơ nia làm trụ. Nếu vô ý làm đứt rễ cọc, kơ nia sẽ chết ngay và sẽ lộ hầm bí mật nên cán bộ ta cứ nương theo rễ cây mà đào hầm. Kơ nia là loại cây có sức sống rất mãnh liệt. Có khi cả khu rừng bị cháy hoặc chết vì bị rải chất độc điôxin thì kơ nia vẫn xanh tốt như thường. Hiện nay cây kơ nia to nhất ở Tây Nguyên có đường kính khoảng một mét, và nếu cưa sát gốc thì nó lại tiếp tục nảy mầm. Gỗ kơ nia rất dẻo và cứng, khi cưa thường xuyên phải nhúng nước lưỡi cưa thì mới kéo nổi, tuy thế khi hạ xuống để một thời gian sẽ bị hà ăn rỗng ngay, cũng không hiểu tại sao?
          Kơ nia và dã quỳ hiện thân cho sức mạnh và vẻ đẹp Tây Nguyên. Thế mà ngay cả những người ở Tây Nguyên cũng chưa chắc đã thấy. Dã quỳ thì bị đẩy hết ra ngoại ô, còn kơ nia cũng ngày càng hiếm...

26 nhận xét:

Mai Thanh Hải nói...

Ối Giời ôi! Đọc bài này mới nhớ là em có hẹn cuối năm, đúng mùa dã quỳ thì vào với Tây Nguyên. Nhớ Kơ Nia, dã quỳ và Phố Núi Pleiku quá!.

Văn Công Hùng nói...

@ Mai Thanh hải:
----------
Hình như cu Phọt Phẹt đầu tháng 12 này vào đấy? Quỳ đương độ đấy, miên man lắm...

Cu Vẹo nói...

Cây này rất giống một loại cây ở châu Âu người ta thường trồng hai bên đường (ở các tỉnh lẻ)rất cao và đẹp,mùa đông không còn cái lá nào, tuyết băng bám vào cành trông như cây thuỷ tinh. Hồi bé em hay đạp xe đi dưới hai hàng cây này nhưng không biết tên nó là gì.Bây giờ ở VN nhìn ảnh cây của bác Hùng bỗng thấy nhớ Tây quá. huhu...

Văn Công Hùng nói...

@ Cu Vẹo:
---------
Thì ra phương Tây cũng có nó ư, mình đang định- như thói quen- la lên rằng nó là đặc sản VN đấy, hì hì...

Nặc danh nói...

Nếu cây kơ nia chính là Irvingia Malayana thì theo tôi vẫn tạm coi là "đặc sản" của Đông Nam Á được.
Châu Âu có các giống dương (chi Populus)hình dáng nhìn từ xa hơi giống cây này.

Tư tèo tèo nói...

Vô danh thì không, nó có tên từ khi có nước người rồi đấy.
Đưa cây vào phố thì đúng quá, nhưng người cầm quyền có biết đâu, nhà thơ nói lại càng phải biết ngờ, các ông nên làm, đúng đấy.

TranVu nói...

Cám ơn bác, lần đầu em mới biết.

Nặc danh nói...

Nghe anh Hùng miêu tả thì thấy cây Kơnia quả thật là quá tuyệt vời! Tiếc quá vì 2 năm vừa rồi được ở Tây Nguyên mà chưa được anh đưa đi chiêm ngưỡng và sờ tận nơi gốc cây Kơ-nia. Mới chỉ được ngồi nhậu mấy lần món gà nướng ở quán lấy tên là Kơnia mà thôi. Tiếc quá! Anh cứ tiếp tục lên tiếng và đề nghị đi nhé! Biết đâu có những nhà quy hoạch đô thị nào mà đọc được những bài viết này của anh rồi bỗng dưng họ nhân ra giá trị cao quý của cây này rồi họ quyết định cho trồng những hàng cây Kơnia trên những tuyến phố của Tây Nguyên thì quả là thật tuyệt vời. Biết đâu những người này lại còn được con cháu về sau này đặt tên cho những tuyến phố đó anh nhỉ?

ptuanha nói...

hạt kơ nia thì ngon thật nhưng khó tách vỏ ra để ăn lắm bác à. nếu muốn ăn nó cũng phải có chút ít kungfu

trongbao nói...

Ngày xưa đi học phổ thông bọn em nghe thầy giảng bài thơ Bóng cây Kơ-nia vẫn nói sau lưng thầy là loại cây này rễ dài vô địch ở mãi tận Tây Nguyên mà vẫn "uống được nước nguồn miền Bắc"?

Đọc bài của nhà văn mới thực sự hiểu cây kơ-nia thế nào!

ptuanha nói...

mà bây giờ ít cây kn thật bác à, nhưng cây nào còn là ngon cây ấy

mẹ mướp nói...

cái nài thì mềnh pít òy

Nặc danh nói...

Trân trọng kính mời bạn đọa blog của anh Văn Công Hùng xem clip này để hiểu hơn về cây Kơ Nia.
[Flash]http://clip.vn/w/rNc[/Flash]
Hu hu anh lại làm em nhớ đến 1 nhiệm vụ mà chưa làm đc rồi. Dự án "Đường Kơ Nia".
nguyenphuong

Nặc danh nói...

Ơ sao không dán mã nhúng trực tiếp được ta?
Link đây ạ.
http://clip.vn/watch/Bong-cay-KoNia,rNc
nguyenphuong

Nặc danh nói...

Bác viết hay quá, không khéo BGD lại đưa bài này vào sách giáo khoa thì bỏ mẹ!

Van Dinh Hung nói...

Nảy ra ý tưởng sau khi đọc KơNia của VCH:
Có nên gợi ý các nhà khoa học triết suất Kơnia thành thuốc chống ngộ độc Dioxin không?
Ngoài việc VCH gợi ý các nhà cảnh quan môi trường trồng nó ở thành phố giống như cây Phong Canda

Văn Công Hùng nói...

@ Bác Vân Đình Hùng:
----------
Một ý tưởng siêu tuyệt vời bác ạ.

Nặc danh nói...

Dịp hè vừa rồi, tôi có đi thăm bà con ở Gia Lai, có viết một bài cảm nhận nhỏ nhỏ về vùng đất này, trong đó có đoạn nói về cây KO NIA nếu nhà văn không phiền, tôi xin được gởi chia sẻ.
Cảm ơn
Nha Trang

Nặc danh nói...

Hồi nhỏ đi chăn bò em đã từng đập hạt ăn rồi, bọn em gọi là hạt cầy. Đúng như một bác nhận xét là phải có chút kungfu mới ăn được. Bác Hùng nói thế nào chứ em chư thấy cây nào đẵn xuống một thời gian bị rỗng ruột cả. Ở chỗ em (dak lak), trước đây người ta dùng cây này làm trụ để ép mía vì rất cứng và vì lúc đó chưa có nhiều máy móc. Ý của Bác rất hay là trồng kơ nia trong phố. Em thì nghĩ cây này trồng để chống xói mòn thì tuyệt vời còn hơn cả cỏ vertiver nữa. Tks Bác Hùng!

Nước ngược Dòng .... nói...

Cây nầy ở quê tôi gọi là Cầy đó Mấy Cha
Cô Giáo Ngu dạy cấp 3 Pleiku ( Bí danh Heo Mọi )

Nước ngược Dòng .... nói...

Anh nào thích ăn Hột của nó , hay chưa biết mùi vị hạt nó như thế nào , tui sẽ gửi biếu không cho mà ăn, nhân tiện , tui hướng dẫn cách sử dụng luôn ăn cho dễ ...Hạt của nó , nhìn bề ngoài có vẻ thô ráp , nhưng khi tách vỏ ra ăn vào bên trong , cực kỳ con , ngon kinh khủng , chỉ cần nghe mùi của hạt , đã hấp dẫn , thèm ăn ngay , anh nào , Bác nào thích ăn , em biếu không ...
( Heo Mọi ) Cô Giáo Ngu Name Mai Thanh L...

Unknown nói...

Co bac nao co biet cho co hat Konia k ah?em muon duoc xin it de thuong thuc huong vi cua no.em cam on cac bac

Unknown nói...

Co bac nao co biet cho co hat Konia k ah?em muon duoc xin it de thuong thuc huong vi cua no.em cam on cac bac

Unknown nói...

Co bac nao co biet cho co hat Konia k ah?em muon duoc xin it de thuong thuc huong vi cua no.em cam on cac bac

Xuân Hòa Lê Thị nói...

Ở Cư Mgar Đắk Lắk có một kỹ sư ươm giống và trồng cây Konia. Ông cũng trồng vài cây ở nhà văn hóa cộng đồng huyện và vài buôn. Các nhà môi trường không chọn Konia để trồng hai bên đường vì họ cho rằng hạt konia nhiều rơi rụng dễ gây tai nạn cho người đi đường. hihi. chưa biết đúng sai. Nhưng thực tế Em cũng thấy nó mà rụng quả thì phải quét ngày vài lần. Mỗi lần cả 1 bao. Nhưng lạ là càng rụng nhiều thì dân thu mua hạt càng đẩy nhanh tiến độ mua thậm chí tăng giá.

Văn Công Hùng nói...

Hì, hiện nay hạt knia là món rất hot rồi, chỉ sợ không có cho nó rụng thôi