Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

VIẾT VĂN VÔ CÙNG DỄ

Tôi đã đọc những dòng dưới đây một cách đầy lạ lẫm dù cũng là một người viết. Té ra viết văn dễ thế ư, thế thì tại sao mình lại không viết nhỉ, và bạn của tôi, cũng hãy cầm bút đi, sẽ thấy nó dễ biết chừng nào.

Cái tự sự trước truyện giản dị đầy lôi cuốn hấp dẫn thì cái truyện lại ma mị tài hoa. Ngày thường tôi nhìn tác giả với con mắt khác, thấy đơn giản và trần tục, nhưng khi đọc truyện, thì ra, tinh hoa nó dồn vào đây. Một thế giới huyền ảo lộng lẫy và da diết bâng khuâng, nó là tâm hồn và tài hoa của tác giả... VCH.



MỘT KỶ NIỆM NHỎ
Tôi, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Quang Hưng, Di Li, Nguyễn Xuân Thủy, phóng viên Evan Pham My Ly, phóng viên Vietnamnet, anh Vũ Duy Thông cùng anh Lê Quang Trang và đoàn nhà văn trẻ TP HCM lên một chiếc thuyền máy dạo hồ Núi Cốc. Lúc này trời quang mây tạnh, nắng rực rỡ, không hề có chút dấu hiệu gì của mưa gió.
Thuyền chạy lướt êm ru. Một vài ca-nô chở các nhà văn trẻ của nhóm khác chạy lướt qua. Tiếng gọi và những cái vẫy tay ran mặt hồ. Những tia nước li ti bắn vào mặt khiến cái nắng dịu dần đi. Và cũng khiến mọi người không hề để ý đến một cơn dông đang ập đến khá nhanh.
Chỉ trong một thời khắc, gió thốc tới. Thuyền nghiêng ngả, gió đập mành che và những vật treo quanh thuyền tơi bời. Gió táp mạnh. Thuyền không thể quay mũi để chạy vào bờ. Mọi người trên thuyền vội mặc áo phao vào. Ai đó đưa cho tôi cái áo phao, nói chị nên mặc vào ngay. À, phải, đó là Trương Anh Quốc, một kỹ sư tàu biển đã đi vòng quanh trên biển nhiều năm, viết tiểu thuyết cũng trên biển. Gió táp mạnh và mưa to dần thế mà Quốc cứ nhảy ra mui thuyền để chụp những tấm hình “lịch sử”.
Tôi rất lo. Tôi không lo chết. Cũng không nghĩ đoàn nhà văn trẻ này sẽ chết, mặc dù một chuyện cứ ám ảnh, rằng đã có đoàn văn công nào đó của tỉnh H. đã chìm thuyền chết cả đoàn năm nào tại hồ này… Tôi chỉ lo nếu chuyến đi này chỉ cần lật thuyền thôi thì cũng đủ cho một số kẻ biến thành công mấy ngày qua của Hội nghị này thành chuyện đen đủi…
Tôi chợt nhớ ra phải nhắn tin cho những người thân của mình. Và tôi nhắn. “Đang đi giữa hồ Núi Cốc nổi gió lớn quá. Mưa to lắm. Thuyền đang phải quay về rồi. Ai cũng phải mặc áo phao”. Tin từ đất liền bay ra: “Quay về đi. Đường từ Thái Nguyên về Hà Nội cũng đang mưa to”. Tôi kiên nhẫn: “Đang quay về rồi. Đi cùng đoàn tp HCM. Gió mạnh lắm. Thuyền không chạy nổi”. Có thể trong đầu những người thân của tôi lướt qua ý nghĩ: chắc chuyện nhỏ. Nhưng trong đầu một số người trong đoàn thì lại lởn vởn ý nghĩ: biết đâu sau này…
Vật lộn mãi thì thuyền chạy được vào neo tại một hòn đảo nhỏ, chờ hết mưa gió thì thuyền nổ máy quay vào bờ. Trên bờ, nhà thơ Hữu Thỉnh và các anh trong Ban chấp hành thở phào. Cả đoàn áo quần ướt sũng nhưng cười rổn rảng.
Cứ tưởng chiều hôm ấy là một buổi chiều buồn, khi sắp hết những ngày vui bên nhau. Nhưng chúng tôi đã có một kỷ niệm nhỏ, thật như vớ được một viên ngọc bé xíu giữa bộn bề đá xám.
Nguyễn Quang Hưng thì viết bài thơ Một tiếng gọi.
Còn tôi đêm 14.9, viết đến hơn 3h sáng, truyện ngắn Dưới nước.
Tôi tin chắc sẽ có nhiều tác phẩm được ra đời sau cuộc hội ngộ lớn đầy tình người này, một cuộc hội ngộ được đánh giá là Hội nghị thành công nhất trong 8 kỳ Hội nghị Viết văn Trẻ đã qua. (Tất cả thành viên Ban Nhà văn Trẻ chúng tôi ai nấy đều như được trẻ ra chục niên!).

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

DƯỚI NƯỚC


Và ngủ lại dưới nước

Mặt hồ khép như chưa từng

10 năm người người trên bờ đi mải miết(*)

1.
Bên cầu Đoạn Hà, tôi nói với ông già Tiểu Ngục: Con cần phải đi khỏi nơi này. Con rất nhớ người ấy.
Tiểu Ngục ngao ngán nhìn tôi. Nhưng ông vẫn im lặng. Ông không tỏ vẻ đồng tình với tôi. Ông lưng gù, mắt đầy tròng đen, đôi mắt dường như lúc nào cũng rơi lệ. Đã bao giờ bạn nhìn thấy một người đàn ông khóc chưa? Tôi đã nhìn thấy Tiểu Ngục khóc. Khi ấy vai ông run lên từng chặp. Mái tóc bạc xơ xác của ông như những búi mây trắng trên thiên hà, cuộn lại từng lọn nhỏ, rung trong gió chướng thổi từ sông lên. Tôi không biết ông là ai, từ đâu đến. Khi tôi đến bên bờ sông này thì ông đã ở đây từ rất lâu rồi. Tôi cũng không biết vì sao ông khóc nhiều đến thế?
Tôi tên Thê. Kiếp luân hồi của tôi được tính tuổi bằng khoảng sáu trăm năm, đã bảy lần đổi kiếp.
Bên bờ sông, tôi đứng nhìn từng cơn gió thổi qua. Mái tóc tôi dài ngang lưng, tha thiết như gió. Gương mặt tôi mịn lấm tấm những hạt sương bay qua rồi đọng lại. Tôi luôn xin được làm đàn bà, để khi gặp tôi, người ấy có thể nhận ra tôi.
Tiểu Ngục nhìn tôi: Con thật kỳ lạ. Hình như trên thế gian người ta nói câu đẹp như sương như gió.
Tôi nói với ông: Con nhớ người ấy!
Tiểu Ngục hỏi: Tại sao con cứ mãi nhớ một người như vậy? Con đã uống nước sông Đoạn Hà. Con đã cùng ta chịu thử thách qua bao nhiêu khoảnh khắc của nước trời. Mà con ơi, con đâu có thể nhận ra người ấy, vì con nên nhớ con đã uống nước quên?
Tôi không thể nói với ông tôi nhớ người ấy như thế nào khi tôi hoàn toàn không còn nhớ anh là ai. Ngay cả gương mặt anh, tôi cũng chỉ còn lờ mờ nhìn thấy qua lớp lớp sương mù. Tôi chỉ có thể cảm thấy và tôi luôn nghĩ rằng anh vẫn còn quanh quất đâu đây, trên thế gian đầy ánh nắng.
Thế là ông già Tiểu Ngục đành quay về nơi có đặt những súc gỗ. Ông đóng cho tôi một chiếc thuyền nhỏ, đủ để tôi ngồi lên và chèo đi. Nhân lúc chủ thiên ngục không để ý, ông đẩy tôi cùng con thuyền ra con nước lớn.
Tôi hẹn: Con sẽ có ngày trở về.
Tiểu Ngục cười: Con đã trở về rồi. Con ơi, hãy đi đi. Đừng sợ. Cốt nhất là đừng sợ hãi. Nơi ấy sẽ không chỉ có sương và gió.
Tôi bặm môi bướng bỉnh: Con nhớ người ấy.
Tiểu Ngục lắc lắc mái tóc già nua. Ông nhận hộ tôi những tháng năm dài làm cai lệ bên bến sông đầy gió và sương mù quanh quất.

Tôi chèo đi, để lại những lời ca này cho ông già Tiểu Ngục:
Người đàn ông tôi yêu
Có thể chưa sinh ra trên đời
Có thể là đã chết…
2.
Hôm ấy hồ Nam êm ả, mặt hồ trải rộng mênh mông ra xa tít tắp. Thuyền máy chở khách du lịch lướt rộn rã, trên bờ người người qua lại.
Cô nói với người đàn ông đi cùng đoàn:
“Cách đây chục năm, tôi cũng đã từng đi thuyền trên hồ này…”
Dường như người đàn ông không chú ý mấy đến những gì cô nói. Anh đang mải vẽ sơ đồ mặt hồ và những hòn đảo nhỏ. Họ có nhiệm vụ ghi chép đo đạc tính toán cẩn thận để làm dự án bảo vệ hồ.
“Đôi khi tôi cảm thấy như mình đang biến mất”.
Người đàn ông hơi chững tay lại:
“Cô nói gì?”
“Ngày ấy tôi đi cùng một người con trai. Chúng tôi dạo trên hồ này cũng bằng một chiếc thuyền nhỏ. Anh ấy nom thư sinh nhưng khá mạnh mẽ. Anh ấy đã tự tay điều khiển chiếc thuyền đưa tôi ra giữa hồ”
“Rồi sao nữa?”
Người đàn ông hỏi như kiểu người ta đưa tay ra giúp những người yếu ớt băng qua đường cao tốc.
“Rồi gió và lốc nổi lên. Anh ấy đã cố giữ tay lái. Tôi bám chân vào khoang thuyền để giữ thăng bằng. Nhưng gió mạnh quá, mưa rất to, từng hạt nước như quất vào chúng tôi những chiếc roi khổng lồ. Một con sóng bất ngờ chồm lên. Khi ấy con thuyền nhỏ gần như lộn ngược…”
Một giọt nước mắt lăn xuống gò má cô, tan đâu mất dưới ván thuyền. Người đàn ông dừng tay vẽ, ngẩng lên:
“Sau đó thì sao?”
“Chúng tôi không thể lấy nhau…”
“Vì sao?”
Cô im lặng.
Lát sau cô ngẩng lên nhìn người đàn ông. Chính cô cũng không hiểu tại sao cô lại tin cậy và nói với anh câu chuyện của mình.
“Anh ấy ngủ dưới nước”
Người đàn ông quay phắt về phía cô. Anh hơi sững lại. Lần đầu tiên từ khi ngồi cùng cô, bàn bạc công việc nhóm, nói với nhau những thông số kỹ thuật, sau hết những gì chỉ có thể có giữa hai người xa lạ, anh mới chú ý đến cô gái này.
Lần này thì chính là anh nhìn cô chăm chú hơn. Anh cảm thấy cô thật kỳ lạ. Không như vẻ ngoài của cô.
“Cô không nên cảm thấy tội lỗi”
Chiếc thuyền vòng quanh hồ rồi từ từ tiến sát một hòn đảo lớn, có rừng xa xa và vách đá.
Trưởng đoàn thông báo:
- Chúng ta sẽ lên đảo khảo sát trong vòng bảy tiếng. Sau đó xin mời mọi người quay lại thuyền.
Người đàn ông trẻ và cô chọn cùng nhóm. Hai người đi len lỏi giữa những mỏm đá nhô ra trơ trọi giữa những lùm cây lúp xúp. Cô bước thấp bước cao. Người đàn ông khá nhanh nhẹn. Anh luôn phát hiện ra những vỉa quặng nằm sâu dưới những lớp đất và cỏ mục. Họ nhặt những hòn đá quặng kích thước vừa phải. Cái túi vải thô căng phồng.
Đôi lúc họ dừng lại để chỉnh sửa bản khảo sát và đánh dấu những vỉa quặng.
Ban đầu thì cô không chú ý mấy. Cô đi bên người đàn ông dửng dưng. Con đường dẫn sâu vào vách núi và những tàng cây dày thăm thẳm. Những vỉa quặng nhỏ thưa dần. Có thể phía trong sẽ có những bất ngờ thú vị nên hai người cứ mải miết đi tiếp.
Dần dà chính cô cảm thấy dường như mình đã quen thuộc với cái vóc dáng đang đi phía trước cô. Nỗi buồn của những năm tháng dài dần rơi rụng theo con đường dẫn sâu vào rừng, rơi ít một như những bông hoa gạo bung nở và bay đi theo gió.
Rồi rừng dày đặc cây và gai cũng hết. Họ đến đúng một vỉa quặng thép lộ thiên. Từ trên sườn cao giữa rừng, hai người có thể nhìn thấy con thuyền nhỏ đang neo bên đảo. Người đàn ông dọn bữa ăn nhẹ trên sườn đá. Anh đưa cho cô nước và bánh mì. Cô ngồi ăn nhỏ nhẹ. Cô lúng túng, không hề biết cách thức chăm chút mà một người đàn bà xứ này có thể dành cho người đàn ông trong bữa ăn.
Cô vừa ăn vừa nhìn quanh, và thấy ánh đồng trong những hòn đá lỗ rỗ thiếc.
Người đàn ông giảng giải cho cô những kinh nghiệm anh có về những loại quặng trên những sườn đá và nằm sâu trong những lớp đất rừng dày đặc cỏ mục.
Cô bị thuyết phục vì vẻ chân tình của anh. Giọng đàn ông trầm ấm như nhắc nhớ cô những gì thật quen thuộc đã xa lâu lắm. Dần dà cô nhìn người đàn ông một cách tin cậy, như thể cô đang tựa vào anh, và phía sau lưng cô rừng già huyền bí dịu dàng, trên đầu cô trời xanh thăm thẳm như vòng tay níu giữ cô với mặt đất ấm áp. Cô nhíu mày nhíu trán, tự đấm tay vào đầu mình: ta đã gặp anh ấy hồi nào nhỉ?
Họ cùng nhau nhặt quặng nhét đầy vào túi.
Cô khệ nệ khoác chiếc túi vải chứa đầy quặng lên vai. Nguời đàn ông cũng khoác cái túi của mình.
Chỉ vài bước trên đá, cô bị trượt chân. Cái túi lăn xuống và cô buộc phải nhoài người theo để giữ.
Người đàn ông bảo:
“Đi thôi. Nhanh lên kẻo muộn rồi đấy”
Cô khệ nệ kéo chiếc túi của mình. Bướng bỉnh không muốn ném bớt những viên đá ra.
Người đàn ông bước đi như không chú ý mấy đến những khó nhọc của cô.
Cô rầu rầu nghĩ:
“Mình vẫn không tìm được người ấy. Vẫn không tìm được!”
3.
Tôi cảm thấy như có một luồng điện êm ả luồn sâu trong từng mao mạch. Có thể là em không bao giờ cảm nhận được điều này. Tôi chỉ là một người xa lạ với em.
Tôi đã nhìn thấy gã, dưới nước. Từ trên cao này, tôi nhìn thấy ánh mắt gã nhìn tôi như thôi miên.
Em không nhận ra tôi, nhưng tôi thì nhận ra em. Tôi đã đi chặng đường khá dài để đến bên sông Đoạn Hà, và gặp lão già Tiểu Ngục. Lão ta nheo mắt nhìn tôi giống như tôi là kẻ đã lôi em ra khỏi bàn tay già nua gớm ghiếc của lão. Rồi lão cất lời mắng nhiếc, giống như em là đứa con gái bé bỏng của lão, và tôi là kẻ đã cướp em phũ phàng ra khỏi nước trời, ném em đi lạc lõng giữa bao la vô tận.
Tôi ngồi bên sông, lặng lẽ hút thuốc. Khói thuốc bay lên cao, ấm nhưng cô quạnh muôn trùng.
Gã kia ỉ lại lão già Tiểu Ngục, cứ im lặng chờ đợi dưới nước khiến tôi không tài nào bước được một bước để gần em hơn. Gã là ai tôi cũng không rõ, giống như cái bóng của em vậy. Cái bóng nằm sâu dưới nước, ngủ cùng nước, và lặng lẽ yêu em. Cái bóng ấy thách thức tôi, và chợt gã cất tiếng cười vang như khúc khải hoàn mừng chúng ta mãi mãi không thể nhận ra nhau, lạc lối trên những con đường rừng, đá tai mèo lởm chởm, rắn độc có thể bập vào chân bất cứ khi nào chúng ta sơ hở, nấm độc có thể phả hơi thở hiểm ác vào màng nhĩ, khiến tai chúng ta ù đặc, trí não chúng ta tê liệt.
Và tôi đã nhẫn tâm để mặc em vác túi đá nặng trên vai, đi liêu xiêu trong gió.
Tôi không thể giơ tay ra đỡ.
Ở nơi đây, dưới nước trời, tôi biết tôi đã để mất em. Kẻ chiếm được tình thương của em nằm dưới kia, trong nước.
Gã đang quan sát tôi, và thách đố.
4.
Anh đã bỏ mặc em cô đơn trên thế gian này.
Em nhìn đồng xu nằm xấp trên tay, đây là đồng xu mà ông già Tiểu Ngục đã tặng em bên cầu Đoạn Hà, cùng lời ước duy nhất. Và đồng xu đã nằm xấp.
Tóc em đã rời ra từng lọn. Da mặt đã lấm chấm những vết khóc qua bao tháng bao ngày lê bước trên thế gian tìm anh.
Thời gian của em sắp hết.
Nước trời rơi rơi trên đầu em từng giọt, từng giọt thảm thiết.
Nhưng anh ơi, cho dù nước quên đã ngấm vào từng mao mạch và hơi thở của em, cho dù trái tim anh chỉ còn là một khối quặng trơ lì không tan chảy bởi những lời mắng nhiếc của ông già Tiểu Ngục, và bởi tình yêu của em chỉ như gió như sương, cho dù dưới nước kia một người vẫn lặng lẽ chờ đợi sự trở về nồng ấm của em, cho dù em sẽ bước qua dải thiên hà để về bên sông Đoạn Hà, làm cai lệ ngàn năm để rồi ông già Tiểu Ngục lại đóng cho em một con thuyền, em vẫn sẽ đi tìm anh.
Bởi để quên được anh, em sẽ phải đi qua hết những cuộc đời như cuộc đời này.

                                                                                                     Đêm 14.9.2011
 ---------------------------------
* thơ Nguyễn Quang Hưng


Nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng

Một tiếng gọi

Tặng đoàn nhà văn TP.HCM,
                                                            nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Xuân Thuỷ, Di Li
Và ngủ lại dưới nước
Mặt hồ khép như chưa từng
10 năm người người trên bờ đi mải miết

Ngồi trên lá gió gió chờ đợi
20 năm không thấy mình lên
Chợt thấy quá lâu rồi!
Chim chiều kêu thảng thốt

Chồng giấy chưa kín chữ
Tan tác bay ngoài ô cửa
Câu hát chưa ngân xong
Lan vào những chiều quánh mỡ gà
Những lời không nói ra hết
Đường về mỗi ngày đông đúc
Đã quen bữa cơm thiếu một người
Cỏ lấp từng năm xanh mướt

Hoa cúc vẫn thay dưới rèm
Nước như mắt con lớn lên trong suốt
Mùa mùa cha theo mưa quanh nhà
Gọi tên con rả rích
Đứng trên vòm cây nhìn con khóc

13-9-2011
-------------

Võ Thị Xuân Hà mail Link này và tham khảo thêm vanvn.net

2 nhận xét:

người đọc nói...

Cái truyện ngắn ấy hay quá. Bài thơ cũng hay nữa. Nó làm mình nhói quá đi mất. Nhưng câu này, trong sapo, anh nhầm tên chị VTXH? : "Một thế giới huyền ảo lộng lẫy và da diết bâng khuâng, nó là tâm hồn và tài hoa của tác giả... VCH".

Văn Công Hùng nói...

@ Bạn Người đọc:
---------
Câu trong ngoặc kép là của tôi mà, tôi giới thiệu truyện chị Hà, đúng hơn là cảm xúc của tôi khi đọc truyện ấy. Và vì thế mà tôi lại phá lệ, đăng truyện ngắn bạn bè trên blog của mình.