Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

LẠI NÓI VỀ HỘI NGHỊ VĂN TRẺ

Mình là người trong ban tổ chức, phục vụ các đại biểu trẻ khu vực miền trung- tây nguyên, là người trong cuộc, mà đọc nhiều thông tin trên mạng cứ ớ người ra. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói ông sẽ viết mấy kỳ về việc này, mình chả định viết nhưng cop về đây bài này. Nói thêm tí, là hôm khai mạc ở Tuyên Quang, VTV1 lấy tin của của các đồng nghiệp Truyền hình TQ, nên các bạn TQ quay toàn các bác hàng trên, đương nhiên là thế...



Nói rõ vài điều về “Hội nghị Viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ VIII”

Văn Hữu
VanVN.Net - Hội nghị những người viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ VIII đã thành công hết sức tốt đẹp. Tác giả của nhiều bài báo, ý kiến của nhiều nhà văn Trẻ và các nhà văn hội viên, nhà văn đứng tuổi đã đánh giá là đặc biệt thành công; nhất là về mặt nội dung học thuật (Xin xem thêm bài Từ các bạn Trẻ nghĩ về người đứng tuổi ở cùng trang web này.) Tuy nhiên vẫn còn những ý kiến đánh giá khác, những ý kiến đó hoặc đăng trên mạng, hoặc dưới dạng phản ánh trực tiếp hay qua điện thoại. Chúng tôi muốn lần lượt trao đổi về những ý kiến đó.
Các nhà văn trẻ bên mái đình Tân Trào
1. Sao nhiều khách mời thế, những khách mời dựa theo tiêu chuẩn nào, vì sao tôi không được mời?
Trả lời câu hỏi này, nhà thơ Đỗ Hàn, Chánh văn phòng Hội cho biết: Hội nghị có 118 đại biểu chính thức, 20 khách mời. Trong số khách mời có các nhà văn hội viên dưới tuổi 35 như Vi Thùy Linh, Di Li v.v… Có các nhà văn, nhà thơ lão thành, có thành tựu nổi bật như Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Xuân Khánh, Xuân Cang, Vũ Quần Phương, Giang Nam, Hoàng Quốc Hải, Phan Thị Thanh Nhàn, GS Phong Lê, GS Hồ Ngọc Đại… Tuy nhiên, vì Hội nghị diễn ra tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang và Thái Nguyên nên Hội Nhà văn VN đã có chủ trương mời các hội viên Hội NVVN tại địa phương thuộc các tỉnh ngoài Hà Nội đến tham dự và giúp đỡ Ban tổ chức. Vì vậy, tổng số khách mời mới lên 60 người.
Cũng theo ông Đỗ Hàn, Hội đã thành lập Ban Chỉ đạo gồm 5 ủy viên Thường vụ BCH và 4 vị Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật; Ban Tổ chức gồm 15 ủy viên BCH; Các Chi hội nhà văn VN tại các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên; Ban Nhà văn trẻ qua các thời kỳ; toàn bộ Văn phòng Hội nhà văn và một số cán bộ, nhân viên cơ quan cấp hai trực thuộc Hội; lãnh đạo và văn phòng các Hội VHNT của 3 tỉnh, thành phố. Như thế, “cảm giác” nhiều nhà văn cao tuổi tham dự Hội nghị là có thực nhưng họ đều là những người phục vụ các nhà văn Trẻ, họ không phải là những “nhân vật chính” của Hội nghị này.
2. Hội nghị dường như nặng về chơi bời, giao lưu?
Vanvn.net đã có nhiều bài phản ánh các ý kiến nhận xét đánh giá rất tốt về nội dung học thuật của Hội nghị, với những tham luận tại hội trường được các nhà văn lão thành đánh giá rất cao; với hai cuộc hội thảo: Văn trẻ: Nhận diện và phát triển  và Thơ Trẻ: Dòng chảy và công chúng, rất sôi nổi và sâu sắc; tưởng không cần phải nhắc lại. Ở đây chỉ cần làm rõ tính chất phiến diện của đánh giá trên. Đây là hội nghị của những người viết văn trẻ, vì vậy tính chất hoàn toàn khác với những cuộc hội nghị, hội thảo khác. Các cây bút trẻ của cả nước 5 năm mới có dịp tụ hội một lần, họ có nhiều điều để nói với nhau, cả trong và ngoài hội nghị. Nhưng họ không chỉ nói chuyện văn chương. Việc Hội nghị đã dành riêng 2 giờ tại hội trường nghe một cán bộ của Quân chủng Hải quân nói về tình hình biển đảo, việc tổ chức thành công đêm giao lưu thơ nhạc về biển đảo  chẳng lẽ không là một nội dung, hơn nữa chính là thái độ của thế hệ Trẻ với những vấn đề hệ trọng và đang rất “thời sự” của Đất nước. Xin lưu ý, suốt 2 giờ nghe về biển đảo, Hội nghị vẫn ngồi kín hội trường và im phăng phắc lắng nghe! Đặc biệt là Hội nghị đã diễn ra các hoạt động về nguồn: về Đền Hùng, về Tân Trào và ATK Định Hóa, tới các Di tích lịch sử... Việc đưa các nhà văn Trẻ trở về với quá khứ  hào hùng của dân tộc vào lúc này liệu có là một nội dung quan trọng không? Mặt khác, trong số các nhà văn Trẻ có rất nhiều bạn ở tận  Nam Bộ, Tây Nguyên, nếu không có hội nghị nhà văn trẻ, có lẽ còn rất lâu họ mới có thể đến được những nơi thiêng liêng này của Tổ Quốc. Vì thế chuyến đi này đối với họ sẽ là ấn tượng để đời, nó không chỉ đơn giản là một chuyến du lịch như một vài người đã nghĩ.
 
Toàn cảnh buổi hội thảo về văn trẻ và thơ trẻ

3. Về vài ý kiến vụn vặt khác.
 Có ý kiến nói diễn văn khai mạc của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh là “bốc thơm” và “tán dương” lớp trẻ, đó là một ác ý. Xin trích những đánh giá về thành tựu của nhà văn Trẻ nói chung trong Diễn văn: Miêu tả chặng đường vừa qua, có thể diễn đạt qua ba nhận xét sau đây về tác phẩm của các bạn. 
 - Nhiều đầy tràn nhưng còn ít sâu lắng. 
 - Dàn đồng ca khá mạnh nhưng còn ít những giọng lĩnh xướng vang xa. 
 - Thêu thùa cho cá nhân thì khéo, may cắt cho thiên hạ còn ít dụng công.
Dẫn chứng cho ác ý của mình, tác giả của một số trang web cá nhân viện câu “chúng tôi đến từ miền tài năng”. Câu văn ấy, trong ngữ cảnh ấy là một khái luận chừng mực và đúng. Văn chương đến từ miền tài năng, nhưng trong văn chương, có người tài nhiều có người tài ít; vậy nhà văn Trẻ, tất nhiên cũng ở miền tài năng mà đến, có người tài nhiều, có người tài ít. Không thể nói các nhà văn trẻ có mặt tại hội nghị này không có ít nhiều tài năng. “Miền tài năng” - đó không chỉ là địa chỉ độc quyền của những người đã thành danh.
Có tác giả một trang web ở xa, căn cứ vào thông tin của một vài cá nhân để phản ánh thiên lệch về  Hội nghị theo kiểu “thầy bói xem voi” (trong bất cứ hoạt động tập thể nào cũng có những cá nhân không ưng ý về một điểm nào đó); sau khi trao đổi lại qua điện thoại, tác giả ấy đã gỡ xuống khỏi giao diện của mình, nhưng cũng thật đáng tiếc cách nghĩ như vậy vẫn còn “ám ảnh” một số người khác.
Còn có vài ý kiến vụn vặt, phiến diện khác  khác, tưởng cũng không cần trao đổi. Sự kiện vẫn đang có những dư âm tốt đẹp, những người trong cuộc, nhất là những nhà văn trẻ “chủ nhân đích thực của sự kiện này” đã lên tiếng, những ý kiến đó sẽ làm mờ nhạt đi những hiểu nhầm đáng tiếc.
Nguồn: vanvn.net, tác giả Văn Hữu
---------------------
Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII : Nơi gặp gỡ của những tấm lòng



 

Nhà thơ Đỗ Hàn, Nguyễn Thúy Quỳnh (TBT Báo VN Thái Nguyên) với các nhà văn trẻ TPHCM


Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII :

Nơi gặp gỡ của những tấm lòng

Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII dù đã khép lại, nhưng những dư âm về hội nghị vẫn còn xôn xao trong lòng bạn viết trẻ. Những người bạn viết lâu nay mới chỉ được nghe tên nhau, đọc nhau trên báo chí, nay đã có cơ hội gặp gỡ. Những kỉ niệm khó quên trong những ngày ngắn ngủi sống bên nhau, những cảm hứng sáng tạo được khơi gợi, là hành trang mang về của mỗi người.

Trịnh Sơn: MÙA THU TRÊN CAO

Trước khi khăn gói Bắc tiến để tham gia Hội nghị Viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ 8, chị gái tôi bảo: -Sơn nhớ chụp nhiều ảnh ở Đền Hùng và Hồ Núi Cốc về cho cháu xem nhé! -Đứa cháu tôi mới vào lớp 2, đang bập bẹ học lịch sử dân tộc mình, háo hức tiễn cậu ra xe. Cuối mùa thu, nắng hanh hanh Miền Đông đất đỏ, nắng tận Sài Gòn, nhưng chúng tôi chạm ngay vào cái mưa áp thấp bất ngờ tràn vào Hà Nội. Buổi gặp gỡ đầu tiên ở Hội nhà văn để nhận thủ tục và chương trình, tôi thấy có nhiều khuôn mặt mà tôi từng ao ước gặp. Đã đọc nhau nhiều nên mới nghe tên, qua một cái bắt tay thật chặt đã cảm nhận được tình cảm của bè bạn văn chương. Đến từ khắp nơi trải dọc hình chữ S, chúng tôi đã tìm được điểm chung trước khi hội ngộ tại đây: Đó là tình yêu văn chương chân thành và nhiệt tình của tuổi trẻ. Không ai có thể từ chối dòng chảy nghệ thuật đang chảy qua từng thân phận nhân dân mình và bồi đắp thế hệ mình.

Ngày đầu tiên, chúng tôi đến Đền Hùng. Lần đầu tiên tôi bước vào địa hạt thiêng liêng ghi dấu một thuở dựng nước oai hùng. Nhiều gốc cây cổ thụ sần sùi thời gian. Nhiều tên cây lạ lẫm lần đầu bọn tôi tập đánh vần dưới bóng trời xanh thẳm. Người phụ trách công tác Đền Hùng có kể: Qua bao nhiêu trận bão gió, chưa có thân cây nào dù lớn hay nhỏ ngã vào Đền cả! Những bạn gái phố thị lần đầu tiên leo núi, chân bước không quen nên thở hồng hộc và ai nấy đều mồ hôi ướt đẫm. Nhưng, chúng tôi vẫn bước. Ngay phía trên chúng tôi, nhiều nhà văn, nhà thơ tuổi đã cao nhưng vẫn hăng hái dẫn đầu. Ý nghĩa đầu tiên tôi và bạn bè mình nhận được từ các cụ, là sức mạnh bền bỉ của ý chí và quyết tâm Về nguồn.

Ngay đầu chiều, mưa đã mưa như để bù lại cơn nắng gắt từ sớm đến trưa. Tuyên Quang vén tầm mắt chúng tôi qua dòng Lô vàng óng. Tượng đài Chiến tắng sông Lô đứng kiêu hãnh dưới trời nắng rực ngay ngã ba sông quặn. Cùng nhau ôn lại truyền thống, tự nhiên thấy lòng mình tươi mới hẳn. Cha ông đã anh dũng, trí tuệ như thế trước kẻ thù xâm lược - chẳng lẽ thế hệ hôm nay lại ngoảnh mặt làm ngơ trước vận mệnh đất nước. Không có quân xâm lược nào có thể dẫm chân lên Tổ quốc Việt Nam!  Ý thức của một người cầm bút thầm lặng góp phần vào công cuộc chấn chỉnh, giữ gìn và bảo vệ lãnh thổ văn hóa. Dưới nắng đổ lửa rồi dưới mưa phây phây, tôi ngẫm ngợi nhiều chuyện về trách nhiệm của mình trên mảnh hồn thiêng sông núi. Tôi nói nhỏ với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: - Đất nước chúng ta đã có và sẽ luôn có thêm những chiến thắng sông Lô bất tử, anh nhỉ! - Tất nhiên rồi. Việt Nam muôn năm! Nhà thơ của Tổ quốc nhìn từ biển cười nói hào sảng dưới đứng bóng trời trưa.

Hội nghị chủ yếu bàn về nghề viết, nếu bạn muốn tìm kiếm cho mình những kinh nghiệm và cách thích nghi với danh hiệu nhà văn trong thời đại mới. Giáo sư Hồ Ngọc Đại mở cho chúng tôi một cánh cửa để can đảm bước tới bằng câu chuyện giáo dục. Câu hỏi ông đặt ra: Người ta học để làm gì? Anh/chị viết văn để làm gì? hết sức rổn rảng và đi thẳng vào vấn đề thiết thực. Tất nhiên, học để có thể sống như người ta. Còn tôi, tôi hy vọng sẽ có dịp trao đổi với ông rằng: Tôi viết khi thấy mình không thể không viết. Nhà văn Hoàng Quốc Hải vực dậy chúng tôi bằng câu động viên hết sức thẳng thắn: -Phải viết và phải viết, không được tránh né bất cứ vấn đề gì. Viết cho mình và viết cho dân tộc mình. Bây giờ in không được thì 100 năm sau con cháu in. Thế hệ chúng tôi luôn ủng hộ các bạn trẻ sống và dám sống hết mình với văn chương đích thực! -Kính thưa ông, chúng tôi sẽ không làm ông thất vọng đâu ạ! Bằng chứng là ngay buổi tối đầu tiên ở Tuyên Quang, đêm giao lưu văn nghệ với Biển Đảo Tổ Quốc đã diễn ra hoành tráng, thiết thực và trẻ trung hơn bao giờ hết. Nhiều tác phẩm thơ, nhạc viết về biển đảo quê hương, về ý thức và chủ quyền lãnh thổ cất lên vang vang giữa hội trường nửa ngàn người. Thơ nóng và nhạc nóng. Tâm hồn con người ấm lại gần nhau. Tôi thấy có môt em gái đang là sinh viên năm cuối trường Cao đẳng sư phạm Tuyên Quang lau vội nước mắt trước câu chuyện về những anh lính ở Trường Sa. Sau chuyến đi Tuyên Quang lần này, rất có thể nhiều người trong chúng tôi sẽ đến Hải đảo máu thịt. Làm lính, đi biển, cầm bút… Tất cả đều hừng hực một quyết tâm giữ nước. Tôi yêu tuổi trẻ xiết bao! Chúng tôi không hề tránh né trách nhiệm công dân của mình trong cuộc sống này cũng như trong từng con chữ sáng tạo. Có thể mỗi người có cách chuyển tải thông điệp của mình ra thế giới khác nhau, nhưng nhất định nghệ thuật chân chính không bao giờ lạc khỏi dòng dân tộc.

- Chúng ta còn phải gặp nhau nữa, trên bất cứ nơi chốn Việt Nam nào! Chúng tôi trao cho nhau từng số phone, địa chỉ email, chữ ký… Nhà thơ Đàm Huy Đông buổi tối cuối cùng ở Hồ Núi Cốc uống rượu rất ít, anh nói trầm trầm: -Muốn cho khoảnh khắc này đứng lại. Mình đã say rồi, các bạn ơi! Vâng, anh ấy say nghĩa tình bè bạn bốn phương trời gặp gỡ. Chuyến xe về Hà Nội, tôi nghe nhiều thanh âm mới đang nảy mầm. Trong tôi, trong bè bạn tôi, trên con đường thăm thẳm văn chương và cuộc đời đang ngắn dần trước mặt.
Xin cảm ơn Mùa thu và bè bạn tôi. Bốn mùa buồn vui sướng khổ xoay vần, nhưng chúng ta đã có một Mùa thu trên cao!


            Nguyễn Thị Thuý Ngọc: Ngập tràn  những xúc cảm

Hôm nay, sau khi Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 đã bế mạc được hơn hai ngày, đã trở về bên gia đình, đã quay trở lại với cuộc sống và công việc thường ngày mà trong tôi vẫn lâng lâng hạnh phúc bởi những cảm xúc đan xen.
            Cảm xúc đầu tiên, đó là sự ngỡ ngàng khi cầm trên tay tấm giấy mời đi dự Hội nghị. Tôi được gọi với một danh xưng là lạ: “tác giả trẻ”, cảm thấy mình hạnh phúc và may mắn quá.
            Cảm xúc thứ hai, đó là sự háo hức khi chuẩn bị đi dự Hội nghị. Tạm gác lại công việc, tạm biệt những người thân, tôi hăm hở chuẩn bị hành trang để xa nhà trong bốn ngày. Chưa một lần đặt chân tới Tuyên Quang, bao nhiêu điều mới lạ đang chờ tôi ở đó.
            Cảm xúc thứ ba, đó là sự tò mò khi nghĩ rằng mình sắp được gặp những người nổi tiếng trên văn đàn. Tôi vốn là dân ngoại ngữ, cũng có đọc văn học Việt Nam nhưng không thể nói là đã có cái nhìn một cách toàn diện. Tôi thậm chí mới biết đến địa chỉ số 9 Nguyễn Đình Chiểu trong ngày đầu tiên đến gặp mặt. Và rồi, sự tò mò ấy vỡ òa trong niềm vui và bất ngờ, họ - những người nổi tiếng trên văn đàn ấy sao gần gũi, thân thương mà cởi mở đến vậy. Từ những nhà thơ, nhà văn lão thành như nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Chí Trung, Giáo sư Hồ Ngọc Đại … đến những anh chị trong Ban nhà văn trẻ như chị Võ Thị Xuân Hà, chị Phong Điệp … ai cũng thân thiện và quan tâm tới chúng tôi. Chúng tôi được nghỉ ở những căn phòng tốt nhất trong nhà nghỉ, được dự những bữa tiệc chiêu đãi trọng thể, được đưa đón bằng những chiếc xe tốt, được giới thiệu một cách trang trọng … những điều đó thôi cũng đủ để thấy rằng chúng tôi được yêu quý như thế nào.

            Cảm xúc thứ tư, đó là sự xúc động khi được theo chân các bậc đàn anh đàn chị trên văn đàn trong chuyến hành trình về nguồn. Mỗi lần trở về với cội nguồn dân tộc đối với tôi lại có những cảm xúc khác nhau. Nhưng trên hết, đó vẫn là niềm tự hào và trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc chúng ta.
            Cảm xúc thứ năm, đó là niềm vui khi được kết giao với nhiều người bạn mới và thú vị. Những con người trẻ tuổi ấy luôn cho tôi thấy một nội lực sáng tác sung mãn trong con người họ: đó là một Trương Hồng Tú với những vần thơ lạ, một Mai Phương với những băn khoăn trăn trở về đề tài tam nông, một Nguyễn Xuân Thủy với những trải nghiệm từ Trường Sa, một Ngô Hương Giang với những ý tưởng về nhân bản và nhân bản trong văn học … và còn rất nhiều rất nhiều gương mặt trẻ tiêu biểu khác nữa. Họ không chỉ hăng hái, nhiệt tình mà còn rất nghiêm túc, thẳng thắn và cởi mở khi tham gia thảo luận về các vấn đề của văn xuôi hay thơ ca. Họ đang chứng tỏ được bản lĩnh của tuổi trẻ.

            Cảm xúc thứ sáu, thứ bảy, thứ tám … quá nhiều cảm xúc, tôi không thể liệt kê hết được. Tôi chỉ muốn mình có thể làm được một việc gì đó, để khẳng định được sức trẻ như những người bạn ấy, để không phụ lòng tin yêu của các anh chị đi trước đã dành tặng cho mình.




Trần Hoàng Thiên Kim: Cùng nhìn về một hướng

 Hội nghị Viết văn trẻ lần này mang đến cho chúng tôi nhiều niềm vui, không phải ở những tham luận, không phải ở những đánh giá dù tốt dù xấu về một thế hệ trẻ chưa kịp định hình... mà bởi sự đoàn kết nhất trí của những cây bút trẻ. Đến đây, dù chúng tôi ở nhiều miền quê khác nhau, có người làm thơ, người viết văn xuôi, người theo dòng văn cách tân, người yêu truyền thống… nhưng khi đứng cạnh nhau họ vẫn cùng nhìn về một hướng. Cũng qua Hội nghị, tôi được gặp những cây bút mà lâu nay mình chỉ biết tên qua những trang báo, cũng là một dịp để hiểu thêm về con người, về những trang viết của họ. Tôi tin rằng, những ấn tượng này một lúc nào đó, sẽ bay vào tác phẩm của chúng tôi như một phần của ký ức, của hoài niệm, của một chặng nghỉ chân đẹp trên hành trang tuổi trẻ.

Hội nghị viết văn trẻ Toàn quốc lần thứ VIII cũng đã xích gần khoảng cách của những thế hệ nhà văn. Những nhà văn lớn tuổi vẫn ngồi để lắng nghe lớp trẻ, xem họ nhảy một điệu nhảy tuổi trẻ, hát một điệu hát hip-hop, kể một câu chuyện vui nổ ran trời… Đó là một sự hậu thuẫn vững chắc để lớp nhà văn trẻ tự tin hơn trên con đường sáng tạo của mình, dù biết rằng, niềm đam mê sáng tạo là tự thân của mỗi người, là run rủi đất trời trao gửi…

Sau ngày diễn ra Hội nghị Viết văn trẻ lần thứ XVIII, mỗi người viết trẻ sẽ trở về với công việc của mình, nhưng tôi tin rằng, đó là những ngày Hội thật sự đáng nhớ và rất ý nghĩa đối với mỗi người viết trẻ đã tham gia.


Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII được đánh giá là Hội nghị có nhiều cái “nhất”
Hội nghị có đông đại biểu nhất (con số đại biểu chính thức lên đến gần 120 người).
Hội nghị có đông lực lượng làm lý luận, phê bình nhất (hơn 10 người)
Hội nghị có diễn văn khai mạc có tình có lý, và “trẻ” nhất so với các kì Hội nghị đã diễn ra.
Hội nghị được đi nhiều nhất: các đại biểu được đi qua 4 tỉnh thành: Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Hội nghị người trẻ được tự chủ nhất: người trẻ được giao trách nhiệm chủ trì các buổi họp toàn thể cũng như điều hành các buổi Hội thảo. Hầu hết các đại biểu trẻ đều được phát biểu ý kiến (đặc biệt trong hai buổi Hội thảo văn xuôi trẻ và thơ trẻ, các đại biểu đã chủ động và thẳng thắn bày tỏ những quan điểm, suy nghĩ của mình)
Hội nghị nhiều người mới nhất (chỉ có chưa đến 10 đại biểu đã từng đi dự Hội nghị viết văn trẻ lần 7)
Hội nghị có số lượng tác phẩm và giải thưởng của các đại biểu nhiều nhất. Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn đánh giá:  “Nếu như các Hội nghị lần trước, phần đông đại biểu mới có một chùm thơ, một vài truyện ngắn in trên các báo thì, rất đáng mừng của Hội nghị lần này một phần ba số đại biểu đã có những tập sách riêng, nhiều bạn đã có tới 2, 3 đầu sách. Và hơn nữa, số giải thưởng văn học mà các bạn đem về Hội nghị này nhiều hơn bất cứ hội nghị nào trước đó. Như vậy có thể nói các bạn đã bước qua giai đoạn xuất hiện”.
Hội nghị có nhiều hoạt động giao lưu nhất: giao lưu văn nghệ giữa đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long với các bạn viết (đêm 8-9) giao lưu văn nghệ: Văn học với chủ đề biển đảo (tối 9- 9), giao lưu liên hoan đón Tết Trung thu tại thủ đô gió ngàn(đêm 10 – 9), giao lưu văn nghệ với Tỉnh uỷ, UBND và Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên (tối 11 – 9). Bên cạnh đó, các đại biểu cũng hình thành các nhóm bạn và bàn chuyện văn thơ đến …4 giờ sáng!
Hội nghị được đánh giá thành công nhất trong 8 kì Hội nghị đã diễn ra.

Trích bài đã đăng báo Văn nghệ Trẻ
 

10 nhận xét:

Văn lâu nói...

Cách đánh giá,tổng kết vẫn theo kiểu mẫu xưa cũ của đánh giá tổng kết các hội hè:"vui nhất,ấn tượng nhất,đi nhiều nhất, trẻ nhất,hay nhất,thân ái nhất, được quan chức quan tâm nhất, cảm xúc nhất..." Vẫn không nói lên được cái cần nói,cần biết,cần làm,cần hy vọng...Chỉ thấy nhất nhất nhất...

Nặc danh nói...

TAT NHIEN DA THAM GIA HOI NGHI THI CO MUC DICH, TON CHI HAN HOI. NHUNG CO VE HUONG THU NHIEU QUA. CAC BAC NEN NHO RANG, KHO DAU MOI LA NGUON GOC SINH RA NGHE THUAT CHAN CHINH. TOI NOI RIENG AN, UONG, O... QUA RING SE VIET VE RING THOI. NHAN DAN THU MAY AI DOC

Nặc danh nói...

THEO TOI NEN DE CAC ANH (CHI) TRE VE TRUC TIEP TAI THANH HOA, NGHE AN...RA DONG VOI NONG DAN CHONG LUT...BIET DAU SE CO TAC PHAM HAY. VI NHU ONG NAM CAO XONG PHA TREN TRAN TUYEN, BI DICH BAN CHET. NGHI MA THUONG QUA

Lặc Danh nói...

Giá như hơn 200 con người vừa già vừa trẻ ấy chia nhau tổ chức những chuyến đi đến những nơi mà lương tháng của cô giáo 480000đ để nhìn về HN nơi bát phở có giá trên 1 triệu đ; đến nơi nông dân mất đất để nhìn về các sân golf; đến nơi vùng lũ để nhìn về lâu đài biệt thự; đến biên giới để nhìn sang láng giềng; đến hải đảo để nhìn ra biển Đông; đến nhà tù để nhìn tham quan; đến với trí thức để nhìn về dân chủ; đến với hs sv để nhìn về nền giáo dục...
Tóm lại là rất nhiều nơi cần đến quá nên không thể đến được,cho nên cách hay nhất đã chọn là chỉ đến một nơi thôi là đủ đó là đền Hùng, bởi vì xét ra chỉ tại Vua Hùng...

Văn Công Hùng nói...

@ Các bạn:
----------
Các bạn góp ý nên đưa các nhà văn trẻ đến nơi đói khổ. Quá đúng. Tôi nhé, toàn bộ tuổi trẻ đã gửi, đã lặn lội ở buôn làng Tây Nguyên đấy ạ. Hôm qua nhà thơ Trần Tuấn ở Đà Nẵng chở tôi đi nhậu, bảo rằng, bác về Đà Nẵng mà ở, chả lẽ lặn lội mãi ở đấy để suốt đời vẫn... thế. Thêm nữa, các bạn quên là TP HCM tổ chức hội nghị văn trẻ, chỉ vì ăn ở không sang trọng, không có khăn mặt, kem bót đánh răng mà bão nổi lên đùng đúng ư. NÓi về đến nơi gian khổ, tôi tự hào là người đi nhiều nhất, và tôi nghĩ, cuộc hội nghị này cũng chẳng có gì là lãng phí, bởi, tính chất nó phải thế. Bạn nào thích gian khổ, lên Tây Nguyên tôi đưa đi, vô tư nhé, hehe...

Ngoại đạo nói...

Nhà em nói thật với bác nhé: Nơi gặp gỡ của những tấm lòng là cái tít meri sến, chả văn nghệ trẻ tẹo nào.
Cái cái bài đầu mà bác bế về ấy, nó nặng tính phân trần. Họ phân trần ở đâu thì cứ mặc họ đi bác, dù bác là UVBCH thật đấy nhưng bác chả cần phải làm thế làm gì. Cái gì đúng thì nó cứ hiển nhiên. Gớm, các bác nhà văn nói nhiều quá.
Mà em nói thật là em nhất định không chịu đói khổ nhé.
Tinh thần là chấp nhận dấn thân mới là điều nên tạo dựng lại bác ạ. Khi ta dấn thân thì ta không nghĩ nơi ta sắp đến là nơi đói khổ,dù nó cơ cực.
Bác thích dấn thân hay đói khổ vậy bác?

dân choa nói...

Thời đại kỹ thuật số có khác,tất cả đều được số hóa kể cả cảm xúc...ô hô!

Nặc danh nói...

Bác Hùng ơi, em thấy chuyến này Hội nhà văn mà cụ thể là bác HT lỗ nặng. Lần sau ra họp ngoài hội, bác nhắc khéo các cụ, thui thì có đồng nào đem chia đều cho hội viên...khỏi phải lên "kịch bản", "sản xuất phim"...Chúng nó vừa được xem vừa được ...chửi. Gớm, mới có tý teo hoạt động cho mấy cháu ngoài hội mà nghe rác cả tai. Các cháu NVT lần đầu tiếp xúc, theo dõi "văn đàn" của các tiền bối chắc phát rét mà đông cứng...cả tài năng!

Nặc danh nói...

Bác Hùng ơi, em thấy chuyến này Hội nhà văn mà cụ thể là bác HT lỗ nặng. Lần sau ra họp ngoài hội, bác nhắc khéo các cụ, thui thì có đồng nào đem chia đều cho hội viên...khỏi phải lên "kịch bản", "sản xuất phim"...Chúng nó vừa được xem vừa được ...chửi. Gớm, mới có tý teo hoạt động cho mấy cháu ngoài hội mà nghe rác cả tai. Các cháu NVT lần đầu tiếp xúc, theo dõi "văn đàn" của các tiền bối chắc phát rét mà đông cứng...cả tài năng!

Phạm Đức Long nói...

Nhiều nhận xét hay, nhưng dẫu sao vẫn cứ phải có hội nghị. Mà hội nghị nó khác với cuộc thực tế sáng tác chứ!