Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

PHAN ĐÌNH MINH VIẾT VCH HAY LÀ CHỦ NHẬT TỰ SƯỚNG

Web hội Nhà Văn chơi hoành tráng bài của Phan Đình Minh nói xấu mình. Mình quen bị nói xấu rồi, nói thế chứ nói nữa vẫn... muỗi.
Đăng xong thì đi bỏ phiếu bầu người đủ đức đủ tài vào quốc hội và hội đồng nhân dân ba cấp...
-----------------



Tính nghề trong viết - Văn Công Hùng

Nhà văn Phan Đình Minh - 16-05-2011 09:43:16 AM
 
VanVN.Net - Nói về hình dáng: Văn Công Hùng tròn tròn, mặt mũi óc eo, rất tướng. Đẹp. Miệng cười rất duyên, cả lúc diễn duyên. Cảm cái sự thông minh hoạt tính, hoạt bát, hoạt cả những khi lâm tình huống khó trong các trận nhậu bá phát... Vậy, nên tương đối nhiều nơ xinh nghiêng yếm...Thấy thiên hạ tây đông viết truyện ngắn. Tức khí, viết ngay một cái tương đối dài đưa đến tổng biên tập một tờ báo văn nghệ. Vài hồi, vài ngày khấp khởi , hồi hộp. Một tuần sau đấy, nhà thơ nhận được lời nhận xét của tổng biên tập (hình như là nữ) tờ báo nọ: “Truyện ngắn này viết có chi tiết nhưng hơi bị lông, không dùng được”...

Văn Công Hùng
Nhân vật và tác giả tại sân thơ trẻ

      Năm 2007, tôi định viết về nhà thơ Văn Công Hùng nhưng nghĩ viết sẽ thiếu, chưa đủ dữ liệu. Nhảng đi vài năm, giờ muốn, lại có tâm trạng ngại mình nói không đầy đủ, ý là về cả người lẫn văn, thơ anh. Vì viết chỉ văn, tôi không thấy thuận tay lắm, nên cứ phải nói cả người, tức, đích mục sở thị: thấy người, việc, đọc văn chương rồi viết. Thế đấy, đến khi gần gần, thân lại đâm khó. Cảm giác, khi thân nhìn nhận con người và văn nó không được nghiêm ngắn, trang trọng. Thân thì dễ sa vào cầu bè, có khi lồng ý chủ quan của mình trong khi kể. Mào đầu thế để mọi người thông cảm tâm trạng tôi lúc này. Có lẽ cách tốt nhất là viết từng mảng đề. Bận này tôi đề cập đến “Tính nghề trong viết - Văn Công Hùng”. Để tạo sự dễ, tôi không tuyến tính bài là “Tính nghề trong văn chương Văn Công Hùng”.

      Tại số báo Sài Gòn Giải phóng ra ngày 15- 11- 2008, tác giả Inrasara viết cái sự chuyên nghiệp của nghề viết đại để như sau:... đánh giá qua 4 cốt yếu: “Tác giả có tư tưởng nào mới không, hoặc động cập đến các vấn đề cốt tủy nào của dân tộc, đất nước và thời đại không? Họ có sáng tác nhiều tác phẩm, dấn vào nhiều thể loại để mở rộng và đào sâu tư tưởng/ vấn đề đó không? Ông/ bà ta có khám phá bút pháp nào mới, để thể hiện tư tưởng/ vấn đề đó? Cuối cùng là sự suy tư chín kĩ về nghề, say mê và lao động miệt mài với nghề, dũng cảm với nghề, để tránh cho bản thân viết một cách nghiệp dư, chán nản, thối chí hay bế tắc” (Inrasara – Saigongiaiphong 15-11-2008).

      Nghĩ, cái dẫn đề này có lẽ được. Mạo muội thêm: Tính chuyên nghiệp của tác giả còn phải căn cứ vào vấn đề nội tại thực thể xã hội tác giả sống; về điều kiện vật chất trang bị...; về biên độ tác phẩm được phép thể hiện... Tác phẩm lớn được tạo ra từ tính chuyên nghiệp trong nghề viết, nhưng tất cả sự chuyên nghiệp chưa chắc đã tạo ra tác phẩm lớn, bởi rất nhiều nhẽ. Ở Văn Công Hùng tinh thần làm việc văn chương rất lớn, nội lực anh dồi dào. Thông tin vào ra, kiết xuất không ngơi nghỉ. Đó là tư chất hiếm thấy trong người viết hiện nay. Và cái khác của anh với nhiều nhà văn, nhà thơ là đến đâu, định làm gì là mang sắc thái của cái định viết, viết là được, là khả dĩ, còn khả thi, hay đến đâu lại là chuyện khác. Viết để công bố, đăng ở đâu, khi nào, anh rất ý thức việc này. Với một số người, mượn cảm xúc để ra văn, ra thơ, lấy cảm xúc là con thuyền, làm gió để văn thơ mình cất cánh. Ở Văn Công Hùng khác, anh lao động miệt mài trước, lao động là cái thấy đầu tiên trong ý thức hoạt động văn học của anh. Sau đó mới nghĩ đến sự thăng hoa trong tác phẩm. Sự miệt mài, tỉnh táo, cảm xúc bất chợt quyện với nhau để thăng hoa thành phong cách Văn Công Hùng. Đi cùng tới đâu, với anh, có khi có một nhóm nhà văn, về nhà, người ra bài, người không, nhưng với Văn Công Hùng  bao giờ cũng được gì đó. Cái sự kiết xuất thông tin xảy ra đồng thời với nạp thông tin ở anh. Đây có lẽ cũng là một đặc tính trong tính nghề, trong sáng tác. Nhiều người đi nhiều, đi một quệt, tức là “sống rồi hẵng viết”. Tức: tích lũy, sau nhờ cảm xúc truyền tải, những gì tích vậy, nhào nặn, chắp nối, giải nghiệm, chữ hóa mới thành tác phẩm.

     Văn Công Hùng sáng tác nhiều thể loại, thơ, phóng sự, bút ký, phê bình văn học... các thứ đều hay, đều khắc họa, dáng dấp chắc khỏe. Có một câu chuyện vui. Một lần, tôi thấy anh rất hồ hởi viết, rồi post lên ngay tức thì blog mình bài “Tím”, nói về sắc tím tuyệt vời của cây hoa bằng lăng một góc phố Pleiku nơi anh đang sống. Anh thích thú gọi đó là “Tản văn”. Tôi thì cứ tưởng, đấy là lần đầu anh viết thứ văn ngọt ngào này. Tôi gọi điện chúc mừng, thì nghe anh nói: “Chú hay thật, anh viết tản văn nhiều, có điều chú không chú ý”. Tôi bật cười (cười xong rồi có cảm giác hoài nghi cả tiếng cười mình). Viết tản văn mà người ta đọc chẳng biết ngaytản thì “kinh” rùi. Tôi toàn thấy nói sự đẹp ngút mắt, choán ngợp trong cảm nhận, tê đi cái cảm thức nhìn, ngắm... mà sao vẫn như thiêu thiếu gì. Hè, chưa được (đọc khơi khơi tôi chộp nghĩ ngay thế). Sau lắng lại, cái ý nghĩ bài “Tím” ấy, không lẽ là tản văn! Hơn tháng, tôi mở tiếp ra... Lần này thì thực sự thấy nó hay thật, cái hay ẩn lấp, len lỏi, luyếnh loáng rần rần, khác lạ, ít nói nhiều sự gợi, ru cảm chu chuyển bên trong sự Tím nỗi lòng Bằng Lăng bằng ngôn ngữ tả nhưng sao thấy ngấm mà – Lúc này, tôi mới rút ra: “mình chưa cảm được cái hay của tác phẩm, chưa quyện cảm xúc mình với cảm xúc bác í”. Còn truyện ngắn, tôi chưa thấy anh viết cái nào. Vài bạn văn chương đồn vui một câu chuyện vui nữa: có lần Văn Công Hùng tưng tức vì thiên hạ tây đông viết truyện ngắn. Truyện ngắn có gì, chuyện nhỏ. Anh liền viết ngay một cái tương đối dài, và đưa đến tổng biên tập một tờ báo văn nghệ (hình như nữ). Vài hồi, vài ngày, lỉm nhỉm, khấp khởi chờ, kể cả hồi hộp. Một tuần sau đấy, nhà thơ nhận được lời nhận xét không đăng của tổng biên tập tờ báo nọ: “Truyện ngắn này viết có chi tiết nhưng hơi bị lông, không dùng được”. Khe khe, sướng. Lúc trà dư, tửu hậu, tôi hỏi thực hư câu chuyện trên. Má nhà thơ đỏ bừng: “Bố bậy”. Không biết cái sự bố bậy này nó khía cạnh nào và đến cấp độ gì!

      Tôi đã đọc một số bài mọi người viết về Văn Công Hùng, đều rất hay, rất sâu, mỗi bài đều đã khắc họa khá rõ về những tư chất, hay nói không ngoa là về cái sự được, từng cái “tài”, toàn diện về cả văn lẫn người anh. Nói một câu ngắn ngắn thể này: Văn cách và nhân cách, ngon nghẻ. Tôi đặc biệt thích thú bài viết của nhà thơ Lê Huy Mậu (Nhặt lên một trĩu nặng Văn Công Hùng*!) LHM lụi cụi thống kê tất cả các bài viết, các entry của Văn Công Hùng trên cái blog nhà riêng Văn Công Hùng. Kể ra cái sự tỉ mẩn này của Lê Huy Mậu cũng kỳ công, có lẽ còn khó hơn là bỏ sức ra đọc tất cả các tập thơ của Văn Công Hùng đã xuất và tái bản (không tin, thử làm chuyện này trên một mạng internet chậm, một máy tính tốc độ khủng chậm như nhà thơ LHM thì biết thế nào mùi vị vẹo cột sống ngay) “...Cho đến ngày... Hùng đã post lên trang blog của mình 414 bài vừa văn, vừa thơ, vừa báo. Chỉ có một số ít trong đó là bài của bạn bè, còn lại là của chính Hùng - mà hầu hết đã in trên các báo. Về văn xuôi - Hùng đã đưa lên 47 bài phóng sự hoặc bút kí, ghi chép, 20 bài viết tự giới thiệu, 30 bài tạp bút, 19 bài về các vấn đề văn chương và 47 bài chân dung văn nghệ sĩ. Về thơ - Hùng đã post lên 147 bài, trong đó có 2 tập trường ca. Những bài khác chưa đo đếm được, nhưng với 47 cái chân dung thì có thể. Mỗi bài gọn một trang báo là từ 2500-2700 chữ. Theo đó làm một phép tính nhân đơn giản, nếu in ra là có một cuốn sách ngót nghét 500 trang rồi. Nghĩa là toàn bộ những trang blog có thể in thành 2000 trang sách. Chưa kể hàng chục ngàn lượt viết cảm nhận trên blogs nữa. Thật là một con số đáng nể. Tôi giở ngược trang blog của Hùng, thấy bài đầu tiên ghi ngày 6/10/06, nghĩa là chỉ trong vòng 2 năm rưỡi... mà thôi.

      Bài viết của thi sỹ Vân Đình Hùng về Văn Công Hùng trong "Giời đầy ù oa": “Thản nhiên mây trắng được hình thành không bản thể, không định lượng. Nó chảy dào dạt định tính. Tính của người lãng tử. Xong bài này, đai của Văn Công Hùng thay một bậc màu. Màu nào thì chỉ có trong xới là ngầu, người ngoài xới thì ngờ ngợ. Hãi. Ngả mũ đi ngang, mắt không nhìn mà căng tai lên nghe. Nghe thấy gió Cao nguyên đang chuyển chầm chậm rồi bất chợt nhanh dần, nhanh dần... nhưng lại cứ thản nhiên mây trắng trên nền trong như không”.

      Và một điều quan trọng sự thành công trong quãng đường hoạt động văn học mấy chục năm, hay nói mỹ miều là tính nghề nghiệp có được tinh, tuyết, ở văn, thơ Văn Công Hùng suốt quãng dài năm tháng qua, sẽ không đậu, không khuôn, không lan toả nếu anh không có nhãn quan văn học, nhân sinh đúng đắn, bình tĩnh tâm thiền để mà làm cái công việc chữ nghĩa. Mới biết, mỗi tác giả đều phải lương, nguyên tác cho sáng tác mình thì mới có cơ để tuyết cho các bài viết lâu lâu được.

     Nói về hình dáng: Văn Công Hùng tròn tròn, mặt mũi óc eo, rất tướng. Đẹp. Miệng anh cười rất duyên, cả lúc anh diễn duyên. Cảm cái sự thông minh hoạt tính, hoạt bát, hoạt cả những khi lâm tình huống khó trong các trận nhậu bá phát... Vậy, nên tương đối nhiều nơ xinh nghiêng yếm... Tôi đồ tính mỗi miền anh phải có vô khối người quản lý, cáu cẳn, nhớ nhung... hì hì (chuyện này là chuyện riêng, ai không thân thì đừng đọc. Đọc loạt bài ngược Yên Bái vừa rồi trên blog, cô con gái rượu của anh còm “Ba mà cứ đi hoài vậy, mẹ con đang là cơm ngon thành cơm nguội mất đó ba”- Đúng là hổ phụ sinh hổ... nữ. Và mọi người có biết, nhà thơ còm lại con: “Cơm nguội thì bỏ vào chiên lên ăn càng ngon, con”. He he.) Anh đi nhiều, nay Nam, mai Bắc, lúc lên rừng, thoắt cái ở biển... thắt lưng đeo máy ảnh, vai lattop – giờ cắm thêm cả USB – 3G, có thể truy cập mạng bất cứ đâu phủ sóng các mạng điện thoại di động. Miệng nói, tai nghe, mắt nhìn liên tục... đi đâu cũng viết, trên xe - viết, trên máy bay - viết, ở bàn nhậu - viết; ngồi họp - viết; chị Yến (vợ anh) ca cẩm nhậu nhiều, mà bệnh tật: Viết... viết với anh là một công việc thường xuyên, không ngơi nghỉ, không để thời gian chết. Từ xưa tôi nghĩ việc viết anh chỉ mang tính nghề, nhưng gần đây, tôi khẳng định tính nghề đó đã nâng lên thành tính chuyên nghiệp. Google: Định nghĩa tính Chuyên nghiệp trong văn chương Tìm trong vòng 0,21 giây, được 7.290.000 thông tin liên quan. Còn trong dẫn đề của Inrasara – (tạm coi là khả dĩ để soi vào phong cách sáng tác, con người Văn Công Hùng, thì cảm cũng xêm xêm, và: công nhận). Giờ, công bằng mà nói, anh là số ít người cuộc sống gắn khau khít với nghề. Cả báo, văn và thơ. Anh sáng tác để sống, và sống để sáng tác. Cái sự nghề trong anh quyện với ý thức cống hiến văn học đã ăn tự nhiên vào đời sống anh, để trưng, ấp lên cái sự nghiệp văn chương Văn Công Hùng ngày một bồi.

     Văn Công Hùng đọc nhiều, đọc nhanh, và một điều quan trọng ở anh là nhạy cảm vấn đề chuyển tải, vấn đề nổi cộm cần phản ánh. Độ chín cuộc sống ở anh, hòa quyện với góc nhìn trách nhiệm nhà văn, luôn đặt ích lợi nhân dân lên trên hết trong những vấn đề nhạy cảm, bức bộn, xã hội đang quan tâm, vậy nên bài viết của anh thường được quan tâm, mang tính cổ súy, tranh biện cao. Tính nghề trong văn học ở Văn Công Hùng còn thể hiện tính  quyết liệt trong hàng loạt các bài viết, phản ảnh bài viết, các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động văn học.

Độ này Văn Công Hùng bận bịu thêm chuyện học hành và họp hành, vì anh là ủy viên BCH Hội nhà văn Việt Nam khóa VIII mà. Nữa, nghe đâu anh vừa dốc của cải... cả họ để sắm cho con cái nhà cấp 4 vài chục mét vuông ở Sài Gòn, hè, chắc định hạ... phố. Và, đang phải gồng người trả nợ, chuyển suất sáng từ phở xuống... xôi. Huhu. Thêm cương vị mới, chúc anh khỏe, để cống hiến cho viết, cái sự văn học nước nhà. Vài dòng nghĩ vậy, không biết được phần nào tính nghề trong văn chương, con người nhà thơ, nhà báo phố núi tôi yêu quý .

3 nhận xét:

lặc danh nói...

Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra...

Dong nói...

Chân tơ kẽ tóc!

Nặc danh nói...

Hehe...
Đọc cái giới thiệu của chủ trang,tui "hồ hởi"tìm những dẫn chứng"nói xấu" lão VCH để mà...sướng,mà hả dạ hả lòng,nhưng, ít quá."Muỗi" là phải!
Có bác nào giúp tui thỏa mãn được không?