Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

NỨT ĐẤT Ở LÂM ĐỒNG SOS

Mình được học và được đọc được biết rằng, núi ở Tây Nguyên là núi già, nó tròn đầu, còn núi ở phía bắc là núi trẻ, nó nhọn hoăn hoắt, và nghe nói mỗi năm nó vẫn cao lên thêm mấy cm. Nhờ kiến thức lõm bõm ấy mà hôm nọ phản biện được với một tay hoạ sĩ vẽ một tranh phong cảnh Tây nguyên nhưng núi đá tai mèo dựng đứng, phía dưới phơ phất mấy cô gái Jrai với nhà rông, mình bảo, bố mày lười nghiên cứu rồi. Núi này là núi trẻ, chỉ có ở phía bắc, nó vẫn đang cựa quậy, còn núi Tây Nguyên là núi già, tròn đầu, ổn định...
Nhưng đọc bài này của PGS TS Nguyễn Đình Hoè thì, té ra núi Tây Nguyên vẫn đang cựa quậy, cựa quậy dữ dội...
(7h sáng mai mời đọc bài: Cồng chiêng- không có lễ hội cồng chiêng).



Nứt đất ngầm ở Di Linh, Lâm Đồng – SOS
Thị trấn Di Linh, Lâm Đồng đang nứt đất dữ dội. Lại một sự kiện nữa chứng minh vùng đất Tây Nguyên vẫn đang cựa quậy

Nguyễn Đình Hòe VACNE

Nứt đất ở Di Linh, ảnh Internet
1.Hiện trạng.
Vào cuối tháng 4/2011, tại khu vực giao nhau giữa đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Văn Trỗi (thị trấn Di Linh, Lâm Đồng) đã xuất hiện một vết nứt. Lúc đầu chỉ rộng khoảng 2cm, rồi mỗi ngày một rộng thêm. Đến ngày 4/5 vết nứt đã rộng 10 cm và kéo dài khoảng 500m, cắt qua đồi, vườn cà phê, sân nhà rồi kéo thẳng qua đường giao thông tráng nhựa mà không né tránh bất cứ vật cản nào. khiến hàng loạt nhà dân bị xé nền, nứt tường và đã có căn bị sập (1). Dải nứt đã cắt ngang qua đường Nguyễn Văn Trỗi thuộc thị trấn Di Linh, với độ rộng bề mặt 5cm. Dải nứt càng xuống sườn đồi (nhà/ vườn dân rải theo sườn đồi) càng rộng ra thêm (2).
2. Vài sự kiện lịch sử
Trước đó, vào năm 2002, tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (cách điểm nứt đất tại Di Linh gần 60 km) cũng xảy ra hiện tượng nứt đất và sau đó đến năm 2005 lại lặp lại một lần nữa.Chiều rộng của khe nứt ở Hiệp An đến 25cm, không chỉ nhà của người dân trong thôn bị nứt mà một trường tiểu học đang xây dựng trong vùng phải bỏ (3).
Tháng 8 – 1999 là thời kỳ đất nứt và trượt lở đáng sợ ở  Đăk Nông và Đăk Rlâp (tỉnh Đăk Nông) . Vùng sự cố rộng gần 80 km2, các vết nứt đất dài 300 – 500 m, chiều rộng 1 – 1,5 m. Có nơi khối đất trượt chiếm cả 5 ha cà phê, dồn ép 3 hàng cà phê (mỗi hàng cách nhau 3,3 m) chập làm một, cắt đứt đường 14, và làm nghiêng cả cột điện của tuyến đường dây 500 kV Bắc Nam (4).
3. Nguyên nhân
Thị trấn Di Linh nằm trực tiếp trên lớp đất đỏ basalt, do độ hạt đất đỏ basalt rất mịn nên dù cho lớp đất này ngậm nước thì cũng không thể bơm hút được. Việc bơm hút nước ngầm tất nhiên chỉ có khả năng từ giếng khoan hay giếng đào đến tận lớp đá gốc vụn vỡ lót dưới lớp đất basalt. Các đá vụn vỡ ở đây (thị trấn Di Linh) thường là đá basalt hoặc daxite cứng rắn. Các đới dập vỡ thường có tính thấm cao nên là đới hoàn lưu của nước ngầm, dễ bơm hút nhưng tính chịu tải lại khá cao. Do đó dù có bơm hút nước ngầm nhiều thì tầng chứa nước ngầm cũng không thể sụt lún gây nứt đất trên mặt như ở các tầng chứa nước trong các lớp bồi tích tại các đồng bằng phù sa hay thung lũng sông suối. Mặt khác nứt đất do lún bề mặt liên quan đến bơm hút nước ngầm hay khai thác hầm lò gây ra thường có dạng vòng cung bao quanh tâm sụt lún, các khe nứt thường tránh cắt qua các vật cản cứng mà có xu thế lượn quanh các vật cản này.Trong khi đó dải nứt đất ở Thị trấn Di Linh dạng tuyến, cắt qua tất cả các loại vật cản trên đường đi của nó. Vì vậy ý kiến cho rằng nứt đất Di Linh được gây ra do bơm hút nước ngầm quá nhiều là không hợp lý.
Cấu trúc dạng tuyến nứt của nứt đất  đất và hình thái của nó (quan sát qua ảnh) cho thấy đây là hệ thống khe nứt tách giãn, liên quan dến hoạt động trượt êm không động đất của đứt gãy đang hoạt động dưới sâu. Kết quả khảo sát của Đề án nghiên cứu Địa động lực Biển Đông và vùng đất liền ven biển do Viện Hàn Lâm Khoa học Pháp tiến hành những năm 1988 – 1992 cho thấy Tây Nguyên chịu ảnh hưởng của hoạt động nâng trồi liên tục, khắp nơi phổ biến các đứt gãy thuận tách với hệ thống khe nứt tách giãn tạo điều kiện cho phun trào basalt và sau đó là nâng trồi lãnh thổ Tây Nguyên kéo dài từ cuối kỷ Neogen (khoảng từ 1 đến 5 triệu năm trước) cho đến ngày nay, để hình thành hệ thống cao nguyên phân bậc. Các đứt gãy Tây nguyên được đo đạc tỉ mỉ cho thấy chúng đa phần là đứt gãy thuận có trường ứng suất với trục nén ép cực đại Xichma 1 (ɕ1) theo phương thẳng đứng. Đứt gãy thuận thường kèm theo động đất yếu dưới 5,5 độ Richter. TS Đỗ Văn Lĩnh, Phó trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam đã có nhận xét đáng chú ý là: nứt đất tại địa điểm này liên quan đến đứt gãy Bảo Lâm – Tam Hiệp có biểu hiện hoạt động trở lại. Đứt gãy Bảo Lâm – Tam Hiệp là đứt gãy vuông góc với hai đới đứt gãy lớn Đa Nhim – Biên Hòa và Tuy Hòa – Biên Hòa (3).Nứt đất ngầm do sự trượt êm không động đất của các hệ đứt gãy, phát triển từ dưới sâu lên, lan tỏa về phía mặt đất dưới dạng cành cây. Nên nếu có nứt đất ngầm thì sẽ không có động đất vì năng lượng đứt gãy đã được giải phóng.
Vẫn còn chưa rõ nứt đất Di Linh là do nâng trồi dạng khối tảng của cao nguyên Di Linh hay liên quan đến hoạt động hậu phun trào núi lửa. Nhưng đã là nứt đất loại này thì có năng lượng cực lớn, không một kết cấu nào dù tự nhiên hay nhân tạo có thể không bị khe nứt loại này cắt qua và gây sụp vỡ. Hiện tượng nứt đất ngầm ở Di Linh cho thấy vùng đất núi lửa Tây nguyên vẫn đang cựa quậy (4).
4. Ứng phó
Cần quan trắc liên tục sự phát triển của nứt đất Di Linh, giám sát chặt các kho xăng dầu, kho hóa chất, các trạm xử lý nước thải, các đập nước,… trên tuyến phát triển của nứt đất ngầm để tránh nứt vỡ gây rò rỉ hóa chất vào bồn nước ngầm, hay vỡ đập sau này khi mùa mưa đến.
Những phân tích trên đây dựa vào lí thuyết Biến vị nội mảng (Intraplate Deformation), một lĩnh vực của Kiến tạo mảng (Plate Tectoníc). Cần có nhũng khảo sát thực địa để xác nhận và bổ sung luận giải trên đây. Hoạt động nứt đất ngầm do đứt gãy đang hoạt động tạo ra không phải là hiện tượng hiếm gặp trên đất nước ta, kể cả Tây Nguyên.
Chú thích.
1.Nam Viên.4.5.2011. Lâm Đồng: Đất bị nứt dài nửa kilômét. http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/2011/5/256775/
2.NHT, Dương Đức Đạt, Bùi Bich Vân. Nứt đất ở cao nguyên Di Linh. 3.5.2011
3.Nứt đất tại Lâm Đồng khó xảy ra động đất. 4.5.2011
4. Nguyễn Đình Hòe.  Vùng đất núi lửa Tây nguyên vẫn đang cựa quậy, 25.10.2010






5 nhận xét:

Đoàn nam Sinh nói...

Tây nguyên là những khối nâng cực kỳ phức tạp. Không ai hình dung nổi những phiến tảng đá kết cuội ở lưng chừng đèo Pren. Thác Cống Thành trên đường Pren mới cũng là cuội kết cổ xưa.
Dọc theo Đại Ninh qua các xã vùng Loang và mở rộng về hướng Di linh, người ta dễ nhận thấy lớp Trường thạch tròn nhẵn chỉ cách đất mặt chừng 1 mét, đó là những bằng chứng địa khối được nâng cao từ một dòng chảy cổ lâu đời.
Ai cũng từng biết những vụ lở núi kinh hoàng ở một vách Brah Yang- Di linh, ở Đạ Bình đầu đèo Bảo lộc,...những năm cuối thế kỷ vừa qua.
Những vết nứt đất mà báo chí đưa tin cũng chỉ là phần nhỏ so với những câu chuyện lan đi giữa các buôn làng.
Đất đang được nâng lên hay hạ xuống, dồn nén lại hay doãng ra là tùy nơi, tùy lúc vì những nguyên nhân gần xa đâu đó mà không dễ gì quan trắc được cho có hệ thống, ngọn ngành.
Có thể do các vận động không ngừng của lớp vỏ đất mỏng manh, nhưng có thể vì chính chúng ta đang chất tải hàng tỉ tấn nước, lên những đứt gãy ngay trong lòng các đập thủy điện, hoặc xây dựng những công trình thế kỷ khổng lồ trên các rễ núi chân đồi, bên rìa các khối nâng vốn bội phần phức tạp ?
Hãy chờ xem !

Dong nói...

Nghe anh DNS bàn thì chuyện gì cũng...ghê răng cả. Thế thì sống làm sao được anh ? Thôi chuyện Trời Đất thì để trời đất lo anh ạ.
Chỉ mong sao còn dịp nào đó lại được ngồi gõ mạn thuyền trên phá Tam giang với anh, rồi thì nứt hay sụt gì cũng...kệ nó.

Văn Công Hùng nói...

@ ĐNS:
---------
Nói toẹt ra là cùng sợ cái món nó mà nứt ngang Tân Rai hay Nhân Cơ một phát là... toi, hơ hơ...

Văn Công Hùng nói...

@ Dong:
--------
Tưởng Phá Tam Giang mà yên bình ư?

Đoàn nam Sinh nói...

Có gì đâu mà ghê Dong@ ? Thực tế còn ghê hơn vì không được phép tiết lộ mấy người đang nấp trong đống rơm. Ha ha !
VCH nói chuyện đụng chạm chủ trương lớn rồi. Nhưng không chạm cũng không được nữa rồi, ai biết chắc cốt lõi không bị nứt, đất sẽ không trụt thì giơ tay lên xem. Nếu có, ta sẽ tích cực tuyên dương và ra sức học để yên tâm với chủ trương Trời Đất, nhé nhé !
Phá Tam Giang thì yên lành được bao lâu, khi mà đi ngược cầu Tuần về A Lưới ngổn ngang. Thôi không còm nữa, nhớ đêm ở Phá với anh em, các cháu xinh đẹp và nhất là chị LTMỹ Dạ, ta vỗ khoang thuyền...