Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

MÙA THI ĐỀ THI

Điện thoại cho Trương Đức Minh Tứ để gạ "bán" một bài mới viết về Đông Hà thì mới biết y đang đưa con vào Đà Nẵng để thi đại học. Giật mình, thì ra ngày mai là kỳ thi đại học bắt đầu. Con mình qua cửa cả rồi, nhưng nhân con cái bạn bè mình đi thi, mình xin cung cấp cho các cháu (và cả phụ huynh các cháu) hai thông tin.
Một là, thời đi học, năm đầu tiên thi vào đại học  Tổng hợp HN, điểm văn của mỗ là... 1, dù 10 năm liên tục là học sinh giỏi văn, và nhiều năm liền đi thi học sinh giỏi các cấp. Hehe...
Hai là, tặng các thí sinh bài này làm bửu bối. Tất nhiên đây là bài viết đã mấy năm rồi, nhưng có lẽ vẫn... mới, dù nghe bẩu, năm nay sẽ đổi mới ra đề...
------------------------


 NÓI CHUYỆN VUI VỀ ĐỀ THI...

VĂN CÔNG HÙNG
        Nói chuyện vui thôi, chứ thi cử là chuyện nghiêm túc và hệ trọng, bàn lung tung lỡ các thầy mắng cho thì chết. Song may mắn, ngoài là một nhà thơ, nhà báo tôi cũng là một nhà giáo với thâm niên đủ để nhận huy chương vì sự nghiệp giáo dục, nên những điều tôi kể đây vừa là của việc thi, nhưng lại cũng là của bạn bè, của tôi.
        Thi cử thì việc hệ trọng đầu tiên là đề thi. Chả cứ tôi mà chính rất nhiều người trong ngành giáo dục cũng công nhận đề thi của chúng ta suốt một thời gian dài vừa qua ra rất buồn cười, thủ tiêu toàn bộ khả năng tư duy sáng tạo cũng như cảm xúc của học sinh. Tất nhiên ở đây tôi đang nói đến môn văn, còn các môn khác thấy các báo cũng từng cãi nhau nhiều lắm. Cái lối dạy văn chia bài thơ thành nhiều khúc để bình và luôn luôn để ý đi tìm chủ đề tư tưởng cũng như nội dung tố cáo để rồi sau đó là kết luận, hoặc giả chẻ hoe ra phân tích nhân vật đến cùng kiệt, khoác cho nhân vật những điều mà chính họ cũng chưa bao giờ nghe đến, rồi quy cho cả một nền văn học qua một vài nhân vật, một vài tác phẩm dẫn đến một thảm cảnh ra đề đầy bế tắc như thế này:
Mỗi năm cứ đến mùa thi
        "Vợ chồng A Phủ" thầm thì bảo nhau
        Năm ngoái bi kịch đến đâu?
        Năm nay không biết xoáy sâu chỗ nào
        Chí Phèo thất thểu phều phào
        Thị Nở xắn váy đi vào đi ra
        Vợ nhặt hớn hở hớn ha
        Năm nay dứt khoát đến ta vào đề...
        Một giảng viên đại học Huế khi nhìn thấy trong sổ tay tôi chép câu trên (còn khá dài và vui của một TS trẻ ), bĩu môi cười rồi cung cấp tiếp:
        " Vợ chồng A Phủ" sao mà tội
Cứ đến mùa thi nó lại hành
"Sông Đà" người lái lênh đênh mãi
"Nhật ký trong tù" ngủ chẳng an.
Quả là trong rất nhiều năm vừa qua, đề thi của chúng ta cứ loanh quanh luẩn quẩn như thế thật. Loanh quanh luẩn quẩn đến mức nhàm. Học trò cứ mô phỏng như thế mà học. Mà thực sự có thông minh cũng không dám giảng rồi bình trái những điều sách giáo khoa và bộ đề dạy. Điểm thi văn được chấm theo ba rem, mà văn chương lại là phạm trù của cảm xúc. Rất nhiều bài văn hay bị đánh trượt bởi nghịch lý này. Thế thì khi làm bài cứ theo sách giáo khoa mà giã, cứ cô hiểu thế nào trò hiểu như thế, cảm xúc cá nhân coi như triệt tiêu. Thế là 10 bài phân tích giảng bình giống nhau cả 10. Cách  dạy cứ thế và mãi mãi thế thì cách ra đề cũng chỉ đến thế mà thôi. Đây là bốn câu nữa của một thạc sĩ chuyên ra đề cung cấp cho tôi:
        "Nét chữ tử tù" phân vân mãi
"Vợ nhặt" lênh đênh phép giảng bình
"Từ ấy" đề thi mang ra chép
Năm nay chẳng biết lại ra gì?
Còn biết ra gì nữa ngoài những điều mà ai cũng đã biết kia. Song điều này mới thật nguy. Ấy là nếu ra đề khác đi thì học trò sẽ chịu, vì bao nhiêu năm ta dạy học trò như thế. Ông này "tính" ấy, ông kia "tính" nọ, bà này phẩm chất này, bà nọ đại diện cho tầng lớp kia, tác phẩm này tố cáo điều này, tác phẩm kia tố cáo điều kia... Phong kiến dứt khoát là thối nát, phụ nữ Việt Nam dứt khoát là ca ngợi... nhưng khi học trò nhao nhao thắc mắc là tại sao Thuý Kiều dám bán mình chuộc cha, dám chấp nhận làm lẽ làm đĩ dù mình đang thanh xuân hơ hớ như thế mà chị Dậu đã lũ lỹ con rồi lại quyết tâm giữ gìn trinh tiết đang tâm bán con để chuộc chồng thì cô giáo... lau mồ hôi trán. Cũng như thế: cô đang say sưa ca ngợi Tấm hiền thảo, Tấm dịu dàng đoan trang tiết hạnh vân vân thì học trò hỏi độp một câu: Thưa cô em chưa thấy ở đâu, chưa bao giờ có một người ác như Tấm. Đã giết Cám bằng một hành động rất là trung cổ, lại còn chặt thịt ra làm mắm... và đỉnh điểm của sự dã man là lừa cho mụ gì ghẻ ăn mắm ấy. Hổ dữ còn chẳng ăn thịt con nữa là?... Cô đành khất học trò để... xem lại giáo án?
Để cương quyết đổi mới, không chịu rập khuôn, năm nọ, sở giáo dục nọ ra một đề thi như sau: Bình luận câu thành ngữ Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Náo loạn cả lên. Rất nhiều em phân tích thành... Nhất Nghệ Tĩnh, nhất thành Vinh. Nghệ tĩnh nhất là vì có Bác Hồ, còn thành Vinh là thành phố trung tâm của Nghệ Tĩnh nên nó nhất luôn là lẽ đương nhiên! Học trò người dân tộc thiểu số còn nhiều cách bình luận vĩ đại hơn nữa mà vì giấy có hạn tôi không tiện chép ra đây. Nhưng hiểu câu nhất nghệ tinh nhất thân vinh thành nhất Nghệ Tĩnh nhất Thành Vinh chẳng lẽ lại... chưa vĩ đại và hoành tráng? Cũng còn có một năm nữa, học trò cấp một ở Gia Lai được nếm một đề thi như sau: Em hãy tả một chuyến đi tắm biển ở Quy Nhơn. Cha mẹ ơi, người lớn ở tây nguyên có người còn cả đời chưa nhìn thấy biển, huống gì bọn trẻ con lít nhít kia. Tất nhiên có thể tưởng tượng qua phim ảnh, qua lời kể của ông bà bố mẹ, nhưng đấy là kiểu tưởng tượng kỳ quái và bệnh hoạn, không giúp được gì cho tư duy trẻ con cả.
Còn rất nhiều điều buồn và buồn cười xung quanh việc ra đề thi văn từ phổ thông đến đại học mà mỗi khi ngồi với các nhà giáo tâm huyết họ thường hay thổ lộ như một nỗi khổ tâm. Cuộc cải cách giáo dục vĩ đại của chúng ta đang tiến dần về điểm khởi đầu sau hai mươi năm đưa các thế hệ học trò ra thử nghiệm. Đừng bao giờ nghĩ rằng đề thi là nhỏ. Nó sẽ mãi ám ảnh những tâm hồn trong trắng non nớt của các em, biến các em thành những rô bốt học văn...
                                                                V . C . H

6 nhận xét:

Dong nói...

"tại sao Thuý Kiều dám bán mình chuộc cha, dám chấp nhận làm lẽ làm đĩ dù mình đang thanh xuân hơ hớ như thế mà chị Dậu đã lũ lỹ con rồi lại quyết tâm giữ gìn trinh tiết đang tâm bán con để chuộc chồng thì cô giáo... lau mồ hôi trán".
Cô giáo phải bảo: Thúy Kiều 300 lạng nên bán, chị Dậu mấy đồng phải phân vân.
Nếu trả Thúy kiều như trả chị Dậu thì cô ấy "No, never", còn chị dậu có 300 lạng thì "Oh, yes!".

Van Dinh Hung nói...

Hồi năm 2003, hôm tôi mời nhà thơ Hoàng Cầm xuống nhà riêng ăn đặc sản Vân Đình:
Mười ba món thịt chó. Mẹ tôi là bếp trưởng tôi và vợ phụ bếp. Nhà thơ vốn dĩ
không thích ăn thịt chó, nhưng ham vui xuống ngồi xem bọn đàn em diễn RTC còn
ông ăn thịt gà và đậu phụ!
Hôm đó có nhiều nghệ nhân lắm (tức là những người làm văn nghệ và hành nghề chữ giống như chủ blog). Có thể kể nhanh: Nhà văn dịch giả Lê Bầu, nhà văn Hòa Vang, nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán... Ông anh họa sỹ Đặng Hữu Đức, bạn vong niên của tôi bất ngờ mang ra hai tờ báo Tuổi trẻ cười có bài viết của 1 giáo viên dạy văn ở một trường Đại học chuyên ngành Mỹ thuật ở Hà Nội. Và đương nhiên là chấm văn cho sinh viên thi khối V có Văn, toán và Vẽ. Bài in 2 số liên tiếp. Số trước đăng một số câu văn trích trong bài thi của sinh viên làm bài thi về bài thơ Bên kia sông Đuống của nhà thơ Hoàng Cầm. Nguyên văn thì tôi không nhớ chính xác, nhưng tinh thần của lời bình khi em học sinh bình câu: Chó ngộ một đàn/ lưỡi dài lê sắc máu thì em học sinh cho đấy là lũ chó dại và hạ một nhát là cần phải tiêu
diệt chúng vì bạn em cũng bị chết vì chó dại cắn! Nhà giáo khả kính giật tít của
bài báo là Những bài viết dựng tóc gáy.
Sang kỳ tiếp theo, chính nhà giáo khả kính này cũng hạ một nhát như dao chém
xuống... nước: Đọc những câu này, bên kia sông Đuống, ở thế giới bên kia, không
biết nhà thơ Hoàng Cầm sẽ nghĩ gì?

Họa sỹ Đặng Hữu Đức trình tờ báo làm vật chứng và cất tiếng cười khùng khục do
cố giữ mà không nín được tiếng cười. Nhà thơ Hoàng Cầm thì trầm ngâm không nói
gì. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau... Tôi tự hỏi rằng nhà giáo dạy văn ấy có tài
tiên tri trước sự việc xảy ra 7 năm sau chăng?

HS quê choa nói...

Thưa nhà thơ,nhà văn,nhà báo,nhà giáo,nhà blog Văn Công Hùng:Không ra đề thi như thế thì ra như thế nào? Xin kể câu chuyện sau, ở quê choa có một thầy văn ra đề rất mở: "cảm nghĩ của em về Nhật ký trong tù". Một vài hs quê choa viết là: Con người ta ai cũng có tâm tư nguyện vọng riêng cần phải dấu kín.Do đó thỉnh thoảng lại viết nhật kí rồi cất vào tủ, bí mật. Lâu dần trở thành cuốn nhật kí dày dặn.Cuốn nhật kí trong tủ như thế theo ta suốt đời. Trong chiến tranh nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc là những cuốn nhật kí trong tủ đặc biệt,được cả thế giới đọc.

Cho nên không ngạc nhiên khi nghe
Nhất Nghệ Tĩnh Nhấ Thành Vinh.

Văn Công Hùng nói...

@ Dong:
-----------
Có khi tớ cũng... lau mồ hôi luôn, huhu...

Văn Công Hùng nói...

Bác Vân Đình Hùng:
--------------
Bỏ qua việc thầy và trò "phát hiện" về Hoàng Cầm thì 13 món của bác quả là lộng lẫy. Dạo này em ít thời món ấy, nhưng nếu đích thực là Vân Đình, em vẫn sẽ liều chết xông vào...

Văn Công Hùng nói...

HS Quê choa:
-----------
Hehe, Nhật ký trong tủ, số 1 số 1, nhất học sinh quê choa, phát hiện này ngang tìm ra châu Mỹ...