Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ ĐẤT THĂNG LONG

Ngày quốc giỗ đã qua rồi, dù báo chí có lên tiếng về nạn chặt chém, rồi cả "thủ từ" oánh khách hành hương rồi vân vân thì vẫn thấy lòng dân Việt ta hướng về nguồn cội là rất đáng kính trọng. Trong mỗi trái tim, mỗi li ti huyết quản người Việt, vẫn rừng rực chảy, rừng rực nóng ý thức cội nguồn, ý thức dân tộc.
Post lại bài này, dẫu muộn, như một nén hương thắp vọng...


Đi và mới hiểu tại sao những điệu ca xứ này nó buồn làm vậy, và cũng mới cắt nghĩa được tại sao họ yêu cải lương đến cuồng nhiệt như thế. Một chiều mưa giăng mờ sông Tiền, cửa Hàm Luông mênh mang ngầu đỏ như sông Hồng nhưng lại không gào thét hung dữ như sông Hồng, mà ì oạp vỗ, miên man vỗ. Các bạn nhà văn nhà báo ở Long An, ở Mỹ Tho, ở Bến Tre... của tôi, và cả tôi nữa, thẫn thờ nhìn những dề lục bình dập dềnh trên sóng, nhìn những cây bần cây đước oãi mình ra, bấu gốc vào đất, những cuộc mở đất vĩ đại bắt đầu từ những chiếc rễ cây phi thường mà mỏng mảnh này đây
-----------------------------


          Cách đây hơn nửa thế kỷ, vị tướng, nhà thơ, nhà văn hoá Huỳnh Văn Nghệ có 2 câu thơ làm quặn thắt nhiều thế hệ, bao nhiêu giấy mực đã viết về nó và nó cứ mãi rưng rưng xanh cùng thời gian : Từ độ mang gươm đi mở cõi, trời nam thương nhớ đất Thăng Long. Nó hay và làm xúc động nhiều người bởi lẽ nó đã nói hộ nỗi lòng của họ, nỗi lòng đau đáu của những kẻ tha hương. Những cuộc tha hương đầy bi tráng đã để lại trong từng góc thẳm sâu nhất của từng con người những nỗi niềm thương nhớ cố hương mà bản chất con người vốn dĩ đã rất dồi dào, lại được cộng thêm vào bởi hương sắc đất Việt. Chả thế ư mà bất cứ xó xỉnh nào trên trái đất này ta đều dễ dàng tìm thấy những đặc sản Việt Nam như một chia sẻ nỗi nhớ nhà: cốm, phở, nước mắm cà cuống, áo dài, nón trắng... Nhà thơ Hương Đình kể với tôi rằng trong một chuyến đi Bỉ, anh giấu mang theo... một lọ tương ớt, và giữa những đêm tuyết Brucxen, xì xụp tô mì gói, có tí tương ớt, nỗi nhớ nhà như được rút gần lại, chưa bao giờ anh thấy hương vị Việt Nam lại dậy lên một cách nồng nàn đến như thế... Thì ra, từ trong thẳm sâu tâm hồn của mỗi con người đều thường trực tiềm ẩn một di căn hoài niệm, chỉ chờ có dịp là bùng lên, mà khắc khoải, mà thẫn thờ nhung nhớ...

         
Tôi đã có vài dịp được đi một số tỉnh miền tây. Đi và mới hiểu tại sao những điệu ca xứ này nó buồn làm vậy, và cũng mới cắt nghĩa được tại sao họ yêu cải lương đến cuồng nhiệt như thế. Một chiều mưa giăng mờ sông Tiền, cửa Hàm Luông mênh mang ngầu đỏ như sông Hồng nhưng lại không gào thét hung dữ như sông Hồng, mà ì oạp vỗ, miên man vỗ. Các bạn nhà văn nhà báo ở Long An, ở Mỹ Tho, ở Bến Tre... của tôi, và cả tôi nữa, thẫn thờ nhìn những dề lục bình dập dềnh trên sóng, nhìn những cây bần cây đước oãi mình ra, bấu gốc vào đất, những cuộc mở đất vĩ đại bắt đầu từ những chiếc rễ cây phi thường mà mỏng mảnh này đây. Từng tí một, tích tụ từng chút phù sa, lấn từng milimet sông biển, mà rồi ra cả những đồng bằng rộng lớn. Và trong khung cảnh ấy một điệu ca vọng cổ bật lên, như không thể khác, không thể thay thế. Âm thanh buồn ấy là đà trên mặt sông, lách vào từng khóm dừa nước, dằng dặc trong nỗi buồn thánh thiện của từng kiếp người. Tôi giơ tay hái một chùm lá bần lúc con đò chạy nghiêng vào những thảm bần ken dày bên bờ và bây giờ nó đang được ép trong sổ công tác của tôi như một chứng tích ngưỡng mộ. Người phương Nam hay uống rượu và thích ca vọng cổ là bởi cái đặc trưng "tiền phương" của họ. Chân đạp trên phù sa châu thổ, lưng tựa vào biển đông, trước mặt là cố hương, một cố hương huyền diệu và bí ẩn với bao kỷ niệm, được tích tụ bởi thời gian và những cuộc đời...
          Ấy biết vậy mà tôi vẫn hoàn toàn bất ngờ và rưng rưng xúc động khi vào thăm "Nam thiên nhất trụ" tại Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là phiên bản của ngôi chùa một cột nổi tiếng ở thủ đô được bà con Hà Nội đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam góp công của xây dựng. Để xây dựng ngôi chùa này, người ta đã đào một cái hồ trong khuôn viên một ngôi chùa khá lớn và đẹp, thả đầy sen và nuôi cá cảnh, rùa, ba ba... điều lý thú là tất cả các vật nuôi rất khôn và hiền này đều được ăn...đồ chay. Ngày 2 lần chúng được các vị sư trụ trì cho ăn một loại bánh tôi thấy gần giống bánh in. Ngôi chùa một cột này được làm y khuôn ngôi ở Hà Nội, kể cả diện tích và nội ngoại thất cũng như vật liệu xây dựng. Nó là nỗi lòng của những người con xa xứ ở tận trời nam nhớ về quốc tổ. Mái chùa tạc vào góc cạnh trời nam một đường cong mơ hồ thanh thoát, làm mềm đi cái không khí náo nhiệt ở thành phố năng động nhất nước này. Người vào đây như vào một cõi lạ, yên bình và thanh cao, nhàn tản mà minh triết, huyền tịch mơ hồ giữa ngan ngát các loại hương hoa. Ở đây, chùa một cột là hiện thân của quốc bảo, của lòng tự hào dân tộc được hun đúc bởi nỗi buồn trác tuyệt trời nam thương nhớ đất Thăng Long, và hơn thế là một tâm thức Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi. Điều đặc biệt là ngôi chùa này được xây dựng từ ngày miền nam chưa giải phóng, tức là nững người xây dựng bày tỏ công khai tấm lòng yêu Hà Nội, cũng như ước vọng thống nhất trước nhà cầm quyền cũ và dưới luật pháp của chế độ cũ. Ta như cảm nhận được một không khí đặc quánh chất Hà Nội ở nơi phương nam đầy nắng này. Những bông sen trắng, sen hồng bung nở lác đác giữa hồ, những lá sen mê hoặc hương cốm làm cho không gian ảo mờ hơn mà thời gian thì như trùng lại. Hương ngọc lan ngan ngát làm dịu đi cái oi bức đến độ ta cảm nhận được sắc thu hình như đang bảng lảng ở nơi quanh năm đầy nắng này. Hồi kỷ niệm 990 năm Thăng Long Hà Nội, nơi đây cũng là một tụ điểm để những ai không có điều kiện ra thủ đô, đến để bày tỏ tình cảm của mình. Và tin chắc dịp một nghìn năm Hà Nội nơi đây cũng sẽ là nơi để mọi người đến bái vọng. Đến đây để một lần nữa thấm cái hào khí bảng lảng Từ thuở mang gươm đi mở cõi... Tết này cũng vậy, không chỉ những người con gốc Hà Nội, mà hầu như tất cả mọi người không có điều kiện ra thủ đô và cả khách du lịch, đều đến đây để thoả nỗi nhớ cố hương, để tự trải mình ra trong cái không khí thanh khiết của mùa xuân, để tự cảm nhận một chút gì đấy, như là dư ba bốn nghìn năm giữa sáng mai này...
                                                                                      V.C.H


         

10 nhận xét:

bimbim nói...

Mỗi khi qua sông Tiền lại lặng ngắm những dề lục bình trôi khi nhanh khi chậm, trong mênh mang sông nước vẳng nghe khuc hát:"Bèo dạt mây trôi..chốn xa xôi..."

Nguyễn Minh Tuấn nói...

Lâu lắm mới lại được thưởng thức tản văn của bác. Lần này hơi ít...rượu, hì hì!

Văn Công Hùng nói...

@ Bimbim:
-----------
Ôi gời, bạn mần thơ rồi, và sông Tiền xứng đáng nhận điều tốt đẹp ấy...

Văn Công Hùng nói...

@ Nguyễn Minh Tuấn:
--------------
Chú tinh đấy, rượu nhiều quá, hại gan chú ạ.

Dong nói...

Bác viết hay, và đúng.

Văn Công Hùng nói...

@ Dong:
-------------
Sướng.

Đoàn nam Sinh nói...

Dù gì xa mặt trời cũng mát, thoát khỏi bóng mới hết vóng.
Thoáng hơn tí, không bí lối đến phải đánh vòng, lại không bị cái bảo tàng vô lối che mất khí thế.
..................................

Donh@, nghe chú định đánh võng sang TBGC rồi mới qui cố hương phải không ?

giang nói...

Bác VCH ơi,bác viết THƠ và TẢN văn nhiều rồi, em đọc của bác nhiều gồi,bây gờ đề nghị bác ziết TÁN zăn để em xem có gì lạ không,em thít của lạ mà.

Văn Công Hùng nói...

@ Giang:L
--------
Nếu thích của lạ thì nên đọc Sợi xích của Lê Kiều Như bạn ơi, hihi...

Giang nói...

Chuyện LKN có gì lạ đâu bác.Ý em là chuyện văn chương của bác,em vẫn đọc bác thường xuyên mà,giờ muốn thay đổi không khí một tý thôi...hề hề